Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 504/QĐ-BKH

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2007-2010

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010;
Căn cứ Quyết định số 1133/QĐ-BKH ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Hội đồng Thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (Bà) là Ủy viên Hội đồng Thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010, thành viên Ban Thư ký giúp việc Hội đồng Thẩm tra và Ông Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP; các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ KH&ĐT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ;
- Các đơn vị chủ trì các Chương trình;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban quản lý KCN, KCX, KCNC, KKT;
- Các thành viên HĐTĐ và Ban Thư ký HĐTĐ;
- Lưu VP, ĐTNN.

BỘ TRƯỞNG




Võ Hồng Phúc

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 504/QĐ-BKH ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Chương 1.

TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ HỘI ĐỒNG THẨM TRA

Điều 1. Hội đồng Thẩm tra

Hội đồng Thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010 (sau đây gọi tắt là “Hội đồng Thẩm tra”) là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là “Bộ ngành”), lập đề án - chương trình xúc tiến đầu tư; tổ chức thẩm tra, điều chỉnh và tổng hợp các đề án - chương trình thành Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức Hội đồng Thẩm tra

1. Hội đồng Thẩm tra bao gồm các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra và Ban Thư ký. Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra là một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Ủy viên Hội đồng Thẩm tra là đại diện có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Căn cứ văn bản cử người của các Bộ nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Thẩm tra.

3. Trong quá trình hoạt động, nếu có sự thay đổi về Ủy viên Hội đồng Thẩm tra hoặc có Ủy viên không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thì căn cứ văn bản đề nghị thay đổi Ủy viên của Cơ quan liên quan hoặc đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thay đổi Ủy viên Hội đồng Thẩm tra.

4. Ban Thư ký Hội đồng Thẩm tra (sau đây gọi tắt là Ban Thư ký) là bộ phận giúp việc cho Hội đồng Thẩm tra, bao gồm thành viên là đại diện của các Bộ cử Ủy viên Hội đồng Thẩm tra nêu tại Khoản Điều này.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra có thể mời đại diện các cơ quan, tổ chức hoặc chuyên gia để tham vấn ý kiến.

Điều 3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Thẩm tra

1. Hội đồng Thẩm tra làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số trên tổng số thành viên Hội đồng Thẩm tra tham gia biểu quyết. Hình thức biểu quyết có thể là biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp hoặc biểu quyết bằng văn bản trong trường hợp không tổ chức họp hoặc Ủy viên Hội đồng Thẩm tra vắng mặt tại cuộc họp. Chỉ Ủy viên Hội đồng Thẩm tra có quyền biểu quyết.

Trong trường hợp số phiếu biểu quyết của các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra ngang nhau, thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra là ý kiến quyết định.

2. Hội đồng Thẩm tra được phép sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản chính thức của Hội đồng Thẩm tra.

3. Các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng Thẩm tra được sử dụng từ nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 4. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra

1. Chịu trách nhiệm chung về các công việc của Hội đồng Thẩm tra; chủ trì hoặc ủy quyền cho Ủy viên Hội đồng Thẩm tra chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thẩm tra.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm trên cơ sở kết luận của Hội đồng Thẩm tra.

3. Căn cứ thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư quy định tại Điều 9, Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư), trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc kiến nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt.

4. Phân công nhiệm vụ đối với các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra và Ban Thư ký.

Điều 5. Nhiệm vụ của Ủy viên Hội đồng Thẩm tra

1. Tham gia xây dựng định hướng, hướng dẫn Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.

2. Thẩm tra các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư trên cơ sở các tiêu chí quy định và gửi văn bản thẩm tra đến Ban Thư ký hoặc biểu quyết tại cuộc họp thẩm tra.

3. Tham gia họp thẩm tra các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra hoặc Ủy viên Hội đồng được Chủ tịch ủy quyền.

Trường hợp không thể tham dự cuộc họp, Ủy viên Hội đồng Thẩm tra có thể đề xuất nhân sự họp thay và/hoặc gửi ý kiến thẩm tra bằng văn bản đến Ban Thư ký.

4. Xem xét việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt các đề án thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm đã được phê duyệt.

5. Tham gia việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.

6. Ý kiến thẩm tra của Ủy viên Hội đồng Thẩm tra phải là ý kiến đại diện cho Cơ quan cử Ủy viên đó.

Điều 6. Nhiệm vụ của Ban Thư ký

1. Căn cứ ý kiến của Hội đồng Thẩm tra, hướng dẫn các Bộ, ngành lập đề án - chương trình xúc tiến đầu tư.

2. Tiếp nhận các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, các yêu cầu điều chỉnh, thay đổi nội dung hoặc chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành.

3. Tổng hợp các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, các yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư và gửi đến các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra.

4. Tổng hợp ý kiến thẩm tra của các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra.

5. Đề xuất lịch họp và chuẩn bị tài liệu liên quan cho cuộc họp thẩm tra.

6. Dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm theo kết luận của Hội đồng Thẩm tra, trình Chủ tịch Hội đồng.

7. Lập dự toán kinh phí tổng hợp cho các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư trong Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm và gửi về Bộ Tài chính.

8. Điều chỉnh, cân đối các nội dung trong Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia sau khi Bộ Tài chính thông báo về tổng mức kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; công bố trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thông báo bằng văn bản cho các cơ quan liên quan về các hoạt động đã được phê duyệt và mức kinh phí được hỗ trợ đối với từng nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư.

9. Giúp Hội đồng Thẩm tra trong quá trình kiểm tra, giám sát và tổng hợp việc thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra giao.

Chương 2.

NỘI DUNG THẨM TRA VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ

Điều 7. Nội dung thẩm tra

1. Chỉ các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư mang tính quốc gia, ngành, vùng, địa bàn kinh tế trọng điểm hoặc ưu tiên phát triển, được xem xét thẩm tra để đưa vào Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

2. Nội dung thẩm tra các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Khoản 1, Điều 5 và các quy định liên quan của Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 109/2007/QĐ-TTg.

Điều 8. Phương thức hỗ trợ

Nguyên tắc và mức hỗ trợ về kinh phí được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch.

Chương 3.

QUY TRÌNH THẨM TRA, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ QUỐC GIA HÀNG NĂM

Điều 9. Hướng dẫn lập đề án - chương trình xúc tiến đầu tư

1. Căn cứ định hướng thu hút đầu tư của Chính phủ trong từng thời kỳ, Hội đồng Thẩm tra đưa ra định hướng xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, làm căn cứ để đánh giá và lựa chọn đề án - chương trình xúc tiến đầu tư của năm kế hoạch.

Ủy viên Hội đồng Thẩm tra có nhiệm vụ tham gia ý kiến về định hướng và yêu cầu đối với việc xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia khi có yêu cầu.

2. Các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án - chương trình xúc tiến đầu tư của năm kế hoạch do Bộ, ngành chủ trì tổ chức thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Quy chế này, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài) trước ngày 01 tháng 07 của năm trước năm kế hoạch.

Điều 10. Tổng hợp các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, nếu xét thấy đề án - chương trình xúc tiến đầu tư chưa hoàn chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung.

Cơ quan chủ trì xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn chỉnh đề án và trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, Ban Thư ký tổng hợp các đề án - chương trình xúc tiến đầu tư thành dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và gửi các thành viên Hội đồng Thẩm tra.

Điều 11. Thẩm tra đề án - chương trình xúc tiến đầu tư

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, căn cứ quy định tại Điều 3, 4 và 5 Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, Ủy viên Hội đồng gửi ý kiến thẩm tra bằng văn bản của mình đến Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra và Ban Thư ký.

Trường hợp Ủy viên Hội đồng Thẩm tra thấy cần bổ sung các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thực hiện định hướng của Chính phủ về thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, thì có thể đề xuất với Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra để tổng hợp chung vào dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và gửi đến các Ủy viên khác để có ý kiến.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm tra bằng văn bản của các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra tổ chức họp thẩm tra và có kết luận về dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt.

Điều 12. Phê duyệt và công bố Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận thẩm tra dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký phê duyệt Chương trình.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trên website của Bộ; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho các cơ quan liên quan về nội dung của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm đã được phê duyệt, trong đó quy định rõ: mục tiêu; cơ quan (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chủ trì tổ chức thực hiện; cơ quan phối hợp; dự kiến mức kinh phí hỗ trợ; tiến độ triển khai; địa điểm triển khai và các yêu cầu cần thiết khác đối với từng đề án - chương trình thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tài chính về tổng mức kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia do Quốc hội phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho các cơ quan liên quan về mức kinh phí cụ thể được hỗ trợ đối với từng hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia đã được phê duyệt.

Điều 13. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt các đề án thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia đã được phê duyệt

1. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trường hợp Cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư có yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, mà không làm thay đổi mục đích, nội dung chính và mức hỗ trợ đã được phê duyệt, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì, Ban Thư ký báo cáo Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra để trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định.

3. Trường hợp Cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư có yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt đề án - chương trình xúc tiến đầu tư, mà làm thay đổi mục đích, nội dung chính và mức hỗ trợ đã được phê duyệt, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì, Ban Thư ký tập hợp ý kiến của Cơ quan chủ trì chương trình gửi các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra. Sau 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra, Ban Thư ký tổng hợp trình Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra để báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định.

Chương 5.

KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ QUỐC GIA HÀNG NĂM

Điều 14. Báo cáo thực hiện đề án - chương trình xúc tiến đầu tư

1. Ngay sau khi thực hiện các hoạt động trong chương trình hoặc chậm nhất trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, cơ quan chủ trì gửi báo cáo thực hiện đề án - chương trình xúc tiến đầu tư do Cơ quan mình thực hiện đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 109/2007/QĐ-TTg.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Hội đồng Thẩm tra tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm, trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 3, Điều 10, Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 109/2007/QĐ-TTg.

Điều 15. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm

Hội đồng Thẩm tra tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm theo quy định tại Điều 12, Quy chế Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia ban hành kèm theo quyết định 109/2007/QĐ-TTg.

Ủy viên Hội đồng Thẩm tra có trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện đối với các nội dung hoạt động trong Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia theo kế hoạch hàng năm hoặc định kỳ.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Ủy viên Hội đồng thẩm tra, Ban Thư ký và các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Ủy viên Hội đồng Thẩm tra cần kiến nghị kịp thời để Chủ tịch Hội đồng Thẩm tra báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

 

BỘ/UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

V/v Chương trình XTĐT năm…

 

 

Kính gửi:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Cục Đầu tư nước ngoài)

CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM…

 

TT

Nội dung hoạt động

Thời gian thực hiện

Dự trù (triệu đồng)

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

Tổng kinh phí

Hỗ trợ từ Quỹ QG

I

Tài liệu XTĐT

 

 

 

 

 

 

 

(VD: biên soạn và in ấn tài liệu mô tả dự án kêu gọi vốn ĐTNN của vùng, tỉnh)

 

 

 

 

 

 

II

Nâng cao năng lực cán bộ

 

 

 

 

 

 

 

(VD: Lớp tập huấn nâng cao kỹ năng XTĐT cho cán bộ phụ trách XTĐT của vùng, tỉnh)

 

 

 

 

 

 

III

Hội thảo XTĐT trong nước

 

 

 

 

 

 

 

(VD: Hội thảo giới thiệu quy hoạch quỹ đất của vùng/tỉnh và kêu gọi đầu tư phát triển CSHT)

 

 

 

 

 

 

IV

Hoạt động XTĐT tại nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

(VD: Hội thảo giới thiệu tiềm năng về công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Nagoya và Osaka, Nhật Bản).

 

 

 

 

 

 

V

Các hoạt động khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

(tổng)

(tổng)

 

 

 

 

Hồ sơ kèm theo:

- Thuyết minh Chương trình XTĐT năm…

- Dự thảo Chương trình làm việc của Hội thảo, Diễn đàn…(nếu có)

- Dự trù kinh phí chi tiết

…, ngày… tháng… năm…

BỘ TRƯỞNG/CHỦ TỊCH UBND

Chú thích:

- Thời gian thực hiện: thời gian dự kiến triển khai hoạt động XTĐT (VD: Quý I).

- Kinh phí dự trù: mức kinh phí dự kiến cần thiết để thực hiện hoạt động XTĐT (dự trù trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ Tài chính về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế và trong nước, đoàn công tác nước ngoài, in ấn tài liệu…).

- Cơ quan chủ trì: cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động XTĐT (chủ chương trình).

- Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài liên quan tại Việt Nam… cùng phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động XTĐT.

- Ghi chú: các đặc thù khác của hoạt động XTĐT (nếu có).

 

BỘ/UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

 

THUYẾT MINH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM…

1. Hoạt động xúc tiến đầu tư của Bộ/tỉnh: miêu tả sơ bộ về thực trạng triển khai và đánh giá hiệu quả hoạt động XTĐT của Bộ, ngành, địa phương mình trong năm thực hiện và đề xuất phương hướng và trọng tâm của Chương trình XTĐT trong năm kế hoạch.

2. Nội dung Chương trình XTĐT:

a. Mục đích, yêu cầu của Chương trình

b. Nội dung hoạt động XTĐT của Chương trình: mô tả chi tiết từng nội dung hoạt động XTĐT dự kiến thực hiện trong năm kế hoạch theo trình tự hoạt động tại Bảng kê Chương trình XTĐT (chủ đề hoạt động; địa điểm dự kiến; quy mô thực hiện; sự cần thiết của hoạt động đối với công tác XTĐT của Bộ, ngành, địa phương mình; tính liên kết về ngành, vùng, địa phương của hoạt động; khả năng phối hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch liên quan; thực trạng hiện nay nếu là hoạt động triển khai qua các năm; khả năng được hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khác…).

3. Dự trù kinh phí:

a. Dự trù tổng kinh phí cần thiết để thực hiện Chương trình XTĐT của Bộ, ngành, địa phương.

b. Dự kiến các nguồn kinh phí:

· Nguồn ngân sách nhà nước từ Quỹ Hỗ trợ thành lập theo Quyết định 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 (ngân sách XTĐT quốc gia);

· Nguồn ngân sách nhà nước từ địa phương, Bộ, ngành của Cơ quan chủ trì Đề án;

· Nguồn huy động từ doanh nghiệp, nhà tài trợ…

4. Kiến nghị: nêu rõ các đề xuất, kiến nghị đối với Cơ quan quản lý Chương trình XTĐT quốc gia, Hội đồng thẩm tra Chương trình XTĐT quốc gia, các địa phương khác… liên quan đến các nội dung thuộc phạm vi Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia (nếu có).

Lưu ý:

Ngoài các nội dung trên, tùy theo tính chất đặc thù của từng Đề án, đơn vị chủ trì có thể nêu thêm các nội dung khác nếu cần thiết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 504/QĐ-BKH năm 2008 về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm tra chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 504/QĐ-BKH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Võ Hồng Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản