Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2004/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 29 tháng 07 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN DÂN TỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ: Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý Nhà nước về công tác Dân tộc ở địa phương.

Căn cứ kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 04/5/2004 về chủ trương tách Ban Dân tộc và Tôn giáo thành 02 Ban: Ban dân tộc và Ban Tôn giáo (tại Thông báo số 421TB/TU ngày 07/5/2004 của Tỉnh ủy)

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thành lập “Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước”

Điều 2: Tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc thực hiện theo bản Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3: Chấm dứt hiệu lực thi hành Quyết định số 104/2000/QĐ-UB ngày 15/11/2000 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo Tỉnh.

Điều 4: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN DÂN TỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2004/QĐ-UB ngày 29/07/2004 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương I:

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG.

Điều 1: Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước (dưới đây gọi tắt là Ban) là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh. Ban chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc.

Ban có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 2: Ban Dân tộc tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của UBND tỉnh.

Chương II:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3: Ban dân tộc tỉnh có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Trình UBND tỉnh các quyết định, chỉ thị về lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý.

2. Trình UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm, các dự án quan trọng thuộc lĩnh vực dân tộc trên địa bàn tỉnh.

3. Trình UBND tỉnh các biện pháp nhằm bảo đảm điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

4. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình kế hoạch, dự án đã được phê duyệt. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

5. Điều tra, nghiên cứu, tổng hơp về nguồn gốc lịch sử, sự phát triển của các dân tộc; đặc điểm, thành phần dân tộc, kinh tế xã hội, đời sống văn hoá, phong tục tập quán và những vấn đề khác.

6. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở tỉnh trong việc thực hiện các chủ trương , chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về quyền dùng tiếng nói, chữ viết; về phát triển giáo dục, mở mang dân trí , ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

7. Chủ trì, phối hợp các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, mô hình thí điểm, các chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt do UBND tỉnh và Ủy ban dân tộc giao.

8. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn tăng cường đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở tỉnh.

9. Hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với người trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức thực hiện sau khi đã được phê duyệt.

10. Trình UBND tỉnh các biện pháp cụ thể duy trì, bảo tồn và phát triển các tộc người trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức thực hiện sau khi đã được phê duyệt.

11. Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số, phối hợp với cơ quan Nhà nước ở địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo chế độ chính sách và quy định của pháp luật.

12. Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc để giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

13. Bồi dưỡng, lựa chọn những điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, có uy tín là người dân tộc thiểu số ở địa phương gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hạt nhân trong phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giúp UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn.

14. Phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

15. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, chống tham nhũng tiêu cực và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý.

16. Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ và yêu cầu đột xuất với UBND tỉnh và Ủy Ban Dân tộc.

17. Quản lý tài sản, tài chính; quản lý công chức, nhân viên và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với công chức, nhân viên trong cơ quan theo theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.

20. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

Chương III:

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 4: Tổ chức bộ máy

1/ Lãnh đạo Ban:

Ban Dân tộc tỉnh do 01 Trưởng Ban điều hành và có từ 01 đến 02 Phó Trưởng Ban giúp việc cho Trưởng Ban. Các chức vụ này do UBND tỉnh bổ nhiệm theo tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và theo các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý cán bộ.

2/ Cơ cấu tổ chức của Ban, gồm:

* Văn phòng.

* Thanh tra.

* Các phòng chuyên môn nghiệp vụ:

- Phòng nghiệp vụ.

- Phòng chính sách.

Văn phòng có 01 Chánh văn phòng và 01 Phó Chánh văn phòng, Thanh tra có 01 Chánh Thanh tra và 01 Phó Chánh Thanh tra, mỗi phòng chuyên môn, nghiệp vụ có 01 Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng. Chức vụ Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng do UBND tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban, chức vụ Chánh Thanh tra do Trưởng Ban và Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm, chức vụ Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng và Phó Chánh Thanh tra do Trưởng Ban bổ nhiệm.

3/ Tùy theo đặc điểm tình hình và quy mô phát triển trong từng giai đoạn. Trưởng ban có thể đề nghị UBND tỉnh quyết định điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4/ Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng do Trưởng ban quy định.

5/ Biên chế của Ban thuộc biên chế quản lý Nhà nước được UBND tỉnh giao hàng năm.

Điều 5: Chế độ làm việc

1/ Ban Dân tộc làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng Ban quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND tỉnh về mọi mặt hoạt động của Ban, đồng thời chịu trách nhiệm trước Uỷ Ban Dân tộc về các lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ban và trước pháp luật. Các Phó Trưởng Ban giúp việc cho Trưởng Ban được Trưởng Ban phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác. Phó Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban, đồng thời cùng Trưởng Ban liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về phần việc được phân công phụ trách.

2/ Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về mọi công việc được giao của Phòng. Phó Trưởng Phòng giúp việc cho Trưởng phòng được Trưởng Phòng phân công phụ trách một số mặt công tác của phòng và đuợc ủy quyền điều hành công việc của phòng khi Trưởng Phòng đi vắng.

3/ Ban họp giao ban hàng tuần để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tuần và xây dựng chương trình công tác cho tuần kế tiếp, đồng thời tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc giao.

Chương IV:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6: Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung bản Quy chế này do Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định.

Chấm dứt hiệu lực thi hành bản Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 104/2000/QĐ-UB ngày 15/11/2000 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo Tỉnh.