Hệ thống pháp luật

CÁC VẤN ĐỀ VÀ MỐI QUAN TÂM LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TRIỂN KHAI HIỆP ĐỊNH

QUYẾT ĐỊNH

Hội nghị Bộ trưởng,

Dẫn chiếu Điều IV.1, IV.5 và IX của Hiệp định Marrakesh Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);

Lưu tâm về việc các quốc gia thành viên quan tâm đến sự tham gia ngày càng nhiều của các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại đa phương và về sự cần thiết bảo đảm rằng hệ thống đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu và lợi ích của tất cả các nước tham gia;

Quyết tâm thực hiện hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm tâm được các nước đang phát triển là thành viên nêu ra liên quan đến việc triển khai một số Hiệp định và Quyết định của WTO, bao gồm những khó khăn và hạn chế gặp phải trong quá trình thực hiện những nghĩa vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau;

Nhắc lại Quyết định ngày 3 tháng 5 năm 2000 của Đại Hội đồng về việc nhóm họp trong những phiên họp đặc biệt để giải quyết những vấn đề còn nổi cộm liên quan đến việc triển khai, và để giải quyết những khó khăn tồn tại, xác định phương hướng và cách thức cần thiết để giải quyết những khó khăn ấy, và đưa ra quyết sách thích hợp không muộn hơn thời điểm diễn ra Phiên họp thứ Tư của Hội nghị Bộ trưởng;

Ghi nhận các hành động do Đại Hội đồng tiến hành để thực hiện nhiệm vụ uỷ thác này tại các Phiên họp Đặc biệt diễn ra trong tháng 10 và 12 năm 2000 (WT/L/348), cũng như xem xét lại và thảo luận kỹ hơn tại các Phiên họp Đặc biệt diễn ra trong tháng 4, 7, và 10/2001, bao gồm việc chuyển các vấn đề khác đến các cơ quan liên quan của WTO hoặc những người đứng đầu các cơ quan này để xem xét kỹ hơn;

Cũng ghi nhận các báo cáo về các vấn đề đã được chuyển đến Đại Hội đồng từ các cơ quan chuyên môn trực thuộc và những người đứng đầu các cơ quan này và từ Tổng Giám đốc, và về các cuộc thảo luận cũng như các giải trình và các cách hiểu đã được đưa ra về các vấn đề liên quan đến việc triển khai trong các cuộc họp chuyên đề chính thức và không chính thức được tổ chức từ tháng 5/2000;

Quyết định như sau:

1.         Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994)

1.1       Tái khẳng định rằng Điều XVIII của Hiệp định GATT 1994 là một điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển và rằng việc viện dẫn điều khoản này sẽ ít rắc rối hơn việc viện dẫn Điều XII của Hiệp định GATT 1994.

1.2       Trong khi ghi nhận các vấn để được nêu ra trong báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban về Tiếp cận Thị trường (WT/GC/50) liên quan đến ý nghĩa của cụm từ "lợi ích quan trọng" được ghi trong đoạn 2(d) của Điều XIII của Hiệp định GATT 1994, Uỷ ban về Tiếp cận Thị trường đã được chỉ đạo xem xét kỹ hơn vấn đề này và đưa ra kiến nghị đối với Đại Hội đồng càng sớm càng tốt nhưng nhất thiết không được muộn hơn thời điểm cuối năm 2002.

2.         Hiệp định về Nông nghiệp

2.1       Thuyết phục các nước thành viên hạn chế đòi hỏi các biện pháp được các nước đang phát triển thông báo theo hộp xanh nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn và giải quyết các vấn đề an ninh lương thực một cách đầy đủ.

2.2       Ghi nhận báo cáo của Uỷ ban Nông nghiệp (G/AG/11) về việc thực hiện Quyết định về các Biện pháp liên quan đến những Tác động Tiêu cực Có thể của Chương trình Cải cách những nước Kém Phát triển Nhất và các nước Đang phát triển phải nhập khẩu lương thực, và thông qua các kiến nghị được nêu trong đó liên quan đến (i) trợ giúp lương thực (ii) hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong khuôn khổ các chương trình trợ giúp nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng; (iii) tài trợ ở cấp độ thông thường việc nhập khẩu thương mại những loại lương thực cơ bản; và (iv) xem xét công việc tiếp theo.

2.3       Ghi nhận báo cáo của Uỷ ban Nông nghiệp (G/AG/11) về việc thực hiện Điều 10.2 của Hiệp định về Nông nghiệp, và thông qua các kiến nghị và báo cáo về các yêu cầu được nêu trong đó.

2.4       Ghi nhận báo cáo của Uỷ ban Nông nghiệp (G/AG/11) về việc quản lý hạn nghạch thuế quan và việc các thành viên nộp phụ lục thông báo, và thông qua quyết định của Uỷ ban tiếp tục xem xét việc này.

3.         Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch

3.1       ở nước nào mà mức độ thích hợp bảo hộ vệ sinh và kiểm dịch cho phép phạm vi áp dụng theo giai đoạn các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch mới thì cụm từ “thời gian để tuân thủ kéo dài hơn” đã được đưa vào Điều 10.2 của Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch sẽ được hiểu một cách bình thường là một giai đoạn không ít hơn 6 tháng. ở nước nào mà mức độ thích hợp bảo hộ vệ sinh và kiểm dịch không cho phép phạm vi áp dụng theo giai đoạn một biện pháp mới nhưng những vấn đề cụ thể lại được một nước thành viên xác định rõ thì thành viên áp dụng biện pháp đó, theo yêu cầu, sẽ tiến hành tham vấn với nước đó nhằm tìm ra một giải pháp thoả đáng cho cả hai phía trong khi tiếp tục được hưởng sự bảo hộ ở mức độ thích hợp của nước thành viên nhập khẩu.

3.2       Về các điều kiện được nêu rõ trong đoạn 2 của Phụ lục B của Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch, cụm từ "khoảng thời gian hợp lý" có thể sẽ được hiểu một cách bình thường là một giai đoạn không ít hơn 6 tháng. Điều đó có nghĩa là khung thời gian áp dụng các biện pháp cụ thể cần phải được cân nhắc theo các trường hợp đặc biệt khi áp dụng biện pháp đó và các hành động cần thiết khác để thực thi. Thời hạn có hiệu lực của các biện pháp nhằm thực hiện tự do hoá thương mại không nên bị trì hoãn một cách không cần thiết.

3.3       Ghi nhận Quyết định của Uỷ ban về các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch (G/SPS/19) về tính tương đương, chỉ đạo Uỷ ban thúc đẩy nhanh chương trình cụ thể nhằm đẩy mạnh việc thực thi Điều 4 của Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch.

3.4       Theo điều khoản 12.7 của Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật, Uỷ ban về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật có nhiệm vụ rà soát hoạt động và việc thực hiện Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật ít nhất 4 năm một lần.

3.5       (i) Ghi nhận tất cả những hoạt động của Ngài Tổng giám đốc tính đến thời điểm này nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia ngày càng nhiều của các nước thành viên có mức độ phát triển khác nhau vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng như những nỗ lực của Ông trong việc phối hợp với các thể chế tài chính và các tổ chức khác xác định những yêu cầu trợ giúp kỹ thuật liên quan đến SPS và làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu đó một cách tốt nhất; và

            (ii) Thúc giục Ngài Tổng giám đốc tiếp tục nỗ lực hợp tác với các thể chế và tổ chức này với quan điểm dành ưu tiên cho sự tham gia hiệu quả của các nước kém phát triển và tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm mục đích này.

3.6       (i) Thúc giục các nước thành viên cung cấp sự trợ giúp tài chính và kỹ thuật tới mức tối đa có thể nhằm giúp các nước kém phát triển có khả năng đáp ứng bất kỳ biện pháp SPS nào mới đưa ra mà có thể tác động tiêu cực đến thương mại của nước đó; và

            (ii) Thúc giục các nước thành viên đảm bảo rằng sự trợ giúp kỹ thuật cho các nước kém phát triển với quan điểm nhằm giải quyết các khó khăn cụ thể họ gặp phải trong việc thực hiện Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật.

4.         Hiệp định về Hàng dệt may

Tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và trung thực Hiệp định về hàng dệt may, và nhất trí:

4.1       Các điều khoản của Hiệp định liên quan đến hội nhập sản phẩm sớm và loại bỏ những hạn chế số lượng phải được áp dụng một cách có hiệu lực.

4.2       Các nước thành viên sẽ cân nhắc cụ thể trước khi tiến hành điều tra trong bối cảnh các biện pháp bồi thường chống phá giá đối với hàng dệt may xuất khẩu của các nước đang phát triển trước đây theo những hạn chế số lượng quy định trong Hiệp định trong thời hạn hai năm sau khi Hiệp định này được thực hiện đầy đủ trong khuôn khổ WTO.

4.3       Không có gì thiệt hại đối với quyền và nghĩa vụ, các nước thành viên phải thông báo bất cứ thay đổi nào về quy tắc xuất xứ liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định cho Uỷ ban về Quy tắc xuất xứ. Uỷ ban này có thể quyết định xem xét những thay đổi đó.

            Yêu cầu Hội đồng Thương mại Hàng hoá xem xét các đề nghị sau:

4.4       Khi tính toán mức quota dành cho các nhà cung cấp nhỏ trong thời gian Hiệp định còn hiệu lực, các nước thành viên sẽ áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc hiện đang được áp dụng tại các nước thành viên theo điều khoản tiếp tục tăng trưởng từ khi bắt đầu giai đoạn thực hiện; áp dụng nguyên tắc tương tự đối với các nước kém phát triển và nếu có thể thì loại bỏ những hạn chế quota đối với nhập khẩu của các nước thành viên này;

           

4.5       Các nước thành viên sẽ tính toán mức quota cho thời gian Hiệp định còn hiệu lực có tính tới các nước thành viên bị hạn chế khác trong bối cảnh thực hiện điều khoản tiếp tục tăng trưởng cho giai đoạn 3 được áp dụng từ 1/1/2000;

            và khuyến nghị lên Đại Hội đồng vào ngày 31/7/2002 để có biện pháp thích hợp.

5.         Hiệp định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại

5.1       Khẳng định cách thức trợ giúp kỹ thuật mà Uỷ ban về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại áp dụng, phản ánh kết quả công việc rà soát 3 năm một lần trong lĩnh vực này và tiếp tục thực hiện công việc này.

5.2       Theo những điều khoản quy định trong điều 2, chương 12 của Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, thuật ngữ “khoảng cách hợp lý” được hiểu là một khoảng thời gian không dưới 6 tháng, ngoại trừ khi thuật ngữ này không còn hiệu lực trong việc thực hiện các mục tiêu chính đáng.

5.3       (i) Ghi nhận tất cả những hoạt động của Ngài Tổng giám đốc tính đến thời điểm này nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia ngày càng nhiều của các nước thành viên có mức độ phát triển khác nhau vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng như những nỗ lực của Ông trong việc phối hợp với các thể chế tài chính và các tổ chức khác xác định những yêu cầu trợ giúp kỹ thuật liên quan đến TBT và làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu đó một cách tốt nhất; và

(ii) Thúc giục Ngài Tổng giám đốc tiếp tục nỗ lực hợp tác với các thể chế và tổ chức này với quan điểm dành ưu tiên cho sự tham gia hiệu quả của các nước kém phát triển và tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm mục đích này.

5.4       (i) Thúc giục các nước thành viên cung cấp sự trợ giúp tài chính và kỹ thuật tới mức tối đa có thể nhằm giúp các nước kém phát triển có khả năng đáp ứng bất kỳ biện pháp TBT nào mới đưa ra mà có thể tác động tiêu cực đến thương mại của nước đó; và

            (ii) Thúc giục các nước thành viên đảm bảo rằng sự trợ giúp kỹ thuật cho các nước kém phát triển với quan điểm nhằm giải quyết các khó khăn cụ thể họ gặp phải trong việc thực hiện Hiệp định về các Hàng rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

6.         Hiệp định về Các biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại

6.1       Ghi nhận những hoạt động của Hội đồng Thương mại Hàng hoá đáp ứng yêu cầu của một số nước thành viên là những nước đang phát triển trong giai đoạn quá độ 5 năm theo điều khoản 5.2 của Hiệp định về các biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại

6.2       Thúc giục Hội đồng Thương mại Hàng hoá xem xét một cách tích cực những yêu cầu có thể được các nước kém phát triển đưa ra theo điều khoản 5.3 của Hiệp định về các biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại hoặc theo điều khoản IX.3 của Hiệp định WTO cũng như có cân nhắc đến hoàn cảnh cụ thể của các nước kém phát triển khi xây dựng các thuật ngữ và điều kiện bao gồm cả khuôn khổ thời gian.

7.         Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT)

7.1       Thoả thuận rằng cơ quan điều tra sẽ xem xét hết sức cẩn thận bất kỳ đơn yêu cầu điều tra về việc chống bán phá giá nào khi một cuộc điều tra cùng một loại sản phẩm của cùng một thành viên đã đưa đến một phán quyết ngược lại trong vòng 365 ngày trước khi đệ trình đơn và cuộc điều tra sẽ chấm dứt nếu cuộc điều tra ban đầu không chỉ ra được rằng tình huống đã thay đổi.

7.2       Thừa nhận rằng, mặc dù Điều 15 của Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT) là một quy định mang tính bắt buộc nhưng việc làm rõ điều khoản này sẽ có lợi cho các cách thức áp dụng điều khoản. Do vậy, Uỷ ban về thực hành chống phá giá được chỉ đạo, thông qua nhóm công tác của Uỷ ban về việc thực thi điều khoản này, xem xét vấn đề này và đề xuất các khuyến nghị trong vòng 12 tháng về cách thức để áp dụng được điều khoản này.

7.3       Ghi nhận rằng Điều 5.8 của Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT) không nêu rõ khung thời gian được áp dụng để xác định khối lượng hàng nhập khẩu được bán phá giá và việc thiếu tính riêng biệt này đã tạo nên sự không chắc chắn trong việc thực thi điều khoản này. Uỷ ban về thực hành chống bán phá giá được chỉ đạo, thông qua nhóm công tác của Uỷ ban về việc thực thi điều khoản trên, nghiên cứu vấn đề này và đề xuất các khuyến nghị trong vòng 12 tháng nhằm đảm bảo khả năng dự đoán tối đa có thể được và tính khách quan trong việc áp dụng các khung thời gian.

7.4       Ghi nhận rằng Điều 18.6 của Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT) yêu cầu Uỷ ban về thực hành chống bán phá giá hàng năm phải rà soát lại việc thực thi và hiệu quả trong đó có tính đến cả mục tiêu của Hiệp định này. Uỷ ban về thực hành chống bán phá giá được chỉ đạo phải vạch ra đường lối nhằm nâng cao công tác rà soát hàng năm và báo cáo quan điểm và đề xuất của Uỷ ban lên Đại Hội đồng về quyết định tiếp theo trong vòng 12 tháng.

8.         Hiệp định về thực hiện Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT)

8.1       Ghi nhận những hành động do Uỷ ban định giá hải quan thực hiện về những yêu cầu do thành viên là các nước đang phát triển gửi tới để gia hạn thời gian quá độ 5 năm được quy định trong Điều 20.1 của Hiệp định về việc thực hiện Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (GATT).

8.2       Đề nghị Hội đồng Thương mại Hàng hoá xem xét một cách tích cực những yêu cầu có thể được các thành viên là những nước kém phát triển nhất đưa ra theo khoản 1 và khoản 2 của Phụ lục III của Hiệp định tính trị giá hải quan hoặc theo Điều IX.3 của Hiệp định WTO, cũng như là xem xét các trường hợp cụ thể của những nước kém phát triển nhất khi đưa ra các điều khoản và điều kiện trong khung thời gian.

8.3       Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa cơ quan hải quan của các thành viên trong việc ngăn chặn gian lận hải quan. Về mặt này đã có sự nhất trí rằng ngoài Quyết định của Bộ trưởng năm 1994 về những trường hợp mà cơ quan hải quan có các lý do nghi ngờ sự thật hoặc tính chính xác của giá trị khai báo, khi cơ quan hải quan của một nước nhập khẩu có cơ cở hợp lý để nghi ngờ sự thật hoặc tính chính xác của giá trị đã kê khai thì họ có thể đề nghị cơ quan hải quan của nước xuất khẩu hỗ trợ việc xác định giá trị của hàng hoá liên quan. Với những trường hợp như vậy, nước xuất khẩu sẽ phải hợp tác và giúp đỡ, theo các thủ tục và pháp luật của nước mình, trong đó có cả việc cung cấp các thông tin về giá trị xuất khẩu của hàng hoá liên quan. Bất kể thông tin nào được cung cấp trong trường hợp này sẽ được nghiên cứu kỹ theo Điều 10 của Hiệp định tính trị giá hải quan. Hơn thế nữa, nhận thức được những băn khoăn chính đáng của cơ quan hải quan ở một số nước nhập khẩu về tính chính xác của giá trị kê khai, Uỷ ban phụ trách vấn đề tính trị giá hải quan được chỉ đạo là phải xác định và đánh giá phương pháp thực tiễn giải quyết băn khoăn đó, trong đó gồm có sự trao đổi thông tin về giá trị xuất khẩu và báo cáo lên Đại Hội đồng muộn nhất vào cuối năm 2002.

9.         Hiệp định về Quy tắc xuất xứ

9.1       Ghi nhận bản báo cáo của Uỷ ban về Quy tắc xuất xứ (G/RO/48) về tiến triển của chương trình thực hiện hài hoà Quy tắc xuất xứ, và thúc đẩy Uỷ ban hoàn thiện công việc của mình vào cuối năm 2001.

9.2       Thoả thuận rằng bất kể thoả thuận tạm thời nào về Quy tắc xuất xứ do các thành viên thực hiện trong thời gian quá độ trước khi kết quả của chương trình hài hoà Quy tắc xuất xứ có hiệu lực sẽ phải phù hợp với Hiệp định về Quy tắc xuất xứ, đặc biệt là Điều 2 và Điều 5 của Hiệp định này. Những thoả thuận như vậy có thể được Uỷ ban về Quy tắc xuất xứ xem xét mà không gây ảnh hưởng gì đến quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên.

10.       Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng

10.1     Thoả thuận rằng Phụ lục VII (b) của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng trong đó có liệt kê những thành viên cho đến khi GNP bình quân đầu người của họ là 1.000USD trong 3 năm liền theo trị giá đô la tại thời điểm năm 1990. Quyết định này có hiệu lực khi Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng chấp nhận một phương pháp thích hợp để tính trị giá đô la năm 1990. Tuy nhiên, nếu Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng không đạt được sự đồng thuận về một phương pháp thích hợp vào 1/1/2003 thì phương pháp do Chủ tịch Uỷ ban đề xuất nêu lên trong G/SCM/38, Phụ lục 2 sẽ được áp dụng. Một thành viên sẽ không bỏ Phụ lục VII (b) miễn là GNP bình quân đầu người của thành viên đó theo đồng đô la hiện hành vẫn chưa đạt mức 1000USD theo số liệu mới nhất của Ngân hàng thế giới.

10.2     Ghi nhận đề xuất nghiên cứu các biện pháp do các nước đang phát triển thực hiện nhằm đạt các mục tiêu phát triển hợp lý như tăng trưởng trong khu vực, tài trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, triển khai và thực hiện những phương thức sản xuất có lợi cho môi trường như là những trợ cấp không thể đối kháng, và thoả thuận rằng vấn đề này cần được giải quyết phù hợp với khoản 13 dưới đây. Trong tiến trình đàm phán, các thành viên được khuyến cáo phải xem xét cẩn thận khi không thừa nhận những biện pháp nói trên.

10.3     Thoả thuận rằng Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng sẽ tiếp tục xem xét các điều khoản của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng liên quan tới những cuộc điều tra về thuế đối kháng và báo cáo lên Đại Hội đồng vào 31/7/2002.

10.4     Nhất trí rằng nếu một thành viên đã được đưa ra khỏi danh sách ở khoản (b) của Phụ lục VII Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng, nước đó sẽ được đưa trở lại vào danh sách đó khi GNP theo đầu người xuống dưới mức 1.000 US$.

10.5     Tuỳ theo các Điều 27.5 và 27.6, xác nhận lại rằng các nước kém phát triển được miễn khỏi quy định về cấm trợ cấp xuất khẩu nêu trong Điều 3.1(a) của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng, và do vậy có thể linh hoạt trong việc trợ cấp cho các nhà xuất khẩu của mình, phù hợp với nhu cầu phát triển của các nước đó. Thời hạn 8 năm tại Điều 27.5 mà một nước thành viên kém phát triển phải loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm có tính cạnh tranh xuất khẩu được hiểu là bắt đầu từ ngày xuất hiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu theo nghĩa giải thích tại Điều 27.6.

10.6     Căn cứ vào tình hình cụ thể của các nước thành viên đang phát triển, Uỷ ban về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng được chỉ thị kéo dài thời gian quá độ theo Điều 27.4 của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng đối với một số trợ cấp xuất khẩu của các nước thành viên đang phát triển theo những thủ tục nêu tại tài liệu G/SCM/W/471/Rev.1. Ngoài ra, khi xem xét yêu cầu gia hạn thời gian quá độ theo Điều 27.4 của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng, và để tránh việc các thành viên có trình độ phát triển tương tự và có tốc độ tăng trưởng thị phần tương tự bị phân biệt đối xử trong việc gia hạn những chương trình có cùng bản chất và thời gian, Uỷ ban về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng cần gia hạn thời gian quá độ cho các nước đang phát triển đó sau khi đã tính đến tính cạnh tranh tương đối so với các nước thành viên đang phát triển khác cũng có yêu cầu gia hạn thời gian quá độ theo những thủ tục nêu tại tài liệu G/SCM/W/471/Rev.1.

11.       Hiệp định về Các khía cạnh của Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (TRIPS)

11.1     Hội đồng TRIPs tiếp tục xem xét phạm vi và thể thức của các khiếu nại của các dạng nêu tại các mục 1(b) và 1(c) của Điều XXIII của GATT 1994 và nêu khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ năm. Nhất trí rằng trong thời gian đó, các nước thành viên sẽ không đưa ra thêm các khiếu nại như vậy trong Hiệp định TRIPs.

11.2     Tái khẳng định rằng các quy định tại Điều 66.2 của Hiệp định TRIPs là bắt buộc, và Hội đồng TRIPs sẽ thiết lập một cơ chế để giám sát và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ còn đang gây tranh cãi. Về mặt này, trước cuối năm 2002 các nước thành viên phát triển sẽ đệ trình báo cáo chi tiết về việc thực hiện trong thực tế các khuyến khích cho các xí nghiệp của mình chuyển giao công nghệ theo các cam kết tại Điều 66.2. Các báo cáo này sẽ được Hội đồng TRIPs rà soát và thông tin sẽ được cập nhật hằng năm cho các nước thành viên.

12.       Các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

12.1     Uỷ ban về Thương mại và Phát triển được chỉ thị:

 (i)        xác định các đối xử đặc biệt và khác biệt đã mang tính bắt buộc và các đối xử không mang tính bắt buộc, xem xét ý nghĩa pháp lý và thực tế đối với các nước thành viên phát triển và đang phát triển trong việc chuyển các biện pháp đối xử đặc biệt và khác biệt thành các quy định bắt buộc; xác định các biện pháp mà các nước thành viên cho là cần phải mang tính bắt buộc và báo cáo kèm theo khuyến nghị rõ ràng lên Đại Hội đồng quyết định trước tháng 7/2002.

 (ii)       xem xét các cách thức bổ sung để các biện pháp đối xử đặc biệt và khác biệt có tính hiệu quả hơn, xem xét các cách thức, kể cả các dòng thông tin mà các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, có thể được hỗ trợ để tận dụng các quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt, và báo cáo kèm theo khuyến nghị rõ ràng lên Đại Hội đồng quyết định trước tháng 7/2002.

 (iii)      xem xét để có thể đưa các đối xử đặc biệt và khác biệt có thể đưa vào nội dung các văn kiện của WTO, có tính đến chương trình công tác đã thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ tư.

            Trong lĩnh vực này, Uỷ ban về Thương mại và Phát triển sẽ lưu ý đầy đủ đến những công việc đã thực hiện như nêu trong WT/COMTD/W/77/Rev.1. Điều này cũng không ảnh hưởng đến việc thực hiện các hiệp định WTO tại Đại Hội đồng và các Hội đồng và Uỷ ban khác.

12.2     Tái khẳng định rằng ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Quyết định của các Bên ký kết ngày 28/11/1979 ("Điều khoản Cho phép") sẽ được phổ cập, không phải mang tính có đi có lại và không phân biệt đối xử.

13.       Các vấn đề thực hiện còn tồn đọng

Nhất trí rằng các vấn đề thực hiện còn tồn đọng sẽ được xử lý theo khoản 12 của Tuyên bố Bộ trưởng (WT/MIN(01)/DEC/-).

14.       Điều khoản cuối cùng

Yêu cầu Tổng Giám đốc, phù hợp với các khoản 38 và 43 của Tuyên bố Bộ trưởng (WT/MIN(01)/DEC/-), đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật của WTO tập trung, trên cơ sở ưu tiên, vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các nghĩa vụ hiện nay của WTO cũng như tăng cường năng lực của các nước này để tham gia có hiệu quả hơn vào các vòng đàm phán thương mại đa phương trong tương lai. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thư ký WTO sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức quốc tế và khu vực để tăng hiệu quả và nguồn lực và tránh trùng lặp các chương trình.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định số 218/WTO/VB về các vấn đề và mối quan tâm đến việc triển khai hiệp định, quyết định

  • Số hiệu: 218/WTO/VB
  • Loại văn bản: WTO_Văn bản
  • Ngày ban hành: 15/11/2001
  • Nơi ban hành: WTO
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản