Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3639/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRONG LĨNH VỰC PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2011, Hội nghị lần thứ 5 của Thành ủy khóa IX;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 5293/LĐTBXH-DN ngày 31 tháng 5 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện Đề án này; tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp, chính sách dạy các nghề phục vụ sản xuất phi nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Ủy ban nhân dân các huyện: xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; phối hợp, huy động các cơ sở đào tạo trên địa bàn có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án này; chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của huyện có chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

- Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện và Sở, ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách đảm bảo tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020.

Điều 3. Các chính sách quy định trong Đề án này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả và biến động kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, cơ quan đoàn thể thành phố, các trường dạy nghề, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRONG LĨNH VỰC PHI NÔNG NGHIỆP TẠI CÁC XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN:

1. Sự cần thiết:

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, đặt ra nhu cầu lao động được đào tạo ngày càng chất lượng hơn.

Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng nông thôn cũng đang phát triển đô thị hóa với tốc độ lớn, tỷ lệ đất nông nghiệp thu hẹp dần, một bộ phận đáng kể lao động nông thôn phải chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp; số còn lại phải thay đổi kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị và các dịch vụ khác. Do đó lao động nông thôn phải được đào tạo, trong đó tập trung đào tạo nghề để thích ứng với yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nhất là khu vực ngoại thành.

2. Cơ sở pháp lý của đề án

- Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

- Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010 - 2020;

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2011, Hội nghị lần thứ 5 Thành ủy khóa IX, trong đó nêu chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành sớm chương trình xây dựng nông thôn mới tại 58/58 xã giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Kế hoạch số 1352/KH-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

II. THỰC TRẠNG DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN:

Tình hình kinh tế xã hội khu vực nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua được cải thiện đáng kể; nhiều vùng đã đô thị hóa nhanh; lao động nông thôn nhất là thanh niên có nhiều điều kiện và khả năng tiếp cận yêu cầu phát triển của thành phố; người lao động chủ động hơn trong học văn hóa, học nghề; không chỉ học nghề tại địa phương mà còn tìm đến các cơ sở dạy nghề lớn tại trung tâm thành phố để theo học. Hiện có 20 trường và trung tâm tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố, trong đó 05 trung tâm dạy nghề và 02 trường trung cấp nghề trên địa bàn là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Các đơn vị khác cùng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn: Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, Trung tâm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố chọn là đơn vị dạy nghề chính tại 06 xã nông thôn mới.

1. Về phạm vi dạy nghề:

- Lĩnh vực các nghề cho lao động trực tiếp sản xuất: chăn nuôi; sinh vật cảnh; Cá cảnh - Nuôi trồng thuỷ sản; Kỹ thuật trồng chăm sóc hoa lan cây cảnh; trồng rau sạch; làm muối; …

- Lĩnh vực các nghề dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp: Thú y; Bảo vệ thực vật; Giống và vật tư nông nghiệp; Khuyến nông, lâm, ngư; Chế biến bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; Quản lý vận hành và khai thác công trình thủy lợi; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Quản lý sản xuất nông nghiệp; Tín dụng nông thôn.

- Dạy nghề phi nông nghiệp (phục vụ cho các vùng có tốc độ đô thị hóa cao): Cơ điện nông thôn, kế toán, kinh tế kỹ thuật và các nghề phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh địa phương như: Sửa chữa ô tô, Lái xe, Điện công nghiệp - dân dụng, Điện lạnh, May công nghiệp, Thẩm mỹ...

2. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg và chương trình xây dựng nông thôn mới:

- Năm 2010 và năm 2011: Tổng số: 11.565 người, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 52 %.

- Giúp lao động nông thôn cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp (làm việc tại các doanh nghiệp, cùng nhau tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm); thay đổi kỹ thuật và thói quen lao động nông nghiệp, giảm thời gian nông nhàn, tăng hiệu quả sử dụng lao động.

- Các nghề được đào tạo phần lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người lao động, nhu cầu phát triển của địa phương, của xã hội nên đã tạo thuận lợi cho học viên khi tìm việc làm, nâng cao thu nhập; góp phần giúp địa phương giảm dần số thất nghiệp do không còn đất canh tác, chuyển đổi cơ cấu lao động.

- Sau khi được đào tạo, người lao động đã biết tự xử lý (chăm sóc ban đầu, chọn con giống, thuốc trị bệnh thông thường cho vật nuôi - cây trồng) những vấn đề trong chăn nuôi, trồng trọt; nâng cao nhận thức, hiểu biết, áp dụng được nhiều yếu tố kỹ thuật (giữ ẩm, hạn chế sâu rầy, nâng cao năng suất...)

- Ngoài những thuận lợi và kết quả nêu trên, việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn cũng còn những khó khăn nhất định:

+ Tâm lý chưa tích cực học nghề; ý thức học nghề của học viên là lao động nông thôn tại một số địa phương còn hạn chế, còn có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên còn xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng.

+ Công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề chưa mạnh và hiệu quả

+ Công tác tư vấn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo. Mặt khác, hoàn cảnh gia đình khó khăn của lao động nông thôn (ban ngày phải đi mưu sinh, nơi ở phân tán hoặc vào thời vụ ...) nên không thể tổ chức học tập trung mà phải tổ chức dạy nghề lưu động, dạy trực tiếp tại địa bàn, dạy theo nhu cầu thời gian mà người nông dân có thể học, do đó phần nào hạn chế hiệu quả.

- Trong giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục huy động các cơ sở đào tạo tại các địa phương thuộc đối tượng của Đề án để tham gia dạy nghề, bao gồm tổng cộng 71 cơ sở dạy nghề - trong đó có 5 trường Cao đẳng nghề; 6 trường Trung cấp nghề; 20 Trung tâm dạy nghề; 10 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề - với năng lực đào tạo hàng năm: 4.000 sinh viên cao đẳng nghề, 7.000 học sinh trung cấp nghề, 30.000 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy với nhiều ngành nghề.

Bảng tổng hợp: Lao động nông thôn và số lao động đã qua đào tạo năm 2011.

(Tính trong độ tuổi lao động: nam: 15-60 tuổi; nữ: 15-55 tuổi)

STT

ĐƠN VỊ

Tổng số lao động (người)

Chia theo số hộ và ngành kinh tế

Lao động được đào tạo

Tổng số (hộ)

Nông Lâm Thủy sản và diêm nghiệp

Công nghiệp và Xây dựng

Thương nghiệp, vận tải, dịch vụ

Nguồn khác

Tổng số đến 11/2011 (người)

Tỷ lệ %

 

TỔNG CỘNG

803.727

322.088

32.161

133.560

145.191

11.176

490.273

61,00

1

Củ Chi

209.015

88.069

16.972

33.483

33.221

4.393

151.907

72,68

2

Hóc Môn

218.531

82.758

3.541

32.215

44.224

2.778

130.871

59,89

3

Bình Chánh

286.483

116.935

5.395

57.528

51.825

2.187

166.813

58,23

4

Nhà Bè

52.341

20.248

645

7.985

10.365

1.253

23.918

45,70

5

Cần Giờ

37.357

14.078

5.608

2.349

5.556

565

16.764

44,88

III. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ - GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

Cùng với dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm sản xuất nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất nhằm mang lại năng suất lao động cao hơn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng dần đời sống của lao động nông thôn, dạy nghề lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp nhằm các mục tiêu:

1.1. Giúp lao động nông thôn trong diện không còn tham gia sản xuất nông nghiệp có được tay nghề căn bản phù hợp với tình hình phát triển ngành nghề tại địa phương trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn; trên cơ sở đó, người lao động có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp (tại địa bàn hoặc vùng lân cận), tự tổ chức việc làm, hợp tác tổ chức việc làm phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

1.2. Gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới, góp phần tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn; đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tiêu chí quy định (đến 2015: 70% lao động đang làm việc qua đào tạo; đến 2020: 90% lao động đang làm việc qua đào tạo).

2. Định hướng lao động nông thôn chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp

Theo số liệu điều tra dân số cập nhật năm 2011, lao động trong độ tuổi (Nam: 15 - 60 tuổi; Nữ: 15 - 55 tuổi): 631.800 người; (trên tổng số 322.000 hộ); lao động qua đào tạo 221.800 người.

Nếu trừ số lao động là nội trợ trong hộ và số không có nhu cầu, điều kiện học nghề (sức khỏe, lao động phổ thông không cần qua đào tạo,…) khoảng 107.000 người (ước 1/3 số hộ), số lao động thực khoảng 524.800 người (Số cố định tại thời điểm lập đề án) thì mục tiêu 70% lao động đang làm việc được qua đào tạo vào năm 2015 tương ứng 367.300 người. Do đó cần đào tạo thêm 145.500 người lao động, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp: 21.000 người và phi nông nghiệp: 124.500 người (trong 4 năm 2012 - 2015).

Trừ số lao động 15 - 19 tuổi đi học phổ thông (khoảng 10%), bình quân mỗi năm cần đào tạo khoảng 28.000 lao động lĩnh vực phi nông nghiệp

Đến năm 2020, để tỷ lệ lao động đang làm việc được qua đào tạo đạt 90%, từ 2016 - 2020 mỗi năm phải đào tạo thêm khoảng 20.000 lao động.

3. Nội dung - Nhiệm vụ:

3.1. Đối tượng:

Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động: Nam từ 15 - 60 tuổi, Nữ từ 15 - 55 tuổi (tính đến năm tổ chức dạy nghề) có nhu cầu học nghề và tìm việc làm, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; ưu tiên quan tâm người diện chính sách ưu đãi. Trong đó cần tập trung:

- Số lao động từ 16-35 tuổi không học tiếp hoặc không còn học phổ thông (đây là số lao động còn điều kiện chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp: công nghiệp, thương mại, dịch vụ).

- Số lao động còn lại (nếu không sản xuất nông nghiệp) nên theo hướng tiểu, thủ công nghiệp để có thể tự tổ chức hoặc hợp tác tổ chức việc làm theo hoàn cảnh và điều kiện sống tại địa bàn.

3.2. Địa bàn áp dụng:

- Tại 05 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ (Gồm 58 xã , thị trấn). Trong đó chọn huyện Nhà Bè làm điểm.

- Xã điểm: Xã đang thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới: xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) ; xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè); xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh); xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

3.3. Trình độ đào tạo:

- Đối với lao động đủ trình độ văn hóa theo yêu cầu và còn điều kiện học tại trường chính quy, khuyến khích học các trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp.

- Đối với lao động khác: khuyến khích học trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên (chương trình không chính quy); chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật ngắn ngày.

3.4. Nghề đào tạo:

- Hướng theo nhu cầu doanh nghiệp tại địa phương, khu vực lân cận.

- Các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền thống, các nghề có cơ hội phát triển tại địa phương.

3.5. Đơn vị đào tạo:

- Trường nghề chính quy tại địa bàn và hệ thống trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp của thành phố: Đối với lao động còn điều kiện theo học trường chính quy.

- Trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề tại địa bàn: Đối với lao động không có điều kiện theo học chương trình chính quy.

- Các đơn vị có chuyên môn khác, đang hoạt động hợp pháp, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động.

3.6. Phương thức đào tạo:

Tập trung:

Đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và một số nghề trình độ sơ cấp nghề.

Vừa làm, vừa học:

Dạy nghề thường xuyên không chính quy: Đối với các nghề trình độ sơ cấp có yêu cầu kỹ thuật không quá cao, có thể phân phối thời gian học linh động nhưng vẫn bảo đảm nội dung đào tạo; các nghề dạy theo chương trình dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy; các hình thức chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật tại nơi sản xuất. Thời gian và địa điểm học được sắp xếp linh hoạt theo điều kiện người học nhưng phải bảo đảm kết quả đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn.

4. Giải pháp chủ yếu:

4.1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ các cấp, nhất là cấp xã và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

4.2. Tăng cường công tác tuyên truyền: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua sinh hoạt các đoàn thể, các buổi họp tổ nhân dân, tổ dân phố; qua tư vấn của đơn vị dạy nghề; in và phát hành tài liệu tuyên truyền phù hợp với người lao động.

4.3. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, trong đó làm tốt nhiệm vụ nâng số lượng và chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị và hiệu quả đào tạo các trường, trung tâm dạy nghề ở các huyện; Huy động các cơ sở giáo dục đào tạo; các viện nghiên cứu; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; trang trại; nông trường; lâm trường; doanh nghiệp; hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí quy định trong Đề án này và được cung cấp chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Ngoài ra, tận dụng các chương trình hỗ trợ của các đoàn thể để tăng cường đào tạo nghề theo đối tượng của Đoàn thể.

4.4. Tổ chức các lớp học phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của người lao động.

Các cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với huyện, xã, thị trấn, các đoàn thể tổ chức giới thiệu chương trình, khóa học và chiêu sinh tại ấp, tổ nhân dân. Phối hợp các doanh nghiệp để thông tin về nhu cầu tuyển dụng; trên cơ sở đó chiêu sinh đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp.

4.5. Xây dựng các phương thức đào tạo phù hợp và đổi mới phương pháp đào tạo:

- Các cơ sở đào tạo có kế hoạch và thường xuyên tiếp cận yêu cầu về kỹ năng, tay nghề kỹ thuật của thực tế sản xuất dịch vụ để rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, làm cho kết quả đào tạo ngày càng thích ứng với thực tế;

- Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích nghề; dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình khung, dạy nghề theo mô đun; đặc biệt coi trọng thực hành.

- Thông qua tạo lập mối liên kết thường xuyên giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác phát triển, đôi bên cùng có lợi, gắn chương trình đào tạo với thực tế phát triển kỹ thuật công nghệ của sản xuất kinh doanh; khai thác năng lực về thiết bị kỹ thuật, quy trình công nghệ của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tương thích giữa đào tạo và sử dụng tay nghề. Tăng cường thời gian đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp;

- Đa dạng phương thức đào tạo: Ngoài hình thức đào tạo tập trung theo kế hoạch (Đào tạo tại trường theo chương trình chính quy) cần phát triển nhiều hình thức đào tạo:

+ Đào tạo tại chức đối với công nhân, người lao động đang làm việc, muốn nâng cao tay nghề, muốn học thêm nghề hoặc nâng cao khả năng nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ;

+ Đào tạo tại xí nghiệp đối với công nhân do xí nghiệp tuyển vào, tổ chức đào tạo và sử dụng;

+ Đào tạo có địa chỉ: Cơ sở đào tạo tuyển sinh đào tạo và cung cấp lao động theo “đơn đặt hàng” (theo yêu cầu và nhu cầu) của các doanh nghiệp. Xem đây là phương thức cơ bản để nâng cao hiệu quả đào tạo;

4.6. Tổ chức ôn luyện, kiểm tra và cấp giấy công nhận tay nghề đối với lao động đã có tay nghề căn bản, có khả năng và đang lao động phù hợp với ngành nghề.

4.7. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý. Trong đó đối với trung tâm dạy nghề, mỗi nghề tối thiểu có 01 giáo viên cơ hữu; mỗi huyện có 01 biên chế chuyên trách về công tác dạy nghề thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

4.8. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề.

4.9. Cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông, giúp học sinh định hướng và chọn lựa con đường học tiếp phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và bản thân, phù hợp nhu cầu xã hội.

4.10. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

5. Chính sách:

5.1. Về chính sách đối với người học:

a. Chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng:

- Mức hỗ trợ từ 2 triệu, 2,5 triệu và 3 triệu đồng/người/khóa học tùy theo nhóm đối tượng (Quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg).

- Người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ thêm tiền ăn 15.000đồng/ngày thực học và tiền đi lại không quá 200.000 đồng/khóa đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

b. Đối với người học nghề trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận mức hỗ trợ như mức trung bình đối với học nghề sơ cấp (2,5 triệu đồng/người/khóa học).

c. Thực hiện kịp thời chế độ miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ.

d. Đối với lao động tạm trú dài hạn (KT3), Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố để có chế độ hỗ trợ học phí.

e. Chính sách học nghề nội trú : Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú là lao động nông thôn người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

g. Chính sách tín dụng:

Người học được vay tiền để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và nếu làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề.

Sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

h. Những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Đề án này nhưng tối đa không quá 03 lần.

5.2. Về chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và người dạy nghề

Giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống xã, ấp thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung.

Ngoài giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn quy định, huy động thêm người dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm đối tượng: tiến sỹ khoa học, tiến sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên (được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 300.000đồng/buổi); cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi (được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 25.000đồng/giờ).

5.3. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề

Tăng mức hỗ trợ đầu tư cho các trường nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện từ ngân sách Trung ương và thành phố

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường và trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô và chất lượng đào tạo. Nâng cấp Trung tâm dạy nghề huyện thành Trường Trung cấp nghề.

5.4. Các chính sách quy định trong Đề án này sẽ được điều chỉnh theo hướng dẫn của Trung ương để phù hợp với sự biến động của giá cả và biến động kinh tế- xã hội hàng năm và từng thời kỳ.

6. Kinh phí: Với chi phí đào tạo trung bình 2,5 triệu đồng/lao động:

Đơn vị tính : tỷ đồng

Giai đoạn

Hỗ trợ dạy nghề (Ngân sách Thành phố)

Tăng cường thiết bị (Hỗ trợ của Trung ương)

2011 - 2015

310

20

2016 - 2020

250

25

Tổng

560

45

 

7. Tổ chức thực hiện :

7.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Là đơn vị nòng cốt trong triển khai dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp. Phối hợp cùng các Sở ngành chức năng và các huyện, chịu trách nhiệm:

- Khai thác dữ liệu điều tra cung cầu lao động, hướng dẫn cập nhật điều tra, khảo sát lao động nông thôn hàng năm để lập kế hoạch thực hiện.

- Thường xuyên cập nhật tình hình về đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và ngành nghề đào tạo để có kế hoạch đầu tư nâng cấp cho phù hợp và hiệu quả.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá để đảm bảo hiệu quả của Đề án.

- Đề xuất nguồn đầu tư của Trung ương cho các cơ sở dạy nghề và các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng lao động nông thôn cho phù hợp với Đề án của Chính phủ và tình hình thực tiễn của thành phố.

7.2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn trong lựa chọn nghề nghiệp.

- Nắm thực lực các trường Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn các huyện về đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và ngành nghề đào tạo để có kế hoạch đầu tư nâng cấp cho phù hợp và hiệu quả.

- Phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để lựa chọn các đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

7.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện đề án và tham gia xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngoài Nhà nước tham gia xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn và hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện lập dự toán, tiếp nhận và quyết toán kinh phí theo quy định.

7.4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tuyên truyền nội dung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, giúp các ngành, các cấp và người lao động nông thôn hiểu được chủ trương, chính sách, lợi ích việc học nghề để giải quyết việc làm, ổn định và nâng dần cuộc sống ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng cường trách nhiệm các ngành các cấp trong chỉ đạo, hỗ trợ người dân học nghề; động viên người lao động chủ động, khắc phục khó khăn để học nghề phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và nhu cầu bản thân.

7.5. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn cho lao động nông thôn đến cấp xã.

Phối hợp với Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất những chương trình, nội dung kiến thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

7.6. Hội Nông dân thành phố:

Tích cực tham gia cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phổ biến Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ trong lực lượng cán bộ, hội viên và các hộ nông dân trên địa bàn làm nòng cốt và vận động nông dân tích cực tham gia. Tham gia dạy nghề theo các hình thức phù hợp với đặc điểm chức năng và điều kiện của Hội.

7.7. Ủy ban nhân dân các huyện:

Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg cấp huyện để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện Đề án trên địa bàn.

Bố trí 01 cán bộ chuyên trách dạy nghề thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đặc trách theo dõi dạy nghề lao động nông thôn.

Xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn theo Đề án này và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thành phố.

Chủ động điều tra khảo sát cập nhật hàng năm tình hình lao động nông thôn, xây dựng chỉ tiêu đào tạo nghề cho từng giai đoạn phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Rà soát năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn quận - huyện để đề xuất nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo phù hợp, huy động các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đủ năng lực tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn - khuyến khích liên kết, hợp tác, giữa các cơ sở dạy nghề để khai thác thiết bị, cơ sở vật chất nhằm tăng hiệu quả đào tạo. Khuyến khích cơ sở dạy nghề ngoài công lập hợp đồng với huyện để tham gia đào tạo những nghề cơ sở này có thế mạnh.

7.8. Các tổ chức Chính trị - Xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp; tham gia vào các hoạt động phù hợp của Đề án.

- Thành Đoàn tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn trong Đề án này vào các nội dung phù hợp của Đề án ‘Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015’ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án ‘Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015’./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3639/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020"

  • Số hiệu: 3639/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/07/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: 01/08/2012
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản