Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2539/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Điều 2. Tổng cục Dân số chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Đồng chí Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
- Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCDS(10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, TRỊ MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2539/QĐ-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT

Chất lượng dân số là phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số1. Nghị quyết số 21-NQ/TW2 nêu rõ “Công tác dân sphải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số” và “Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh”. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 20303 nhấn mạnh “Nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, bao gồm giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em”.

Tầm soát, chẩn đoán, trị trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Các bệnh tật di truyền, dị tật bẩm sinh rất khó điều trị. Việc điều trị, khắc phục phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm tác động, nếu phát hiện sớm, xử lý sớm thì hậu quả ít, hiệu quả điều trị cao. Trên thế giới, tại một số nước Châu Âu ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX đã triển khai chương trình khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát và chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Tại một số quốc gia châu Á, trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhiều quốc gia đã triển khai các mô hình can thiệp hướng tới mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Trung Quốc tiến hành dự phòng 3 cấp: (1) kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn; (2) tầm soát, chẩn đoán trước sinh; (3) tầm soát, chẩn đoán sơ sinh. Hàn Quốc, Chương trình tầm soát trước sinh và sơ sinh thường quy trong đó trẻ sơ sinh được tầm soát 44 bệnh. Philippin, đã phổ cập chương trình tầm soát sơ sinh, hiện gần 100% trẻ sơ sinh được tầm soát 5 bệnh. Thái Lan, Chương trình tầm soát trước sinh và sơ sinh sử dụng nguồn ngân sách của Chính phủ và Bảo hiểm y tế, hiện nay 97% trẻ sơ sinh được tầm soát 4 bệnh.

Tại Việt Nam, Chương trình tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh được triển khai thí điểm từ năm 2007 đến năm 2013. Đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đến 63 tỉnh (642 huyện và 9.546 xã). Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên 56,43% năm 2019. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 23% năm 2016 lên 40% năm 2019. Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được thí điểm từ 2003 đến 2017. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại 63 tỉnh (494 huyện và 3.523 xã). Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người tại 492 xã thuộc 25 tỉnh, chú trọng đến đối tượng khó tiếp cận, tập trung vào nội dung giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Việc triển khai cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của người dân đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của Chương trình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh còn hạn chế, các nhóm đối tượng chưa chủ động sử dụng dịch vụ. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa được bao phủ rộng khắp gây hạn chế việc tiếp cận sử dụng dịch vụ của người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế để thực hiện xã hội hóa và huy động được các nguồn lực cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình và phát triển những kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị các bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Phát triển mạng lưới cung ứng dịch vụ còn chậm, cơ sở y tế tuyến huyện mới thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh bằng siêu âm, trạm y tế xã chỉ thực hiện được kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh, sàng lọc sơ sinh mới triển khai trên toàn quốc được 02 bệnh (suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD).

Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 07/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1999/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Để triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế ban bành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020.

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

- Các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật phải lồng ghép trong các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan để đảm bảo tính hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

III. NỘI DUNG:

1. Triển khai các hoạt động rà soát, bổ sung các chính sách, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến đối tượng và dịch vụ cơ bản của Chương trình;

2. Triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông vận động, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển mạng lưới dịch vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới và xã hội hóa để tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng của Chương trình.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách; quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật

a) Ban hành nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn.

Các hoạt động:

- Trình ban hành các văn bản của cấp ủy, chính quyền quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị có liên quan.

b) Xây dựng chính sách sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tại thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng nhiễm chất độc dioxin.

Các hoạt động:

- Khảo sát, đánh giá các chính sách hiện hành cho các đối tượng trên vào năm 2022;

- Xây dựng và ban hành chính sách, quy định về việc sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình cho các đối tượng trên vào năm 2023;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách, quy định về việc sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình cho các đối tượng trên vào năm 2023.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

c) Xây dựng chính sách hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản khi tư vấn, vận động đối tượng sử dụng các gói dịch vụ cơ bản của Chương trình.

Các hoạt động:

- Khảo sát, đánh giá các chính sách hiện hành cho các đối tượng trên vào năm 2022;

- Xây dựng và ban hành chính sách, quy định hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản khi tư vấn, vận động đối tượng sử dụng các gói dịch vụ cơ bản vào năm 2023;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách, quy định hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản khi tư vấn, vận động đối tượng sử dụng các gói dịch vụ cơ bản vào năm 2023.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

d) Xây dựng cơ chế xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Các hoạt động:

- Khảo sát, đánh giá việc thực hiện cung ứng dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trong hệ thống công lập và tư nhân vào năm 2025;

- Xây dựng và ban hành cơ chế xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2026.

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thực hiện cơ chế xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2026.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

đ) Ban hành danh mục các bệnh tật thuộc gói dịch vụ cơ bản, gồm: dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Các hoạt động:

- Xây dựng và ban hành gói danh mục bệnh tật thuộc gói dịch vụ cơ bản vào năm 2023;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện gói danh mục bệnh tật thuộc gói dịch vụ cơ bản vào năm 2023;

- Khảo sát, đánh giá tác động việc triển khai thực hiện gói dịch vụ cơ bản hiện nay vào năm 2023;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị có liên quan.

e) Xây dựng khung giá gói dịch vụ cơ bản của Chương trình (gói dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh)

Các hoạt động:

- Xây dựng và ban hành Thông tư quy định khung giá gói dịch vụ cơ bản của Chương trình vào năm 2022;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thực hiện Thông tư quy định khung giá gói dịch vụ cơ bản của Chương trình vào năm 2023.

g) Ban hành danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ, chuyên môn kỹ thuật.

Các hoạt động:

- Nghiên cứu tiền khả thi thử nghiệm mở rộng danh mục bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản vào năm 2023;

- Xây dựng và ban hành danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản vào năm 2024;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện gói danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản vào năm 2024.

- Khảo sát, đánh giá tác động việc triển khai thực hiện danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản vào năm 2025 và năm 2030;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

h) Xây dựng các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ của Chương trình.

Các hoạt động:

- Tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh ngang tầm ASEAN vào năm 2022;

- Xây dựng, thử nghiệm và ban hành tiêu chuẩn chất lượng của Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh ngang tầm ASEAN vào năm 2023;

- Rà soát, thực trạng cơ sở sàng lọc khu vực và tuyến tỉnh;

- Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở sàng lọc khu vực và tuyến tỉnh, huyện.

- Khảo sát, đánh giá thực trạng cung cấp các dịch vụ của Chương trình của tổ chức, cá nhân vào năm 2025;

- Xây dựng và ban hành quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ của Chương trình vào năm 2026;

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn các quy trình tiêu chuẩn sau khi được phê duyệt vào năm 2026;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

i) Xây dựng, ban hành quy trình chuyên môn kỹ thuật về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Các hoạt động:

- Khảo sát, đánh giá thực trạng triển khai quy trình về chuyên môn kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2022;

- Xây dựng và ban hành hướng dẫn về quy trình chuyên môn kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2023;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị có liên quan.

i) Xây dựng bộ công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ và trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm y tế.

Các hoạt động:

- Xây dựng bộ công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ và trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm y tế vào năm 2023;

- Thử nghiệm, ban hành bộ công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ và trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm y tế vào năm 2024;

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn bộ công cụ giám sát, đánh giá sau khi được phê duyệt vào năm 2025.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị có liên quan.

2. Tuyên truyền vận động và huy động xã hội

a) Cung cấp thông tin về các hoạt động của Chương trình tới Lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp. Tuyên truyền, vận động các đoàn thể, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng và người dân ủng hộ tham gia thực hiện Chương trình. Lồng ghép với các hoạt động, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan.

Các hoạt động:

- Định kỳ cung cấp thông tin cho cấp ủy đảng, chính quyền về các hoạt động của Chương trình; chỉ đạo người dân và cộng đồng thực hiện các hoạt động của Chương trình;

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,.. Tăng cường phát sóng, đăng tải tin bài phóng sự về cung cấp và sử dụng vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị có liên quan.

b) Phổ biến, giáo dục pháp luật vận động người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thanh niên không tảo hôn, không kết hôn cận huyết. Huy động các đoàn thể, bộ đội biên phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới, biển đảo tham gia giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Các hoạt động:

- Định kỳ cung cấp thông tin cho các cấp ủy đảng, chính quyền, người có uy tín trong cộng đồng ở những vùng còn phổ biến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để tăng cường chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;

- Mở rộng các hình thức truyền thông để phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thanh niên không tảo hôn, không kết hôn cận huyết;

- Tổ chức các hoạt động truyền thông với sự tham gia của các đoàn thể, bộ đội biên phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới, biển đảo để tham gia giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị có liên quan.

3. Phát triển mạng lưới dịch vụ

a) Mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Các hoạt động:

- Xây dựng cẩm nang về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho giảng viên tuyến tỉnh, cán bộ chương trình, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản vào năm 2022;

- Tổ chức hướng dẫn cho giảng viên tuyến tỉnh, cán bộ chương trình, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản sử dụng cẩm nang với đối tượng thanh niên, phụ nữ mang thai, cha mẹ trẻ sơ sinh vào năm 2023;

- Xây dựng các ứng dụng mạng xã hội trên nền tảng kỹ thuật số về tư vấn các nội dung khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2022.

- Xây dựng tài liệu sinh hoạt câu lạc bộ cho các mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh tại khu công nghiệp, khu kinh tế và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận vào năm 2023;

- Xây dựng và thử nghiệm phần mềm tích hợp để quản lý dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2023;

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2024.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục Công nghệ thông tin, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố.

b) Hoàn thiện, phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Các hoạt động:

- Nâng cấp trang thiết bị 03 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực đủ khả năng tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ngang tầm ASEAN vào năm 2024;

- Đầu tư mới 02 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực tại miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên vào năm 2022;

- Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho 05 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có (Bệnh viện phụ sản Trung ương, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ) vào năm 2022;

- Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở sàng lọc đặt tại 30 Bệnh viện phụ sản, Bệnh viện sản nhi, khoa sản/nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh theo nội dung Dự án đầu tư công của Bộ Y tế vào năm 2022;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số có trách nhiệm hướng dẫn các Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh xây dựng kế hoạch chi tiết trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để sử dụng kinh phí nguồn dự án đầu tư công và nguồn khác.

Đơn vị phối hợp: Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực, Vụ Trang thiết bị và công trình Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có Bệnh viện thuộc danh mục được đầu tư.

c) Đào tạo chuyên gia, cán bộ, nhân viên kỹ thuật tiếp nhận, chuyển giao công nghệ y sinh phục vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, người cung cấp dịch vụ bao gồm khu vực ngoài công lập.

Các hoạt động:

- Tổ chức đào tạo nhóm chuyên gia thực hiện kỹ thuật mới về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh cho 03 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ngang tầm khu vực ASEAN và 02 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực đầu tư mới vào vào năm 2026;

- Tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh và công nghệ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho 30 Bệnh viện phụ sản, Bệnh viện sản nhi, khoa sản/nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh vào năm 2026;

- Tổ chức các khóa đào tạo cho người cung cấp dịch vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc các cơ sở y tế ngoài công lập định kỳ mỗi năm 2 lần.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Đơn vị phối hợp: Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

d) Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn theo hướng bảo đảm mọi người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cơ bản tại xã; được tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng dịch vụ. Giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, bao gồm cả khu vực ngoài công lập.

Các hoạt động:

- Bổ sung, hoàn thiện, thử nghiệm các loại hình cung cấp dịch vụ ngoài công lập cho các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào năm 2022;

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các loại hoại hình cung cấp dịch vụ ngoài công lập cho các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào năm 2023;

- Nghiên cứu, khảo sát các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào năm 2024;

- Xây dựng và ban hành quy định về giám sát chất lượng dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào năm 2025;

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn quy định về giám sát chất lượng dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho các cơ sở y tế bao gồm cả khu vực ngoài công lập vào năm 2025;

- Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm việc triển khai các dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh trong mạng lưới trong và ngoài công lập.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

đ) Xây dựng triển khai thử nghiệm mô hình can thiệp và giảm tỷ lệ kết hôn cận huyết thống tại một số địa bàn và đối tượng đặc thù; mô hình lồng ghép nội dung về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trong hệ thống giáo lý, giáo luật của nhà thờ công giáo và các tổ chức tôn giáo khác; mô hình kết nối y tế khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ sở khám chữa bệnh trong cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mô hình sàng lọc, quản lý sau sàng lọc cho gia đình có người mắc bệnh tật bẩm sinh - di truyền; mô hình hỗ trợ vận chuyển mẫu xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sơ sinh liên tuyến xã - huyện - tỉnh tại những địa bàn khó tiếp cận; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ của Chương trình.

Các hoạt động:

- Xây dựng các mô hình vào năm 2021;

- Hỗ trợ địa phương thử nghiệm các mô hình vào năm 2022;

- Hướng dẫn địa phương triển khai mô hình; đánh giá kết quả mô hình và xây dựng các quy định để triển khai mở rộng vào năm 2022.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Sở Y tế tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan khác.

e) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở dữ liệu về các đối tượng của Chương trình.

Các hoạt động:

- Xây dựng hệ thống chỉ báo giám sát, theo dõi, quản lý đối tượng sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh vào năm 2022;

- Hướng dẫn tổ chức thực hiện giám sát, theo dõi, quản lý đối tượng theo các chỉ báo vào năm 2023.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số và các đơn vị liên quan.

Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế; Sở Y tế tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan khác .

4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới

a) Nghiên cứu cơ bản để xây dựng bản đồ dịch tễ đối với các bệnh tật cần sàng lọc trên phạm vi toàn quốc và tại các vùng, địa bàn trọng điểm.

Các hoạt động:

- Triển khai nghiên cứu dịch tễ học tại Việt Nam và đặc điểm dịch tễ học theo các vùng đối với các bệnh trong danh mục ưu tiên sàng lọc trước sinh và sơ sinh vào năm 2025;

- Xây dựng và ban hành bản đồ dịch tễ học theo các vùng đối với các bệnh trong danh mục ưu tiên sàng lọc trước sinh và sơ sinh vào năm 2026;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

Đơn vị phối hợp: Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan khác.

b) Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và phổ biến kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh.

Các hoạt động:

- Tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh định kỳ hàng năm;

- Tham gia các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về chia sẻ các kỹ thuật hiện đại trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh định kỳ hàng năm.

- Tổ chức nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị kỹ thuật tiên tiến của khu vực ASEAN và quốc tế; đánh giá hiệu quả và đề xuất ứng dụng mở rộng vào định kỳ hàng năm.

Đơn vị chủ trì: Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan khác.

5. Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế

a) Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, dân số tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

Các hoạt động:

- Hướng dẫn địa phương tăng cường đầu tư nguồn lực đảm bảo thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình; đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa chương trình;

- Lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương để huy động nguồn lực, tăng cường hiệu lực hiệu quả đầu tư;

- Nghiên cứu xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh đối với các cơ sở y tế tư nhân vào năm 2026;

- Tổ chức thí điểm cung ứng và nhân rộng dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh tật sơ sinh tại cơ sở y tế tư nhân ở các tỉnh, thành phố vào năm 2027;

- Tổ chức thí điểm cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại cơ sở y tế tư nhân ở các tỉnh, thành phố vào năm 2026;

Đơn vị chủ trì: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số.

b) Vận động các nguồn lực, tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chương trình; tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Các hoạt động:

- Tham gia các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm để vận động tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực song phương và đa phương, của các tổ chức phi chính phủ, vay ưu đãi (ODA, NGO, IDA) để thực hiện Chương trình;

- Hợp tác kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, hợp tác liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài;

- Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế; Cục khoa học, Công nghệ và Đào tạo và các đơn vị liên quan.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư) bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, được bố trí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình và dự án khác; bao gồm khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Ngân sách trung ương được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình ở Trung ương (thí điểm mô hình tại địa phương; đào tạo giảng viên, chuyên gia; đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn liên quan.

2. Tổng ngân sách của Bộ Y tế dự kiến giai đoạn 2021-2025: Tổng số 691.051 triệu đồng.

Trong đó:

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 1: 616.251 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 2: Kinh phí được bố trí trong Quyết định số 2235/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030.

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 3: 28.200 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 4: 25.600 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 5: 21.000 triệu đồng

3. Đến năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021- 2025, cơ quan Chủ trì thực hiện Chương trình sẽ xây dựng kế hoạch và ngân sách phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

4. Cơ chế quản lý và điều hành Chương trình thực hiện theo các quy định về quản lý nguồn vốn sự nghiệp y tế/dân số và xã hội hóa công tác y tế/dân số và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Dân số

- Xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm thực hiện Chương trình, báo cáo Bộ Y tế theo quy định.

- Chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình; phối hợp với các Vụ/đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành các thủ tục tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn huy động hợp pháp khác cho Chương trình.

- Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động của Chương trình báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

- Chủ trì đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình 5 năm vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030.

2. Vụ Kế hoạch- Tài chính

- Chủ trì tổng hợp dự toán, báo cáo cấp có thẩm quyền; đề xuất phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình; nghiên cứu đề xuất cơ chế xã hội hóa thuộc lĩnh vực dân số phát triển; kiểm tra giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước; xã hội hóa và các nguồn huy động khác.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ.

3. Vụ Pháp chế

Phối hợp với Tổng cục Dân số trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia gói dịch vụ cơ bản và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Vụ Bảo hiểm y tế

Phối hợp với Tổng cục Dân số trong xây dựng các chính sách sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em

Phối hợp với Tổng cục Dân số xây dựng các cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia gói dịch vụ cơ bản và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

Phối hợp với Tổng cục Dân số để xây dựng các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh có chất lượng và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Vụ Trang thiết bị và công trình y tế

Phối hợp với Tổng cục Dân số để củng cố và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh có chất lượng và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

8. Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo

Phối hợp với Tổng cục Dân số về đào tạo và đào tạo lại cho chuyên gia, giảng viên quốc gia về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; nghiên cứu thử nghiệm, phổ biến các kỹ thuật mới, hiện đại và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

9. Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng

Phối hợp với Tổng cục Dân số về tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi trong giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

10. Vụ Hợp tác quốc tế

Phối hợp với Tổng cục Dân số tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực ODA, NGO, IDA về lĩnh vực dịch vụ nâng cao chất lượng dân số và thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

11. Các cơ quan khác trực thuộc Bộ Y tế

Theo phạm vi quản lý, các Vụ, Cục, Đơn vị thuộc Bộ Y tế chủ động phối hợp với Tổng cục Dân số nghiên cứu triển khai có hiệu quả kế hoạch này.

12. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch/Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh của tỉnh/thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.

- Bố trí nhân lực, phương tiện, kinh phí thực hiện Chương trình và các hoạt động theo điều kiện đặc thù của địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của luật ngân sách nhà nước.

- Lồng ghép có hiệu quả Chương trình với các Chương trình mục tiêu khác trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Trong quá trình quản lý thực hiện, ngoài việc tuân thủ Quyết định này, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo các quy định hiện hành. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) xử lý kịp thời./.

 



1 Pháp lệnh Dân số 2003

2 Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới

3 Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2539/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 2539/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/05/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản