Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 122/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LẠNG SƠN

Ngày 10 tháng 3 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống buôn lậu khu vực cửa khẩu Tân Thanh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Cùng đi và dự làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng thường trực các Ban chỉ đạo 138, 389 quốc gia, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Tổng cục cảnh sát và Tổng cục Hải quan.

Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; công tác phòng chống tội phạm; công tác cải cách hành chính năm 2014 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Năm 2014, Tỉnh đạt và vượt kế hoạch 19/21 chỉ tiêu; GRDP tăng 9,05%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2013; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,2 tỷ USD, tăng trên 35%. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định, từng bước cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo còn 14,9%, (giảm 3,1%). Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp, ngành quan tâm. Công tác đối ngoại được triển khai tích cực; tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sức cạnh tranh còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Năm 2014 với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của Tỉnh kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt khá, không để hình thành đường dây buôn lậu lớn, gây bức xúc trong dư luận, đã kiểm tra, xử lý gần 3.900 vụ, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa giá trị hơn 89,7 tỷ đồng. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong ngăn chặn, kiểm tra, vận động, xử lý được thực hiện đồng bộ có hiệu quả hơn, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn, phương thức thủ đoạn tinh vi hơn, có tính chất xuyên quốc gia.

Tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, các biện pháp nghiệp vụ với việc mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; đã triệt xóa được một số đường dây liên tỉnh, qua biên giới và nhiều tụ điểm bán lẻ, sử dụng ma túy. Năm 2014 tội phạm hình sự giảm 21,08%; nâng tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 92,2% (năm 2012 đạt 81,48%, năm 2013 đạt 86,4%, chỉ tiêu Quốc hội đề ra là trên 70%), với án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, thả đèn trời trái phép. Lạng Sơn là một trong 10 tỉnh giảm 20% số người chết vì tai nạn giao thông, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán không có người chết vì tai nạn giao thông.

Công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt đã triển khai cơ chế một cửa ở cấp tỉnh tại 18/20 cơ quan chuyên môn; ở cấp huyện gồm 11/11 huyện, thành phố; cấp xã tại toàn bộ 226 xã. Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 là 79.21%, xếp thứ 26/63 (tăng 23 bậc so với năm 2012). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2013 xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đặt ra cho năm 2015 và các năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015, phấn đấu hoàn thành, vượt kế hoạch 5 năm 2011-2015 và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

2. Tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó chú trọng kiện toàn nhân sự các cấp.

3. Kết hợp kinh tế với quốc phòng xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị hợp tác cùng phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh trên cơ sở lợi thế so sánh; lấy kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Phát huy lợi thế có cửa khẩu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại để việc luân chuyển, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc được thuận lợi.

4. Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ổn định dân cư, nhất là dân di cư tự do, tái định cư, dân cư biên giới. Tập trung công tác đào tạo nghề , giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Làm tốt công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch.

5. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 37/2012/QH13; số 63/2013/QH13 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm. Củng cố công tác xây dựng đảng, xóa thôn bản “trắng” đảng viên và chưa có chi bộ, phát triển đảng viên nữ và người dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng Công an nếu để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài. Tập trung rà soát, xác định đúng địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự để có kế hoạch đấu tranh, chuyển hóa phù hợp; kiên quyết đấu tranh không để hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

6. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa bàn trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Giải quyết việc làm để người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý, kỷ luật những cán bộ, công chức dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vụ việc gian lận thương mại, hàng giả.

7. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm thủ tục hành chính, giải quyết thông suốt, hướng đến phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với cửa khẩu Chi Ma (như Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn); thảm bê tông nhựa mặt đường quốc lộ 1A (đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Km66+600 - Km125 (Yến Lạc - Cửa khẩu Nà Nưa); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km100 - Km161 (Hữu Sản - Bản Chắt); thảm mặt đường đoạn Km33 - Km47 và Km58 - Km80 quốc lộ 4B (đi tỉnh Quảng Ninh); nâng cấp đoạn Km183 - Km229 Quốc lộ 279 (nối từ thị trấn Bình Giã đến tỉnh Bắc Kạn): Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

3. Về bố trí vốn dự án Hồ chứa nước Bản Lải: Tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8509/VPCP-KTN ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.

4. Về bố trí vốn để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án: Kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng tại thành phố Lạng Sơn (giai đoạn 2 và giai đoạn 3); kè bảo vệ sông Trung, sông Thương - huyện Hữu Lũng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật đầu tư công.

5. Về hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa; hạ tầng Khu chế xuất I (đầu tư theo hình thức PPP); đầu tư nâng cấp, mở rộng đường trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (từ Km0 - km24 Quốc lộ 1): Đây là những dự án tạo điều kiện phát triển tốt của Tỉnh, vùng, có cửa khẩu quốc tế trọng điểm; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật đầu tư công.

6. Về triển khai dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương (giai đoạn II): Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, như cam kết của Bộ.

7. Về bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán nợ và thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Giao thông vận tải, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Văn phòng Ban chỉ đạo 138, 389 quốc gia;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, NC, V.I, TCCV, HC;
- Lưu: VT, V.III (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 122/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 122/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/04/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản