Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 29/2008/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005; Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH 10 ngày 28/8/2001; Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;
Căn cứ Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2008/NQ-HĐND7 ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể:

1. Mục đích thu phí

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản nhằm để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Đối tượng chịu phí, nộp phí và mức thu phí

a) Đối tượng chịu phí:

Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm các loại: đá làm vật liệu xây dựng thông thường; sỏi, cuội, sạn; cát vàng (cát xây tô); các loại cát khác; đất sét làm gạch ngói; đất làm cao lanh; các loại đất khác; than bùn;

b) Đối tượng nộp phí:

Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

c) Mức thu:

- Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 1.000 đồng/m3

- Sỏi, cuội, sạn: 4.000 đồng/m3

- Cát vàng (cát xây tô): 3.000 đồng/m3

- Các loại cát khác: 2.000 đồng/m3

- Đất sét làm gạch ngói: 1.500 đồng/m3

- Đất làm cao lanh: 5.000 đồng/m3

- Các loại đất khác: 1.000 đồng/m3

- Than bùn: 2.000 đồng/tấn

Điều 2. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng:

1. Cơ quan thuế có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Hướng dẫn đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc kê khai, nộp phí theo đúng quy định;

b) Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp phí, quyết toán tiền phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

c) Xử lý vi phạm hành chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật;

d) Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp.

2. Cơ quan quản lý Tài nguyên và Môi trường ở địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về đối tượng được phép khai thác khoáng sản tại địa phương cho cơ quan thuế và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc quản lý đối tượng nộp phí theo quy định.

3. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có nghĩa vụ thực hiện đúng theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

4. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo nội dung cụ thể:

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

c) Gìn giữ vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2008

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29/2008/QĐ-UBND về chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 29/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản