Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 33/2012/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 12 tháng 7 năm 2006; Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Quy chế Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2012/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về việc phối hợp trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng; trách nhiệm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân.

2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Điều 2. Gỉải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu bay Việt Nam là tàu bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam.

2. Tàu bay nước ngoài là tàu bay đăng ký mang quốc tịch nước ngoài.

3. Tìm kiếm hàng không dân dụng là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí tàu bay dân dụng bị nạn.

4. Cứu nạn hàng không dân dụng là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

5. Kênh cấp cứu - khẩn cấp (còn gọi là tần số cấp cứu - khẩn cấp) là kênh phục vụ việc truyền, phát những thông tin cấp cứu - khẩn cấp, tìm kiếm, cứu nạn Hàng không theo quy định của pháp luật và không sử dụng vào các mục đích khác.

6. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không là cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn thuộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, có trách nhiệm triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

7. Trung tâm khẩn nguy sân bay là cơ sở cung cấp dịch vụ khẩn nguy, cứu nạn thuộc doanh nghiệp cảng hàng không, có trách nhiệm triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và hiệp đồng chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay.

8. Khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của Việt Nam là khu vực có ranh giới là vùng tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

9. Chỉ huy hiện trường là người được giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn tại hiện trường, do Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định.

10. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng là cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực được phân công.

11. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng là các lực lượng chuyên trách của ngành hàng không dân dụng, lực lượng của các cơ quan, đơn vị liên quan trong địa bàn có tàu bay đang lâm nạn hoặc lực lượng, tìm kiếm cứu nạn nước ngoài quy định tại điều 4 được quy định tại Quy chế này và pháp luật liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn.

12. Phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng là những phương tiện chuyên dụng của ngành hàng không dân dụng được trang bị để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn cùng với tất cả các phương tiện trang thiết bị, dụng cụ cần cho công tác cứu nạn huy động được của các cơ quan, đơn vị trong địa bàn có tàu bay lâm nạn. Khi cần thiết, có thể điều động thêm ở các địa phương khác hoặc các phương tiện tìm kiếm cứu nạn nước ngoài.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

1. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng kịp thời và chặt chẽ các lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng khi có tình huống xảy ra.

2. Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để ứng phó theo khu vực, tính chất vụ việc.

3. Phối, kết  hợp mọi nguồn lực để công tác tìm kiếm; cứu nạn hàng không dân dụng được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

4. Đảm bảo yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

5. Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 4. Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng bao gồm:

1. Lực lượng, phương tiện thuộc các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hàng không dân dụng:

a) Lực lượng, phương tiện của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không;

b) Lực lượng, phương tiện của các Trung tâm khẩn nguy sân bay thuộc doanh nghiệp cảng hàng không;

c) Lực lượng, phương tiện của các đơn vị khác thuộc ngành hàng không dân dụng;

d) Lực lượng nước ngoài, nếu được huy động.

2. Lực lượng, phương tiện của các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố; lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân được huy động.

Điều 5. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

1. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cảng hàng không chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tại địa bàn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

2. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn trên biển: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn theo quy định tại Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển ban hành kèm theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển).

3. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài khu vực quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này:

a) Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tìm kiếm, xác định vị trí tàu bay lâm nạn;

b) Sau khi xác định được vị trí tàu bay lâm nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu bay lâm nạn có trách nhiệm chủ trì cứu nạn tàu bay; trong trường hợp tàu bay lâm nạn tại khu vực ráp gianh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xem xét, chỉ định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì cứu nạn.

4. Bộ Quốc phòng Chủ trì tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng trong khu vực quân sự.

5. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các cơ quan, đơn vị được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này, cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Căn cứ vào tính chất và điều kiện cụ thể, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn điều động bổ sung lực lượng, phương tiện để tiếp tục thực hiện tìm kiếm, cứu nạn hoặc chỉ định một cơ quan khác chủ trì hoặc trực tiếp chủ trì tìm kiếm, cứu nạn tàu bay.

Chương 2.

PHỐI HỢP VỀ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 6. Trách nhiệm thông báo thông tin của tổ chức, cá nhân

Mọi tổ chức, cá nhân nếu phát hiện tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn hoặc nhận được thông tin tàu bay đang lâm nguy, lâm nạn và có lý do tin rằng tàu bay đang trong tình trạng khẩn nguy phải thông báo ngay cho cơ sở dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải; trạm báo động hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Điều 7. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

1. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng bao gồm:

a) Hệ thống liên lạc không địa để tiếp nhận và xử lý thông tin cứu nạn trên tần số điều hành bay trực tiếp giữa tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

b) Hệ thống giám sát hàng không dân dụng và hệ thống ra đa quân sự hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ phát hiện và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực về vị trí tàu bay;

c) Đài vệ tinh mặt đất của hệ thống vệ tinh tìm kiếm, cứu nạn;

d) Các hệ thống thông tin chuyên ngành, các loại hình thông tin khác của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành hàng không.

2. Các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn, Trung tâm nhận, xử lý và phân phối dữ liệu khẩn nguy thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Vietnam Mission Control Center) trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cứu nạn (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn về các tình huống khẩn cấp của tàu bay.

Điều 8. Thông tin liên lạc trong tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

1. Sử dụng các kênh (tần số) trực thu canh, thông tin liên lạc và cấp cứu - khẩn cấp hàng không dân dụng bằng vô tuyến điện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Nội dung điện cấp cứu - khẩn cấp cần có đủ thông tin giúp cho Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc tàu bay đang hoạt động gần khu vực bị nạn biết tình huống tai nạn, sự cố để chuẩn bị phương án hỗ trợ hoặc tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:

a) Loại tàu bay, số đăng bạ, hô hiệu, vị trí và thời gian, tình hình thời tiết tại khu vực gặp nạn;

b) Số lượng tổ bay và hành khách trên tàu bay;

c) Mô tả chung sự cố và loại sự cố;

d) Các đề nghị trợ giúp và các yêu cầu khác (nếu có);

đ) Tần số, thiết bị thông tin khả năng thiết lập liên lạc, các phương thức liên lạc khác (nếu có);

e) Tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với hãng hàng không, chủ phương tiện hoặc với đại diện của chủ phương tiện.

Điều 9. Phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp

1. Trừ trường hợp bất khả kháng, tổ lái tàu bay trong tình trạng khẩn nguy hoặc có nguy cơ bị nạn cần trợ giúp phải phát tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp, cụ thể là:

a) Thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trên tần số đang liên lạc hoặc tần số 121.5 MHz về tình trạng khẩn nguy của tàu bay;

b) Xem xét kích hoạt thiết bị phát tín hiệu định vị khẩn nguy trên tần số 406 MHz;

c) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã được thông tin cấp cứu khẩn cấp để đừng việc khẩn nguy.

2. Tổ lái tàu bay đang bay có trách nhiệm:

a) Thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu khi phát hiện hay nhận được tín hiệu khẩn cấp của tàu bay lâm nguy;

b) Trong khả năng có thể, phải liên lạc để nắm tình hình và thống nhất cách thức duy trì liên lạc với tàu bay bị nạn; đồng thời thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình.

3. Trung tâm nhận, xử lý và phân phối dữ liệu khẩn nguy thuộc Cục Hàng hải Việt Nam khi nhận được thông tin báo động hàng không, phải chuyển ngay các thông tin trên cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng và phối hợp xác minh vị trí tàu bay lâm nạn.

4. Các cơ quan có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin, chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.

Chương 3.

TỔ CHỨC PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 10. Lập phương án và kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn

1. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không đề xuất và báo cáo Cục Hàng không Phương án tìm kiếm tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn bao gồm các nội dung sau:

a) Thông tin sơ bộ về tàu bay lâm nguy, lâm nạn;

b) Khu vực tìm kiếm và dự kiến thời gian tiến hành;

c) Các lực lượng, phương tiện dự kiến tham gia tìm kiếm, cứu nạn;

d) Thông tin liên lạc sử dụng cho tìm kiếm, cứu nạn;

đ) Phân công hoạt động và phối hợp giữa các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn;

e) Các nội dung, yêu cầu khác.

2. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không chủ trì xác định khu vực tìm kiếm; phối hợp với tổ chức, cá nhân có tàu bay tham gia tìm kiếm; cứu nạn để lập và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam Kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn bao gồm các nội dung sau:

a) Số lượng, loại tàu bay dự kiến tìm kiếm, cứu nạn;

b) Thành phần tổ bay và tổ tìm kiếm;

c) Vị trí và thời gian dự kiến cất cánh;

d) Đường bay, độ cao bay;

đ) Khu vực bay tìm kiếm/bài bay tìm kiếm;

e) Vị trí và thời gian dự kiến hạ cánh, sân bay dự bị;

g) Nhiên liệu dự trữ trên tàu bay;

h) Đảm bảo thông tin liên lạc và chỉ huy, điều hành bay;

i) Các nội dung khác.

3. Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thông qua Phương án tìm kiếm, cứu nạn và Kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn nêu trên.

Điều 11. Điều động tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn điều động tàu bay tìm kiếm, cứu nạn. Tổ chức, cá nhân có tàu bay được huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phối hợp với Trung tâm Điều hành bay Quốc gia cấp phép bay, triển khai thực hiện kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn trong nước.

3. Tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo kết quả quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

4. Việc chỉ huy cứu nạn bằng tàu bay tại hiện trường do Chỉ huy hiện trường cứu nạn đảm nhiệm.

5. Theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan có trách nhiệm yêu cầu các tàu bay dân dụng đang hoạt động gần khu vực tìm kiếm, cứu nạn thu và chuyển tiếp các thông tin tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 12. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng

1. Việc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay thực hiện theo Phương án tìm kiếm tàu bay lâm nguy, lâm nạn được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này và Kế hoạch khẩn nguy sân bay đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

2. Việc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay trên biển thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

3. Việc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay trong địa bàn do các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương quản lý thực hiện theo Phương án tìm kiếm tàu bay lâm nguy, lâm nạn được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này và Kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Căn cứ theo đề xuất của cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay theo phương án tìm kiếm, cứu nạn hoặc căn cứ theo yêu cầu của từng vụ việc để điều động thêm các lực lượng, phương tiện.

Điều 13. Phối hợp cứu nạn tại khu vực hiện trường tàu bay dân dụng lâm nạn

1. Chỉ huy trưởng các phương tiện, đội tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:

a) Trong khả năng có thể, tìm cách liên lạc với các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn để nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khác; đồng thời thông báo cho Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;

b) Trường hợp cần sự hỗ trợ phải báo Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thống nhất cách thức, tần số liên lạc với cơ quan đó;

c) Phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.

2. Chỉ huy hiện trường có trách nhiệm:

a) Phối hợp hoạt động giữa các phương tiện, tổ tìm kiếm cứu nạn và với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn khi thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường;

b) Duy trì thông tin liên lạc giữa các phương tiện, tổ tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

c) Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

d) Báo cáo, đề xuất với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi phương án tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Việc thay đổi phương án tìm kiếm, cứu nạn phải được Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;

đ) Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn, được quyền điều chỉnh phương án tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, sau đó phải báo cáo với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.

3. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:

a) Tổ chức nắm bắt tình hình về tai nạn, sự cố để đưa ra phương án tổ chức, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện đến ứng phó kịp thời và hiệu quả;

b) Phối hợp với các đơn vị tham gia tìm kiếm, cứu nạn duy trì thông tin liên lạc với Chỉ huy hiện trường và chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;

c) Phối hợp với Chỉ huy hiện trường tùy theo từng tình huống và diễn biến của vụ việc để nắm, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời;

d) Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; kiến nghị các cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình;

đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để tiến hành cứu nạn và giải quyết hậu quả vụ tai nạn.

4. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:

a) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về việc điều động lực lượng, phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;

b) Phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn khác trong việc điều hành phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng dưới sự điều hành của đơn vị chủ trì tìm kiếm, cứu nạn; kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết những thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong quá trình tham gia.

5. Chủ phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:

a) Chấp hành nghiêm lệnh của cơ quan có thẩm quyền về việc điều động tham gia hoạt động tìm kiềm, cứu nạn hàng không dân dụng;

b) Bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, phương tiện trong quá trình tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

6. Doanh nghiệp Bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho tàu bay bị nạn có trách nhiệm:

a) Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến hành khách, tàu bay được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;

b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho hành khách bị nạn.

Điều 14. Thanh toán chi phí trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng

Việc thanh toán chi phí trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008.

Điều 15. Phối hợp với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng

1. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn nước ngoài là tàu bay, phương tiện và người nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng trong khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của Việt Nam. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn nước ngoài thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn theo thỏa thuận về tìm kiếm, cứu nạn với các quốc gia. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp phép cho các chuyến bay, phương tiện và lực lượng theo quy định tại Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.

2. Việc phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương với các lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn nước ngoài trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định tại Nghị định số 95/2010/NĐ-CP .

3. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp tìm kiếm cứu nạn báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt trước khi thực hiện.

4. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không là đầu mối phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng, thông báo về các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định của Việt Nam và biện pháp, cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa lực lượng và phương tiện nước ngoài với lực lượng và phương tiện tìm kiếm cứu nạn Việt Nam.

5. Người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của Việt Nam phải:

a) Tuân thủ theo thỏa hiệp thư mà hai bên đã ký kết;

b) Chịu sự giám sát việc tuân thủ các quy định của Việt Nam và có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;

c) Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam tại hiện trường và cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

2. Chỉ định Cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn hoặc trực tiếp chỉ huy khi nhận điện báo cáo của các nơi; điều động và tổ chức phối hợp các lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân kịp thời ứng phó khi xảy ra tình huống tìm kiếm, cứu nạn tàu bay.

3. Chỉ đạo, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của Việt Nam.

4. Trường hợp cần đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trong lãnh thổ quốc gia khác, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề nghị quốc gia đó cấp phép và phối hợp để kịp thời tìm kiếm, cứu nạn những người đang bị tai nạn tàu bay.

5. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của các lực lượng thuộc Bộ, ngành, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp và thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Không quân, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng.

2. Tổ chức huy động lực lượng, phương tiện quân đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, hoặc đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

3. Chủ trì cấp phép cho tàu bay Quân sự nước ngoài tham gia tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng tại Việt Nam. Tham gia ý kiến với Bộ Giao thông vận tải để cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng trong vùng trời Việt Nam.

4. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của lực lượng quốc phòng.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải và hàng không thuộc Bộ kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định; thiết lập và duy trì hoạt động của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn hành không dân dụng khi có tình huống và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.

4. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao chỉ đạo chuyên ngành Hàng không trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.

5. Tổ chức việc ký kết và duy trì văn bản thỏa thuận tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng với các nhà chức trách hàng không của các quốc gia kế cận theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

6. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về tình hình hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của các lực lượng, phương tiện thuộc Bộ theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng.

2. Huy động lực lượng, phương tiện công an tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng khi có tình uống và theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Giao thông vận tải.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đảm bảo an ninh liên quan đến công tác tìm kiếm, cứu nạn và giải quyết các vụ tai nạn tàu bay dân dụng trong nước cũng như tàu bay Việt Nam tai nạn ở nước ngoài.

4. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của lực lượng, phương tiện công an theo quy định.

Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu - khẩn cấp, quy định về thông tin liên lạc vô tuyến; ưu tiên bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.

3. Cấp phép sử dụng tần số khẩn cấp cho các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn trong nước và nước ngoài phục vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án và chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn tàu bay kịp thời, hiệu quả.

2. Chỉ đạo lực lượng y tế của các tỉnh, thành phố phối hợp với Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không để cấp cứu cho người bị tai nạn tàu bay khi cần trợ giúp y tế.

3. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp tham gia cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn tàu bay theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.

4. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của lực lượng y tế theo quy định.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế tìm kiếm, cứu nạn đối với tàu bay Việt Nam, tàu bay của người Việt Nam gặp tai nạn, sự cố ngoài lãnh thổ Việt Nam.

2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng Việt Nam bị tai nạn, sự cố; đồng thời hỗ trợ cứu người, phương tiện, làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh khác để đưa người, phương tiện về nước.

3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan làm các thủ tục ngoại giao trong trường hợp tìm kiếm, cứu nạn người, tàu bay nước ngoài bị nạn trong vùng trời Việt Nam khi cần thiết.

4. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc thông tin và giải quyết hậu quả các vụ tai nạn tàu bay dân dụng trong khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của Việt Nam có yếu tố nước ngoài và tàu bay dân dụng Việt Nam lâm nạn ở nước ngoài.

5. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định.

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Bảo đảm ngân sách cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách được cấp.

2. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định.

Điều 24. Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác

1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng báo cáo về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn huy động.

Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thành lập và duy trì hoạt động của Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn trên cơ sở đề nghị của Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn.

2. Chỉ đạo thực hiện các phương án huy động lực lượng, trang thiết bị của địa phương, của các cơ quan Trung ương và các tổ chức liên quan hoạt động tại địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng khi có tai nạn xảy ra trong khu vực địa bàn quản lý.

3. Chủ trì, phối hợp lực lượng, phương tiện của địa phương, của các cơ quan, tổ chức Trung ương tại địa phương tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực địa bàn quản lý; chủ trì công tác cứu nạn, bảo vệ hiện trường vụ tai nạn và giải quyết hậu quả.

4. Kiến nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định.

Điều 26. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

2. Chủ trì nghiên cứu, áp dụng các khuyến cáo thực hành về tìm kiếm, cứu nạn hàng không của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam; xây dựng các văn bản, thỏa thuận về phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không với các nhà chức trách hàng không của các quốc gia kế cận; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

3. Chủ trì phối hợp, chỉ đạo doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu thực hiện tìm kiếm, cứu nạn; trực tiếp chỉ huy hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ định.

4. Hướng dẫn nghiệp vụ, ấn định ranh giới các khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn giữa doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu; phê duyệt kế hoạch khẩn nguy sân bay và kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn; chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không của các đơn vị trong ngành.

5. Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập và tình trạng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng của các đơn vị trong ngành; chủ trì xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch diễn tập tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng với quy mô toàn ngành.

6. Công bố và cập nhật tên, địa chỉ, phương tiện liên lạc của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không; phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.

7. Thông tin, báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo quy định.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Khen thưởng và xử phạt

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Người nào mà bị thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng trong quá trình tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu bay thì được hưởng chế độ như áp dụng đối với lực lượng vũ trang.

3. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm quy định tại Quy chế này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải kịp thời đề xuất những vấn đề nảy sinh cần sửa đổi, bổ sung báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 33/2012/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 33/2012/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/08/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 499 đến số 500
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản