Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3029/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐỊA ĐIỂM KHO CHỨA KHÍ THIÊN NHIÊN HÓA LỎNG (LNG) TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 7935/QĐ-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của Bộ Công Thương năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 2062/QĐ-BCT ngày 02 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề cương và dự toán và chi phí của đề án Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét báo cáo thẩm định đề án Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và báo cáo số 24/ATMT-KSMT ngày 12 tháng 01 năm 2015 về việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của đề án Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước gắn liền với nhu cầu nhập khẩu khí LNG cho phát điện đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng tới năm 2025 nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, bảo tồn nhiên liệu và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Phù hợp với xu thế phát triển của thế giới là sử dụng năng lượng sạch cho phát điện, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải gây hiệu ứng nhà kính,...

Lựa chọn những địa điểm thuận lợi về điều kiện tự nhiên (cảng nước sâu, quy hoạch đất,...) gần các hộ tiêu thụ khí lớn; ưu tiên các vị trí đã và đang được quy hoạch, chuẩn bị xây dựng cảng nhằm giảm chi phí đầu tư.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Quy hoạch địa điểm xây dựng kho nhập khẩu LNG nhằm phát triển đồng bộ và hiệu quả ngành công nghiệp khí trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước và nhập khẩu, đảm bảo cung ứng đủ nguồn khí để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

b) Mục tiêu cụ thể

Xây dựng quy hoạch địa điểm kho LNG phù hợp với sự phát triển của thị trường tiêu thụ khí (trong đó điện lực là hộ tiêu thụ lớn nhất); đảm bảo bù đắp lượng khí thiếu hụt cho sản xuất điện tại khu vực Nam Bộ với sản lượng lên tới khoảng trên 10 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2025-2030; tạo điều kiện để có thể chuyển đổi một số nhà máy điện sử dụng than nhập tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam sang sử dụng LNG nhập khẩu khi có yêu cầu.

Xác định được các vị trí tiềm năng có khả năng xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo các tiêu chí của cảng đầu mối nhập khẩu LNG trên thế giới như: có điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu, tiếp nhận tàu công suất lớn, diện tích trên bờ đủ lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng của kho chứa để nhập khẩu LNG phục vụ cho các hộ tiêu thụ tiềm năng, đặc biệt cho sản xuất điện nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

3. Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2030

Quy hoạch các địa điểm kho cảng đầu mối nhập khẩu LNG theo từng giai đoạn như sau:

a) Giai đoạn 2015-2020

Xác định 02 vị trí tiềm năng đang được lập dự án đầu tư xây dựng kho nhập khẩu LNG, bao gồm:

- Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 1, quy mô 3 triệu tấn/năm);

- Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (quy mô 1 triệu tấn/năm).

b) Giai đoạn 2021-2030

Xác định 04 vị trí tiềm năng xây dựng kho nhập khẩu LNG, bao gồm:

- Cát Hải, thành phố Hải Phòng (quy mô 3 triệu tấn/năm);

- Mỹ Giang, tỉnh Khánh Hòa (quy mô 3 triệu tấn/năm);

- Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 2, quy mô 6 triệu tấn/năm);

- Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau (quy mô 3 triệu tấn/năm).

4. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kho nhập khẩu LNG trên phạm vi cả nước trong toàn bộ giai đoạn từ 2015 tới 2030 được ước tính khoảng 6,087 tỷ USD, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 2015-2020 là 1,616 tỷ USD;

- Giai đoạn 2021-2030 là 4,471 tỷ USD.

Danh mục các dự án kho LNG được quy hoạch giai đoạn 2015-2020 giai đoạn 2021-2030 được nêu trong phụ lục của Quyết định này.

5. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

a) Chính sách về giá khí

- Có chính sách hỗ trợ việc đưa vào sử dụng các nguồn khí mới có giá thành cao (như LNG) nhằm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cho phát điện; đảm bảo thu hồi toàn bộ chi phí đối với tất cả các khâu trong chuỗi giá trị khí;

- Thúc đẩy cạnh tranh công bằng và hiệu quả giữa các hộ sử dụng khí trong cùng một ngành.

b) Chính sách về mô hình thị trường khí

- Duy trì mô hình một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng khí trên đất liền; mô hình quản lý ngành công nghiệp khí và cơ chế điều tiết giá bán khí theo thị trường như hiện nay;

- Về dài hạn (dự kiến sau năm 2020), xây dựng lộ trình và thực hiện tự do hóa thị trường khí với việc kiểm soát và điều tiết khí thị trường thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp;

- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) sẽ là hai đơn vị chủ chốt trong ngành công nghiệp khí Việt Nam. Ngoài ra có thể xem xét việc tham gia của các đơn vị khác trong ngành dầu khí và xăng dầu.

c) Chính sách về khuyến khích đầu tư

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả đầu tư;

- Xây dựng chính sách ưu đãi đần tư về cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế,... để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho cảng LNG.

d) Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư về lĩnh vực LNG;

- Thu hút lao động có trình độ cao, có kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực khí;

- Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về đầu tư, phân phối, kinh doanh LNG.

e) Các giải pháp về an toàn - sức khỏe - môi trường

- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường/cam kết bảo vệ môi trường của tất cả các dự án;

- Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn - sức khỏe - môi trường và thực hiện kiểm tra giám sát theo các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, quản trị rủi ro;

- Hoàn thiện hệ thống tổ chức và đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực ứng cứu các tình huống khẩn cấp.

f) Các giải pháp về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh; tạo lập các thể chế gắn kết các hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất kinh doanh;

- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý theo tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ. Sử dụng hiệu quả Quỹ nghiên cứu khoa học;

- Tăng cường đầu tư cho trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, đầu tư mua và đổi mới công nghệ;

- Rà soát các quy định có liên quan đến quản lý đầu tư, thuế, tín dụng cho các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo ra cơ chế đồng bộ khuyến khích đầu tư đúng mức cho các hoạt động nghiên cứu phát triển.

g) Các giải pháp về an ninh quốc phòng

- Phối hợp với chính quyền địa phương, ban chỉ huy quân sự lập kế hoạch bảo vệ các công trình dự án quan trọng; tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài sản công trình dự án trên địa bàn;

- Tổ chức thực hành diễn tập cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo triển khai vận hành dự án các kỹ năng và quy trình thực hiện trong các tình huống liên quan đến an ninh quốc phòng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch tổng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát các địa điểm tiềm năng trong Quy hoạch này để cập nhật và sửa đổi, bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam cho phù hợp.

Giao Tổng cục Năng lượng tổ chức hướng dẫn các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch được duyệt; đồng thời đề xuất các giải pháp cần thiết, trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu của Quy hoạch địa điểm kho LNG, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTgCP Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, GTVT, TN&MT;
- UBND các tỉnh/thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Khánh Hòa và Hải Phòng;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Công Thương;
- Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương:
- PVN, EVN, PVGas, Viện Năng lượng;
- Lưu: VT, TCNL (KH&QH-t2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Quốc Hưng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KHO LNG ĐƯỢC QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2015 – 2020 VÀ GIAI ĐOẠN 2021 – 2030
(Kèm theo Quyết định số 3029/QĐ-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ Công Thương)

TT

Dự án

Kho cảng

Đường ống kết nối

Vốn đầu tư

I

Giai đoạn 2015 - 2020

 

 

1,616 tỷ USD

1

Dự án kho cảng Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Kho cảng 1 triệu tấn: 0,285 tỷ USD

Đường ống Thị Vải - Phú Mỹ: 0,018 tỷ USD

0,303 tỷ USD

2

Dự án kho cảng Sơn Mỹ giai đoạn 1 (tỉnh Bình Thuận)

Kho cảng 3 triệu tấn: 1,313 tỷ USD

 

1,313 tỷ USD

II

Giai đoạn 2021 - 2030

 

 

4,471 tỷ USD

3

Dự án kho cảng Sơn Mỹ giai đoạn 2 (tỉnh Bình Thuận)

Kho cảng lên quy mô 6 triệu tấn: 0,037 tỷ USD

Đường ống Sơn Mỹ - Phú Mỹ: 0,160 tỷ USD

0,197 tỷ USD

4

Dự án kho cảng Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau)

Kho cảng 3 triệu tấn: 1,435 tỷ USD

Đường ống Hòn Khoai - Khánh An: 0,144 tỷ USD

Đường ống Khánh An - Ô Môn: 0,142 tỷ USD

1,721 tỷ USD

5

Dự án kho cảng Cát Hải (thành phố Hải Phòng)

Kho cảng 3 triệu tấn: 1,284 tỷ USD

Đường ống Cát Hải, Đình Vũ - NĐ Hải Phòng 3: 0,039 tỷ USD

1,323 tỷ USD

6

Dự án kho cảng Mỹ Giang (tỉnh Khánh Hòa)

Kho cảng 3 triệu tấn: 1,230 tỷ USD

 

1,230 tỷ USD

 

Toàn bộ giai đoạn 2015 - 2030

 

 

6,087 tỷ USD

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3029/QĐ-BCT năm 2015 về Quy hoạch địa điểm kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên phạm vi cả nước đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 3029/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Cao Quốc Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản