Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2599/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 27 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 256/TTr-STP ngày 29 tháng 6 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì,phối hợp với Sở Nội Nội vụ và các sở ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT .UBND tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, (D).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2599/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ YÊU CẦU THỰC TẾ CỦA ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án:

- Điểm a khoản 5 Điều 11 Luật Công chứng quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương để đáp ứng nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng;

- Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định: Sở Tư pháp xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

2. Yêu cầu thực tế:

Tiền Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 2.366,600 km2, dân số 1.717.427 người. Phía Bắc giáp tỉnh Long An; phía Nam giáp 02 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, phía Đông giáp Biển Đông với 32 km2 bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp.

Các đơn vị hành chính tỉnh Tiền Giang gồm 08 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã, trong đó:

- Huyện Cái Bè: có diện tích tự nhiên 420,9 km2, dân số 291.614 người.

- Huyện Cai Lậy: có diện tích tự nhiên 411,3 km2, dân số 327.581 người.

- Huyện Tân Phước: có diện tích tự nhiên 333,2 km2, dân số 55.173 người.

- Huyện Châu Thành: có diện tích tự nhiên 225,7 km2, dân số 258.863 người.

- Huyện Chợ Gạo: có diện tích tự nhiên 235 km2, dân số 190.158 người.

- Huyện Tân Phú Đông: có diện tích tự nhiên 202,08 km2, dân số 42.926 người.

- Huyện Gò Công Đông: có diện tích tự nhiên 267,68 km2, dân số 143.418 người.

- Huyện Gò Công Tây: có diện tích tự nhiên 180,17 km2, dân số 134.768 người.

- Thành phố Mỹ Tho: có diện tích tự nhiên 48,3 km2, dân số 172.785 người.

- Thị xã Gò Công: có diện tích tự nhiên 10.198 km2, dân số 97.709 người.

Trong những năm qua, kinh tế tỉnh Tiền Giang liên tục phát triển, ổn định; Tiền Giang đang tiếp tục đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự phát triển của ngành công nghiệp trong những năm qua được đánh dấu bằng sự chuyển động tích cực của Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương, Cụm Công nghiệp Trung An và nhiều cụm công nghiệp đang thành lập, từng bước đi vào hoạt động; hầu hết các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đều có quy mô tương đối lớn.

Trong những năm tới, kinh tế Tiền Giang tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,… nên nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế ngày càng nhiều dẫn đến nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê từ năm 2005 đến 2008 cho thấy lượng việc công chứng tại tỉnh rất cao. Cụ thể:

- Năm 2005: thực hiện 119.843 lượt việc công chứng. (kể cả công chứng bản sao);

- Năm 2006: thực hiện 125.358 lượt việc công chứng. (kể cả công chứng bản sao);

- Năm 2007: thực hiện 53.484 lượt việc công chứng (kể cả công chứng bản sao đến ngày 01/7/2007);

- Năm 2008: thực hiện được 10.130 lượt việc công chứng các hợp đồng, giao dịch. Bên cạnh đó, do tính đa dạng, phức tạp trong các hợp đồng, giao dịch nên áp lực đối với hoạt động công chứng rất lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên phải có sự đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này.

Từ 01/7/2007, theo quy định của Luật Công chứng việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về bất động sản không căn cứ vào địa hạt, thì nhu cầu công chứng tập trung nhiều vào các khu vực đông dân cư và những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao (như khu vực thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Cai Lậy...). Tình hình trên đặt ra phải phục vụ kịp thời yêu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân nhất là phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Để thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, các quy định Luật Công chứng, Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với mục tiêu, nguyên tắc sau:

II. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC

1. Mục tiêu:

- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo địa bàn dân cư trên toàn tỉnh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và thực hiện quy định pháp luật về công chứng, đảm bảo và tăng cường an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phục vụ sự phát triển tỉnh nhà.

- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng phải có bước đi phù hợp, theo quy hoạch và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm cho sự phát triển hoạt động công chứng đạt hiệu quả cao, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển chung của tỉnh.

2. Nguyên tắc:

- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy hoạch và lộ trình phù hợp với từng khu vực và từng giai đoạn.

- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các khu vực có yêu cầu công chứng cao.

- Nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công chứng tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đồng thời có biện pháp khuyến khích xã hội hóa hoạt động công chứng tại các khu vực này.

- Ưu tiên phát triển Văn phòng công chứng có đội ngũ nhân sự lành nghề, am hiểu pháp luật, có cơ sở vật chất thuận lợi cho việc tiếp dân và bảo đảm lưu trữ hồ sơ tốt, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công chứng.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Quy hoạch phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng:

a) Định hướng chung về phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang:

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2010, không thành lập thêm Phòng Công chứng; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động các Phòng Công chứng hiện có, như: ổn định số lượng và nâng cao chất lượng công chứng tại các Phòng Công chứng, tiến tới chuyển đổi, xã hội hóa các Phòng Công chứng.

Phát triển Văn phòng Công chứng tại các khu vực có yêu cầu công chứng cao và có điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng, khuyến khích phát triển Văn phòng Công chứng tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và theo quy hoạch, lộ trình để phục vụ một cách thuận tiện, kịp thời cho tổ chức và nhân dân.

b) Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo 5 khu vực:

- Khu vực 1: huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy;

- Khu vực 2: huyện Tân Phước và huyện Châu Thành;

- Khu vực 3: huyện Chợ Gạo và thành phố Mỹ Tho;

- Khu vực 4: huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công;

- Khu vực 5: huyện Tân Phú Đông.

2. Lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng gồm 3 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1 (từ năm 2009 đến năm 2010):

- Giữ nguyên số lượng 03 Phòng Công chứng hiện có; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng và điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức và nhân dân tại các Phòng Công chứng.

- Thành lập từ 05 đến 07 Văn phòng Công chứng, dự kiến phân bổ như sau:

+ Khu vực 1: thành lập 01 Văn phòng công chứng (huyện Cái Bè).

+ Khu vực 2: thành lập 02 Văn phòng Công chứng (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu thành và thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước).

+ Khu vực 3: thành lập từ 01 đến 02 Văn phòng Công chứng (thành phố Mỹ Tho).

+ Khu vực 4: thành lập 01 Văn phòng công chứng (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây).

+ Khu vực 5: thành lập 01 Văn phòng Công chứng.

b) Giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến năm 2015): Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là đối với Văn phòng Công chứng; phát triển thêm một số Văn phòng công chứng tại các khu vực có yêu cầu và phù hợp với định hướng của tỉnh; tiếp tục duy trì, ổn định 03 Phòng Công chứng số 1, số 2, số 3.

c) Giai đoạn 3 (sau năm 2015): Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng. Phát triển thêm các Văn phòng công chứng tại các khu vực có yêu cầu, tổ chức lại các Phòng Công chứng ở khu vực mà Văn phòng công chứng đã hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công chứng.

3. Thành lập Phòng công chứng:

Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, không phát triển thêm các Phòng Công chứng mà giữ nguyên 03 (ba) Phòng Công chứng số 1, số 2 và số 3 ở 03 (ba) khu vực như hiện nay.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế và phương án tài chính của các Phòng Công chứng số 1, số 2 và số 3 thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng:

Việc thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng. Hoạt động của Văn phòng công chứng phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn pháp lý trong thực hiện yêu cầu công chứng của người dân và an ninh trật tự xã hội.

a) Trụ sở Văn phòng công chứng và lưu trữ hồ sơ tại Văn phòng công chứng:

- Văn phòng Công chứng phải có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể và bảo đảm về diện tích làm việc cho công chứng viên, nhân viên, bảo đảm điều kiện cho việc tiếp dân và giải quyết hồ sơ của người yêu cầu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng, bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, trật tự giao thông đường bộ và trật tự đô thị theo quy định pháp luật;

- Việc lưu trữ hồ sơ tại Văn phòng công chứng phải do người đã được đào tạo chuyên môn về công tác lưu trữ thực hiện.

b) Thành lập Văn phòng Công chứng:

 Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải nộp 02 (hai) bộ hồ sơ tại Sở Tư pháp. Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;

- Bản sao quyết định bổ nhiệm và thẻ công chứng viên của công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;

- Đề án thành lập Văn phòng công chứng với đầy đủ các nội dung sau:

+ Sự cần thiết thành lập Văn phòng công chứng;

+ Về tổ chức và nhân sự của Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ:

· Loại hình Văn phòng công chứng;

· Tên, số và quyết định bổ nhiệm công chứng viên, số thẻ và ngày cấp thẻ công chứng viên của công chứng viên thành lập;

· Kế hoạch chấm dứt hành nghề luật sư của công chứng viên thành lập và các công chứng viên hành nghề tại Văn phòng công chứng (đối với công chứng viên là luật sư);

· Các thành viên góp vốn, phần vốn góp và tiến độ góp vốn (đối với công ty hợp danh);

· Tên gọi và tên giao dịch của Văn phòng công chứng;

· Nhân sự của Văn phòng Công chứng: nêu rõ số lượng, trình độ và kinh nghiệm của công chứng viên, nhân viên lưu trữ và các nhân viên khác;

· Các nội dung khác về tổ chức và nhân sự.

+ Về cơ sở vật chất của Văn phòng công chứng, cần nêu rõ các nội dung sau:

· Trụ sở;

· Điều kiện và phương hướng áp dụng công nghệ thông tin;

· Cơ sở vật chất khác.

+ Kế hoạch triển khai hoạt động của Văn phòng công chứng:

· Tiến độ thực hiện các dự kiến;

· Về tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất của Văn phòng công chứng;

· Tiến độ và các kế hoạch đưa Văn phòng công chứng vào hoạt động;

· Quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ công chứng;

· Điều kiện lưu trữ, kế hoạch thực hiện việc lưu trữ và quy trình lưu trữ hồ sơ;

- Các vấn đề khác liên quan đến việc triển khai hoạt động của Văn phòng công chứng:

+ Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng phải do công chứng viên thành lập ký tên. Đối với Văn phòng Công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì tất cả các công chứng viên thành lập đều phải ký tên trong đơn đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng.

+ Công chứng viên thành lập Văn phòng Công chứng (hoặc một trong các công chứng viên thành lập) trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng tại Sở Tư pháp. Trong trường hợp ủy quyền cho người khác nộp thay, phải có ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập hoặc từ chối cho phép thành lập Văn phòng Công chứng bằng văn bản.

- Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các công việc:

+ Hướng dẫn thủ tục thành lập Văn phòng Công chứng;

+ Tiếp nhận, xem xét, kiểm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng theo quy định;

+ Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc cho phép thành lập hoặc từ chối cho phép thành lập Văn phòng Công chứng;

+ Trao quyết định cho phép thành lập Văn phòng Công chứng;

+ Lưu trữ hồ sơ theo quy định.

c) Đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, công chứng viên thành lập Văn phòng Công chứng phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Trong trường hợp ủy quyền cho người khác nộp thay, phải có ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng gồm có:

- Đơn đề nghị đăng ký hoạt động do công chứng viên thành lập (hoặc các công chứng viên thành lập) ký tên;

- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng;

- Hợp đồng ký quỹ;

- Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật và giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động đã nêu trong Đề án thành lập Văn phòng công chứng.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Công chứng thì Văn phòng Công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên như mức mua bảo hiểm tối thiểu, thời điểm mua bảo hiểm… do đó, trong thời gian chờ quy định của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể xảy ra do lỗi của công chứng viên, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu công chứng và tăng cường an toàn pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch được công chứng, Văn phòng Công chứng phải ký quỹ tại một Ngân hàng trước khi đăng ký hoạt động; Số tiền ký quỹ tối thiểu là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đối với một công chứng viên và phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của công chứng viên tại Văn phòng Công chứng. Việc ký quỹ này sẽ được hủy bỏ khi có quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Tiền ký quỹ chỉ được rút để sử dụng vào mục đích bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của Văn phòng công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng.

- Sở Tư pháp thực hiện việc đăng ký hoạt động của Văn phòng Công chứng theo quy định, có trách nhiệm, quyền hạn:

+ Hướng dẫn Văn phòng Công chứng lập hồ sơ đăng ký hoạt động theo quy định;

+ Yêu cầu Ngân hàng nơi Văn phòng Công chứng ký quỹ phong tỏa tài khoản ký quỹ để bảo đảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định;

+ Kiểm tra các điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất, lưu trữ và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và đề án này trước khi thực hiện việc đăng ký.

d) Lĩnh vực hành nghề của tổ chức hành nghề công chứng: thực hiện theo quy định hiện hành

đ) Lệ phí đăng ký hoạt động Văn phòng Công chứng: thực hiện theo quy định hiện hành.

e) Phí công chứng: thực hiện theo quy định hiện hành.

g) Chế độ tài chính của các tổ chức hành nghề công chứng

- Chế độ tài chính của các Phòng Công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp và các quy định khác có liên quan;

- Văn phòng Công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

- Các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang;

c) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc thực hiện Đề án; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện Đề án; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc điều chỉnh, bổ sung Đề án.

d) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang trong từng giai đoạn;

đ) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chủ trì việc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh, các biện pháp bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho các Phòng Công chứng;

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tổng hợp tình hình và thống kê về công chứng tại tỉnh Tiền Giang gửi Bộ Tư pháp;

- Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng;

- Đẩy mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo định kỳ và đột xuất, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định hoặc theo ủy quyền;

- Yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động theo định kỳ 6 tháng và hàng năm;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan của tỉnh hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp:

a) Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

3. Trách nhiệm của Công an tỉnh và Cục thuế tỉnh:

Phối hợp với Sở Tư pháp tạo điều kiện thuận lợi, các biện pháp hỗ trợ làm thủ tục khắc dấu, lập các loại sổ sách, đăng ký mã số thuế và quản lý thuế nhằm phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

4. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

5. Trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng:

Thực hiện việc đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, đăng ký mã số thuế, làm thủ tục khắc dấu, lập các loại sổ sách, hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật và Đề án này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2599/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 2599/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản