Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 849/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 22 tháng 11 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT CHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2024 - 2027”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Kết luận số 90-KL/TU ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tại Tờ trình số 135/TTr-SVHTT ngày 30 tháng 9 năm 2024 và Công văn số 2665/SVHTT-QLDSVH ngày 30 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024 - 2027” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT CHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2024 -2027
(Ban hành kèm theo Quyết định số ......./QĐ-UBND ngày .... tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Phần I
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang sở hữu 3 di sản được UNESCO ghi danh, gồm Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng. Trong tổng số 393 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, đã có 07 di sản được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội Hoa Lư, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Nghệ thuật Hát Xẩm, Lễ hội làng Bình Hải, Mo Mường ở Ninh Bình, Nghề thêu ren Ninh Hải, nghề Cói Kim Sơn và 03 di sản đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, lễ hội đền Thánh Nguyễn và Nghệ thuật Chèo.
Nghệ thuật Chèo truyền thống là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ra đời và gắn liền với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Nghệ thuật hát Chèo xuất hiện ở Ninh Bình từ rất sớm và phát triển rực rỡ ở thế kỷ X gắn với tên tuổi của Ưu Bà Phạm Thị Trân, người được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức và giao nhiệm vụ dạy cho cung nữ và quân lính múa hát. Ưu Bà Phạm Thị Trân được hậu thế suy tôn là Tổ nghề Chèo, được nhân dân lập đền thờ phụng tại Ninh Bình.
Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo truyền thống. Nghệ thuật Chèo Ninh Bình vừa mang đặc điểm chung của nghệ thuật Chèo đồng bằng Bắc Bộ, vừa có nét riêng của chiếng Chèo Nam, còn bảo lưu, thực hành nhiều làn điệu truyền thống với nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thức sâu sắc về giá trị của nghệ thuật Chèo trong hệ thống di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm và xuyên suốt để bảo tồn, phát huy, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân tạo nên bản sắc, dấu ấn của địa phương. Nghệ thuật Chèo truyền thống đang được bảo tồn, phát huy tích cực ở tỉnh Ninh Bình với 115 Câu lạc bộ hát chèo ở cơ sở đang hoạt động thường xuyên, đóng góp quan trọng cho quá trình lập hồ sơ của Việt Nam đệ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới; đồng thời, thực hiện cam kết và nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh nghệ thuật Chèo là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Ninh Bình nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cần có những giải pháp, cam kết về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo lộ trình cụ thể. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Đề án: “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024 - 2027”.
II. CƠ SỞ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Chủ trương, đường lối của Đảng
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản về phát triển văn hóa:
+ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
+ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
+ Kết luận số 90-KL/TU ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
+ Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025.
+ Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
2. Cơ sở pháp lý
- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung của một số điều của Luật Di sản văn hóa.
- Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
- Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Phần II
MỤC TIÊU, PHẠM VI VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
- Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024 - 2027” với mục đích tôn vinh và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh, với vai trò, vị thế là cái nôi của nghệ thuật Chèo, nơi phát tích nghệ thuật Chèo, là đất tổ của sân khấu Chèo. Đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương của cộng đồng dân tộc.
- Khẳng định và khuyến khích sự sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu, nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống trong di sản văn hóa nghệ thuật Chèo.
- Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án, làm cơ sở xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời, minh chứng được tỉnh Ninh Bình đã từng bước có những hành động cụ thể trong việc chung tay cùng với cả nước bảo vệ di sản theo cam kết trong hồ sơ đệ trình theo đúng lộ trình. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Chèo, trao truyền cho thế hệ trẻ và phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống đương đại, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Mục tiêu cụ thể
- Nghiên cứu đánh giá thực trạng nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - với tư cách là một di sản văn hóa cần được ưu tiên bảo vệ.
- Phối hợp với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và các bộ, ngành liên quan xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Tổ chức khôi phục, truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh.
- Phát huy nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại để nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
II. PHẠM VI
Đề án :“Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024-2027” được tiến hành trong phạm vi tất cả xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, bao gồm toàn bộ không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, có sự liên kết với một số tỉnh/thành phố khu vực châu thổ sông Hồng.
III. YÊU CẦU
Việc thực hiện Đề án:“Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024 - 2027” cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đề án phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể về nghệ thuật Chèo, giúp cho cộng đồng và chủ thể văn hóa hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa.
- Đề án kiểm kê, ghi chép lại nhiều tư liệu quý về lịch sử, dân cư, tâm lý xã hội, kinh tế, văn hóa của nghệ thuật Chèo thuộc phạm vi Đề án, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Bình nhằm khai thác và phát huy các giá trị di sản, trong đó có nghệ thuật hát Chèo.
- Đề án khi thực hiện các nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hóa cần phải kế thừa tư liệu của các nhiệm vụ trước đó, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng. Đồng thời, tạo sự đồng thuận của người dân và chính quyền các cấp trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Phần III
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
I. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
1. Nhiệm vụ chung
- Thực hiện công tác kiểm kê, hệ thống hóa, số hóa, đánh giá các giá trị nghệ thuật, văn hóa của nghệ thuật Chèo trên phạm vi toàn tỉnh theo tiêu chí của UNESCO.
- Thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
2. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Kiểm kê, hệ thống hóa, đánh giá nghệ thuật Chèo trên phạm vi toàn tỉnh theo tiêu chí của UNESCO
- Kiểm kê nghệ thuật Chèo theo tiêu chí của UNESCO.
- Hệ thống hóa và đánh giá thực trạng của di sản nghệ thuật Chèo.
2.2. Bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại
- Truyền dạy lề lối của nghệ thuật Chèo cổ trong cộng đồng.
- Tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Chèo cấp huyện, cấp tỉnh; tham gia Liên hoan nghệ thuật Chèo khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.
- Dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật Chèo phù hợp để biểu diễn trong các sự kiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức dạy hát Chèo và xây dựng chuyên mục phổ biến, quảng bá các làn điệu Chèo trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh.
2.3. Số hóa dữ liệu về nghệ thuật Chèo, bước đầu làm tiền đề cho việc khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
2.4. Xây dựng, biên soạn, xuất bản và phát hành các tài liệu, ấn phẩm về di sản nghệ thuật Chèo ở Ninh Bình
- Biên tập, xây dựng 02 bộ phim tư liệu quảng bá về di sản nghệ thuật
Chèo ở Ninh Bình:
+ Nghệ thuật Chèo trong đời sống cộng đồng.
+ Nghệ thuật Chèo - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Việt ở Ninh Bình.
- Xuất bản ấn phẩm để tuyên truyền, phổ biến nghệ thuật Chèo:
+ Biên tập, xuất bản 01 tập sách ảnh về nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình.
+ Biên tập, xuất bản tờ rơi quảng bá về nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình (in 20.000 bản).
2.5. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích thờ cúng bà tổ nghệ thuật Chèo Việt Nam, tổ nghề sân khấu Việt Nam
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Đề án được triển khai thực hiện trong 4 năm (2024 - 2027) với cách thức tổ chức và thời gian thực hiện như sau:
STT | Nội dung nhiệm vụ | Thời gian |
1 | Ban hành Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án | Quý IV/2024 |
2 | Kiểm kê, hệ thống hóa, đánh giá nghệ thuật Chèo trên phạm vi toàn tỉnh theo tiêu chí của UNESCO | Năm 2025 |
2.1 | Kiểm kê nghệ thuật Chèo theo tiêu chí của UNESCO | Quý I-III/2025 |
2.2 | Hệ thống hóa và đánh giá thực trạng của di sản nghệ thuật Chèo | Quý IV/2025 |
3 | Phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại | Năm 2025 - 2027 |
3.1 | Truyền dạy lề lối của nghệ thuật Chèo cổ trong cộng đồng - Tổ chức các lớp truyền dạy lề lối của nghệ thuật Chèo cổ trong cộng đồng tại các huyện, thành phố; - Tổ chức dạy hát Chèo và xây dựng chuyên mục phổ biến, quảng bá các làn điệu Chèo trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh. | Năm 2025-2027 |
3.2 | Tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Chèo cấp huyện, cấp tỉnh; tham gia Liên hoan nghệ thuật Chèo khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc | Năm 2025-2027 |
3.3 | Số hóa dữ liệu về nghệ thuật Chèo, làm tiền đề cho việc khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. | Năm 2026 |
3.4 | Xây dựng hệ thống phim tư liệu, quảng bá về di sản nghệ thuật Chèo + Nghệ thuật Chèo trong đời sống cộng đồng + Nghệ thuật Chèo - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Việt ở Ninh Bình | Năm 2026 - 2027 |
3.5 | Xuất bản ấn phẩm để tuyên truyền phổ biến nghệ thuật Chèo + Sách ảnh về nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình: 01 cuốn (in 500 cuốn) + Tờ rơi quảng bá về nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình: 01 tờ (in 20.000 bản) | Năm 2026 |
3.6 | Nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích thờ cúng bà tổ nghệ thuật Chèo Việt Nam, tổ nghề sân khấu Việt Nam tại Ninh Bình | Năm 2026 |
3.7 | Dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật Chèo phù hợp để biểu diễn trong các sự kiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. | Năm 2026-2027 |
4 | Báo cáo tổng kết và tổ chức công bố sản phẩm của Đề án | Năm 2027 |
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. THỜI GIAN
- Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2027.
- Báo cáo tổng kết và tổ chức công bố sản phẩm của Đề án vào năm 2027.
II. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan; nguồn huy động tài trợ của các tổ chức, cá nhân; các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Khái toán kinh phí: 9.000.000.000 VNĐ (Chín tỷ đồng chẵn).
Thời gian | Kinh phí khái toán | Ghi chú |
Năm 2025 | 2.808.633.000 | Kinh phí thực hiện có thể điều chỉnh theo nhiệm vụ, thời gian cụ thể để phù hợp với yêu cầu của Đề án |
Năm 2026 | 4.413.371.000 | |
Năm 2027 | 1.777.996.000 | |
Tổng giai đoạn (2024-2027) | 9.000.000.000 |
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
1.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo, coi đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách, góp phần bảo vệ di sản văn hóa quý giá của dân tộc, địa phương, đồng thời phát huy tiềm năng của di sản gắn với phát triển du lịch.
1.2. Đổi mới phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân, tạo sự vào cuộc đồng bộ trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo.
2. Về xây dựng nguồn nhân lực
2.1. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức các hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.
2.2. Tăng cường đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận, lực lượng nòng cốt của các câu lạc bộ ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã.
2.3. Kết hợp với các Viện nghiên cứu về văn hóa, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để phối hợp thực hiện, nâng cao trình độ quản lý di sản cho cán bộ văn hóa cơ sở.
3. Về xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách
3.1. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
3.2. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để tạo sự đột phá trong khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình. Chú trọng cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, cộng đồng khi đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực truyền dạy, về nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Chèo.
4. Huy động các nguồn lực
4.1. Khai thác có hiệu quả nguồn hỗ trợ của trung ương từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn của nhà nước cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
4.2. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia đóng góp công sức, cơ sở vật chất cho hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ, sáng tạo, lưu truyền, phổ biến nghệ thuật Chèo tại Ninh Bình.
4.3. Tăng cường nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập trong hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo.
4.4. Đẩy mạnh việc khai thác các nguồn tài chính thông qua các quỹ, các thỏa thuận tài trợ, hiến tặng hoặc đồng hợp tác trong bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại.
5. Tăng cường phối hợp giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp
5.1. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương; khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng chủ nhân nghệ thuật Chèo tỉnh Ninh Bình với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo.
5.2. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các đơn vị nghệ thuật, cộng đồng chủ nhân di sản với các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu để thực hiện nghiên cứu, đào tạo nhân lực khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo. Khuyến khích các sáng kiến hợp tác về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản nghệ thuật Chèo.
5.3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài đến nghiên cứu Ninh Bình, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Chèo đến với bạn bè trong nước, quốc tế; xây dựng nghệ thuật Chèo thành sản phẩm du lịch, văn hóa của tỉnh.
5.4. Chủ động đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, đối ngoại lớn mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội tăng cường giao lưu, quảng bá nghệ thuật Chèo.
6. Tăng cường công tác quảng bá và tuyên truyền, lồng ghép việc bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Chèo gắn với xúc tiến du lịch
6.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Chèo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan, hội diễn, hoạt động trong và ngoài tỉnh bằng các xuất bản phẩm như sách, tờ gấp, băng đĩa tiếng, băng đĩa hình… giới thiệu về nghệ thuật Chèo.
6.2. Phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa nghệ thuật Chèo tại các khu, điểm du lịch.
6.3. Xây dựng nội dung sinh hoạt nghệ thuật Chèo tại cộng đồng gắn với các khu du lịch.
6.4. Tìm kiếm các cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, xúc tiến quảng bá di sản nghệ thuật Chèo, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, kinh nghiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ trì tham mưu chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Đề án theo nội dung đã được phê duyệt;
- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở trung ương, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định; báo cáo tổng kết sau khi kết thúc Đề án.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan huy động các nguồn lực tổ chức thực hiện Đề án.
2. Sở Tài chính
Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan, trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
4. Sở Du lịch
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lồng ghép nội dung giới thiệu về nghệ thuật Chèo trong các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Ninh Bình.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao và cơ quan, đơn vị liên quan tích hợp dữ liệu về nghệ thuật Chèo vào cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao triển khai, tuyên truyền, từng bước đưa việc truyền dạy nghệ thuật Chèo đến các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
7. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình
- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung có liên quan trong Đề án; tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền giúp nhân dân trong tỉnh có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chuyên mục dạy hát Chèo và xây dựng chuyên mục phổ biến, quảng bá các làn điệu chèo trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh.
8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các nội dung có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Đề án có trách nhiệm thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao trong quá trình triển khai Đề án.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) trước ngày 30 tháng 10.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) xem xét, giải quyết./.
- 1Nghị quyết 03-NQ/TW năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Kết luận 76-KL/TW năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Quyết định 849/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2024-2027”
- Số hiệu: 849/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/11/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra