Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5340/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 687/BC-SKH ngày 25/10/2017 và của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 224/TTr-SCT ngày 15/9/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghiệp Lào Cai phải đặt trong mối quan hệ tổng thể và phù hợp với phát triển công nghiệp cả nước, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

- Phát triển công nghiệp theo hướng đột phá, có cơ cấu phù hợp với thế mạnh kinh tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp và liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần được chú ý đẩy mạnh, tạo sự ổn định, bền vững trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh.

- Phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ một cách hợp lý. Hướng các doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành.

- Phát triển công nghiệp phải gắn kết hài hòa với các hoạt động thương mại-dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và môi trường sinh thái. Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về công nghiệp luyện kim và hóa chất, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp Vùng.

Trong giai đoạn đến năm 2020 và sau năm 2025, từng bước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với phát triển ổn định và bền vững.

- Giai đoạn đến năm 2020

+ Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp (hệ thống giao thông; cấp điện, nước; xử lý chất thải...), tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có. Nghiên cứu thành lập mới từ 1-2 khu công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao.

+ Tiếp tục thu hút đầu tư mới và mở rộng cơ sở công nghiệp trong ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu điện, hóa chất, phân bón, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu phốt pho vàng, axit các loại,... phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn và cả nước.

+ Đổi mới công nghệ, thu hút các dự án công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm sau đồng, bạc, thép, phốt pho... Tiếp tục giảm dần và phát triển hợp lý ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

+ Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; TTCN và ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương trong mối liên hệ chặt chẽ với các ngành dịch vụ và du lịch trên địa bàn.

- Giai đoạn 2021-2025:

+ Tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

+ Phát triển công nghiệp Lào Cai theo hướng hiện đại và từng bước chuyên môn hóa cao một số ngành, lĩnh vực công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển ngành công nghiệp của tỉnh và trong toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt khoảng 12,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và khoảng 8,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 20,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020, đạt 7,6%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

- Phấn đấu cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 44,5% và đến năm 2025 đạt khoảng 43,5% (trong đó ngành công nghiệp đạt tương ứng là 35,3% và 35,5%).

* Định hướng phát triển theo ngành

Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp và thu hút theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tăng trưởng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm hợp lý tỷ trọng công nghiệp khai thác. Chú trọng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chất lượng sản phẩm; thân thiện với môi trường, tiêu tốn năng lượng thấp, sử dụng lao động hợp lý.

Ưu tiên và khuyến khích phát triển công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón; chế biến sâu các loại khoáng sản kim loại trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2021-2025, từng bước xây dựng công nghiệp tỉnh Lào Cai đạt trình độ tiên tiến, một số sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển theo hướng chế biến sâu, hình thành những cụm công nghiệp phát triển sạch với giá trị gia tăng và công nghệ cao.

Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh.

Lựa chọn ngành, sản phẩm công nghiệp

- Nhóm các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn: Ngành sản xuất kim loại và cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa chất, phân bón.

- Nhóm các ngành, sản phẩm phát triển mở rộng: Sản phẩm phân bón các loại (DAP, NPK...); luyện kim (phôi thép, đồng...); chế biến gỗ (sản phẩm gỗ gia dụng, gỗ ván công nghiệp); công nghiệp phụ trợ (ngành cơ khí, sửa chữa; gia công thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và dân dụng; bao bì các loại...).

- Nhóm ngành, sản phẩm duy trì phát triển và mở rộng hợp lý: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (quặng các loại, khoáng chất công nghiệp...); sản xuất VLXD (xi măng, gạch xây dựng các loại, VLXD không nung,...); công nghiệp năng lượng điện; các ngành TTCN, ngành nghề truyền thống (rượu; sản phẩm dệt may, thổ cẩm; mây tre đan; trạm khắc bạc; rèn đúc...); chế biến nông sản, thực phẩm (chè; rau quả; giết mổ gia súc; thức ăn chăn nuôi, DCP; bia...).

- Nhóm ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp: Phân bón các loại; cơ khí gia công, sửa chữa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; TTCN và ngành nghề truyền thống.

* Phương hướng phát triển ngành công nghiệp chủ yếu

(1) Nhóm ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

Phát triển đáp ứng nhu cầu cho các ngành chế biến khoáng sản, sản xuất công nghiệp trên địa bàn và cả nước.

Khai thác và chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Chú trọng công tác tìm kiếm, điều tra cơ bản khoáng sản để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, đầu tư khai thác và chế biến có hiệu quả.

Tập trung đầu tư khai thác và chế biến các dự án quặng sắt (Limonit, manhetit, quặng vê viên); quặng apatit (cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm supe lân, sản xuất phốt pho, DAP, axit...); quặng đồng; quặng vàng... và đầu tư công suất phù hợp một số loại khoáng sản làm nguyên liệu cho các dự án ngành công nghiệp (như: đá Quarzit, serpentin, đá vôi, quặng graphit...).

(2) Ngành công nghiệp luyện kim

Phát huy tiềm năng nguyên liệu sẵn có để phát triển ngành công nghiệp luyện kim đáp ứng nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Đưa các khoáng sản kim loại khai thác trên địa bàn vào chế biến sâu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế bán nguyên liệu thô.

Đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất.

Ưu tiên đầu tư phát triển các dự án gang thép, luyện đồng kim loại và khuyến khích phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu kim loại (đồng, gang, thép), như dây đồng, thép hình, thép lá,...

(3) Nhóm ngành hóa chất, phân bón, nhựa

Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất hiện có nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả thế mạnh của tỉnh về nguyên liệu khoáng apatit, serpentin, đá vôi, đolomit,... tạo ra nhiều sản phẩm đang có nhu cầu trên thị trường trong và ngoài nước như: phân bón chất lượng cao (DAP), phân NPK, phân bón giàu lân, axit và muối phốt phát, phụ gia các loại...

Mở rộng quy mô sản xuất phù hợp. Đầu tư chiều sâu, từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị lên ngang tầm với trình độ tiên tiến trong khu vực.

Sắp xếp và mở rộng các cơ sở sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Xây dựng và áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải ra môi trường trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất.

(4) Nhóm ngành chế biến thực phẩm, đồ uống

Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ và vừa đổi mới công nghệ và thiết bị, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp trong vùng và trên cả nước.

Phát triển hệ thống cơ sở chế biến trong sản xuất nông nghiệp, kho bảo quản nông sản. Tập trung phát triển một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng về nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng như chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi,...

Từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phát triển trên cơ sở gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.

Khuyến khích và ưu tiên phát triển các dự án phát triển sản phẩm chè chất lượng cao; rau quả (rau, chuối, dứa, cây ăn quả); thực phẩm (thịt, rượu đặc sản); và sản phẩm thức ăn phục vụ chăn nuôi.

(5) Ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo và điện tử

Tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất kim loại, cơ khí, điện tử, đặc biệt là những dự án lớn. Tạo dựng môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư mới, thông qua các chương trình hợp tác phát triển, tăng cường liên kết kinh tế với các tỉnh trong và ngoài vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng và phát triển các cơ sở cơ khí gia công, cơ khí sửa chữa tại các cụm dân cư trên địa bàn các địa phương, các cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông trên các tuyến đường giao thông.

Phát triển các cơ sở gia công sản phẩm từ kim loại, đồ gia dụng, sửa chữa điện, điện tử, điện lạnh ở các đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn, phục vụ nhu cầu của nhân dân và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Khuyến khích và ưu tiên đầu tư các dự án chế tạo, gia công máy móc thiết bị phục vụ khai khoáng, tuyển quặng; từ nguyên liệu đồng thỏi và thép, khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất cáp điện, thép hình công nghệ cao, kết cấu thép, tôn lợp và các sản phẩm khác có giá trị cao.

(6) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Phát triển công nghiệp VLXD trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý. Tranh thủ các cơ hội để đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến, để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

Nghiên cứu và khuyến khích phát triển các loại vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, từng bước nâng cấp và thay thế công nghệ, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển các dự án nghiền clinke, vật liệu xây không nung, bê tông các loại, cát sỏi xây dựng, gạch từ xỉ thải... xem đây là hướng đầu tư chính của ngành sản xuất VLXD tỉnh trong giai đoạn tới.

(7) Nhóm ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy

Khuyến khích phát triển ngành trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng lâm sàn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đổi mới phương thức sản xuất; đầu tư áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện môi trường; tập trung sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, khuyến khích đầu tư các dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh trước khi xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô.

Đầu tư phát triển cho ngành chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ: sản xuất sơ chế gỗ đầu vào, cung cấp các nguyên, phụ liệu cho sản xuất gỗ, giảm nhập khẩu.

Phát triển các dự án sản xuất gỗ theo hướng các mặt hàng có chất lượng, như gỗ MDF, ván ghép thanh, ván sàn, đồ gỗ nội thất; Phát triển các sản phẩm gỗ thủ công, trang trí nội thất có giá trị sử dụng cao.

(8) Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.

Hoàn thiện đầu tư các dự án thủy điện đã được phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2020, đạt tổng công suất 900 MW.

Từng bước thực hiện đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu tiên nguồn điện phục vụ cho sản phẩm và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

* Định hướng phân bổ không gian công nghiệp

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để thu hút mạnh đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy. Chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở vùng nông thôn. Hạn chế phát triển công nghiệp ở bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

Phát triển công nghiệp tập trung theo hướng hình thành các cụm liên kết công nghiệp; Thành lập khu công nghiệp phía Tây thành phố Lào Cai với diện tích bao gồm cả khu phụ trợ khoảng 1.335 ha (tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ,... ít gây ô nhiễm).

Quy hoạch khu, cụm công nghiệp gắn với các trục giao thông như: Quốc lộ 70, 4D, đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội. Phát triển một số cụm công nghiệp trên địa bàn các địa phương trên cơ sở hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, sử dụng nguyên liệu là tài nguyên khoáng sản, tập trung vào các ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD, thủy điện, phân bón, hóa chất, luyện kim. Tiếp tục duy trì năng lực khai thác và chế biến các mỏ đang hoạt động.

Ngành công nghiệp khác như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng, ngành nghề TTCN tiếp tục chú ý phát triển, hạn chế sự mất cân đối về lực lượng lao động, về phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn, giảm bớt chênh lệch trong thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các địa phương trong tỉnh.

Xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp theo đúng lộ trình và quy hoạch chung toàn tỉnh. Trước mắt, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp

* Phương hướng và mục tiêu phát triển

Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cho khu công nghiệp đang hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thu hút các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên khu công nghiệp có khả năng cao hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư, để kêu gọi thu hút vốn đầu tư và tập trung hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các công trình bên ngoài hàng rào có liên quan.

Đối với khu công nghiệp ở khu vực thành phố và thị trấn cần ổn định diện tích đã quy hoạch, hạn chế mở rộng do quỹ đất phát triển đô thị còn ít và vấn đề giải phóng mặt bằng, đảm bảo môi trường trong hoạt động công nghiệp.

Đến năm 2020, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp chiếm 60 - 65% giá trị công nghiệp toàn tỉnh; xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải theo quy định môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng và khu công nghiệp Bắc Duyên Hải.

Nghiên cứu và quy hoạch khu nhà ở cho cán bộ và công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Quy hoạch phát triển

- Giai đoạn đến năm 2020

Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng)

Từng bước điều chỉnh mở rộng khu công nghiệp Tằng Loỏng lên diện tích 1.338 ha (mở rộng thêm 238 ha về phía Nam làm khu phụ trợ) đáp ứng nhu cầu phát triển. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách của địa phương cùng với vốn hỗ trợ của Trung ương cấp, để đầu tư hoàn thiện hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải, mở rộng thêm đường ra vào khu công nghiệp.

Xây dựng kế hoạch di chuyển toàn bộ các khu dân cư nằm trong vùng ô nhiễm môi trường.

Nâng cấp hệ thống cấp điện cho khu công nghiệp, đảm bảo cho các dự án mới đi vào hoạt động, đạt tổng công suất của khu công nghiệp khoảng 390 MVA đến năm 2020.

Tùy theo nhu cầu tiêu thụ nước của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nâng công suất 02 nhà máy nước Bể Đối và Thôn Cù lên 40.000 m3/ngày-đêm, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Vận hành nhà máy xử lý nước thải công suất 3000 m3/ngày-đêm tại khu vực suối Khe Choom; đầu tư hoàn thành và đưa nhà máy đang xây dựng công suất 4.950m3/ngày đêm đi vào hoạt động ổn định. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại khu vực suối Hoài với tổng công suất 5.950 m3/ngày-đêm.

Khu công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai)

Do vị trí khu công nghiệp nằm trên địa bàn phường Phố Mới, trong khu vực phát triển của khu kinh tế cửa khẩu sẽ phát triển ngành công nghiệp sạch và dịch vụ công nghiệp phục vụ thương mại biên mậu.

Trong giai đoạn đến năm 2020, ổn định diện tích khu công nghiệp với diện tích 100 ha. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp và khu xử lý nước thải tập trung. Riêng đối với chất thải rắn có thể hình thành khu xử lý kết hợp cùng với khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (tùy thuộc vào vị trí của một trong hai khu công nghiệp).

Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (thành phố Lào Cai)

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và quy hoạch mở rộng khu công nghiệp với diện tích 85 ha (đang hoạt động) và khu xử lý nước thải, chất thải rắn. Định hướng trong thời gian tới, quy hoạch mở rộng khu vùng đệm giữa khu công nghiệp Bắc Duyên Hải với Khu TM-CN Kim Thành vào khu công nghiệp Bắc Duyên Hải với diện tích tăng thêm khoảng 40 ha; định hướng thu hút các ngành công nghiệp sạch và dịch vụ.

Khu công nghiệp Phía Tây thành phố Lào Cai

Hoàn thành các thủ tục đầu tư để hình thành khu công nghiệp Phía Tây thành phố Lào Cai với diện tích quy hoạch khoảng 1.335 ha (trong đó đất KCN 850 ha, còn lại là khu phụ trợ), thuộc địa giới các phường Nam Cường, Bắc Cường, xã Cam Đường, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng theo giai đoạn đáp ứng nhu cầu thuê đất sản xuất của doanh nghiệp.

Định hướng khu công nghiệp ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực sau:

+ Khu khai thác và nhà máy tuyển apatit dành cho các khai trường đang khai thác và nhà máy tuyển hiện có của Công ty Apatit. Diện tích 562 ha.

+ Kho bãi hàng hóa, xây dựng các xưởng, logictisc, dịch vụ hậu cần, vận chuyển hóa, lưu kho,... diện tích dự kiến 58,28 ha.

+ Khu phụ trợ, xây dựng các công trình dịch vụ kỹ thuật chuyên dụng, phụ trợ cho các khu nhà máy, xưởng chế biến sản xuất công nghiệp. Tổng diện tích dự kiến 20,31 ha.

+ Khu chế biến nông lâm sản, diện tích dự kiến 70,17 ha.

+ Khu cơ khí, luyện kim, tổng diện tích dự kiến 101,7 ha.

+ Khu vật liệu xây dựng, tổng diện tích dự kiến 35,31 ha.

+ Khu sản xuất phân bón hoá chất, tổng diện tích dự kiến 39,59 ha.

+ Khu luyện kim, tổng diện tích dự kiến 74,50 ha.

+ Khu phát triển công nghiệp phụ trợ, tổng diện tích dự kiến 20,91 ha.

- Giai đoạn 2021-2025:

Tiếp tục triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước các khu công nghiệp Tằng Loỏng, Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải. Chú trọng công tác đầu tư xử lý chất thải, nước thải, phát sinh trong quá trình sản xuất tại khu công nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện đầu tư khu công nghiệp Phía Tây thành phố Lào Cai và trong các giai đoạn phát triển sẽ mở rộng quy mô diện tích quy hoạch theo nhu cầu thực tế.

Khu công nghiệp phụ trợ sân bay Lào Cai

Nghiên cứu, tìm địa điểm và bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy mô khoảng 200 ha, dự kiến nằm dọc theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa bàn xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên), đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.

Khu công nghiệp thay thế KCN Tân An - Tân Thượng

Nghiên cứu, tìm địa điểm và bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại vị trí thuận lợi để thay thế KCN Tân An - Tân Thượng trong giai đoạn 2017-2025. Quy mô khoảng 500ha.

3.2. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp

* Phương hướng phát triển

Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương có nhiều lợi thế và gắn việc phát triển với việc liên kết các ngành kinh tế khác trong phát triển.

Phân bố hợp lý các cụm công nghiệp, đảm bảo phát triển với ổn định đời sống xã hội và dân cư, đồng thời tạo động lực, từng bước thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tại Lào Cai góp phần giảm bớt mức chênh lệch kinh tế giữa các vùng, khu vực và góp phần tăng trưởng kinh tế và công nghiệp toàn tỉnh.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng cụm công nghiệp. Phấn đấu 100% các cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

* Quy hoạch phát triển

- Giai đoạn đến năm 2020

Thành phố Lào Cai:

Tiếp tục quy hoạch thêm đất CCN và sắp xếp di dời các cơ sở sản xuất trong thành phố vào hoạt động tập trung tại CCN.

+ CCN Đông Phố Mới: Ổn định diện tích đã quy hoạch là 2,2 ha, không phát triển mở rộng thêm.

+ CCN Sơn Mãn (xã Vạn Hòa): Diện tích 7,5 ha. Tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng giai đoạn II với diện tích 5 ha còn lại; di dời và sắp xếp tiếp các cơ sở công nghiệp trong thành phố vào CCN.

+ CCN Thống Nhất (phường Thống Nhất): Là CCN được đề xuất thay thế CCN Bình Minh (phường Bình Minh). Quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2020, tiến hành lập quy hoạch chi tiết và giải phóng mặt bằng CCN với diện tích 30 ha (giai đoạn I triển khai khoảng 15 ha).

+ CCN Đồng Tuyển (xã Đồng Tuyển): Diện tích quy hoạch 15 ha. Lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN. Sắp xếp di dời và thu hút lấp đầy diện tích của CCN.

+ CCN Cam Đường (Thôn Sơn Cánh, xã Cam Đường): Diện tích khoảng 38 ha. Lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN. Sắp xếp di dời và thu hút lấp đầy diện tích của CCN.

Huyện Bảo Thắng

+ CCN Gia Phú (xã Gia Phú): Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê là 6,62 ha.

+ CCN Bản Phiệt (xã Bản Phiệt): CCN được quy hoạch diện tích là 15 ha và đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500. Tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lấp đầy diện tích CCN.

+ CCN Xuân Quang (xã Xuân Quang): CCN được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 12 ha (đất CN là 6,27 ha). Tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư phát triển hạ tầng.

+ CCN phụ trợ Xuân Giao: Nghiên cứu thành lập thêm CCN phụ trợ tại xã Xuân Giao, diện tích từ 10-15 ha (giáp KCN Tằng Loỏng), nhằm phát triển các ngành dịch vụ công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cho phát triển KCN Tằng Loỏng.

+ CCN Sơn Hà-Sơn Hải: Nghiên cứu quy hoạch 01 CCN trên địa bàn xã Sơn Hà và Sơn Hải với diện tích từ 5-10 ha, đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Huyện Văn Bàn

+ CCN Khánh Yên Thượng (xã Khánh Yên Thượng): CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng với diện tích 5,17 ha. Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CCN, phấn đấu thu hút lấp đầy 100% diện tích CCN.

+ CCN Võ Lao (xã Võ Lao): CCN đã được phê duyệt QH chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 14 ha. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN và phấn đấu lấp đầy 50% diện tích đất công nghiệp (7,77 ha đất công nghiệp).

+ Khuyến khích đầu tư phát triển và lập quy hoạch CCN Khánh Yên Trung, diện tích 10 ha, nằm trên địa bàn xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn).

Huyện Bảo Yên

+ CCN Phố Ràng (thị trấn Phố Ràng): CCN có diện tích 31 ha. Hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 với diện tích 12-15 ha. Đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê.

Huyện Mường Khương

+ CCN Hủm Pa Lai: CCN có vị trí gần khu vực cửa khẩu nên có vị trí tương đối thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, do đó đã điều chỉnh một phần sang khu kinh tế cửa khẩu và diện tích còn lại là 2,4 ha, cần kêu gọi các cơ sở sản xuất công nghiệp vào sản xuất tập trung, lấp đầy CCN này. Trong giai đoạn tới sẽ tìm vị trí lân cận thị trấn để quy hoạch một CCN mới đáp ứng nhu cầu sản xuất CN trên địa bàn.

Huyện Bát Xát

+ CCN Bản Vược (xã Bản Vược): Giảm diện tích của cụm công nghiệp từ diện tích 26,97 ha xuống còn 10,7 ha; Địa điểm gần khu vực cửa khẩu, ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng CCN, để phục vụ cho sản xuất và kho bãi hàng hóa.

Huyện Bắc Hà

+ CCN Bắc Hà (xã Na Hối): Hoàn thành quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp mới thay thế CCN tại thị trấn Bắc Hà và từng bước thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và lấp đầy diện tích cụm công nghiệp (diện tích 5,3 ha).

+ CCN Bảo Nhai (xã Bảo Nhai): CCN có diện tích 10 ha, trên cơ sở diện tích đã lấp đầy của CCN Bắc Hà và nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp tập trung của huyện. Giai đoạn đến năm 2020, từng bước tiến hành lập quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huyện Si Ma Cai

+ CCN Nàn Sán (xã Nàn Sán): CCN đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 7,6 ha; Từng bước thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và lấp đầy diện tích cụm công nghiệp (diện tích 5,3 ha).

Huyện Sa Pa

+ Không phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thị trấn Sa Pa, nhằm dành quỹ đất cho phát triển các hoạt động thương mại và du lịch của thị trấn.

+ CCN Tả Phìn (xã Tả Phìn): Với quy mô diện tích khoảng 10 ha nhằm thay thế cho CCN dự kiến thành lập tại thị trấn Sa Pa; Khuyến khích phát triển, duy trì các ngành nghề truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ cho phát triển du lịch.

- Giai đoạn 2021-2025:

Hoàn thiện hạ tầng các CCN đã đầu tư và tiếp tục sắp xếp di dời các cơ sở công nghiệp vào trong CCN. Đầu tư phát triển CCN tại phường Bắc Cường trên cơ sở một phần đất của KCN phía Tây thành phố Lào Cai, quy mô diện tích khoảng 10 ha.

Lập quy hoạch chi tiết CCN Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), diện tích 10 ha và mở rộng lên diện tích 15 ha khi có nhu cầu.

Tiếp tục triển khai giai đoạn II, CCN Phố Ràng (huyện Bảo Yên), trường hợp sớm lấp đầy diện tích đất cho thuê, nghiên cứu mở rộng thêm diện tích đất của CCN hoặc quy hoạch thêm 01 CCN tại vị trí khác.

Tại 02 CCN của khu vực cửa khẩu Mường Khương (CCN Hủm Pa Lai) và cửa khẩu Bản Vược (CCN Bản Vược), tùy vào thực tế phát triển, có thể mở rộng thêm diện tích CCN theo nhu cầu.

Thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê của các CCN huyện Bắc Hà (CCN Na Hối, Bảo Nhai), huyện Si Ma Cai (CCN Nàn Sán), huyện Sa Pa (CCN Tả Phìn). Tùy vào thực tế phát triển có thể quy hoạch thêm từ 1-2 CCN tại mỗi huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.

3.3. Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

* Phương hướng phát triển

Phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, trên cơ sở giải quyết lao động nông nhàn và lao động thuần nông gắn với bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống.

Hàng năm dành một phần kinh phí ổn định cho công tác khuyến công để trực tiếp hỗ trợ phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn, phát triển và du nhập ngành nghề mới trên địa bàn các địa phương.

Đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường trong phát triển ngành nghề TTCN thông qua các hình thức sản xuất tập trung, xây dựng các tiêu chí về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề trên địa bàn.

* Quy hoạch theo tuyến du lịch

Hình thành và phát triển 03 tuyến chính làng nghề - TTCN kết hợp với du lịch với điểm đầu là thành phố Lào Cai:

- Tuyến du lịch phía Tây (các huyện Sa Pa, Bát Xát) kết hợp thăm quan các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, chạm bạc, sản xuất mây tre đan, sản xuất và chế biến dược liệu, trồng hoa và cây cảnh, nấu rượu...

- Tuyến du lịch phía Đông - Bắc (các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương) kết hợp thăm quan các làng nghề truyền thống như: nấu rượu, dệt thổ cẩm, làm ngói, mây tre đan, rèn đúc...

- Tuyến du lịch phía Tây-Nam (các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn) kết hợp thăm quan các làng nghề truyền thống như: nấu rượu, dệt thổ cẩm, làm ngói, mây tre đan, rèn đúc...

* Quy hoạch theo địa phương

- Thành phố Lào Cai: Tập trung phát triển các nghề sản xuất và chế biến thực phẩm. Quy hoạch các tuyến phố, làng nghề ẩm thực để phục vụ du khách của hai nước Việt Nam, Trung Quốc và du khách quốc tế. Tiếp tục bảo tồn và phát triển, kết hợp gắn với du lịch làng nghề nấu rượu tại xã Tả Phời, làng nghề dệt may thổ cẩm tại xã Hợp Thành...

- Huyện Sa Pa: Bảo tồn và phát triển các làng nghề, kết hợp với các tuyến du lịch tham quan làng nghề như: Làng nghề dệt thổ cẩm ở các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Nậm Xài, Bản Hồ, Hầu Thào; làng nghề mây tre đan ở thị trấn Sa Pa, xã Hầu Thào; làng nghề nấu rượu ở xã Thanh Kim; làng nghề chạm khắc bạc ở xã Tả Phìn; làng nghề trồng và chế biến dược liệu; trồng hoa lan và cây cảnh ở thị trấn Sa Pa.

- Huyện Bát Xát: Bảo tồn và phát triển các làng nghề nấu rượu ở các xã Bản Xèo, Y Tý, A Lù, Nậm Pung, Trịnh Tường, Tòng Sành, Mường Hum và Bản Vược; dệt, thêu thổ cẩm ở xã Bản Qua, Dền Thàng; sản xuất miến đao Thành Sơn (xã Bàn Xèo); trạm khắc bạc xã Mường Hum, ưu tiên phát triển và mở rộng ngành nghề chế biến nông, lâm sản và VLXD.

- Huyện Bắc Hà: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô, rèn, đúc ở xã Bản Phố; làng nghề dệt, may, thêu thổ cẩm và nấu rượu ở xã Hoàng Thu Phố; làng nghề rèn đúc ở xã Bản Liền; làng nghề dệt và may trang phục dân tộc ở xã Tả Van Chư và xã Cốc Ly,... phát triển các nghề bảo quản và chế biến hoa quả.

- Huyện Si Ma Cai: Bảo tồn làng nghề sản xuất ngói máng ở xã Bản Mế; làng nghề dệt, thêu thổ cẩm ở xã Cán Cấu.

- Huyện Mường Khương: Bảo tồn và phát triển làng nghề mây, tre đan ở thị trấn Mường Khương; làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Nam Lư; Tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ tương ớt.

- Huyện Bảo Yên: Phát triển các làng nghề mây, tre đan ở xã Long Khánh và nhân rộng trên toàn huyện; Ngành chế biến gỗ; chế biến, bảo quản nông, lâm sản.

- Huyện Bảo Thắng: Bảo tồn, tiếp tục phát triển nghề sản xuất và nấu rượu cao lương ở Trì Quang; sản xuất gạch, vật liệu xây dựng ở xã Gia Phú.

- Huyện Văn Bàn: Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống nấu rượu ở xã Dần Thàng; dệt thổ cẩm ở xã Khánh Yên Trung; sản xuất mây, tre đan ở xã Liêm Phú và nhân rộng mô hình ra toàn huyện; phát triển các nghề trồng và chế biến nông, lâm sản.

3.4. Nhu cầu vốn đầu tư

* Nhu cầu vốn đầu tư: 106.560 tỷ đồng, trong đó:

Giai đoạn 2017-2020: 41.663 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025: 64.897 tỷ đồng.

* Nguồn vốn đầu tư:

Vốn Ngân sách nhà nước chủ yếu để đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như hạ tầng thiết yếu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng đến hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình phục vụ hỗ trợ công nghiệp khác.

Vốn ngoài ngân sách huy động, kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác; vốn tín dụng đầu tư; vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư,...

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: Có phụ lục chi tiết kèm theo.

5. Các giải pháp thực hiện

5.1. Giải pháp phát triển dịch vụ công nghiệp

Phát triển tổng hợp loại hình dịch vụ, đa dạng hóa quan hệ thị trường và đối tác hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Tập trung phát triển một số dịch vụ quan trọng để phục vụ phát triển công nghiệp; đổi mới và áp dụng công nghệ dịch vụ hiện đại, lấy việc phát triển ngành công nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Hướng dẫn các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp hiểu biết về luật pháp và tập quán, thông lệ quốc tế có liên quan.

Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm dịch vụ công nghiệp, nhất là các dịch vụ công, dịch vụ quản lý nhà nước phù hợp với trình độ phát triển kinh tế trên địa bàn.

5.2. Giải pháp thu hút đầu tư

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án với nhiều hình thức thu hút đầu tư.

Vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư; tập trung giải quyết các cơ chế chính sách về giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đến tường rào dự án; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu; xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm,...

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công; Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến công, tập trung hỗ trợ những lĩnh có thế mạnh, gắn với công nghiệp chế biến, ưu tiên hỗ trợ công nghiệp phụ trợ; chủ động tiếp cận các cơ sở công nghiệp nông thôn, gắn kết các doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công một cách hiệu quả và thiết thực.

5.3. Giải pháp quản lý

Tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn, tập trung vào đầu mối Sở Công Thương; công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến các quy hoạch phát triển để nhà đầu tư quan tâm tiếp cận và sử dụng.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh áp dụng Hệ thống quản lý ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống Nhà nước theo quy định; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm (ISO) vào các cơ quan hành chính các cấp.

Thực hiện các yêu cầu về hội nhập cũng như các cam kết khi tham gia các tổ chức quốc tế như ASEAN, WTO và các hiệp định quốc tế.

5.4. Giải pháp phát triển cụm công nghiệp

Tập trung huy động vốn để triển khai quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông đến địa điểm xây dựng cụm công nghiệp và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng.

Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và các nhà đầu tư các cơ sở công nghiệp góp vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình khuyến công Quốc gia, từ Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành.

5.5. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cho giai đoạn đến năm 2020; Thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức của tỉnh Lào Cai trên cơ sở Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012.

Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và thay đổi cơ cấu đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đào tạo, linh hoạt và thiết thực; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo của tỉnh. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến việc làm.

5.6. Giải pháp về khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư, đổi mới sản xuất; là đầu mối gắn kết giữa doanh nghiệp với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ.

Ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ của nhà nước về khoa học công nghệ.

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên khuyến khích phát triển CNHT, phát triển các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn cho GRDP của tỉnh, tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm công nghiệp.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trọng điểm, chủ lực.

5.7. Giải pháp phát triển thị trường

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh gắn với cuộc vận động và xây dựng chương trình hành động thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cung cấp thông tin thị trường thường xuyên và đầy đủ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu; tích cực tìm kiếm thị trường thông qua nhiều hình thức; chú trọng ứng dụng CNTT trong hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường.

Từng bước hình thành các thị trường phục vụ cho việc phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh như: Thị trường lao động, thị trường KHCN, xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị máy móc...

5.8. Giải pháp về môi trường

Tăng cường phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định tại Thông tư 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường; thực hiện giải pháp về môi trường đối với các làng nghề truyền thống và làng nghề đã được công nhận.

Ưu tiên vốn cho dự án xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và có nhiều doanh nghiệp sản xuất; khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

- Sở Công Thương:

Chịu trách nhiệm tổ chức công bố, triển khai và theo dõi, thực hiện quy hoạch; phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện quy hoạch này.

Xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề xuất những giải pháp, dự án cần thiết trình UBND tỉnh quyết định; giám sát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, dự án công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh định kỳ và đột xuất theo quy định.

- Các sở, ban, ngành khác và UBND các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Quy hoạch này xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và kế hoạch đầu tư, thực hiện hàng năm về lĩnh vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan thi hành Quyết định: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 4 QĐ;
- Các sở, ngành: CT, KHĐT, TC, XD, TNMT, KHCN, TTTT, KBNN;
- Ban quản lý khu kinh tế;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lào Cai; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1,3, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số: 5340/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của UBND tỉnh Lào Cai)

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Tên dự án/nhà máy

Địa điểm

Quy mô, công suất

Vốn đầu tư (dự kiến)

 

TỔNG SỐ:

 

 

42.025

A

PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG

 

 

3.825

I

Đầu tư phát triển hạ tầng KCN

 

 

3.700

1

Hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng

Huyện Bảo Thắng

Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện có

3.100

2

Mở rộng khu công nghiệp Tằng Loỏng (khu phụ trợ)

Huyện Bảo Thắng

Mở rộng 238 ha

600

II

Đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp

 

 

125

1

Cụm công nghiệp Phố Ràng

Huyện Bảo Yên

31 ha

40

2

Cụm công nghiệp Khánh Yên Thượng

Huyện Văn Bàn

5,17 ha

10

3

Cụm công nghiệp Xuân Quang

Huyện Bảo Thắng

12 ha

25

4

Cụm công nghiệp Bắc Hà

Huyện Bắc Hà

10 ha

25

5

Cụm công nghiệp Tả Phìn

Huyện Sa Pa

10 ha

25

B

DỰ ÁN NGÀNH CÔNG NGHIỆP

 

 

38.200

1

Nhà máy Luyện đồng Bản Qua

Huyện Bát Xát

20.000-40.000 tấn/năm

5.500

2

Đầu tư mở rộng Nhà máy tuyển quặng III Bắc Nhạc Sơn

Thành phố Lào Cai

700.000 tấn/năm

300

3

Đầu tư Nhà máy tuyển quặng loại III tại Làng Phúng

Huyện Văn Bàn

250.000 tấn/năm

500

4

Dự án khai thác và tuyển đồng mỏ Tả Phời

Thành phố Lào Cai

35.000 tấn tinh quặng/năm

450

5

Dự án tuyển quặng 2 Apatit

Thành phố Lào Cai

800.000 tấn tinh quặng/năm

1.500

6

Đầu tư dự án mỏ quặng Quý Xa

Huyện Văn Bàn

6,0 triệu tấn/năm

6.000

7

Đầu tư Nhà máy luyện đồng kim loại (di chuyển từ Bản Lầu)

Huyện Bảo Thắng

10.000 tấn/năm

1.900

8

Dự án Nhà máy phân bón DAP số 3

Huyện Bảo Thắng

340.000 tấn/năm

6.000

9

Đầu tư sản xuất NPK bằng phương pháp hóa học

Huyện Bảo Thắng

100.000 tấn/năm

200

10

Nhà máy cán thép và nhiệt điện

Huyện Bảo Thắng

CS phát điện: 20 MW

CS thép kéo: 500.000 tấn/năm

1.200

11

Nhà máy gang thép Lào Cai

Huyện Bảo Thắng

1.000.000 tấn/năm

6.450

12

Nhà máy phân lân nung chảy

Huyện Văn Bàn

1.000.000 tấn/năm

700

13

Nhà máy sản xuất H3PO4

Huyện Bảo Thắng

250.000 tấn/năm

5.000

14

Nhà máy nhiệt điện

Huyện Bảo Thắng

100 MW

2.500

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5340/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

  • Số hiệu: 5340/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Xuân Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản