Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/2013/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HỒ HOÀN KIẾM
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ngày 21/11/2012;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009; Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;
Xét đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm tại Tờ trình số 145/TTr-UBND ngày 06/12/2013 về việc đề nghị ban hành “Quy định về phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý hồ Hoàn Kiếm” và Báo cáo thẩm định số 2993/STP-VBPQ ngày 19/11/2013 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý hồ Hoàn Kiếm”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Giám đốc các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ; Công an thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HỒ HOÀN KIẾM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội)
1. Quy định này quy định trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm, các cơ quan, đơn vị liên quan và cơ chế phối hợp trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hồ Hoàn Kiếm.
2. Phạm vi quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm trong Quy định này gồm: hồ Hoàn Kiếm được giới hạn từ mép hè đường phía giáp hồ của các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay trở vào lòng hồ và toàn bộ khuôn viên Vườn hoa Lý Thái Tổ.
3. Những nội dung khác liên quan đến quản lý hồ Hoàn Kiếm không có trong quy định này thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, khi tham gia các hoạt động tại khu vực hồ Hoàn Kiếm phải chấp hành các nội dung của Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
1. Trong quy định này, một số từ ngữ chuyên ngành được hiểu như sau:
a) “Chất thải” là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
b) “Nước thải” là chất thải ở thể lỏng được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và các hoạt động khác, có khả năng làm ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường nước, không khí.
c) “Lòng hồ” là vùng chứa nước kể từ đỉnh kè trở xuống đáy hồ.
d) “Hệ thống hạ tầng xung quanh hồ” bao gồm hè, đường dạo, kè, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng và công trình phụ trợ khác.
e) “Hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm” là hệ quần thể sinh vật trong khu vực địa lý của hồ Hoàn Kiếm cùng tồn tại, phát triển và có tác động qua lại với nhau.
f) “Quan trắc môi trường” là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.
2. Một số phạm vi ranh giới các công trình trong khu vực hồ Hoàn Kiếm được hiểu như sau:
a) “Vườn hoa Lý Thái Tổ”: có ranh giới từ mép hè đường phía giáp các phố Lê Thạch, Lý Thái Tổ, Lê Lai và Đinh Tiên Hoàng trở vào vườn hoa; bao gồm: vỉa hè, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, hệ thống chiếu sáng, nhà Tập kèn, khu tượng đài Lý Thái Tổ, hệ thống đèn đá và các công trình công cộng khác,
b) “Khu tượng đài Lý Thái Tổ”: là khu nằm trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ có ranh giới từ phần thềm bậc đá chạm rồng, bình phong đá trở vào tượng đài Lý Thái Tổ.
c) “Đền Ngọc Sơn”: có ranh giới từ mép hồ, một phần cây xanh, thảm cỏ các hạng mục kiến trúc thuộc di tích đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút.
d) “Tháp Rùa”: có ranh giới từ mép nước hồ, phần đất nổi, thảm cỏ và Tháp Rùa.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý và phối hợp
1. Quan hệ phối hợp quản lý giữa UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành, đơn vị liên quan được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, đảm bảo mục đích phục vụ cho lợi ích cộng đồng, giữ gìn cảnh quan khu vực, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, tránh hình thức, chồng chéo cản trở hoạt động bình thường của mỗi bên.
2. UBND quận Hoàn Kiếm là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất và phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của UBND Thành phố, theo quy định của pháp luật và Quy định này.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP
1. UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm chủ trì, quản lý toàn diện khu vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm các lĩnh vực: an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, bảo vệ cảnh quan; quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hoạt động tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, vệ sinh môi trường; hệ thống công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý mặt nước hồ, duy tu, duy trì hệ thống cấp, thoát nước hồ và các lĩnh vực khác có liên quan đến hồ Hoàn Kiếm. UBND quận Hoàn Kiếm chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan trong công tác quản lý.
2. Các Sở, ngành có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với các hoạt động liên quan đến chuyên ngành quản lý.
Điều 6. Trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm
1. UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, các sở, ngành Thành phố đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm (UBND quận ban hành Nội quy khu vực hồ Hoàn Kiếm để tổ chức và cá nhân thực hiện).
2. Kiểm tra giám sát, quản lý các hoạt động, cấp phép các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của các tổ chức, cá nhân tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (trừ các hoạt động do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép).
a) Khi cấp phép cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong phạm vi hồ Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thông báo cho nhau biết để thống nhất quản lý, tránh chồng chéo về thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động.
b) Các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động có trách nhiệm trình báo giấy phép và các giấy tờ liên quan với UBND quận Hoàn Kiếm, đồng thời phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm để có phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các vấn đề khác có liên quan khi tổ chức các hoạt động theo giấy phép được cấp tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
c) Các đơn vị, cá nhân thực hiện các hoạt động trên mặt nước hồ Hoàn Kiếm phải thông báo nội dung hoạt động và được sự chấp thuận của UBND quận Hoàn Kiếm, chịu sự kiểm tra của UBND quận Hoàn Kiếm.
3. Chỉ đạo công tác duy trì vệ sinh môi trường bao gồm: toàn bộ mặt nước, vườn hoa, thảm cỏ, đường dạo, vỉa hè khu vực hồ Hoàn Kiếm. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được duy trì hàng ngày, việc thu gom, vận chuyển rác thải đúng thời gian quy định, đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
a) Công tác quét dọn đường dạo, vỉa hè, vườn hoa, thảm cỏ thực hiện hàng ngày từ 22h hôm trước và xong trước 5 giờ sáng hôm sau, vận chuyển rác thải xong trước 6h sáng; bố trí công nhân thu gom, nhặt rác lưu động hàng ngày khu vực hồ Hoàn Kiếm, không để rác tồn đọng, rơi vãi trên hè đường, thảm cỏ, mặt hồ...
b) Thực hiện rửa hè, đường dạo hồ Hoàn Kiếm ít nhất 1 lần/ tuần.
c) Thực hiện thu, vớt rác thải trên toàn bộ mặt nước hồ Hoàn Kiếm.
d) Thường xuyên kiểm tra, thay thế thùng rác hư hỏng, thực hiện vệ sinh thùng rác đảm bảo sạch và mỹ quan đô thị.
4. Quản lý, duy tu, duy trì hệ thống kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bao gồm: cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, vỉa hè, đường dạo, kè hồ, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí và nhà vệ sinh công cộng trong phạm vi hồ Hoàn Kiếm. Các đơn vị được giao quản lý, duy tu, bảo trì cây xanh, thảm cỏ, đường dạo, kè hồ, cấp thoát nước, chiếu sáng, trang trí, nhà vệ sinh công cộng,... có trách nhiệm hàng năm tham mưu lập kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trình UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt, lập hồ sơ đặt hàng theo quy định, kinh phí lấy từ Ngân sách quận Hoàn Kiếm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
5. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm nội dung Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng khu vực hồ Hoàn Kiếm. Những trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, có trách nhiệm báo cáo kịp thời hoặc kiến nghị UBND Thành phố và các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố giải quyết.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
1. Quản lý, bảo tồn, duy tu, duy trì các công trình di tích, công trình văn hóa, công trình nghệ thuật - kiến trúc bao gồm: Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Tháp Hòa Phong, Đền Bà Kiệu, nghi môn Đền Bà Kiệu, Nhà Tập kèn, khu tượng đài Lý Thái Tổ, hệ thống đèn đá trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ và Tượng đài Vua Lê.
2. Cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, lễ hội truyền thống cấp Trung ương, Thành phố. Phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc thỏa thuận, cấp phép, nhằm tránh chồng chéo về thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động.
3. Phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc quản lý bảo tồn, duy tu các di tích lịch sử, công trình văn hóa, công trình nghệ thuật, kiến trúc, hạ tầng được giao quản lý.
4. Có trách nhiệm bố trí nhân viên đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong phạm vi được giao quản lý; chủ động phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ các công trình di tích, kiến trúc, vệ sinh môi trường trong khu vực được giao quản lý. Thực hiện hợp đồng với đơn vị môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển rác thải trong phạm vi khu vực quản lý.
5. Có trách nhiệm bảo vệ, phối hợp quản lý cây xanh, thảm cỏ, hệ thống chiếu sáng trong phạm vi khu vực quản lý phù hợp với không gian, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm. Phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc trang trí phục vụ ngày lễ, tết, sự kiện chính trị theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
6. Tuyên truyền nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, các đoàn khách du lịch trong việc bảo vệ và phát triển bền vững khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên thủy sản trong khu vực hồ, định kỳ phân tích mẫu nước, xử lý môi trường, đánh giá bảo tồn nguồn lợi thủy sản, đảm bảo nguồn thức ăn cho Rùa hồ Hoàn Kiếm.
2. Đánh giá, nghiên cứu, phân tích tác hại của loài thủy sản có ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm. Tổ chức các hoạt động bảo tồn các loài thủy sản, giống loài thủy sinh vật bản địa, nguồn gen và một số hệ sinh thái tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để đảm bảo sự phát triển hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc đánh giá ảnh hưởng chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm tới các loài thủy sản trong lòng hồ.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Thường xuyên thực hiện việc quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm; xác định nguyên nhân tác động có thể gây ô nhiễm nước hồ để xử lý theo quy định.
2. Phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, các sở, ban, ngành chức năng kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc khai thác, sử dụng và quản lý phát triển bền vững khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm quản lý mực nước hồ theo quy định phục vụ tiêu thoát nước; điều tiết, bổ cập nước hồ khi cần thiết, đồng thời đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và cân bằng môi trường hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm.
2. Hướng dẫn, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị chức năng về công tác quản lý, nghiệp vụ chuyên ngành liên quan đến công tác quản lý hồ Hoàn Kiếm theo quy định hiện hành, đảm bảo phù hợp quy hoạch chung của Thành phố về hạ tầng kỹ thuật: hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cấp nước, cây xanh, thảm cỏ...
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm trong việc xây dựng cơ chế tài chính, sử dụng vốn đầu tư đối với các hoạt động duy tu, duy trì, cải tạo, sửa chữa hệ thống hạ tầng xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Điều 12. Trách nhiệm của Công an Thành phố
Hướng dẫn, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành có liên quan đảm bảo về an ninh trật tự đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa, thể dục thể thao... của Trung ương và Thành phố tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chỉ đạo Công an quận Hoàn Kiếm thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
Hướng dẫn, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc tổ chức giao thông và xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự giao thông khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành Thành phố có liên quan có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý hồ Hoàn Kiếm thực hiện đúng các quy định của UBND Thành phố.
2. Phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm định kỳ kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng và quản lý Hồ Hoàn Kiếm và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quản lý, khai thác khu vực hồ Hoàn Kiếm, đảm bảo môi trường và sự phát triển bền vững của hồ Hoàn Kiếm.
Điều 15. Trách nhiệm của Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và UBND các phường liên quan
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định của UBND Thành phố và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp quản lý của UBND quận Hoàn Kiếm trong việc quản lý hồ Hoàn Kiếm.
2. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các hộ gia đình, công dân trên địa bàn chấp hành các quy định của UBND Thành phố; kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố, tác động gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm theo thẩm quyền.
3. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân tại khu vực hồ Hoàn Kiếm theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo đến các đơn vị chức năng để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý.
Điều 16. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
1. Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động sinh hoạt, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khoa học, văn hóa, thể thao... trong khu vực hồ Hoàn Kiếm phải chấp hành Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trong phạm vi hồ Hoàn Kiếm có tránh nhiệm giữ gìn, bảo vệ hệ thống công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh hồ. Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép mặt hồ, lòng hồ, hè, đường đạo, vườn hoa, thảm cỏ, khai thác, đánh bắt, thả các loài thủy sinh vật vào lòng hồ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, các hành vi phá hoại, xâm hại các hạng mục di tích, công trình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi hồ Hoàn Kiếm. Nếu xâm hại làm hư hỏng các công trình phải có trách nhiệm bồi thường và chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ trong khu vực hồ Hoàn Kiếm có trách nhiệm tổ chức lực lượng đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong phạm vi được giao quản lý. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và cá nhân xả chất thải, rác thải, nước thải, phân hữu cơ xuống hồ, lên hè, đường, đường dạo, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ và nơi công cộng.
4. Mọi tổ chức, cá nhân, trong quá trình tham gia hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tại hồ Hoàn Kiếm có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời tới UBND quận Hoàn Kiếm những nguyên nhân, sự cố, ảnh hưởng tác động xấu tới chất lượng môi trường nước, không khí và cảnh quan khu vực Hoàn Kiếm, những hành vi vi phạm các quy định quản lý hồ Hoàn Kiếm để có biện pháp khắc phục, xử lý.
Điều 17. Kiểm tra và xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, xử lý hành chính các vi phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; các Sở, ngành liên quan xử lý vi phạm theo nhiệm vụ được giao tại Quy định này và pháp luật hiện hành.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có nội dung nào cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về UBND quận Hoàn Kiếm để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định./.
- 1Quy định tạm thời 180/QĐ-UB năm 1978 về phân công trách nhiệm quản lý công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữa Sở Công nghiệp – Phòng Công nghiệp quận, huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã thuộc thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Chỉ thị 19/2009/CT-UBND về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Chỉ thị 13/2011/CT-UBND về phân công trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố theo Quyết định 69/2010/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Quyết định 4626/QĐ-UBND năm 2016 về thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận do thành phố Hà Nội ban hành
- 5Quyết định 14/QĐ-UBND năm 2020 công bố chính thức tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận do thành phố Hà Nội ban hành
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Luật di sản văn hóa 2001
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 6Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 7Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 8Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị
- 9Quy định tạm thời 180/QĐ-UB năm 1978 về phân công trách nhiệm quản lý công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữa Sở Công nghiệp – Phòng Công nghiệp quận, huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã thuộc thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 10Chỉ thị 19/2009/CT-UBND về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 11Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị
- 12Chỉ thị 13/2011/CT-UBND về phân công trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố theo Quyết định 69/2010/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 13Luật tài nguyên nước 2012
- 14Luật Thủ đô 2012
- 15Quyết định 4626/QĐ-UBND năm 2016 về thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận do thành phố Hà Nội ban hành
- 16Quyết định 14/QĐ-UBND năm 2020 công bố chính thức tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận do thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định 70/2013/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý hồ Hoàn Kiếm do thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 70/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Văn Khôi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/01/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra