Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 277/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ QUÂN ĐỘI THAM GIA XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, VÙNG SÂU, VÙNG XA GẮN VỚI XÂY DỰNG CÁC KHU QUỐC PHÒNG AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC, BIÊN GIỚI, VEN BIỂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm 1992.
Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 07 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa;
Căn cứ Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng (Công văn số 3886/BQP ngày 27 tháng 12 năm 1999), của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 971/BKH-VPTĐ ngày 22 tháng 02 năm 2000), về việc phê duyệt Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển, với nội dung chủ yếu sau :

1. Tên đề án: Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển.

2. Mục tiêu.

Phát triển kinh tế - xã hội các vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành nên các cụm làng xã biên giới, tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

3. Nhiệm vụ.

a) Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dự án được xác định;

b) Khai thác tối đa tiềm năng đất đai được giao để phát triển sản xuất phục vụ mục tiêu trước mắt và lâu dài, từng bước chuyển dần sang kinh tế hàng hóa với những loại cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả, chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, trong đó tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao.

Đối với những vùng xung yếu đặc biệt khó khăn quân đội trực tiếp tổ chức sản xuất, gắn phát triển sản xuất với quốc phòng, an ninh.

Đối với địa bàn khó khăn, dân chưa có điều kiện tổ chức sản xuất được, quân đội tổ chức sản xuất, trên cơ sở đó tiếp nhận dân đến, từng bước ổn định và chuyển dần cho chính quyền địa phương quản lý.

c) Tiếp nhận dân ở các vùng khác đến và tổ chức bố trí lại dân tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn của dự án.

d) Bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái thông qua trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng, sử dụng bền vững, hợp lý các nguồn tài nguyên.

e) Cải thiện, nâng cao đời sống, phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

4. Quy mô.

a) Tiếp tục hoàn thiện dự án khu kinh tế - quốc phòng Binh đoàn 15;

b) Đầu tư mới 11 dự án sau :

- Khu kinh tế - quốc phòng Bắc Hải Sơn, Quân khu 3;

- Khu kinh tế - quốc phòng Nam Đắk Lắk – Bình Phước, Binh đoàn 16;

- Khui kinh tế - quốc phòng Mường Chà, Quân khu 2;

- Khu kinh tế - quốc phòng Quảng Sơn, Binh đoàn 12;

- Khu kinh tế - quốc phòng Bù Gia Phúc, Quân khu 7;

- Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh, Quân khu 4;

- Khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn, Quân khu 1;

- Khu kinh tế - quốc phòng Bình Liêu - Quảng Hà – Móng Cái, Quân khu 3'

- Khu kinh tế - quốc phòng Vị Xuyên, Quân khu 2;

- Khu kinh tế - quốc phòng A So – A Lưới, Quân khu 4;

- Khu kinh tế - quốc phòng Bảo Lạc, Quân khu 1.

Đây là cơ sở để Bộ Quốc phòng chỉ đạo các chủ đầu tư lập dự án đầu tư cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng.

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh và khả năng huy động các nguồn lực, Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đầu tư các dự án, các công trình cụ thể cho phù hợp, ưu tiên một số dự án, công trình ở vùng xung yếu, vùng trọng điểm thực hiện trước.

5. Nguồn vốn và cơ chế đầu tư.

a) Vốn ngân sách : Hàng năm Nhà nước bố trí vốn ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi, điện, cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học; trại giống mang tính chất của cụm, vùng; cơ sở chuyển giao khoa học và công nghệ theo từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Vốn tín dụng :

- Thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Đối với vùng dự án hoặc công trình đặc thù cần phải có hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định từng trường hợp cụ thể.

c) Có chính sách thích hợp để thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các dự án hoặc công trình ở khu vực này.

d) Phối hợp với các địa phương để sử dụng có hiệu quả vốn của dự án và vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

e) Do yêu cầu bức xúc của nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, cùng với yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các dự án cần được triển khai cùng một lúc trên các địa bàn, nhưng việc thực hiện theo từng bước trên cơ sở khả năng bố trí vốn đầu tư, có giành vốn ưu tiên đầu tư cho một số dự án trọng điểm.

f) Các dự án đầu tư phải thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, Quy chế Đấu thầu.

g) Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp phát vốn ngân sách cho phù hợp với đặc thù của các loại dự án này, bảo đảm việc triển khai dự án thuận lợi và quản lý vốn chặt chẽ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng dự án, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Công Tạn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 277/QĐ-TTg năm 2000 phê duyệt Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 277/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/03/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản