Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 341/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BÌNH CHỌN, TÔN VINH CÁ NHÂN TIÊU BIỂU TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT (GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT)

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 96/2017VNĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 1158/QĐ-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Pháp luật Việt Nam;

Theo đề nghị của Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng pháp luật).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam;
- Cổng thông tin điện tử (để đăng tải);
- Lưu: VT, Báo PLVN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Tịnh

 

ĐỀ ÁN

BÌNH CHỌN, TÔN VINH CÁ NHÂN TIÊU BIỂU TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT (GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT)
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 341/QĐ-BTP ngày 09/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung của Đề án

Biểu dương, tôn vinh các cá nhân là công dân, cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, tinh thần và đức hy sinh trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm, Ban Tổ chức tiến hành lựa chọn và tôn vinh khoảng 50 cá nhân trong cả nước, là đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật, là những tấm gương điển hình cho sự dũng cảm, tinh thần và đức hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và thực hiện pháp luật vì Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật bằng việc xây dựng những cá nhân tiêu biểu, nhân vật điển hình trong xây dựng và thực hiện pháp luật;

c) Kết hợp thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội phi lợi nhuận do Báo Pháp luật Việt Nam phát động và thực hiện trong giai đoạn 2020 và những năm tiếp theo.

II. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật, gồm:

- Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp là Trưởng Ban Chỉ đạo;

- Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị: Báo Pháp luật Việt Nam, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Văn phòng Bộ Tư pháp. Đại diện lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam giữ vai trò Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo kiêm Trưởng Ban tổ chức bình chọn Gương sáng Pháp luật.

b) Ban Chỉ đạo tổ chức bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật căn cứ nội dung Đề án để chỉ đạo Ban Tổ chức thực hiện công tác tổ chức bình chọn và tổ chức lễ trao danh hiệu cho các cá nhân được bình chọn là Gương sáng Pháp luật.

2. Thành lập Ban Tổ chức bình chọn và Hội đồng bình chọn

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Ban Tổ chức bình chọn Gương sáng Pháp luật.

Ban Tổ chức bình chọn có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo công tác bình chọn các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Ban Tổ chức gồm đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đơn vị phối hợp; Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam giữ vai trò Trưởng Ban tổ chức.

Các đơn vị thuộc Bộ cử đại diện tham gia Ban Tổ chức bình chọn Gương sáng Pháp luật, gồm: Văn phòng Bộ Tư pháp, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Đảng- Đoàn thể.

b) Ban Tổ chức bình chọn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xây dựng và ban hành Quy chế bình chọn Gương sáng Pháp luật;

- Thành lập Hội đồng bình chọn, Tổ Thư ký giúp việc;

- Làm việc với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội để đề nghị cung cấp thông tin về các cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật, phù hợp với các tiêu chí bình chọn để lập hồ sơ trình Hội đồng bình chọn thực hiện việc bình chọn, suy tôn và công nhận danh hiệu Gương sáng Pháp luật;

- Phê chuẩn kết quả bình chọn cá nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận danh hiệu Gương sáng Pháp luật sau khi xin ý kiến Ban chỉ đạo tổ chức bình chọn;

- Tổ chức Lễ vinh danh Gương sáng Pháp luật và trao danh hiệu và giải thưởng cho các cá nhân được tôn vinh;

- Tổ chức các hoạt động khác để thực hiện việc bình chọn;

- Thường xuyên hoặc đột xuất báo cáo Ban Chỉ đạo tổ chức bình chọn về hoạt động của Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn về kế hoạch và kết quả thực hiện bình chọn Gương sáng Pháp luật;

- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc bình chọn.

Ban Tổ chức được sử dụng con dấu và pháp nhân của Báo Pháp luật Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình tổ chức bình chọn. Ban Tổ chức chịu trách nhiệm trước Bộ Tư pháp và trước pháp luật về việc thực hiện bình chọn và tôn vinh các cá nhân là Gương sáng Pháp luật.

c) Thành lập Hội đồng bình chọn

Ban Tổ chức quyết định thành lập Hội đồng bình chọn, có số lượng từ 7 đến 11 thành viên là đại diện các cơ quan, tổ chức có khả năng đánh giá, thẩm định về phẩm chất đạo đức, thành tích của các cá nhân được đề cử bình chọn. Thành viên của Hội đồng bình chọn do Ban Tổ chức lựa chọn, là các cá nhân có uy tín, hiểu biết và có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật.

Hội đồng bình chọn hoạt động theo Quy chế bình chọn. Căn cứ vào các tiêu chí bình chọn, Hội đồng bình chọn xét từng hồ sơ và cho điểm theo từng tiêu chí để lựa chọn ra các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bình chọn được quy định cụ thể trong Quy chế bình chọn.

3. Xác định đối tượng bình chọn

a) Việc bình chọn danh hiệu Gương sáng Pháp luật được thực hiện trong phạm vi toàn quốc và đối với mọi công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong nước có thành tích trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội khen thưởng về những đóng góp tích cực đối với công tác xây dựng và thực hiện pháp luật;

b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước; lực lượng vũ trang có thành tích trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật, được cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc xây dựng và thực hiện pháp luật.

4. Thực hiện bình chọn Gương sáng Pháp luật

Việc tổ chức bình chọn và tôn vinh các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật được thực hiện theo quy trình sau đây:

a) Xây dựng và ban hành Quy chế bình chọn Gương sáng Pháp luật

Ban Tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế bình chọn. Quy chế bình chọn gồm các tiêu chí cơ bản về thành tích xuất sắc, tính chất điển hình, tiêu biểu của các cá nhân trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện pháp luật; quy định các nguyên tắc cơ bản và cách thức thực hiện việc bình chọn. Quy chế bình chọn là cơ sở cho việc lựa chọn, tôn vinh các cá nhân Gương sáng Pháp luật và giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động tổ chức bình chọn; các vấn đề liên quan đến danh hiệu do Ban Tổ chức trao cho các cá nhân được bình chọn.

b) Thực hiện bình chọn Gương sáng Pháp luật

Việc bình chọn và tôn vinh các cá nhân là Gương sáng Pháp luật được thực hiện theo các hình thức sau đây:

- Ban Tổ chức bình chọn lập hồ sơ bình chọn thông qua việc lựa chọn các cá nhân tiêu biểu, có thành tích trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện pháp luật, được các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khen thưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đáp ứng các tiêu chí bình chọn được quy định trong Quy chế bình chọn Gương sáng Pháp luật. Sau khi Ban Tổ chức lập hồ sơ về người được bình chọn, Hội đồng bình chọn họp và đánh giá từng cá nhân được bình chọn theo các tiêu chí được quy định trong Quy chế bình chọn để lựa chọn các cá nhân tiêu biểu, là tấm gương điển hình, có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thực hiện pháp luật.

- Ban Tổ chức hướng dẫn, đề nghị các cơ quan, tổ chức và địa phương thực hiện việc lựa chọn, suy tôn và lập hồ sơ về các cá nhân tiêu biểu, điển hình có thành tích, cống hiến trong công tác xây dựng, thực hiện pháp để Ban Tổ chức bình chọn, Hội đồng bình chọn Gương sáng Pháp luật đánh giá, suy tôn là Gương sáng Pháp luật theo Quy chế bình chọn.

c) Kiểm tra, thẩm định thông tin

Việc kiểm tra, thẩm định thông tin liên quan đến các cá nhân được bình chọn là Gương sáng Pháp luật nhằm kiểm chứng độ chính xác của các thông tin trước đó Ban Tổ chức đã thu thập được. Ban Tổ chức đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến cá nhân được bình chọn để cung cấp thông tin hoặc làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân liên quan để thẩm định thông tin về các vấn đề có nghi ngờ hoặc xét thấy cần thiết phải kiểm tra, thẩm định.

Việc kiểm tra, thẩm định thông tin được thực hiện trong suốt quá trình bình chọn, trước khi tiến hành trao giải thưởng.

d) Công bố danh sách cá nhân là Gương sáng Pháp luật và tổ chức tôn vinh

Trên cơ sở hồ sơ bình chọn do Ban Tổ chức lập, Hội đồng bình chọn tiến hành xét bình chọn Gương sáng Pháp luật. Kết quả xét bình chọn của Hội đồng bình chọn là cơ sở để Ban Tổ chức xin ý kiến Ban Chỉ đạo tổ chức bình chọn để công bố danh sách Gương sáng Pháp luật và tổ chức trao danh hiệu, giải thưởng cho những cá nhân được bình chọn, suy tôn là Gương sáng Pháp luật.

Sau khi có kết quả bình chọn của Hội đồng bình chọn, Ban Tổ chức công nhận danh hiệu và tổ chức trao danh hiệu cho các cá nhân được bình chọn. Việc tổ chức trao danh hiệu được thực hiện tại sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm.

e) Giải quyết khiếu nại liên quan đến việc trao tặng danh hiệu

Ban Tổ chức có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bình chọn, trao danh hiệu cho các cá nhân được công nhận là Gương sáng Pháp luật theo Quy chế bình chọn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức

Báo Pháp luật Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án, với các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình bình chọn; tổ chức các hoạt động cần thiết trong quá trình tổ chức bình chọn;

b) Kêu gọi tài trợ kinh phí và sử dụng kinh phí tài trợ để thực hiện các hoạt động bình chọn;

c) Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập Ban Tổ chức bình chọn, Hội đồng bình chọn và Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn; mời các cá nhân có uy tín trong lĩnh vực hành nghề luật sư, đại diện tổ chức có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư tham gia Hội đồng bình chọn; đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất cho Hội đồng bình chọn hoạt động;

d) Chuẩn bị hồ sơ bình chọn, gửi và nhận hồ sơ bình chọn;

đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình bình chọn để thu thập thông tin, thẩm định, đánh giá thông tin về đối tượng bình chọn;

e) Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho việc bình chọn và công bố kết quả bình chọn;

g) Tổ chức trao giải thưởng cho người được bình chọn.

2. Trách nhiệm của đơn vị phối hợp

a) Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Văn phòng Bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Vụ Thi đua -Khen thưởng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp, hỗ trợ Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện công tác tổ chức các hoạt động theo nội dung của Đề án và cử đại diện tham gia Ban Tổ chức bình chọn, Hội đồng bình chọn;

b) Các đơn vị khác thuộc Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Đề án.

3. Kinh phí thực hiện chương trình bình chọn

a) Nguồn tài trợ tự nguyện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến chương trình bình chọn và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trong quá trình thực hiện chương trình;

b) Nguồn kinh phí tổ chức hoạt động bình chọn trích từ kinh phí hoạt động sự nghiệp của Báo Pháp luật Việt Nam;

c) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 341/QĐ-BTP năm 2021 phê duyệt Đề án bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng pháp luật) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 341/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản