Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Căn cứ Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 35/SKHCN-QLCN ngày 15 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức khoa học công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018 - 2020 với các nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu của Chương trình

a) Mục tiêu chung:

- Hình thành và thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

- Tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ, đưa thành phố Cần Thơ trở thành đầu mối, trung tâm của thị trường KH&CN tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ hình thành và phát triển 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hình thành và phát triển 03 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 03 tổ chức trung gian về thị trường khoa học và công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại thành phố Cần Thơ; hỗ trợ 03 tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại thành phố Cần Thơ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Hỗ trợ 50 lượt cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tiềm năng tại thành phố Cần Thơ được ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 120 lượt người về thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các đối tượng có liên quan.

2. Nội dung Chương trình

- Tạo lập cơ sở dữ liệu tiềm lực hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Hỗ trợ hình thành và phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ hình thành và phát triển tổ chức trung gian về thị trường khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Đào tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian về thị trường khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

- Truyền thông về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

(Kèm khái toán kinh phí Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức khoa học công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018 - 2020)

3. Kinh phí thực hiện chương trình

- Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn hợp pháp khác.

- Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính thống nhất cân đối nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện nội dung nhiệm vụ, các hoạt động chung của Chương trình.

- Tranh thủ phối hợp vào các chương trình của trung ương và địa phương cho các nội dung, sản phẩm liên quan.

4. Thời gian thực hiện Chương trình: Đến hết năm 2020.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

b) Trách nhiệm của các sở, ngành, UBND quận huyện:

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm để triển khai Chương trình.

- Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình, vận động tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.

- Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thông tin, tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện Chương trình.

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình; các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định s 262/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định “phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”; và “chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN"; “Phát triển mạnh các doanh nghiệp KH&CN", “Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN” là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN đến năm 2020. Tại Nghị quyết số 02- NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Thành ủy Cần Thơ đã khẳng định “khoa học và công nghệ là khâu đột phá, động lực, cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại; xứng tầm với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX)”; “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ”; và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, và giải pháp phát triển KH&CN là “Phát triển các dịch vụ và thị trường KH&CN”, “Gắn kết nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp với cơ quan nghiên cứu, nhà sáng tạo công nghệ, nhà khoa học của các Viện nghiên cứu, Trường đại học, tổ chức KH&CN tư nhân thông qua các trung tâm công nghệ, sàn giao dịch công nghệ. Tạo điều kiện phù hợp hình thành các nhóm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, các tổ chức tư vấn, hội đồng tư vấn cho Viện, Trường, doanh nghiệp trong ứng dụng và đổi mới công nghệ”; “Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, phát triển thị trường KH&CN”. Do đó, xây dựng và triển khai Chương trình là giải pháp căn cơ để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ.

Thị trường KH&CN là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại thúc đẩy quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán các sản phẩm, dịch vụ KH&CN được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước. Trong thị trường này, doanh nghiệp KH&CN đóng vai trò là một chủ thể đặc biệt, vừa là đơn vị sáng tạo, tiếp thu, làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, vừa là người cung cấp, vừa là người tiêu dùng hàng hóa công nghệ. Doanh nghiệp KH&CN cùng với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ KH&CN (sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN) tạo nên sự sôi động của thị trường. Do đó, thúc đẩy thành lập, phát triển doanh nghiệp KH&CN 1, các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ KH&CN là việc cần ưu tiên thực hiện để phát triển thị trường KH&CN, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Thông qua triển khai Chương trình sẽ khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập, các tổ chức có hoạt động KH&CN có tiềm năng chuyển đổi thành tổ chức KH&CN có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm góp phần tăng nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, tăng chất lượng thực hiện dịch vụ KH&CN cho thị trường KH&CN tại thành phố Cần Thơ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, qua triển khai Chương trình là cơ hội tốt để thành phố thực hiện có hiệu quả các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại địa phương được ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 và Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ những lý do trên, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức khoa học công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

Thông tư Liên tịch số 49/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 23 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia;

Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Thông tư 01/2017/TT-BKHCN ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;

Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

Nghị quyết số 02-NQ-NQTU ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Thành ủy thành phố Cần Thơ về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ;

Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020;

Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

III. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung

a) Hình thành và thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức công lập có hoạt động KH&CN, tổ chức KH&CN công lập.

b) Tạo lập và phát triển thị trường KH&CN tại thành phố Cần Thơ, đưa thành phố Cần Thơ trở thành đầu mối, trung tâm của thị trường KH&CN tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hỗ trợ hình thành và phát triển 10 doanh nghiệp KH&CN; hình thành và phát triển 03 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; 03 tổ chức trung gian về thị trường KH&CN từ các tổ chức KH&CN công lập tại thành phố Cần Thơ; hỗ trợ 03 tổ chức KH&CN công lập tại thành phố Cần Thơ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

b) Hỗ trợ 50 lượt cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tiềm năng tại thành phố Cần Thơ được ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại các cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

c) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 120 lượt người về thành lập doanh nghiệp KH&CN và các đối tượng có liên quan.

IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Dự án tạo lập cơ sở dữ liệu tiềm lực hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ

a) Tiêu chí, điều kiện lựa chọn:

- Tổ chức có chức năng, nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, khả năng cung ứng công nghệ.

- Có đội ngũ nhân lực chuyên môn hoặc có liên kết, hợp tác với tổ chức có đội ngũ nhân lực chuyên môn có năng lực xây dựng cơ sở dữ liệu, khả năng cung ứng công nghệ.

- Xác định được tiêu chí xây dựng cơ sở dữ liệu phù hợp với mục đích hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN.

- Đề xuất được phương thức tạo lập cơ sở dữ liệu khả thi và phù hợp với điều kiện ở thành phố Cần Thơ.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Điều tra, khảo sát phân loại tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN, tập trung vào các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trường Cao đẳng, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát đề xuất hình thức hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN phù hợp, hiệu quả.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN của thành phố bao gồm việc nắm bắt thông tin về thời gian bắt đầu tham gia hoạt động KH&CN, tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tổ chức hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp KH&CN của thành phố có khả năng mở rộng tích hợp được với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp KH&CN của quốc gia gồm: Việc thành lập, số lượng, tình hình hoạt động và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường KH&CN tại thành phố Cần Thơ có khả năng mở rộng tích hợp được với cơ sở dữ liệu của quốc gia.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

2. Dự án hỗ trợ hình thành và phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN

a) Tiêu chí, điều kiện:

- Đối với cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN đã thành lập (sau đây viết tắt là tổ chức ươm tạo): Phải có quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án tổ chức ươm tạo và kinh doanh, nguồn tài chính hợp pháp đảm bảo hoạt động, có địa chỉ hoạt động tại thành phố Cần Thơ.

- Đối với tổ chức ươm tạo chưa được thành lập: Phải có đề án thành lập (trong đó nêu rõ phương án tổ chức ươm tạo và kinh doanh, phương án huy động nguồn tài chính hợp pháp đảm bảo hoạt động), có địa chỉ hoạt động tại thành phố Cần Thơ.

- Về cơ sở vật chất: Có hệ thống cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị phù hợp với lĩnh vực công nghệ ươm tạo (văn phòng cho thuê, các trang thiết bị văn phòng cơ bản; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, phòng thí nghiệm, khu sản xuất thử nghiệm).

- Về tài chính: Có nguồn tài chính hợp pháp đảm bảo chi hoạt động thường xuyên của tổ chức ít nhất 03 năm.

- Về nhân lực: Bố trí tối thiểu một cán bộ quản lý chuyên trách, có kinh nghiệm thực tế phù hợp với lĩnh vực ươm tạo và trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu và có đội ngũ chuyên gia tư vấn trong các lĩnh vực: công nghệ, pháp luật, tài chính, thị trường, quản trị doanh nghiệp phù hợp với lĩnh vực công nghệ ươm tạo mà cơ sở ươm tạo thực hiện.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Nội dung và mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 49/TTLT-BTC-BKHCN ngày 23 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Tư vấn, xây dựng và thẩm định dự án thành lập cơ sở, đầu mối ươm tạo.

- Đầu tư trang thiết bị dùng chung phục vụ hoạt động của cơ sở, đầu mối ươm tạo.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về việc thành lập, quản lý, điều hành hoạt động ươm tạo, hoạt động của doanh nghiệp KH&CN (cả trong và ngoài nước) cho cán bộ quản lý và người làm việc ở các cơ sở, đầu mối ươm tạo; đào tạo đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý doanh nghiệp.

- Hỗ trợ tạo lập liên kết với các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo phục vụ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

- Hỗ trợ cung cấp thông tin về công nghệ và sản phẩm công nghệ trong nước và nước ngoài.

- Thiết kế, xây dựng trang thông tin điện tử của cơ sở, đầu mối ươm tạo.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

3. Dự án hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ

a) Tiêu chí, điều kiện hỗ trợ phát triển ý tưởng hình thành vật mẫu:

- Đề xuất ý tưởng, giải pháp kỹ thuật để làm ra vật mẫu (ý tưởng được thuyết minh rõ ràng, có cơ sở khoa học và thực tiễn, có giải pháp công nghệ phù hợp để tạo ra vật mẫu).

- Cam kết hoàn thiện công nghệ từ vật mẫu đã tạo ra.

b) Tiêu chí, điều kiện hỗ trợ dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sản phẩm mới:

- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trên cơ sở các sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật, kết quả KH&CN, hoặc hoạt động nghiên cứu giải mã công nghệ.

- Hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới làm cơ sở để thành lập doanh nghiệp KH&CN.

c) Tiêu chí, điều kiện hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

- Dự án được xây dựng dựa trên công nghệ do tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp có khả năng ứng dụng và sản xuất kinh doanh để hình thành doanh nghiệp KH&CN.

- Có hồ sơ thành lập doanh nghiệp KH&CN. Trong hồ sơ phải trình bày rõ về cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được thành lập (những nội dung liên quan đến kết quả KH&CN là cơ sở để chứng nhận doanh nghiệp KH&CN).

d) Tiêu chí, điều kiện khác:

- Tổ chức, cá nhân phải chứng minh được nguồn lực và năng lực tổ chức thực hiện dự án.

- Tổ chức, cá nhân chủ trì dự án đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ phát triển ý tưởng hình thành vật mẫu, hỗ trợ dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sản phẩm mới và hỗ trợ dự án ươm tạo doanh nghiệp KH&CN phải có cam kết bằng văn bản về việc thành lập doanh nghiệp KH&CN từ công nghệ, sản phẩm mới là kết quả của dự án hoặc chuyển giao công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp KH&CN.

- Có địa chỉ hoạt động tại thành phố Cần Thơ.

đ) Nội dung hỗ trợ:

- Tìm kiếm thông tin công nghệ và sản phẩm công nghệ ở trong nước và nước ngoài.

- Hoạt động nghiên cứu thử nghiệm để phát triển ý tưởng, làm ra vật mẫu, giải mã và hoàn thiện công nghệ, ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả KH&CN.

- Sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

- Các hoạt động tư vấn hoàn thiện công nghệ; tư vấn phục vụ việc thành lập doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ.

- Xây dựng hồ sơ để được công nhận doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ.

- Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN đã ươm tạo thành công hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

- Đào tạo, bồi dưỡng trong nước về việc thành lập, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp KH&CN.

- Các hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài để ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN.

- Thiết kế, xây dựng trang thông tin điện tử để hỗ trợ phổ biến thông tin về doanh nghiệp KH&CN và các sản phẩm của doanh nghiệp.

e) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

4. Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ

a) Tiêu chí, điều kiện:

- Đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

- Có phương án phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở công nghệ mà doanh nghiệp sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp.

- Có địa chỉ hoạt động tại thành phố Cần Thơ.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Tìm kiếm thông tin công nghệ ở trong nước và nước ngoài.

- Hỗ trợ lựa chọn và giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, tổ chức tại thành phố Cần Thơ có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng kết quả nghiên cứu này vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Các hoạt động tư vấn đổi mới công nghệ; tư vấn phát triển doanh nghiệp KH&CN; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi (thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và các loại quỹ khác có liên quan; ưu đãi về sử dụng đất) theo quy định.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nước về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp KH&CN.

- Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ; hỗ trợ tham gia các sự kiện giới thiệu, xúc tiến thương mại.

- Thiết kế, xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử để hỗ trợ phổ biến thông tin về doanh nghiệp KH&CN và các sản phẩm của doanh nghiệp.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

5. Dự án hình thành và phát triển các tổ chức trung gian về thị trường khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ

a) Tiêu chí lựa chọn:

- Đối với tổ chức đã thành lập phải có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN có chức năng của tổ chức trung gian theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; và có mạng lưới chuyên gia tư vấn, quan hệ đối tác tiềm năng để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức trung gian; và có kế hoạch kinh doanh, phương án tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ.

- Đối với dự án thành lập tổ chức trung gian phải có tài liệu chứng minh khả năng đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; và có mạng lưới chuyên gia tư vấn, quan hệ đối tác tiềm năng để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức trung gian; và có kế hoạch kinh doanh, phương án tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ.

- Có địa chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Tư vấn, xây dựng, thẩm định đề án thành lập, nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động của tổ chức trung gian.

- Hỗ trợ một phần cơ sở vật chất nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN, tổ chức KH&CN đáp ứng yêu cầu thành lập sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ nâng cấp sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thành lập, quản lý, điều hành tổ chức trung gian; đào tạo nhân lực chuyên môn, kỹ năng cho tổ chức trung gian về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KH&CN: Môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, giám định công nghệ, tài sản trí tuệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ.

- Duy trì, cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, trang thông tin điện tử về thị trường KH&CN.

- Hoạt động thuộc chức năng của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

6. Dự án hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

a) Tiêu chí, điều kiện:

- Đối tượng tham gia thực hiện dự án là tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ quy định tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ KH&CN công lập.

- Tổ chức KH&CN, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động KH&CN trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xây dựng đề án nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Các nội dung được hỗ trợ của dự án:

- Xây dựng, hoàn chỉnh đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Tư vấn và hướng dẫn xây dựng định hướng phát triển, kết hợp nghiên cứu với sản xuất kinh doanh khi chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu.

- Giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm:

+ Hỗ trợ tài chính cho người lao động về hưu trước tuổi, chuyển công tác sang làm việc tại các tổ chức, đơn vị ngoài công lập, thôi việc ngay.

+ Hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn chuyển đổi nghề và tìm việc làm mới cho người lao động.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

7. Dự án đào tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, tổ chức trung gian vê thị trường KH&CN, phát triển thị trường KH&CN

a) Tiêu chí, điêu kiện lựa chọn:

- Tổ chức có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến doanh nghiệp KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển thị trường KH&CN.

- Có đội ngũ cán bộ, chuyên gia, cộng tác viên có khả năng chuyên môn phù hợp với công tác doanh nghiệp KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển thị trường KH&CN.

- Có khung chương trình đào tạo, khung tài liệu giảng dạy phù hợp với mục đích, nhu cầu thực tiễn của đối tượng được đào tạo được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt hoặc chấp thuận.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về quy trình, thủ tục, điều kiện và các vấn đề liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN; những nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập cho các tổ chức, cá nhân trong đó ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với loại hình doanh nghiệp KH&CN cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN và cho doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng ngắn hạn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp KH&CN cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN và cho doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ.

- Tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý của các Sở ngành, trường, viện, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, để phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng về chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá, định giá công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Tổ chức tham quan, khảo sát thực tế và học tập kinh nghiệm từ các mô hình doanh nghiệp KH&CN thành công, tiêu biểu ở trong nước cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN và cho doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

8. Dự án truyền thông về doanh nghiệp KH&CN, phát triển thị trường KH&CN

a) Tiêu chí, điều kiện lựa chọn:

- Tổ chức có chức năng, nhiệm vụ triển khai các hoạt động truyền thông để phát triển thị trường KH&CN.

- Có đội ngũ nhân lực, cộng tác viên có nghiệp vụ chuyên môn thực hiện các hoạt động truyền thông để phát triển thị trường KH&CN.

- Xác định được đúng nhu cầu, có mục tiêu cụ thể, chiến lược hoạt động rõ ràng.

- Xác định được phương thức, biện pháp đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, dự kiến hiệu quả và có tính mới.

b) Nội dung hỗ trợ:

- Tổ chức hoặc tham gia chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), hội thảo triển lãm giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở nghiên cứu, đào tạo (Innovation Showcase), ngày hội đầu tư thương mại hóa công nghệ (Demo Day), ngày hội khởi nghiệp (Startup Day), ngày hội sáng tạo (Innovation Day), triển lãm sáng chế (Invention Exhibition), triển lãm sản phẩm KH&CN tiềm năng thương mại hóa (Techshow) ở trong nước và nước ngoài, bao gồm:

+ Hoạt động của chuyên gia tư vấn chỉ đạo, thiết kế mỹ thuật, trang trí tổng thể, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng.

+ Lễ khai mạc, hoạt động của người dẫn chương trình, hỗ trợ kỹ thuật.

+ Hoạt động của người tham gia, bao gồm đi lại, ăn ở, vận chuyển trang thiết bị, hàng mẫu, mô hình.

+ Hoạt động của ban tổ chức, hội đồng tư vấn, hội đồng xét thưởng, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học độc lập, người tham gia trưng bày gian hàng, các thành phần khác tham gia sự kiện.

+ Thông tin liên lạc, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; lập dữ liệu điện tử để quảng bá sự kiện.

+ In ấn tài liệu cần thiết (brochure, catalog, giấy mời...) của sự kiện.

+ Dịch thuật; tổ chức hội thảo KH&CN.

+ Thuê mặt bằng (bao gồm cả an ninh, bảo vệ, điện nước); dàn dựng gian hàng; trưng bày sản phẩm.

+ Khen thưởng (bằng khen, giấy khen), giấy chứng nhận, phù điêu, kỷ niệm chương; tổ chức lễ trao thưởng.

+ Các hoạt động cần thiết khác.

- Tư vấn, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; xây dựng, hoàn thiện mô hình, phương án sản xuất kinh doanh, tiếp thị, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.

- Tư vấn, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại hóa công nghệ mới, sản phẩm tạo ra từ công nghệ mới của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, cá nhân nghiên cứu KH&CN.

- Vinh danh, khen thưởng tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong đổi mới sáng tạo, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.

- Truyền thông về việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình và các hoạt động khác để tăng hiệu ứng lan tỏa của Chương trình.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.

V. KẾT QUẢ DỰ KIẾN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Thông qua nội dung các dự án thuộc Chương trình, một số kết quả chính dự kiến đạt được như sau:

- Tạo lập cơ sở dữ liệu tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN của thành phố Cần Thơ được cập nhật thường xuyên hàng năm và có khả năng kết nối, tích hợp được với cơ sở dữ liệu của quốc gia.

- Hình thành và phát triển được cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, tổ chức trung gian về thị trường KH&CN tại thành phố Cần Thơ có khả năng kết nối hình thành mạng lưới liên kết về ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, phát triển thị trường KH&CN góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách.

- Có ít nhất 50 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tiềm năng tại thành phố Cần Thơ tham gia ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại các cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ.

- Góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức công lập có hoạt động KH&CN, tổ chức KH&CN công lập từ đó tăng hiệu quả hoạt động, vận hành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giảm gánh nặng cho nguồn ngân sách nhà nước.

- Thành lập được ít nhất 10 doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ, góp phần tạo nên sự sôi động trong thị trường KH&CN, tăng hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

- Phát triển được một đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo đơn vị, cá nhân tại thành phố Cần Thơ có kiến thức chuyên sâu về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp KH&CN; chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp KH&CN, đủ khả năng để tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, đánh giá theo yêu cầu để phát triển thị trường KH&CN.

- Hỗ trợ ít nhất 03 tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

- Truyền thông về doanh nghiệp KH&CN, chính sách về phát triển thị trường KH&CN rộng rãi trên các phương tiện thông tin và truyền thông tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần tăng cường nhận thức của quần chúng nhân dân về doanh nghiệp KH&CN, tổ chức trung gian về KH&CN, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN nói riêng và hoạt động KH&CN nói chung.

VI. NGUỒN KINH PHÍ VÀ ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ

1. Nguồn kinh phí hỗ trợ và nội dung chi

a) Khái toán kinh phí:

Khái toán tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 34.496.813.000 đồng (Ba mươi bốn tỷ bốn trăm chín mươi sáu triệu tám trăm mười ba ngàn đồng). Trong đó:

- Ngân sách nhà nước (Nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN): Khoảng 24.388.813.000 đồng (Hai mươi bốn tỷ ba trăm tám mươi tám triệu tám trăm mười ba ngàn đồng), bao gồm:

+ Chi các nội dung hoạt động quản lý chương trình: 831.360.000 đồng (Tám trăm ba mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi ngàn đồng).

+ Chi thực hiện các dự án thuộc Chương trình: 23.557.453.000 đồng (Hai mươi ba tỷ năm trăm năm mươi bảy triệu bốn trăm năm mươi ba ngàn đồng).

- Kinh phí ngoài ngân sách: 10.108.000.000 đồng (Mười tỷ một trăm lẻ tám triệu đồng) (Đóng góp từ tổ chức, cá nhân thực hiện phần nội dung dự án không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước). Đối tượng đóng góp là các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ Chương trình và các đối tượng tự nguyện đóng góp khác.

- Tranh thủ phối hợp vào các chương trình của trung ương và địa phương cho các nội dung, sản phẩm liên quan.

b) Nội dung chi của chương trình:

- Chi các nội dung hoạt động chung của chương trình, bao gồm:

+ Chi hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình, tổ chức vận động doanh nghiệp tham gia chương trình; chi hoạt động thường xuyên, văn phòng phẩm; thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ; khảo sát phục vụ thực hiện chương trình.

+ Xây dựng, phát hành các tài liệu liên quan đến quản lý và thực hiện Chương trình.

+ Chi tổ chức họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, sơ kết, tổng kết thuộc Chương trình.

+ Chi tổ chức học tập kinh nghiệm, tham quan cho cán bộ quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về mô hình ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; mô hình quản lý, hoạt động của doanh nghiệp KH&CN; mô hình tổ chức quản lý, vận hành của các tổ chức trung gian về thị trường KH&CN.

+ Hỗ trợ các hoạt động hội nhập quốc tế KH&CN.

+ Chi kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án theo quy định của Chương trình này.

+ Chi tổ chức khảo sát thực tế doanh nghiệp, tổ chức trước khi xét duyệt tham gia chương trình.

+ Chi họp hội đồng xét duyệt, thẩm định, kiểm tra đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

+ Các chi khác liên quan trực tiếp đến hoạt động của chương trình.

- Chi thực hiện các dự án thuộc Chương trình dưới hình thức dự án KH&CN theo quy định.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trình tự, thủ tục triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình

a) Trên cơ sở nội dung được phê duyệt Chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng phương hướng, mục tiêu, nội dung nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình trong từng năm công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố và cổng thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Trình tự, thủ tục triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình bao gồm: Tuyển chọn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân có đăng ký tham gia thực hiện chương trình; tổ chức thẩm định nội dung, kinh phí; phê duyệt tổ chức chủ trì thực hiện; ký kết hợp đồng thực hiện; Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ; đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Thành phần hồ sơ

a) Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình:

Hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình bao gồm những tài liệu sau:

- Đơn đề nghị (theo mẫu).

- Thuyết minh dự án (theo mẫu).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp) hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).

- Các hồ sơ khác có liên quan (sau khi được phê duyệt)

b) Hồ sơ đánh giá nghiệm thu:

Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ thuộc chương trình bao gồm những tài liệu sau:

- Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu dự án.

- Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện dự án (theo mẫu).

- Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện dự án.

- Bản sao các quyết định phê duyệt dự án.

- Bản sao các quyết định điều chỉnh nội dung, kinh phí, thay đổi chủ nhiệm dự án, thời gian thực hiện dự án (nếu có).

- Các sản phẩm, kết quả của dự án theo Hợp đồng thực hiện dự án và thuyết minh dự án được phê duyệt.

- Bản sao Hợp đồng và thuyết minh dự án.

- Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của dự án.

- Báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện dự án (theo mẫu).

- Các tài liệu khác (nếu có).

3. Thời gian và phạm vi thực hiện Chương trình

a) Thời gian thực hiện: 2018 - 2020.

b) Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

4. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị

a) Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình

b) Trách nhiệm của các sở, ngành, UBND quận huyện:

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm để triển khai Chương trình.

- Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình, vận động tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.

- Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thông tin, tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện Chương trình.

- Các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong quá trình thực hiện Chương trình khi có yêu cầu.

c) Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp

- Lập nhu cầu hỗ trợ và đăng ký gửi về Sở Khoa học và Công nghệ.

- Tổ chức triển khai dự án thuộc Chương trình theo đúng nội dung, khối lượng, thời gian và kinh phí theo Hợp đồng đã ký.

- Thực hiện báo cáo kết quả triển khai dự án định kỳ hàng quý, năm.

- Tổ chức, doanh nghiệp chủ trì dự án có trách nhiệm huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đơn vị để thực hiện nội dung dự án thuộc Chương trình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KHÁI TOÁN KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Nội dung chi

Tổng số

Nguồn kinh phí

Kinh phí sự nghiệp KHCN chia theo năm

Ghi chú

Sự nghiệp KHCN

Đóng góp của tổ chức, cá nhân

2018

2019

2020

I

Chi hoạt động chung của Chương trình

831.360

831.360

-

306.347

389.477

135.537

 

1

Chi hoạt động quản lý

424.440

424.440

-

188.460

197.990

37.990

 

2

Chi họp Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu, kiểm tra tiến độ dự án

406.920

406.920

-

117.887

191.487

97.547

 

II

Kinh phí thực hiện các dự án

33.665.453

23.557.453

10.108.000

434.867

11.410.686

11.711.900

 

1

Dự án tạo lập cơ sở dữ liệu tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN

451.973

451.973

-

142.567

169.856

139.550

 

2

Dự án hỗ trợ hình thành và phát triển cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

3.510.000

1.221.000

2.289.000

27.000

597.000

597.000

 

3

Dự án hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN

18.900.000

15.085.000

3.815.000

80.000

7.462.500

7.542.500

 

4

Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tại thành phố Cần Thơ

2.200.000

1.570.000

630.000

-

740.000

830.000

 

5

Dự án hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức trung gian về thị trường KH&CN tại thành phố Cần Thơ

3.010.000

2.821.000

189.000

-

1.410.500

1.410.500

 

6

Dự án hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

240.000

240.000

-

80.000

80.000

80.000

 

7

Dự án đào tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, tổ chức trung gian về thị trường KH&CN, phát triển thị trường KH&CN.

253.530

253.530

-

-

253.530

-

 

8

Dự án truyền thông về doanh nghiệp KH&CN, phát triển thị trường KH&CN.

5.099.950

1.914.950

3.185.000

105.300

697.300

1.112.350

 

Tổng cộng (I + II):

34.496.813

24.388.813

10.108.000

741.214

11.800.163

11.847.437

 

* Ghi chú: Khái toán trên là tạm tính, tùy theo tình hình thực tế, dự toán hàng năm sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo nguồn kinh phí.



1 Tính đến hết tháng 8 năm 2017, cả nước có 303 doanh nghiệp KH&CN, thành phố Cần Thơ hiện có 4 doanh nghiệp KH&CN.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 262/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức khoa học công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018-2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 262/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/01/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản