Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3318/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2023 |
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ X NĂM 2024
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Công văn số 6744/VPCP-KGVX ngày 22/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển thời gian tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2021;
Căn cứ Công văn số 6460/VPCP-KGVX ngày 22/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2477/QĐ-BGDĐT ngày 07/8/2019.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Cục: Giáo dục thể chất, Kế hoạch - Tài chính, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Công nghệ thông tin; Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Ban Chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng các cấp, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các thành viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU LỆ
HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ X NĂM 2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3318/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) là đại hội Thể dục thể thao (TDTT) học sinh phổ thông nhằm:
- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khuyến khích, động viên học sinh phổ thông thường xuyên tập luyện và thi đấu các môn thể thao trong trong trường học nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất góp phần giáo dục toàn diện.
- Góp phần thực hiện mục tiêu Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Phát hiện năng khiếu và những tài năng thể thao của học sinh phổ thông nhằm bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước.
- Tổng kết, đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường phổ thông.
2. Yêu cầu
- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.
- Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phổ biến quán triệt mục đích, ý nghĩa của HKPĐ đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo tổ chức HKPĐ các cấp theo quy định của Điều lệ với mục tiêu: Vận động đông đảo học sinh tham gia rèn luyện thể lực, tăng cường sức khỏe đáp ứng nhiệm vụ học tập, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh và chịu trách nhiệm về nhân sự tham gia HKPĐ của đơn vị mình.
- Công tác tổ chức HKPĐ phải an toàn, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút đông đảo các đơn vị, vận động viên (VĐV) tham dự.
- Các đơn vị cử VĐV dự thi đúng độ tuổi, đối tượng theo quy định của Điều lệ.
- Chấp hành nghiêm chỉnh Luật, Điều lệ, các quy định của Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) HKPĐ.
Điều 2. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO
1. Chu kỳ tổ chức HKPĐ: HKPĐ được tổ chức theo chu kỳ: cấp trường 01 năm/lần; cấp huyện 02 năm/lần; cấp tỉnh 02 hoặc 04 năm/lần; cấp toàn quốc 04 năm/lần.
2. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức HKPĐ các cấp
2.1. HKPĐ cấp trường: BTC HKPĐ cấp trường do Hiệu trưởng làm trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên gồm lãnh đạo, giáo viên giáo dục thể chất, cán bộ phụ trách đoàn, đội và cán bộ, giáo viên khác do Hiệu trưởng quyết định.
2.2. HKPĐ cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện thành lập BCĐ và BTC HKPĐ cấp huyện, gồm:
- Trưởng BCĐ là lãnh đạo UBND huyện.
- Trưởng BTC là lãnh đạo Phòng GDĐT.
- Các phó trưởng BCĐ, BTC và ủy viên là lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của các phòng, ban, ngành, đơn vị cấp huyện và các địa phương liên quan.
2.3. HKPĐ cấp tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh thành lập BCĐ và BTC HKPĐ cấp tỉnh, gồm:
- Trưởng BCĐ là lãnh đạo UBND tỉnh.
- Trưởng BTC là lãnh đạo Sở GDĐT.
- Các phó trưởng BCĐ, BTC và ủy viên là lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương liên quan.
2.4. HKPĐ cấp khu vực
Chủ tịch UBND tỉnh đăng cai HKPĐ khu vực thành lập BCĐ và BTC HKPĐ cấp khu vực, gồm:
- Trưởng BCĐ là lãnh đạo UBND tỉnh.
- Trưởng BTC là lãnh đạo Sở GDĐT.
- Các phó trưởng BCĐ, BTC và ủy viên là lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ, giáo viên thuộc Sở GDĐT và các sở, ban, ngành liên quan. Bộ GDĐT cử lãnh đạo, chuyên viên thuộc Vụ Giáo dục thể chất, Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và đơn vị liên quan tham gia BCĐ, BTC HKPĐ các khu vực.
2.5. HKPĐ cấp toàn quốc
Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập BCĐ và BTC HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024, gồm:
- Trưởng BCĐ là Thứ trưởng Bộ GDĐT.
- Phó trưởng BCĐ kiêm trưởng BTC là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.
- Các phó BCĐ, BTC và ủy viên là lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên, giáo viên thuộc Sở GDĐT và các sở, ban, ngành thuộc thành phố Hải Phòng và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo trực tiếp và toàn diện công tác tổ chức HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024.
Điều 3. HÌNH THỨC, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Hình thức: Tổ chức 02 giai đoạn
1.1. Giai đoạn 01: Thi đấu tại khu vực.
1.2. Giai đoạn 02: Thi đấu toàn quốc tại thành phố Hải Phòng.
2. Thời gian, địa điểm
2.1. HKPĐ khu vực
a) Thời gian: Tổ chức từ ngày 01/4 đến ngày 20/6/2024.
Các đơn vị đăng cai tổ chức khu vực chủ động lập kế hoạch, thông báo thời gian tổ chức cho các địa phương trong khu vực và Bộ GDĐT trước ngày 31/12/2023.
b) Địa điểm
- Khu vực I tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, gồm 13 đơn vị: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
- Khu vực II tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, gồm 12 đơn vị: Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Thái Bình (môn Điền kinh tổ chức thi đấu tại tỉnh Bắc Ninh).
- Khu vực III tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, gồm 12 đơn vị: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
- Khu vực IV tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, gồm 13 đơn vị: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Khu vực V tổ chức tại tỉnh Bến Tre, gồm 13 đơn vị: Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ.
2.2. HKPĐ toàn quốc
a) Thời gian: Từ ngày 16 đến 28/7/2024.
- Từ 16-18/7/2024: Kiểm tra hồ sơ, nhân sự VĐV.
- Ngày 19/7/2024: Hội nghị trưởng đoàn và họp chuyên môn, bốc thăm xếp lịch thi dấu các môn.
- Ngày 20/7/2024: 19h00 Khai mạc HKPĐ
- Từ ngày 21-28/7/2024: Các môn thi đấu theo lịch chuyên môn.
- Ngày 28/7/2024: 15h00 Tổng kết, Bế mạc HKPĐ.
b) Địa điểm: tại thành phố Hải Phòng.
Điều 4. SỐ LƯỢNG MÔN THI
1. Môn thi giai đoạn 1, gồm: 11 môn thể thao
1.1. Môn Bơi: Tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS) (nam, nữ).
1.2. Môn Bóng bàn: TH, THCS (nam, nữ).
1.3. Môn Bóng chuyền: THCS (nam, nữ).
1.4. Môn Bóng đá, vòng loại TH, THCS, Trung học phổ thông (THPT).
- TH: 05 người (nam).
- THCS: 07 người (nam).
- THPT: nữ (05 người) và nam (11 người).
1.5. Môn Bóng rổ: THCS (nam, nữ).
1.6. Môn Cầu Lông: THCS (nam, nữ).
1.7. Môn Đá cầu: TH, THCS (nam, nữ).
1.8. Môn Đẩy gậy: THCS (nam, nữ).
1.9. Môn Điền kinh: TH, THCS (nam, nữ).
1.10. Môn Kéo co: THCS (nam, nữ).
1.11. Môn Thể dục Aerobic: TH, THCS.
2. Môn thi giai đoạn 2: Gồm 15 môn thể thao
2.1. Môn Bơi: THPT (nam, nữ).
2.2. Môn Bóng bàn: THPT (nam, nữ).
2.3. Môn Bóng chuyền: THPT (nam, nữ).
2.4. Môn Bóng đá: Chung kết TH (nam), THCS (nam), THPT (nam, nữ).
2.5. Môn Bóng rổ: THPT (nam, nữ).
2.6. Môn Cầu lông: THPT (nam, nữ).
2.7. Môn Cờ vua: TH, THCS và THPT, theo các lứa tuổi (nam, nữ).
2.8. Môn Đá cầu: THPT (nam, nữ).
2.9. Môn Điền kinh: THPT (nam, nữ).
2.10. Môn Karate: THCS, THPT (nam, nữ).
2.11. Môn Kéo co: THPT (nam, nữ).
2.12. Môn Taekwondo: THCS, THPT (nam, nữ).
2.13. Môn Thể dục Aerobic: THPT (nam, nữ).
2.14. Môn Vovinam: THCS, THPT (nam, nữ).
2.15. Môn Võ cổ truyền: THCS, THPT (nam, nữ).
3. Môn thi tại cấp trường, huyện, tỉnh
Căn cứ số lượng các môn thể thao quy định tại Điều lệ HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024, phong trào thể thao và điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương, các đơn vị tự lựa chọn, quyết định số lượng môn thi thuộc HKPĐ cấp trường, huyện, tỉnh cho phù hợp, nhằm khích lệ động viên, thu hút đông đảo học sinh tập luyện và tham gia thi đấu.
Điều 5. ĐƠN VỊ VÀ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA
1. Đơn vị tham gia: Mỗi Sở GDĐT là một đơn vị tham gia.
2. Đối tượng
2.1. Đối tượng được tham gia HKPĐ: Học sinh phổ thông; học viên giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là học sinh) có độ tuổi từ 18 tuổi trở xuống đang học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2.2. Đối tượng không được tham gia HKPĐ
- Học sinh là VĐV đã và đang được đào tạo tại các trung tâm, câu lạc bộ đào tạo VĐV thuộc các Bộ, ngành, địa phương (từ cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương), trường năng khiếu thể dục thể thao, trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao được hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp (tính từ ngày 01/01/2022 đến thời điểm diễn ra HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024).
- Học sinh đã đoạt huy chương tại các giải thể thao thuộc hệ thống giải thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế hằng năm do Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL (nay là Cục Thể dục thể thao), các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, quốc tế tổ chức.
- Học sinh có tiền sử bệnh lý về tim mạch, thần kinh và các bệnh lý khác không đủ sức khỏe để thi đấu thể thao.
- Học sinh đang bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên và học sinh vi phạm pháp luật (có văn bản của cơ quan có thẩm quyền).
2.3. Quy định về độ tuổi
- Học sinh TH từ 07 đến 11 tuổi
+ Độ tuổi: 07 - 09 tuổi (sinh từ 31/12/2017 trở về trước đến 01/01/2015).
+ Độ tuổi: 10-11 tuổi (sinh từ 31/12/2014 trở về trước đến 01/01/2013).
- Học sinh THCS từ 12 đến 15 tuổi
+ Độ tuổi: 12 - 13 tuổi (sinh từ 31/12/2012 trở về trước đến 01/01/2011).
+ Độ tuổi: 14 - 15 tuổi (sinh từ 31/12/2010 trở về trước đến 01/01/2009).
- Học sinh THPT: Từ 16 - 18 tuổi (sinh từ 31/12/2008 trở về trước đến 01/01/2006).
2.4. Học sinh ở cấp học dưới quá tuổi theo quy định thì được phép thi đấu ở cấp học trên liền kề, nhưng không được vượt tuổi quy định của cấp học đó. Mỗi học sinh chỉ được đăng ký thi đấu cho 01 đơn vị, ở 01 cấp học và thi đấu 01 môn thể thao (không tính môn Kéo co).
Điều 6. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ
1. Hình thức đăng ký: Đăng ký trực tuyến trên hệ thống phần mềm HKPĐ (hướng dẫn chi tiết thông báo sau).
2. Thời gian đăng ký
2.1. HKPĐ khu vực
- Đăng ký sơ bộ: Các nội dung của từng môn trước 30 ngày tính đến ngày tổ chức kiểm tra hồ sơ nhân sự VĐV theo thời gian tổ chức của từng khu vực.
- Đăng ký chính thức: Các nội dung thi đấu của từng môn trước 15 ngày tính đến ngày kiểm tra hồ sơ nhân sự theo thời gian tổ chức của từng khu vực.
2.2. HKPĐ toàn quốc
- Đăng ký sơ bộ: Các nội dung của các môn trước 30 ngày tính đến ngày tổ chức kiểm tra hồ sơ nhân sự VĐV.
- Đăng ký chính thức: Các nội dung thi đấu của các môn trước 15 ngày tính đến ngày kiểm tra hồ sơ nhân sự.
3. Quy định đăng ký trực tuyến
- Thông tin cá nhân VĐV.
- Ảnh chân dung có dung lượng file phải nhỏ hơn 2 MB, các định dạng cho phép: png, gif, jpg, jpeg và ảnh phải có kích thước nhỏ hơn 367x488 điểm ảnh.
- Mã học sinh (nguồn: cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GDĐT).
- Số định danh cá nhân (nguồn: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
- Đăng ký nội dung thi đấu các môn.
- Giấy khai sinh hoặc hộ chiếu (đối với học sinh dưới 14 tuổi).
- Căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên).
Lưu ý: Đối với học sinh đủ 14 tuổi chưa hoặc đã làm thủ tục cấp căn cước công dân nhưng chưa đến thời hạn được nhận, có thể thay thế bằng giấy xác nhận nhân thân hoặc giấy hẹn trả căn cước công dân do cơ quan công an đủ thẩm quyền xác nhận.
4. Hồ sơ kiểm tra nhân sự VĐV
4.1. Quyết định thành lập đoàn tham dự HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024.
4.2. Danh sách đoàn cán bộ, VĐV (Mẫu 01).
4.3. Danh sách đăng ký chi tiết nội dung thi của từng VĐV cho từng môn thi (Mẫu 02).
4.4. Phiếu thi đấu của từng VĐV (Mẫu 03).
(Các mẫu được in từ file xuất trên hệ thống phần mềm đăng ký thi đấu HKPĐ, có chữ ký, đóng dấu của Giám đốc Sở GDĐT).
4.5. Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xác nhận danh sách VĐV tham gia HKPĐ không thuộc đối tượng hưởng chế độ đào tạo VĐV thể thao từ ngân sách nhà nước.
4.6. Giấy khám sức khỏe (còn thời hạn 06 tháng tính đến ngày kết thúc thi đấu) của từng VĐV theo mẫu hiện hành và được cơ quan y tế đủ thẩm quyền kết luận sức khỏe bình thường hoặc sức khỏe loại I. Đối với giấy khám sức khỏe được kết luận sức khỏe loại II trở xuống phải có bản cam kết (theo Mẫu) của bố, mẹ đẻ hoặc người giám hộ đồng ý cho thi đấu thể thao.
5. Các quy định khác
5.1. Điều kiện tổ chức các nội dung thi đấu: Chỉ tổ chức thi đấu khi mỗi nội dung có từ 05 đơn vị tham gia trở lên.
- Trước 10 ngày tính đến thời điểm hết hạn đăng ký chính thức (theo khoản 2, Điều 6), Ban Tổ chức sẽ thông báo đối với những nội dung không đủ điều kiện tổ chức thi đấu để các đơn vị rà soát, điều chỉnh.
- Sau thời gian đăng ký chính thức, các đơn vị tự ý bỏ Ban Tổ chức sẽ trừ điểm bằng điểm của 01 huy chương vàng (11 điểm), điểm trừ sẽ được nhân theo hệ số nếu là môn tập thể được quy định tại khoản 4, Điều 7. Đối với những trường hợp có lý do đặc biệt Ban Tổ chức sẽ xem xét, quyết định.
5.2. Trang phục
- Trang phục trình diễn là đồng phục theo đoàn.
- Trang phục thi đấu: Theo quy định tại Điều lệ, Luật của môn thi đấu.
5.3. Thành phần đoàn
- Trưởng đoàn là lãnh đạo Sở GDĐT.
- Cán bộ phụ trách từng môn thi là các cán bộ, chuyên viên, giáo viên thuộc ngành Giáo dục do Giám đốc Sở GDĐT quyết định.
- Huấn luyện viên và chỉ đạo viên từng nội dung thi do Sở GDĐT phối hợp với Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT quyết định.
Điều 7. TÍNH ĐIỂM VÀ XẾP HẠNG
1. Điểm từng nội dung thi (cá nhân, đôi, đồng đội, tập thể) của từng môn thi chỉ tính theo xếp thứ tự từ 01 đến 10, cách tính như sau:
- Xếp thứ tự: 01=11 điểm, 02 = 09 điểm, 03 = 08 điểm; 04 = 07 điểm, 05 = 06 điểm (thứ 05 đến thứ 08 đối với các nội dung thi theo thể thức loại trực tiếp), 06 = 05 điểm, 07 = 04 điểm, 08 = 03 điểm, 09 = 02 điểm (thứ 09 đến thứ 16 đối với các nội dung thi theo thể thức loại trực tiếp), 10 = 01 điểm.
- Đối với các nội dung loại trực tiếp: Các đội có cùng thành tích ở cùng một vòng đấu sẽ tính đồng thứ hạng (chỉ lấy tối đa đến thứ tự thứ 16).
- Đối với các nội dung chia bảng: Kết thúc vòng bảng, ngoài các đội được lựa chọn vào thi đấu vòng tứ kết, bán kết, chung kết được xếp thứ hạng từ 01-08, các đội cùng thứ hạng còn lại ở mỗi bảng được tính điểm bằng nhau (các đội được xếp đến đồng hạng 09, thì các đội còn lại sẽ tính đồng hạng 10).
(Hướng dẫn chi tiết cách tính điểm xem tại Phụ lục)
2. Các môn thi kết thúc tại khu vực được trao huy chương, tính điểm theo khoản 1, Điều 7 của Điều lệ này (riêng môn bóng đá vòng loại ở khu vực chỉ được tính điểm để cộng vào điểm toàn đoàn của HKPĐ).
3. Điểm thưởng
- Đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được cộng 50 điểm.
- Đơn vị đăng cai HKPĐ toàn quốc được cộng 100 điểm.
4. Điểm các môn thi tập thể
- Thi đấu tại khu vực: Bóng đá (11 người) nhân hệ số 03; Bóng đá (07 người, 05 người), Bóng rổ, Bóng chuyền Kéo co và Thể dục Aerobic nội dung thi 8 người được nhân hệ số 02.
- Thi đấu toàn quốc: Bóng đá (11 người) nhân hệ số 05; Bóng đá (07 người, 05 người), Bóng rổ, Bóng chuyền, Kéo co và Thể dục Aerobic nội dung thi 08 người được nhân hệ số 03 được nhân hệ số 2.
5. Điểm từng môn thi của HKPĐ
- Điểm môn thi tại khu vực: Là tổng điểm các nội dung thi của môn thi mà đơn vị đạt được tại khu vực.
- Điểm môn thi toàn quốc: Là tổng điểm các nội dung thi của môn thi mà đơn vị đạt được tại HKPĐ toàn quốc tại Hải Phòng.
6. Xếp hạng môn thi: Được tính theo thứ tự từ cao xuống thấp theo tổng số điểm đạt được của các đơn vị. Nếu bằng điểm nhau sẽ xét theo tổng số huy chương theo thứ tự huy chương Vàng, Bạc, Đồng của đơn vị đạt được tại khu vực hoặc toàn quốc và cuối cùng là bốc thăm.
7. Điểm toàn đoàn của HKPĐ Khu vực: Là tổng điểm các môn thi của đơn vị đạt được tại HKPĐ cấp Khu vực.
8. Điểm toàn đoàn của HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024: Là tổng điểm các môn thi của đơn vị tại khu vực cộng với tống điểm các môn thi toàn quốc (nhân hệ số 02) cộng với điểm tham gia Giải thể thao học sinh toàn quốc năm 2023, được tính theo công thức sau:
Điểm toàn đoàn = Tổng điểm khu vực + (Tổng điểm toàn quốc) x 02 + Điểm thưởng + Điểm Giải thể thao năm 2023;
9. Xếp hạng toàn đoàn của HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024 theo điểm: Được tính theo thứ tự từ cao xuống thấp theo tổng số điểm đạt được của các đơn vị. Nếu bằng điểm nhau sẽ xét theo tổng số huy chương theo thứ tự huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở vòng thi toàn quốc và cuối cùng là xét ưu tiên cho đơn vị có số lượng VĐV tham gia nhiều hơn.
10. Xếp hạng toàn đoàn của HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024 theo huy chương: Được tính theo thứ tự từ cao xuống thấp của tổng số huy chương Vàng, tổng số huy chương Bạc, tổng số huy chương Đồng đạt được tại HKPĐ Khu vực cộng tổng huy chương đạt được tại HKPĐ toàn quốc nhân hệ số 2, cách tính như sau:
Tổng HCV = Tổng HCV khu vực + (Tổng HCV toàn quốc) x 02.
Tổng HCB = Tổng HCB khu vực + (Tổng HCB toàn quốc) x 02.
Tổng HCĐ = Tổng HCĐ khu vực + (Tổng HCĐ toàn quốc) x 02.
Nếu tổng số huy chương bằng nhau thì tính theo thứ tự từ cao xuống thấp của tổng số HCV, tổng số HCB và tổng số HCĐ đạt được tại vòng thi toàn quốc.
Chương II
ĐIỀU LỆ TỪNG MÔN
Điều 8. MÔN BƠI
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu: Dành cho cả nam và nữ
2.1. Cấp TH: Bơi Tự do 50m, 100m; bơi Ếch 50m; bơi Ngửa 50m; bơi Tiếp sức tự do 4x50m.
2.2. Cấp THCS.
- Độ tuổi 12-13: Bơi Tự do 50m, 100m; bơi Ếch 50m, 100m; bơi Ngửa 50m; bơi Bướm 50m; bơi Tiếp sức tự do 4x50m.
- Độ tuổi 14-15: Bơi Tự do 50m,100m; bơi Ếch 50m,100m; bơi Ngửa 50m, 100m; bơi Bướm 50m; bơi Tiếp sức tự do 4x100m; bơi Tiếp sức hỗn hợp 4x50m.
2.3. Cấp THPT: Bơi Tự do 50m,100m, 200m; bơi Ếch 50m,100m, 200m; bơi Ngửa 50m, 100m; bơi Bướm 50m, 100m; bơi Hỗn hợp 200m; bơi Tiếp sức tự do 4x100m.
3. Thể thức thi đấu: Tính thời gian trực tiếp để xếp hạng cho các nội dung thi cá nhân, đội tiếp sức.
4. Số lượng tham gia
4.1. Mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 02 VĐV và 01 đội tiếp sức tham gia thi đấu ở mỗi nội dung.
4.2. Mỗi VĐV được đăng ký tối đa 02 nội dung cá nhân và 01 nội dung tiếp sức.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Bơi hiện hành của Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 9. MÔN BÓNG BÀN
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2. Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp TH: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
2.2. Cấp THCS:
- Độ tuổi: 12-13: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.
- Độ tuổi: 14-15: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.
- Đồng đội nam, đồng đội nữ (chung cho cả 2 độ tuổi).
2.3. Cấp THPT: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
3. Thể thức thi đấu
3.1. Giải đồng đội: Thi đấu 05 trận, gồm 04 trận đơn và 01 trận đôi và mỗi đội 03 VĐV, mỗi VĐV chỉ được thi đấu 02 trận.
Thứ tự trận đấu | A gặp X, B gặp Y, đôi, A hoặc B* gặp Z, C gặp X hoặc Y* (* = Là người không chơi trận đôi). |
- Nếu có trên 32 đội: Thi đấu loại trực tiếp.
- Nếu có từ 32 đội trở xuống: Thi đấu theo 02 giai đoạn.
+ Giai đoạn I: Chia bảng thi đấu vòng tròn một lượt chọn đội nhất, nhì vào giai đoạn II (mỗi bảng không quá 05 đội, số lượng bảng theo công thức 2n).
+ Giai đoạn II: Thi đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết (theo mã trận đã được bốc thăm).
3.2. Giải đơn, giải đôi: Thi đấu loại trực tiếp
- Cấp TH và THCS: Các trận đều thi đấu trong 05 ván, thắng 03.
- Cấp THPT: Đơn thi đấu trong 07 ván, thắng 04; đôi và đồng đội thi đấu trong 05 ván, thắng 03.
- Các VĐV cùng đơn vị không gặp nhau ở trận thi đấu đầu.
4. Số lượng tham gia:
Mỗi đơn vị được đăng ký số lượng VĐV tham dự ở mỗi cấp học như sau:
4.1. Cấp TH: 01 đội nam, 01 đội nữ (mỗi đội không quá 05 VĐV).
4.2. Cấp THCS: 01 đội nam, 01 đội nữ (mỗi đội không quá 05 VĐV), giải đơn và đôi được chia thi đấu theo 02 lứa tuổi (12-13 tuổi và 14-15 tuổi) mỗi lứa tuổi được cử 02 đơn nam, 02 đơn nữ, 01 đôi nam, 01 đôi nữ, 02 đôi nam nữ.
4.3. Cấp THPT: 01 đội nam, 01 đội nữ (mỗi đội không quá 05 VĐV).
4.4. Mỗi VĐV được phép thi đấu tối đa 02 nội dung không kể đồng đội.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Bóng bàn hiện hành của Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.
7. Các quy định khác
7.1. Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc và khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.
7.2. Bóng thi đấu: do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
7.3. Trang phục thi đấu
- Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi.
- Trang phục không được trùng màu với màu của bóng thi đấu.
- Áo thi đấu của các VĐV khi tham gia giải đồng đội, đôi và đơn phải có tên đơn vị in đằng sau lưng.
8. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 10. MÔN BÓNG CHUYỀN
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu: Dành cho cả nam và nữ.
2.1. Cấp THCS (6 - 6).
2.2. Cấp THPT (6 - 6).
3. Thể thức thi đấu: Thi đấu theo thể thức 03 hiệp thắng 02; mỗi hiệp 25 điểm, riêng hiệp quyết thắng (hiệp 3) thi đấu 15 điểm.
3.1. Nếu có từ 32 đội trở xuống thi đấu theo phương thức sau:
- Giai đoạn I: Chia bảng đấu vòng tròn 01 lượt để chọn 02 đội nhất, nhì các bảng vào giai đoạn II (mỗi bảng không quá 05 đội, số lượng bảng theo công thức 2n).
- Giai đoạn II: Đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết (theo mã trận đã được bốc thăm).
3.2. Nếu có trên 32 đội: Đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết.
4. Số lượng VĐV: Mỗi đơn vị được đăng ký ở mỗi cấp học 01 đội nam và 01 đội nữ (mỗi đội gồm 12 VĐV).
5. Luật thi đấu
5.1. Áp dụng Luật Bóng chuyền hiện hành của Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5.2. Bóng thi đấu: do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.
7. Các quy định khác
- Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực và toàn quốc được ưu tiên chọn làm hạt giống.
- Trang phục: Mỗi đội phải đăng ký tối thiểu 02 bộ trang phục thi đấu khác màu, giày tất thống nhất.
8. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 11. MÔN BÓNG ĐÁ
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp TH: Bóng đá nam 05 người.
2.2. Cấp THCS: Bóng đá nam 07 người.
2.3. Cấp THPT:
- Bóng đá nữ 05 người.
- Bóng đá nam 11 người.
3. Thể thức thi đấu: Môn Bóng đá của các cấp học đều thi đấu vòng loại tại khu vực để chọn đội vào chung kết, không trao huy chương, vẫn được tính điểm ở khu vực để cộng vào điểm chung của HKPĐ.
3.1. Tại khu vực: Thể thức thi đấu do Ban Tổ chức khu vực quy định phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi khu vực, chọn 03 đội (nhất, nhì, ba) của mỗi nội dung vào vòng chung kết.
3.2. Tại vòng chung kết (tính chung cho các cấp học và giới tính): Gồm 16 đội cho mỗi nội dung (15 đội xếp thứ nhất, nhì, ba ở mỗi khu vực và 01 đội của đơn vị đăng cai HKPĐ toàn quốc lần thứ X).
a) Giai đoạn I: 16 đội bốc thăm chia 04 bảng A, B, C, D (mỗi bảng 04 đội) đấu vòng tròn 01 lượt chọn đội nhất, nhì vào đấu tiếp giai đoạn II.
b) Giai đoạn II
- 08 đội đấu tứ kết (04 trận) quy định như sau:
+ Trận 01 : Nhất bảng A gặp nhì bảng B.
+ Trận 02: Nhất bảng C gặp nhì bảng D.
+ Trận 03: Nhất bảng B gặp nhì bảng C.
+ Trận 04: Nhất bảng D gặp nhì bảng A.
- Bán kết: 04 đội thắng ở tứ kết gặp nhau:
+ Đội thắng trận 01 gặp đội thắng trận 02.
+ Đội thắng trận 03 gặp đội thắng trận 04.
- Chung kết: 02 đội thắng ở trận bán kết gặp nhau để xếp hạng nhất - nhì, 02 đội thua ở bán kết đồng hạng ba.
4. Số lượng tham gia
4.1. Cấp TH: Đăng ký tối đa 12 VĐV (có số áo từ 01-12).
4.2. Cấp THCS: Đăng ký tối đa 14 VĐV (có số áo từ 01-14).
4.3. Cấp THPT
- Đội nữ đăng ký tối đa 12 VĐV (có số áo từ 01-12).
- Đội nam đăng ký tối 20 VĐV (có số áo từ 01-20).
4.4. Tại vòng chung kết mỗi đội được phép thay thế bổ sung một số cầu thủ chính thức nhưng không quá 1/3 số cầu thủ đã đăng ký thi đấu tại khu vực.
5. Quy định thi đấu
5.1. Luật thi đấu: Áp dụng Luật thi đấu 05 người, 07 người và 11 người hiện hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
5.2. Bóng thi đấu: Do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
a) Cấp TH: Bóng số 04.
b) Cấp THCS, THPT (nam, nữ): Bóng số 05.
5.3. Thời gian thi đấu:
a) Đối với cấp TH: Thi đấu trong 02 hiệp mỗi hiệp 20 phút, tính cả thời gian bóng ngoài cuộc (giữa 02 hiệp nghỉ 10 phút).
b) Đối với cấp THCS và nữ cấp THPT: Thi đấu trong 02 hiệp mỗi hiệp 25 phút, tính cả thời gian bóng ngoài cuộc (giữa 02 hiệp nghỉ 10 phút).
c) Đối với nam cấp THPT: Thi đấu trong 02 hiệp mỗi hiệp 35 phút, tính cả thời gian bóng ngoài cuộc (giữa 02 hiệp nghỉ 15 phút).
5.4. Trang phục thi đấu:
a) Áo của thủ môn phải khác màu với các cầu thủ khác và trọng tài trên sân (02 thủ môn cùng đội phải có màu áo giống nhau nhưng khác số). Đội có mã số đứng trước là đội được ưu tiên đăng ký màu áo.
b) Giày thi đấu: Thi đấu trong nhà dùng giày bata để cao su thường. Thi đấu ngoài trời có thể dùng giày để mềm có núm chống trơn. Đối với bóng đá nam cấp THPT dùng giầy da chuyên dùng cho bóng đá sân lớn (11 người).
c) Phải có bọc ống quyển theo quy định của Luật Bóng đá hiện hành (đối với tất cả các cấp học, kể cả nữ).
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.
6.1. Tính điểm để xếp hạng giai đoạn 01 đấu vòng tròn: Thắng 03 điểm - thua 00 điểm - hoà 01 điểm.
6.2. Xếp hạng giai đoạn 01:
* Nếu có từ hai đội trở lên bằng điểm nhau, trước hết tính kết quả của các trận đấu giữa các đội đó với nhau theo thứ tự:
- Số điểm.
- Hiệu số bàn thắng và số bàn thua.
- Tổng số bàn thắng.
Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.
* Nếu các chỉ số trên bằng nhau, thì tiếp tục xét các chỉ số của toàn bộ các trận đấu theo thứ tự:
- Hiệu số của tổng số bàn thắng và tổng số bàn thua.
- Tổng số bàn thắng.
Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.
* Nếu các chỉ số vẫn bằng nhau, sẽ tổ chức bốc thăm để xác định đội trên.
6.3. Giai đoạn 02: Thi đấu theo thể thức loại trực tiếp không có trận hòa. Nếu hòa trong 02 hiệp chính sẽ thi đá luân lưu để xác định đội thắng (không đá hiệp phụ).
6.4. Tính điểm vào kết quả HKPĐ toàn quốc
- Điểm các đơn vị đạt được tại Giải bóng đá học sinh TH và THCS toàn quốc trong các năm 2022, 2023.
- Điểm của các đơn vị đạt được tại khu vực: Đội đoạt hạng nhất khu vực được 11 điểm, hạng nhì 09 điểm, hạng ba 08 điểm. Các đội thứ ba vòng bảng được 06 điểm, các đội thứ tư vòng bảng được 04 điểm; nếu ở khu vực do ít đội tham gia thi đấu vòng tròn 01 lượt, đội nhất được 11 điểm, đội nhì 09 điểm và lùi dần 01 điểm cho các đội xếp hạng sau tiếp theo. Các đội bóng của đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc ở mỗi cấp học được vào thẳng vòng chung kết được 11 điểm/01 đội như đội nhất khu vực.
-Tại vòng chung kết: Đội nhất được 11 điểm, nhì được 09 điểm, hai đội ba cùng được 08 điểm. Các đội thua ở tứ kết cùng được 06 điểm. Các đội thứ ba vòng bảng được 03 điểm, đội thứ tư vòng bảng được 01 điểm (hệ số theo quy định tại mục 4, Điều 7, Chương I của Điều lệ này).
7. Chọn hạt giống: Các đội bóng của đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực, toàn quốc.
8. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 12. MÔN BÓNG RỔ
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp THCS: Đội tuyển 05 x 05 nam, 05 x 05 nữ.
2.2. Cấp THPT: Đội tuyển 05 x 05 nam, 05 x 05 nữ.
3. Thể thức thi đấu: Tùy vào điều kiện cụ thể về số lượng đội tham gia, có thể áp dụng thể thức thi đấu vòng tròn hoặc chia bảng đấu chéo (Ban Tổ chức khu vực sẽ quyết định thể thức thi đấu tại cuộc họp chuyên môn của Giải).
3.1. Nếu có từ 32 đội trở xuống thi đấu theo phương thức sau:
- Giai đoạn I: Chia bảng đấu vòng tròn 01 lượt để chọn 02 đội nhất, nhì các bảng vào giai đoạn II (mỗi bảng không quá 05 đội, số lượng bảng theo công thức 2n);
- Giai đoạn II: Đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết (theo mã trận đã được bốc thăm).
3.2. Nếu có trên 32 đội: Đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết.
4. Số lượng VĐV: Mỗi đơn vị được đăng ký ở mỗi cấp học 01 đội nam và 01 đội nữ (mỗi đội gồm 12 VĐV).
5. Luật thi đấu
5.1. Áp dụng Luật Bóng rổ quốc tế hiện hành.
5.2. Bóng thi đấu: do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
5.3. Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực và toàn quốc được ưu tiên chọn làm hạt giống.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
Tính điểm và xếp hạng: theo Luật Bóng rổ hiện hành.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 13. MÔN CẦU LÔNG
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 4 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp THCS:
- Độ tuổi 12-13: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
- Độ tuổi 14 - 15: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
2.2. Cấp THPT: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
3. Thể thức thi đấu
3.1. Giải đồng đội: Thi đấu 02 trận đơn và 01 trận đôi (mỗi trận thi đấu trong 03 ván) mỗi đội phải có tối thiểu 03 VĐV tham gia thi đấu.
- Nếu có từ 17 đội trở lên: Thi đấu loại trực tiếp.
- Nếu có từ 16 đội trở xuống: Thi đấu theo 02 giai đoạn.
+ Giai đoạn I: Chia bảng thi đấu vòng tròn một lượt chọn đội nhất, nhì vào giai đoạn II (mỗi bảng không quá 04 đội, số lượng bảng theo công thức 2n).
+ Giai đoạn II: Thi đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết (theo mã trận đã bốc thăm).
3.2. Giải đơn và giải đôi: Thi đấu loại trực tiếp.
Cấp THCS và THPT: Các trận đều thi đấu trong 03 ván, thắng 02.
4. Số lượng tham gia
4.1. Mỗi đơn vị đăng ký một đội tối đa không quá 05 VĐV nam và 05 VĐV nữ cho mỗi lứa tuổi.
4.2. Mỗi VĐV được đăng ký tham gia tối đa 03 nội dung (kể cả đồng đội).
5. Luật thi đấu
5.1. Áp dụng Luật thi đấu Cầu lông do Bộ VHTTDL ban hành và các điều luật bổ sung, thay thế của Liên đoàn cầu lông Thế giới.
5.2. Các cá nhân cùng đơn vị không gặp nhau trong trận đầu tiên.
5.3. Cầu thi đấu: Do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
5.4. Trang phục: Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.
7. Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực, toàn quốc được chọn làm hạt giống.
8. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 14. MÔN CỜ VUA
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu: Cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh cho cả nam và nữ.
2.1. Cấp TH: thi đấu theo 02 độ tuổi (07 - 09 tuổi, 10-11 tuổi).
2.3. Cấp THPT: thi đấu theo 02 độ tuổi (16 tuổi, 17 - 18 tuổi).
3. Thể thức thi đấu: Thi cá nhân, đồng đội.
3.1. Theo hệ Thụy sĩ trong 07 ván nếu có từ 11 đến 20 VĐV hoặc 09 ván nếu có từ 21 VĐV trở lên. Trường hợp nếu có 10 VĐV trở xuống thì sẽ thi đấu vòng tròn 01 lượt.
3.2. Thời gian thi đấu cho mỗi đấu thủ là: 90 phút để hoàn thành ván cờ đối với cờ tiêu chuẩn, 25 phút đối với cờ nhanh.
4. Số lượng tham gia: Mỗi đơn vị được đăng ký 02 VĐV nam và 02 VĐV nữ ở mỗi độ tuổi, mỗi nội dung thi đấu.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Cờ vua hiện hành của Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
6.1. Xếp hạng cá nhân theo điểm, tổng điểm đối kháng trong nhóm bằng điểm, hệ số Buchholz, hệ số lũy tiến, số ván thắng, số ván cầm quân đen, số ván thắng bằng quân đen nếu vẫn bằng nhau thì bốc thăm xác định thứ hạng.
6.2. Xếp hạng đồng đội: Tổng điểm đạt được theo xếp hạng của 02 VĐV nam hoặc 02 VĐV nữ ở mỗi độ tuổi, nếu bằng nhau thì tính tổng thứ hạng, nếu bằng nhau thì đội có VĐV xếp hạng cá nhân cao hơn được xếp trên.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất. 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 15. MÔN ĐÁ CẦU
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
Môn Đá cầu tại Hội khỏe Phù đổng bao gồm 21 nội dung thi đấu ở cả 03 cấp học, cụ thể như sau:
2.1. Cấp TH: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội tuyển nam, đội tuyển nữ.
2.2. Cấp THCS: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội tuyển nam, đội tuyển nữ.
2.3. Cấp THPT: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội tuyển nam, đội tuyển nữ.
3. Thể thức thi đấu
3.1. Thi đấu đội tuyển: Mỗi trận thi đấu được cử 06 VĐV (03 VĐV chính thức và 03 VĐV dự bị)
- Nếu có trên 32 đội tham gia: Thi đấu loại trực tiếp một lần thua.
- Nếu có 32 đội trở xuống tham gia:
+ Vòng I: Chia bảng thi đấu vòng tròn một lượt (để chọn đội nhất, nhì vào vòng II, mỗi bảng không quá 05 đội, số lượng bảng theo công thức 2n);
+ Vòng II: Thi đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết (theo mã trận đã được bốc thăm, nhất bảng này gặp nhì bảng kia).
3.2. Thi đấu đơn và đôi:
- Thi đấu loại trực tiếp một lần thua nếu có trên 09 VĐV hoặc 09 đôi trở lên tham gia.
- Chia bảng thi đấu vòng tròn 01 lượt nếu có từ 08 VĐV hoặc 08 đôi trở xuống tham gia.
- Chọn nhất, nhì mỗi bảng vào thi đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết.
4. Số lượng tham gia
4.1. Mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 vận động viên (06 VĐV nam và 06 VĐV nữ) đối với mỗi cấp học.
4.2. Mỗi đơn vị đăng ký 02 đơn nam và 02 đơn nữ; 02 đôi nam, 02 đôi nữ; 02 đôi nam nữ; 01 đội nam, 01 đội nữ ở mỗi nội dung thi.
4.3. Mỗi VĐV được đăng ký tối đa 03 nội dung thi đấu.
5. Luật thi đấu: Áp dụng theo Luật thi đấu Đá cầu hiện hành của Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2015.
5.1. Cầu thi đấu: Do Ban Tổ chức quyết định và sẽ có thông báo sau.
5.2. Trang phục thi đấu: Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi (phải có số áo phía trước và phía sau).
5.3. Các VĐV cùng đơn vị không gặp nhau trong trận thi đấu ở thể thức loại trực tiếp.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
8. Các quy định khác: Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc và khu vực được chọn làm hạt giống.
Điều 16. MÔN ĐẨY GẬY
1. Đối tượng: Theo quy định của mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
- Nam: Đến 41kg, trên 41kg đến 44kg, trên 44kg đến 47kg, trên 47kg đến 50kg, trên 50kg đến 53 kg, trên 53kg đến 56kg.
- Nữ: Đến 35kg, trên 35kg đến 38kg, trên 38kg đến 41kg, trên 41kg đến 44kg, trên 44kg đến 47kg , trên 47kg đến 50kg.
3. Thể thức thi đấu: Tùy theo số lượng VĐV tham dự Ban Tổ chức sẽ quy định thể thức thi đấu tại cuộc họp chuyên môn.
4. Số lượng tham gia: Mỗi đơn vị được đăng ký 01 VĐV thi đấu cho mỗi hạng cân. Mỗi VĐV chỉ được thi đấu ở 01 hạng cân.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Đẩy gậy hiện hành của Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
7. Khen thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi hạng cân.
Điều 17. MÔN ĐIỀN KINH
1. Đối tượng: Theo quy định của mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp TH (dành cho cả nam và nữ): Chạy 60m, bật xa tại chỗ, chạy 500m, chạy tiếp sức 4x50m, toàn năng (Chạy 60m, bật xa tại chỗ, chạy 500m).
2.2. Cấp THCS:
- Nữ: Chạy 100m, 200m, 400m, 800m, tiếp sức 4x100m, nhảy xa, nhảy cao.
- Nam: Chạy 100m, 200m, 400m, 1500m, tiếp sức 4x100m, nhảy xa, nhảy cao.
- Tiếp sức 4x100m hỗn hợp (2 nam và 2 nữ).
2.3. Cấp THPT:
- Nữ: Chạy 100m, 200m, 400m, 800m, 1500m, tiếp sức 4x100m, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ (3kg).
- Nam: Chạy 100m, 200m, 400m, 800m, 1500m, tiếp sức 4x100m, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ (5kg).
- Tiếp sức 4x100m hỗn hợp (2 nam và 2 nữ).
3. Thể thức thi đấu: Tính thời gian trực tiếp để xếp hạng cho các nội dung thi cá nhân, đội tiếp sức.
4. Số lượng tham gia
- Mỗi đơn vị được đăng ký ở mỗi nội dung cá nhân là 02 VĐV và một đội tiếp sức (được lấy bất kỳ VĐV có tên trong đăng ký thi đấu). Mỗi VĐV được dự thi tối đa 02 nội dung (không kể nội dung tiếp sức).
- Vận động viên đăng ký thi đấu toàn năng không được thi đấu nội dung cá nhân. Vận động viên thi đấu toàn năng phải thi đủ các nội dung theo yêu cầu mới được tính điểm xếp hạng toàn năng, điểm toàn năng được lấy trên bảng điểm do Liên đoàn điền kinh Thế giới ban hành, VĐV có tổng điểm cao hơn sẽ xếp trên.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Điền kinh hiện hành.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 07 của Điều lệ này.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 18. MÔN KARATE
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp THCS
* Nội dung Kata (quyền): Kata cá nhân nam, cá nhân nữ; đồng đội nam, đồng đội nữ (03 VĐV + 01 dự bị).
* Nội dung Kumite (đối kháng)
- Nội dung đồng đội: Kumite đồng đội nam (05 VĐV + 02 dự bị), đồng đội nữ (03 VĐV + 01 dự bị).
- Nội dung cá nhân (mỗi đơn vị được đăng ký 01 VĐV dự thi ở mỗi hạng cân)
+ Nam: đến 45kg, đến 50kg, đến 55kg, đến 60kg, đến 65kg; trên 65kg;
+ Nữ: đến 40kg, đến 44kg, đến 48kg, đến 52kg, đến 56kg, trên 56kg.
2.2. Cấp THPT
* Nội dung Kata (quyền): Kata cá nhân nam, cá nhân nữ; đồng đội nam, đồng đội nữ (03 VĐV + 01 dự bị).
* Nội dung Kumite (đối kháng)
- Nội dung đồng đội: Kumite đồng đội nam (05 VĐV + 02 dự bị), đồng đội nữ (03 VĐV + 01 dự bị).
- Nội dung cá nhân (mỗi đơn vị được đăng ký 01 VĐV dự thi ở mỗi hạng cân)
+ Nam: đến 50kg, đến 55kg, đến 60kg, đến 65kg, đến 70kg; trên 70kg
+ Nữ: đến 44kg, đến 47kg, đến 50kg, đến 55kg, đến 60kg, trên 60kg
3. Số lượng tham gia: Mỗi đơn vị được đăng ký 01 VĐV (hoặc 1 đội) ở mỗi nội dung.
4. Luật thi đấu: Áp dụng theo Luật của Liên đoàn Karate thế giới (WKF) do Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và các văn bản bổ sung Luật mới.
5. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Điều 7 của Điều lệ này.
6. Các quy định khác
Các VĐV phải tự trang bị:
- Võ phục; bịt răng; bảo vệ hạ bộ; bảo vệ cơ thể; bảo vệ ngực nữ; găng thi đấu, bảo vệ ống chân và bàn chân, đai thi đấu: 2 màu xanh, đỏ.
- Các trang thiết bị thi đấu của VĐV theo quy định của Liên đoàn Karate thế giới (WKF) hoặc do các công ty của Việt Nam sản xuất đã được Cục TDTT kiểm tra và cho phép.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 19. MÔN KÉO CO
1. Đối tượng: Theo quy định của mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. CấpTHCS:
- Nội dung đội nam: Không quá 460kg.
- Nội dung đội nữ: Không quá 420kg
- Nội dung nam nữ phối hợp (04 nam, 04 nữ): Không quá 430kg.
2.2. Cấp THPT
- Nội dung đội nam: Không quá 520kg.
- Nội dung đội nữ: Không quá 440kg.
- Nội dung nam nữ phối hợp (04 nam, 04 nữ): Không quá 490kg.
3. Thể thức thi đấu
Căn cứ vào số lượng đội đăng ký tham gia thi đấu ở từng hạng cân, Ban Tổ chức sẽ quyết định thể thức thi đấu và công bố tại buổi họp chuyên môn (thi đấu loại trực tiếp một, hai lần thua hoặc thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm).
4. Số lượng tham gia
4.1. Mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 01 đội cho mỗi nội dung.
4.2. Mỗi đơn vị được đăng ký tối đa có 13 VĐV (08 chính thức và 05 dự bị).
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Kéo co hiện hành do Tổng cục Thể dục thể thao ban hành ngày 12/11/2010.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Điều 07 của Điều lệ này.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
8. Các quy định khác
8.1. Trang phục thi đấu: Mỗi đội phải chuẩn bị 02 bộ trang phục khác màu cho huấn luyện viên, vận động viên tham gia thi đấu theo quy định của luật (in tên đơn vị vào sau lưng của áo).
8.2. Sân thi đấu: Sàn xi măng, sàn gỗ hoặc theo sàn của nhà thi đấu (do Ban Tổ chức khu vực, toàn quốc thông báo trước khi tổ chức thi đấu 90 ngày).
8.3. Cân kiểm tra: Các vận động viên tham gia thi đấu sẽ cân kiểm tra vào buổi chiều ngày bốc thăm xếp lịch thi đấu (theo lịch của Ban Tổ chức).
Điều 20. MÔN TAEKWONDO
1. Đối tượng: Theo quy định của mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Tính chất: Thi đấu đối kháng cá nhân và đối kháng đồng đội theo thể thức loại trực tiếp; thi quyền đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ và thi biểu diễn đồng đội hỗn hợp theo thể thức cut-off.
3. Nội dung thi đấu
3.1. Đối kháng cá nhân
a) Cấp THCS
- Nam: Dưới 41kg, 45kg, 49kg, 53kg, 57kg, 61kg.
- Nữ: Dưới 41kg, 44kg, 47kg, 51kg, 55kg.
b) Cấp THPT
- Nam : Dưới 45kg, 48kg, 51kg, 55kg, 59kg, 63kg, 68kg, 73kg.
- Nữ: Dưới 42kg, 44kg, 46kg, 49kg, 52kg, 55kg, 59kg.
3.2. Đối kháng đồng đội THPT
- Đồng đội nam: Không quá 310 kg/05 VĐV (không có dự bị).
- Đồng đội nữ: Không quá 280kg/05 VĐV (không có dự bị).
- Đồng đội hỗn hợp nam nữ 4 VĐV (không có dự bị): 02 VĐV nam không quá 150kg, 02 VĐV nữ không quá 120kg
3.3. Thi quyền cấp THCS, THPT: đồng đội nam, đồng đội nữ và đôi nam nữ.
a) Cấp THCS
- Vòng loại thi 02 bài quyền: bốc thăm 02 trong 06 bài quyền Taegeuk 5, 6, 7, 8, Koryo, Keumgang.
- Vòng chung kết: chọn 8 VĐV có số điểm cao nhất thi vòng chung kết: 1 bài quyền tiêu chuẩn: bốc thăm trong 05 bài quyền còn lại và 1 bài quyền sáng tạo.
b) Cấp THPT
- Vòng loại thi 02 bài quyền: bốc thăm 02 trong 06 bài quyền Taegeuk 6, 7, 8, Koryo, Keumgang, Taebaek.
- Vòng chung kết thi 02 bài quyền: bốc thăm 01 trong 05 bài quyền còn lại và 1 bài quyền sáng tạo.
3.4. Thi biểu diễn đồng đội THCS và THPT: Mỗi đội có từ 05 - 07 VĐV (trong đó có ít nhất là 2 VĐV nữ), bài thi và phương pháp tính điểm theo quy định của Giải vô địch biểu diễn đồng đội thế giới năm 2023.
4. Số lượng VĐV
- Thi đấu đối kháng: Mỗi đơn vị được cử 01 VĐV tham gia thi đấu ở mỗi hạng cân theo từng cấp học.
- Thi đấu đối kháng đồng đội: Mỗi đơn vị chỉ được phép tham dự tối đa 02 trong 03 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội THPT, gồm đồng đội nam hoặc đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp nam nữ.
- Thi quyền: Mỗi đơn vị chỉ được phép cử thi đấu 02 trong 03 nội dung thi đấu quyền của THCS và THPT.
- Nội dung biểu diễn đồng đội: Mỗi đơn vị được cử một đội THCS, một đội THPT.
5. Luật thi đấu: Áp dụng Luật Thi đấu hiện hành của Taekwondo thế giới.
6. Quy định thời gian thi đấu
- Cấp THCS : 03 hiệp x 01 phút 00, giữa các hiệp nghỉ 01 phút;
- Cấp THPT: 03 hiệp x 01 phút 30, giữa các hiệp nghỉ 01 phút.
- Thi đấu đồng đội: 03 hiệp, hiệp 1: 5 phút và 4 phút, hiệp 2 và hiệp 3: 3 phút.
7. Thiết bị sử dụng trong thi đấu đối kháng cá nhân
- Cấp THCS: Thi đấu bằng giáp thường, mũ thường có kính chắn bảo vệ.
- Cấp THPT: Thi đấu bằng hệ thống giáp điện tử và mũ điện tử KPNP.
8. Các quy định khác
- Phải có võ phục Taekwondo có in tên đơn vị ở trước ngực và đuôi áo.
- Quần áo phải sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, không để móng tay, móng chân dài.
9. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.
10. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 21. MÔN THỂ DỤC AEROBIC
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu: cấp TH (lớp 1-3), TH (lớp 4-5), THCS, THPT.
- Bài Thể dục Aerobic quy định.
- Bài Thể dục Aerobic tự chọn nhóm 03 người.
- Bài Thể dục Aerobic tự chọn nhóm 08 người.
3. Số lượng VĐV
- VĐV chỉ được phép đăng ký tham gia thi đấu ở một nhóm tuổi duy nhất.
- Mỗi VĐV chỉ được phép tham dự tối đa 02 nội dung cho mỗi nhóm tuổi.
- Mỗi đơn vị được phép cử số lượng VĐV cho các nội dung như sau:
+ Bài Thể dục Aerobic quy định: 08 VĐV chính thức + 03 VĐV dự bị.
+ Bài Thể dục Aerobic tự chọn nhóm 08 người: 08 VĐV chính thức + 03 VĐV dự bị.
+ Bài Thể dục Aerobic tự chọn nhóm 03 người: 03 VĐV chính thức + 01 VĐV dự bị.
4. Thể thức thi đấu: Đồng đội
5. Luật thi đấu
5.1. Đánh giá bài thi theo Luật Thể dục Aerobic HKPĐ do Liên đoàn Thể dục Việt Nam ban hành năm 2020.
5.2. Cấu trúc bài thi áp dụng theo Luật Thể dục Aerobic HKPĐ do Liên đoàn Thể dục Việt Nam ban hành năm 2020.
6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Điều 07 của Điều lệ này.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Ngoài những quy định trên đây, những yêu cầu cụ thể của môn Thể dục Aerobic áp dụng theo Luật Thể dục Aerobic HKPĐ do Liên đoàn Thể dục Việt Nam ban hành năm 2020.
Điều 22. MÔN VOVINAM
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp THCS
* Thi quyền
- Đơn luyện nam, nữ (Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp).
- Song luyện nam, nữ (Song luyện 1).
- Quyền đồng đội nam: Long hổ quyền (mỗi đội gồm 05 VĐV).
- Quyền đồng đội nữ: Thập tự quyền (mỗi đội gồm 05 VĐV).
* Thi đấu đối kháng
- Nam: dưới 45kg (trên 39kg), 48kg, 51kg, 54kg, 57kg.
- Nữ: dưới 42kg (trên 36kg), 45kg, 48kg, 51kg, 54kg.
2.2. Cấp THPT
* Thi quyền
- Đơn luyện: đơn luyện nam (Ngũ môn quyền); đơn luyện nữ (Long hổ quyền).
- Song luyện: Song luyện nam (Song luyện 3); Song luyện nữ: (Song luyện 2).
- Đòn chân tấn công nam: mỗi đội gồm 04 VĐV, thi tổng cộng 08 đòn chân (mỗi VĐV thực hiện 02 đòn chân, sử dụng các đòn chân số: 7, 8, 9, 11, 12, 14, 17, 18).
- Tự vệ nữ: thực hiện tối thiểu 05 đòn thế cơ bản Vovinam, (thời gian thực hiện bài thi tối đa là 03 phút).
- Đa luyện: Đa luyện vũ khí nam; Đa luyện vũ khí nữ.
- Quyền đồng đội nam: Long hổ quyền (mỗi đội gồm 05 VĐV).
- Quyền đồng đội nữ: Thập tự quyền (mỗi đội gồm 05 VĐV).
* Thi đấu đối kháng
- Nam: dưới 48kg (trên 42kg), 51kg, 54kg, 57kg, 60kg.
- Nữ: dưới 45kg (trên 39kg), 48kg, 51kg, 54kg, 57kg.
3. Số lượng tham gia
- Thi quyền: mỗi đơn vị được đăng ký tham gia 01 VĐV hoặc một đội ở mỗi nội dung (một bài) thi; mỗi VĐV chỉ được đăng ký thi đấu tối đa 2 nội dung.
Cấp THCS: mỗi đơn vị được đăng ký tham dự tối đa 4/6 nội dung; cấp THPT: mỗi đơn vị được đăng ký tham dự tối đa 8/10 nội dung
- Đối kháng: Mỗi đơn vị được cử 01 VĐV thi đấu ở 1 hạng cân.
Cấp THCS: mỗi đơn vị được đăng ký tham dự tối đa 3/5 hạng cân nam và 3/5 hạng cân nữ. Cấp THPT: mỗi đơn vị được đăng ký tham dự tối đa 3/5 hạng cân nam và 3/5 hạng cân nữ.
4. Luật thi đấu: Áp dụng Luật thi đấu Vovinam sửa đổi, bổ sung do Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
5. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Điều 7 của Điều lệ này.
6. Các quy định khác
6.1. Quy định thời gian thi đấu đối kháng: ở cấp THCS thi đấu 03 hiệp, mỗi hiệp 01 phút, nghỉ giữa các hiệp 30 giây; cấp THPT thi đấu 03 hiệp, mỗi hiệp 01 phút 30 giây, nghỉ giữa các hiệp 45 giây.
6.2. Hình thức xác định kết quả trận đấu đối kháng khi hòa điểm:
Sau khi kết thúc 03 hiệp thi đấu chính thức, nếu 02 VĐV hòa điểm nhau, sẽ tiến hành thi đấu 01 “hiệp phụ tính điểm vàng” với thời gian tương ứng thời gian thi đấu hiệp chính ở mỗi cấp học (VĐV nào ghi điểm trước được tuyên bố thắng cuộc và trận đấu sẽ kết thúc ngay tại thời điểm đó. Nếu kết thúc “hiệp phụ tính điểm vàng”, 02 VĐV vẫn hòa điểm nhau thì Ban Tổ chức (BTC) thì xét theo thứ tự như sau: BTC sẽ mời 02 VĐV (chỉ mặc võ phục mang đai và bảo hộ hạ bộ, không mang bảo hộ: răng, tay chân, găng, giáp, mũ bảo hộ) lên bàn BTC để cân xác định trọng lượng 01 lần duy nhất, VĐV nào có trọng lượng nhỏ hơn được tuyên bố thắng cuộc. Nếu trọng lượng 02 VĐV vẫn bằng nhau thì tiến hành bốc thăm để xác định VĐV thắng cuộc.
6.3. Hình thức xếp hạng thi quyền: theo thứ tự từ điểm cao đến điểm thấp cho từng bài thi. Nếu có 02 hay nhiều VĐV, tập thể bằng điểm nhau thì xét VĐV, tập thể nào có 1,2.../5 trọng tài chấm điểm cao hơn sẽ được xếp thứ hạng trên. Nếu vẫn bằng nhau thì xếp đồng hạng (đối với đồng số điểm đạt huy chương đồng). Riêng trường hợp đồng số điểm đạt huy chương vàng, huy chương bạc, các vận động viên, tập thể sẽ tiếp tục thi lại nội dung đó để xác định thứ hạng.
6.4. Trang phục thi đấu của VĐV: Võ phục đúng quy cách (không mang tên Việt Nam, tên tỉnh, thành, ngành, không in hoặc thêu cờ quốc gia trước, sau lưng và các loại cờ, logo ngoài quy định của BTC), thắt đai vàng trơn, bảo hộ tay chân, bảo vệ hạ bộ, bảo hộ răng, binh khí…của VĐV do đơn vị tự trang bị (giáp, găng, mũ bảo hộ do BTC trang bị) theo đúng quy định chuyên môn Vovinam; tóc sạch gọn, móng tay, móng chân cắt ngắn, không mang trang sức khi thi đấu.
6.5. Trình độ: VĐV phải có trình độ chuyên môn từ Lam đai trở lên, thẻ đẳng cấp do Liên đoàn/Hội Vovinam tỉnh, thành thuộc hệ thống Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) cấp (từ Lam đai tam cấp trở xuống) hoặc Thẻ VĐV/Thẻ đẳng cấp do VVF cấp (từ Hoàng đai trở lên). Các VĐV có thẻ đẳng cấp không thuộc hệ thống VVF sẽ không được tham dự.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Điều 23. VÕ CỔ TRUYỀN
1. Đối tượng: Theo quy định tại mục 2, Điều 5 của Điều lệ này.
2. Nội dung thi đấu
2.1. Cấp THCS
* Nội dung quyền - đối luyện
a) Bài căn bản công pháp số II (36 động tác)
- Nội dung biểu diễn cá nhân nam/nữ.
- Nội dung đồng đội (02-04 VĐV) gồm: đồng đội nam, đồng đội nữ; đồng đội nam + nữ (02 VĐV nam + 02 VĐV nữ).
- Nội dung tập thể (05-10 VĐV trong đó tối thiểu 03 VĐV nữ hoặc 03 VĐV nam).
b) Bài Ngọc Trản Quyền.
- Nội dung biểu diễn cá nhân nam/nữ.
- Nội dung đồng đội (02 - 04 VĐV) gồm: đồng đội nam, đồng đội nữ; đồng đội nam + nữ (02 VĐV nam + 02 VĐV nữ).
- Nội dung đối luyện (02 - 05 VĐV): Nội dung bài thi do từng đơn vị tự biên soạn, yêu cầu phải phù hợp với 03 bài Võ cổ truyền Căn bản công pháp II (36 động tác).
* Nội dung đối kháng
- Nam: trên 44 kg đến 48 kg, trên 48 kg đến 52 kg, trên 52 kg đến 56 kg
- Nữ: trên 44 kg đến 48 kg, trên 48 kg đến 52 kg.
3.2. Cấp THPT:
* Nội dung quyền - đối luyện
a) Bài Căn bản công pháp số III (45 động tác)
- Nội dung biểu diễn cá nhân nam/nữ.
- Nội dung đồng đội (02 - 04 VĐV) gồm: đồng đội nam, đồng đội nữ; đồng đội nam + nữ (02 VĐV nam + 02 VĐV nữ).
- Nội dung tập thể (05-10 VĐV trong đó tối thiểu 03 VĐV nữ hoặc 03 VĐV nam).
b) Bài Lão Mai Quyền.
- Nội dung biểu diễn cá nhân nam/nữ.
- Nội dung đồng đội (02 - 04 VĐV) gồm: đồng đội nam, đồng đội nữ; đồng đội nam + nữ (02 VĐV nam + 02 VĐV nữ).
- Nội dung đối luyện (02 - 05 VĐV): Nội dung bài thi do từng đơn vị tự biên soạn, yêu cầu phải phù hợp với 03 bài Võ cổ truyền Căn bản công pháp số III (45 động tác).
* Nội dung đối kháng
- Nam: trên 52 kg đến 56 kg, trên 56 kg đến 60 kg, trên 60 kg đến 65 kg, trên 65 kg đến 70 kg.
- Nữ: trên 44 kg đến 48 kg, trên 48 kg đến 52 kg, trên 52 kg đến 56 kg.
3. Số lượng tham gia
- Mỗi VĐV chỉ được đăng ký tham gia thi đấu 01 hạng cân ở nội dung đối kháng và tối đa 03 nội dung.
- Mỗi đơn vị được đăng ký tham gia tối đa 06 nội dung quyền-đối luyện của mỗi cấp học.
4. Luật thi đấu: áp dụng theo luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam hiện hành do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành.
5. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Điều 7 của Điều lệ này.
6. Các quy định khác: Trang phục theo quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.
7. Giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba cho mỗi nội dung thi.
Chương III
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT, KHIẾU NẠI
Điều 24. KHEN THƯỞNG
1. Bộ GDĐT khen thưởng cho giải cá nhân, tập thể như sau:
1.1. Tặng huy chương Vàng, Bạc, Đồng kèm theo giấy chứng nhận thành tích cho các cá nhân, đồng đội đạt thành tích nhất, nhì, ba theo Điều lệ từng môn.
1.2. Tặng cờ nhất, nhì, ba và giải thưởng cho từng môn thi tại khu vực và toàn quốc (tính theo điểm các nội dung thi của môn đó tại khu vực và toàn quốc).
1.3. Tặng cờ và giải thưởng cho 10 đơn vị có thành tích xuất sắc (được xếp hạng theo điểm từ 01 đến 10) và 20 đơn vị có thành tích khá (được xếp hạng theo điểm từ 11 đến 30) tại HKPĐ toàn quốc.
1.4. Tặng cờ cho 10 đơn vị có thành tích thi đấu cao nhất tại HKPĐ (theo thứ tự xếp hạng về tổng số điểm) cho 19 tỉnh miền núi, Tây Nguyên, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bắc Giang, Phú Thọ (trừ những đơn vị đã nhận cờ xuất sắc hoặc cờ khá).
1.5. Tặng giải thưởng cho các VĐV phá kỷ lục HKPĐ và huấn luyện viên của các đơn vị đó.
2. Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch tặng: Cờ cho 10 đơn vị được xếp hạng từ 01 đến 10 (theo kết quả tổng sắp huy chương của các đơn vị đạt được tại HKPĐ).
3. Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024.
Điều 25. KỶ LUẬT, KHIẾU NẠI
1. Kỷ luật
- Bất kỳ cá nhân, đơn vị nào vi phạm Điều lệ, quy định của BTC HKPĐ, BTC các cuộc thi khu vực và từng môn thể thao trong chương trình HKPĐ và có hành vi bỏ cuộc, kích động bỏ cuộc, tự ý kéo dài thời gian trong mọi tình huống tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng hình thức kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo đến truất quyền thi đấu của VĐV, quyền chỉ đạo, hủy bỏ thành tích thi đấu của cá nhân vi phạm và thành tích của đồng đội có cá nhân vi phạm.
- Khiếu nại sai sự thật sẽ bị cảnh cáo và đơn vị có đơn tố cáo sai sự thật sẽ bị trừ 30 điểm trong tổng số điểm HKPĐ của đơn vị đó.
- Bộ GDĐT có văn bản kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị vi phạm xử lý theo quy định hiện hành.
2. Khiếu nại
- Trưởng đoàn, huấn luyện viên trưởng mới có quyền khiếu nại về nhân sự, BTC có trách nhiệm xem xét và xử lý. Những vi phạm về nhân sự nếu chưa kịp xác định trong thời gian diễn ra HKPĐ, BTC sẽ xác minh sau khi kết thúc HKPĐ. Đơn vị vi phạm chịu có trách nhiệm chi toàn bộ kinh phí cho công tác xác minh và BTC sẽ hủy kết quả thi đấu đối với VĐV/đội của đơn vị sai phạm.
- Tổng trọng tài quyết định xử lý các khiếu nại về chuyên môn theo đúng Luật và Điều lệ.
- Lệ phí khiếu nại: 5.000.000 đồng/lần (năm triệu đồng).
PHỤ LỤC 01
HƯỚNG DẪN CÁCH TÍNH ĐIỂM HKPĐ
- Đối với các nội dung loại trực tiếp: các đội có cùng thành tích ở cùng một vòng đấu sẽ tính đồng thứ hạng (chỉ lấy tối đa đến thứ tự thứ 16).
Ví dụ: nội dung đơn nam môn cầu lông có 30 vận động viên thi đấu, theo cách như trên thì điểm mỗi VĐV sẽ được tính của từng vòng như sau:
+ 02 đội thắng ở bán kết: xếp thứ tự 01, 02.
+ 02 đội thua ở bán kết: xếp thứ tự 03, 04 (nếu không tranh 03-04 thì sẽ xếp đồng hạng 3).
+ 04 đội thua ở tứ kết: xếp đồng hạng 05 (thứ tự từ 05-08)
+ 08 đội thua ở vòng 1/8: xếp đồng hạng 09 (thứ tự từ 09-16).
Như vậy, với cách tính điểm như trên với các nội dung thi đấu loại trực tiếp sẽ tính điểm được tối đa đến đội thứ 16, không xếp thứ hạng thứ 10.
- Đối với các nội dung chia bảng: kết thúc vòng bảng, ngoài các đội được lựa chọn vào thi đấu vòng tứ kết, bán kết, chung kết được xếp thứ hạng từ 01-08, các đội cùng thứ hạng còn lại ở mỗi bảng được tính điểm bằng nhau (các đội được xếp đến đồng hạng 09, thì các đội còn lại sẽ tính đồng hạng 10).
Ví dụ:
Đối với những nội dung có chia 04 bảng, mỗi bảng 05 đội, tùy thuộc thể thức thi đấu, trong trường hợp này sau khi thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, xếp hạng/bảng, sẽ lựa chọn 02 đội nhất, nhì của mỗi bảng vào thi đấu vòng 2:
+ 08 đội được lựa chọn vào thi đấu vòng 1/8, như vậy theo cách tính điểm trên đã xác định được 08 thứ hạng (sau khi thi đấu tứ kết, bán kết, chung kết sẽ xác định cụ thể được từng hạng và tính tương ứng ra điểm).
+ 04 đội xếp thứ 03 của mỗi bảng: vì lý do đã xác định được 08 thứ hạng, do đó 04 đội này sẽ được tính đến thứ hạng thứ 09 và xếp đồng hạng.
+ Các đội còn lại: xếp thứ 04, 05 của mỗi bảng sẽ xếp đồng hạng 10.
- 1Công văn 5525/VPCP-KGVX năm 2014 tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 255/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 112/KH-BGDĐT tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Quyết định 2247/QĐ-BGDĐT năm 2019 về Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Quyết định 2247/QĐ-BGDĐT năm 2019 về Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 1113/QĐ-BGDĐT điều chỉnh Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Quyết định 4586/QĐ-BGDĐT năm 2023 sửa đổi Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Chỉ thị 15/2002/CT-TTg về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Công văn 5525/VPCP-KGVX năm 2014 tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 255/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 112/KH-BGDĐT tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 7Nghị định 86/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Quyết định 3318/QĐ-BGDĐT năm 2023 về Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 3318/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/10/2023
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Ngô Thị Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/10/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra