Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 495/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2021 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn thành viên và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia (sau đây gọi tắt là Hội đồng).
2. Quy chế này áp dụng đối với Hội đồng Y khoa Quốc gia và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.
Điều 2. Tên gọi và địa chỉ giao dịch
1. Tên tiếng Việt: Hội đồng Y khoa Quốc gia
2. Tên tiếng Anh: Viet Nam Medical Council
3. Tên viết tắt của tiếng Anh: VNMC
4. Website: vnmc.gov.vn
5. Hội đồng Y khoa Quốc gia có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
CƠ CẤU TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng
Hội đồng có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia:
1. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm. Các Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách các lĩnh vực, công việc theo phân công nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng; có 01 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách giúp Chủ tịch Hội đồng giải quyết công việc thường xuyên của Hội đồng và những việc khác có liên quan khi được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy quyền. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng.
2. Ủy viên Hội đồng có từ 27 đến 29 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gồm:
a) Đại diện của Tổng hội Y học Việt Nam và một số Hội nghề nghiệp, chuyên khoa, chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực y tế.
b) Đại diện một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe.
c) Đại diện một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
d) Đại diện của một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế về đào tạo, khám bệnh, chữa bệnh, pháp chế.
đ) 01 thành viên đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Thành viên Hội đồng được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quyết định 956/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động chuẩn bị tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
2. Chỉ đạo, điều hành giải quyết các công việc của Hội đồng;
3. Đại diện cho Hội đồng trong mối quan hệ với cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức có liên quan;
4. Ban hành các quy chế, quy định, hướng dẫn, quyết định và các văn bản khác để phục vụ hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, điều hành hoạt động của Hội đồng.
5. Phân công nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng.
6. Mời chuyên gia trong nước và quốc tế để phục vụ cho các nhiệm vụ của Hội đồng theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý nhân lực, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Hội đồng theo quy định của pháp luật;
8. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác do cấp có thẩm quyền phân công và theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng
1. Có đủ sức khỏe, thời gian thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng.
2. Có trình độ từ sau đại học trở lên và có ít nhất 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành phù hợp với vị trí chuyên môn dự kiến được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng, trong đó thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công tác quản lý nhà nước về đào tạo hoặc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc pháp chế.
3. Không thuộc các trường hợp sau đây:
a) Người đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến lĩnh vực chuyên môn về y tế;
b) Người đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về kỷ luật, khiếu nại, tố cáo.
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA
Điều 6. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng Y khoa Quốc gia hoạt động theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, độc lập, công khai, minh bạch khi thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.
2. Hội đồng họp và thảo luận tập thể về các nghị quyết, kế hoạch hoạt động và các nội dung quan trọng khác mà Chủ tịch Hội đồng quyết định phải lấy ý kiến các thành viên Hội đồng tại cuộc họp. Trường hợp phải biểu quyết thì ý kiến kết luận của Hội đồng, nghị quyết của Hội đồng phải được trên 50% số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập tán thành, trường hợp số phiếu đạt 50% thì theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên Hội đồng được quyền bảo lưu ý kiến của mình nhưng vẫn phải tuân thủ ý kiến kết luận, nghị quyết của Hội đồng đã được thông qua.
3. Việc biểu quyết các nội dung chuyên môn về chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề được Hội đồng và các Ban chuyên môn thể hiện ý kiến bằng hình thức chấm điểm của từng thành viên Hội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật được Chủ tịch Hội đồng phê duyệt và phải bảo đảm tính chính xác, khoa học, rõ ràng, độc lập và đúng quy định của pháp luật. Nội dung chuyên môn về chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề được thông qua khi có số điểm trung bình đạt từ 70% tổng số điểm trở lên.
Điều 7. Phương thức hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng hoạt động trên cơ sở kế hoạch hoạt động do chủ tịch Hội đồng phê duyệt.
2. Hội đồng làm việc thông qua cuộc họp hoặc gửi xin ý kiến Thành viên Hội đồng bằng Phiếu ghi ý kiến theo mẫu do Chủ tịch Hội đồng ban hành trong trường hợp không đủ số lượng thành viên dự họp theo quy định hoặc trong trường hợp cần thiết vì lý do bất khả kháng.
2. Hội đồng họp thường kỳ theo kế hoạch của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phê duyệt và họp đột xuất khi có yêu cầu phát sinh. Các cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng có mặt và dự họp. Thành viên Hội đồng biểu quyết bằng bỏ phiếu kín để quyết định những vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Phiên họp đột xuất của Hội đồng được triệu tập theo Quyết định của Chủ tịch hội đồng hoặc theo đề nghị của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Hội đồng. Các cuộc họp đột xuất phải có ít nhất 50% thành viên của Hội đồng có mặt và tham dự, trong đó phải có đủ thành viên có chuyên môn về vấn đề cần đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
3. Các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng được tiến hành theo các hình thức: Tổ chức họp trực tiếp; họp trực tuyến qua mạng. Chương trình họp, các tài liệu liên quan đến cuộc họp của Hội đồng phải được thông báo và chuyển cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là 05 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp, trừ trường hợp đột xuất.
Hội đồng thảo luận dân chủ, công khai về những vấn đề trong chương trình cuộc họp và những vấn đề do Chủ tịch hoặc các thành viên nêu ra. Các ý kiến của thành viên Hội đồng phải được ghi vào biên bản cuộc họp.
4. Trong trường hợp cần thiết căn cứ vào nội dung hoạt động, Chủ tịch Hội đồng có thể mời, thuê chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu kiến thức về chuyên môn, nội dung cần thảo luận lấy ý kiến để tư vấn hoặc tham gia các cuộc họp Hội đồng. Chuyên gia tư vấn được tham gia thảo luận các vấn đề nêu ra trong phiên họp nhưng không tham gia biểu quyết.
Điều 8. Kinh phí hoạt động của Hội đồng
Kinh phí hoạt động của Hội đồng do Hội đồng tự bảo đảm theo quy định của pháp luật./.
- 1Quyết định 5868/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế
- 2Quyết định 6126/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế
- 3Quyết định 7868/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế
- 1Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 2Nghị định 75/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 3Quyết định 5868/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế
- 4Quyết định 6126/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế
- 5Quyết định 7868/QĐ-BYT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 956/QĐ-TTg năm 2020 về Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 495/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 495/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/03/2021
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra