Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4531/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 08 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 07/6/2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Nghệ An;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh Nghệ An về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân tỉnh Nghệ An ngày 13/7/2012 về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 - 2015);

Căn cứ Công văn số 1651/BNN-TT ngày 20/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc góp ý quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An và Công văn số 2036/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 03/6/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An (Trước đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 2594/UBND-NN ngày 23/4/2013 về việc xin ý kiến về quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030);

Căn cứ Thông báo số 873-TB/TU ngày 12/9/2013 của Tỉnh ủy Nghệ An "Về quy hoạch sử dụng đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030",

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Báo cáo thẩm định số 375/BC-SNN.KHTC ngày 19/9/2013 về việc xin phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt: "Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030", gồm những nội dung sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030.

2. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Đoàn Quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An.

3. Mục tiêu quy hoạch

a) Mục tiêu tổng quát:

- Quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, có tính đến năm 2030 nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất lúa của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

- Quy hoạch sử dụng đất lúa gắn với việc thực hiện các chính sách bảo vệ, quản lý và phát triển đất lúa; chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa; chính sách đối với các địa bàn trong tỉnh thuộc vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa…, tạo động lực cho sản xuất lúa gạo phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao đời sống của người trồng lúa.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 95.770 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) 84.000 ha và định hướng đến năm 2030 diện tích đất trồng lúa là 92.240 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 81.195 ha.

- Hình thành và phát triển vùng lúa hàng hóa, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến tại các vùng trọng điểm lúa của tỉnh khoảng 8.400 ha vào năm 2015 và 28.000 ha vào năm 2020.

4. Quy hoạch sử đụng đất trồng lúa

a) Quy hoạch diện tích đất trồng lúa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030:

Quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, diện tích lúa ổn định 95.770 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) 84.000 ha và định hướng đến năm 2030 ổn định 92.240 ha diện tích lúa (trong đó đất chuyên trồng lúa nước) là 81.195 ha. Cụ thể:

Loại đất lúa

Hiện trạng năm 2010 (ha)

Kế hoạch 2015 (ha)

Quy hoạch đến 2020 (ha)

Quy hoạch đến 2030 (ha)

Tổng:

105.151,17

99.994,00

95.770,00

92.240,00

Đất sản xuất lúa nước

98.649,12

94.868,00

90.648,00

87.118,00

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

87.540,13

85.691,00

84.000,00

81.195,00

Đất sản xuất lúa rẫy

6.502,05

5.126,00

5.122,00

5.122,00

(Có phụ lục chi tiết kèm theo).

b) Quy hoạch phát triển sản xuất lúa đến năm 2020, có tính đến năm 2030:

- Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao:

Quy hoạch đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của toàn tỉnh là 20.000 ha chiếm 24% đất chuyên trồng lúa nước toàn tỉnh; bố trí phân bổ chủ yếu tại các huyện đồng bằng và một số huyện miền núi thấp của tỉnh. Cụ thể được phân bổ như sau:

TT

Đơn vị huyện

Diện tích quy hoạch

Năm 2015

Năm 2020

1

Diễn Châu

1.000

3.000

2

Yên Thành

1.600

5.000

3

Quỳnh L­ưu

900

2.000

4

Đô Lư­ơng

900

2.000

5

Nam Đàn

900

2.000

6

H­ưng Nguyên

900

2.000

7

Nghi Lộc

900

2.000

8

Thanh Chương

900

2.000

 

Tổng:

8.000

20.000

- Quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 30/01/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, phạm vi vùng quy hoạch như sau:

Tổng diện tích quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 28.000 ha; bố trí tại địa bàn 8 huyện vùng đồng bằng và trung du với 164 xã, thị trấn, gồm: Diễn Châu (29 xã, thị trấn) với diện tích 4.000 ha, Yên Thành (26 xã) với diện tích 6.000 ha, Quỳnh Lưu (21 xã) với diện tích 3.000 ha, Đô Lương (22 xã) với diện tích 3.000 ha, Nghi Lộc (17 xã) với diện tích 3.000 ha, Hưng Nguyên (17 xã) với diện tích 3.000 ha, Nam Đàn (14 xã) với diện tích 3.000 ha, Thanh Chương (18 xã) với diện tích 3.000 ha.

- Dự kiến kết quả sản xuất lúa đến năm 2020, có tính đến năm 2030:

Dự kiến diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng lúa qua các năm như sau:

Hạng mục

TH 2010

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2030

- Diện tích gieo trồng

183.414

171.847

169.767

163.509

- Năng suất BQ (tạ/ha)

45,18

52,0

55,0

57,0

- Sản lượng (tấn)

828.622

893.914

933.820

932.001

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về tuyên truyền:

Các địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phương án quy hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch ngành trên địa bàn quản lý, hướng dẫn các hộ gia đình, các doanh nghiệp, trang trại triển khai thực hiện.

b) Giải pháp về khoa học công nghệ:

Thực hiện chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất lúa.

Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình canh tác như: Thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap, thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng (INM) và quản lý nước (IWM).

Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật,...) trong nước và thế giới để đầu tư phát triển sản xuất lúa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương với hiệu quả cao và bền vững.

c) Giải pháp sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng:

Thực hiện các chủ trương, chính sách, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh như: Chương trình 30a cho các huyện nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác để thực hiện khai hoang mở rộng sản xuất đất lúa; đồng thời cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước.

Để làm được nhiệm vụ trên, cần thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ và Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.

Thực hiện việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo Thông tư số 30/2013/TT-BNN&PTNT ngày 11/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

d) Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất:

Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường nội đồng; thực hiện ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa.

Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống hồ, đập thủy lợi, kênh mương tưới tiêu để đảm bảo đủ nguồn nước tưới tự chảy cho các vùng đất lúa được quy hoạch ổn định. Đối với vùng không có điều kiện tưới tự chảy thì đầu tư xây dựng trạm bơm và kênh mương để cung cấp đủ nước tưới cho cây lúa.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng nhà kho, nhà máy, cơ sở vật chất phục vụ cho chế biến, bảo quản lúa gạo.

e) Giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu:

Tập trung xây dựng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê ngăn mặn, kè chống sạt lở ven song, hệ thống tiêu thoát lũ, các hồ đập thủy lợi,…tăng cường trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biên để bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái, nhằm ứng phó kịp thời với những yếu tố bất lợi của thời tiết để bảo vệ tốt diện tích đất lúa.

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa một cách hợp lý, đưa vào sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và có khả năng thích ứng với các điều kiện bất lợi của thời tiết.

g) Giải pháp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường lúa gạo:

Giải pháp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường lúa gạo có thể xem là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu tổn thất cho nông dân và gia tăng lợi nhuận, bao gồm:

- Hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, tạo cơ chế cân đối và phát huy tối đa lợi nhuận của chuỗi giá trị.

- Nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập.

- Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin - quảng bá giúp nông dân dễ dàng quyết định sản xuất và có kế hoạch sản xuất, dự báo được thị trường, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất lúa gạo.

h) Giải pháp về cơ chế chính sách:

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, như: Chính sách về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993; Chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày của UBND tỉnh Nghệ An,...

Điều 2. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện quy hoạch:

Để quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch được phê duyệt có hiệu quả thì các cấp, các ngành và người trồng lúa phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì chỉ đạo tổ chức sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

 b) Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt Thông tư số 30/2013/TT-BNN&PTNT ngày 11/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Hướng dẫn việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng.

c) Hàng năm hướng dẫn các địa phương lập dự toán chi và tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của tỉnh.

d) Hướng dẫn kịp thời các biện pháp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV cho người sản xuất lúa trong trường hợp bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh; hỗ trợ kinh phí khai hoang, cải tạo đất trồng lúa.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn cấp huyện, cấp xã hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) và tổ chức công bố công khai làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất lúa.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo về tình hình quản lý đất trồng lúa của địa phương theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

c) Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn cấp huyện, cấp xã xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai theo quy hoạch, xử lý hoặc tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.

e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người dân nắm vững quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Huy động, cân đối trình Chính phủ quyết định nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ đất trồng lúa và sản xuất lúa theo quy định của Nghị định số 42/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở ngành có liên quan triển khai chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ và Thông tư số 205/TT-BTC ngày 23/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.

b) Cân đối nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách đối với sản xuất lúa.

5. Các Sở, ban ngành khác: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện quy hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh về những vấn đề liên quan lĩnh vực ngành của mình quản lý, giải quyết các vướng mắc để thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

6. Trách nhiệm UBND các huyện, thành, thị

a) Thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương theo Nghị định số 42/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Khoanh định về ranh giới quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước. Tổ chức công bố công khai quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất lúa.

d) Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.

e) Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, quyết định chính sách hỗ trợ khác ngoài quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP để quản lý và sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả.

g) Chỉ đạo các xã và người dân tổ chức sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

h) Hàng năm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương.

7. Trách nhiệm UBND các xã, thị trấn

a) Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi,... Tạo mọi điều kiện để đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân.

b) Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã phải khoanh định về ranh giới quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

 c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất lúa trên địa bàn đã được phê duyệt; thông báo để mọi người dân hiểu, thực hiện, kiểm tra phát hiện sớm sự xâm phạm quy hoạch để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

d) Chỉ đạo người dân sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

8. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa

a) Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

b) Sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất.

c) Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

d) Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4531/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030"

  • Số hiệu: 4531/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản