BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2442/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2012 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHÁT TRIỂN THANH NIÊN BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2442/QĐ-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Trong những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức thanh niên của Bộ Tư pháp (bao gồm các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống cơ quan thi hành án dân sự) đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, số công chức, viên chức thanh niên chiếm 37% tổng số đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp và chiếm 26,9% đội ngũ công chức cơ quan thi hành án dân sự các địa phương. Lực lượng công chức, viên chức thanh niên luôn thể hiện tiềm năng to lớn, xung kích, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thanh niên phát triển toàn diện, có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng; vững vàng về trình độ, năng lực công tác; có ý chí vươn lên, trách nhiệm, xung kích, sáng tạo, có lòng tự trọng nghề nghiệp, yêu Ngành, yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp Tư pháp luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp.
Nhận thức được tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên, Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và coi đây là một bộ phận cấu thành trong tổng thể chiến lược phát triển của Bộ, Ngành. Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hoá; tạo môi trường cho công chức, viên chức thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn được quan tâm đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thanh niên về lý luận chính trị, quản lý hành chính, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học được đẩy mạnh. Nhiều công chức, viên chức thanh niên đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài; được xem xét, đưa vào quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp Phòng, cấp Vụ giai đoạn 2016 - 2020. Một số công chức, viên chức trẻ đã được Lãnh đạo Bộ bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng. Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công chức, viên chức thanh niên cũng từng bước được quan tâm, đầu tư đúng mức. Năm 2010, Bộ đã bố trí 01 công chức tốt nghiệp Học viện Thanh niên thực hiện nhiệm vụ chuyên trách công tác Đoàn và công tác thanh niên của Bộ.
Tuy nhiên, trước yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế, công tác thanh niên của Bộ Tư pháp trong thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp uỷ đảng, thủ trưởng các đơn vị về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác quản lý nhà nước về thanh niên còn chưa đầy đủ, từ đó đã làm giảm tính chủ động, năng động, sáng tạo của thanh niên. Vai trò, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng thể chế, chế độ, chính sách pháp luật đối với thanh niên còn chưa được thể hiện một cách rõ nét. Cơ chế phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thanh niên của Bộ chưa có tính chiến lược, lâu dài, chưa mang tính đột phá và thiếu tính đồng bộ. Đội ngũ công chức, viên chức thanh niên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao còn chưa đáp ứng được yêu cầu và định hướng phát triển của Bộ, Ngành. Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và khối lượng công việc đặt ra. Hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp còn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của Bộ, Ngành. Bên cạnh đó, bản thân một bộ phận công chức, viên chức thanh niên của Bộ cũng chưa có tính chủ động; tính xung kích, sáng tạo trong việc tham các hoạt động của Bộ, đặc biệt là trong một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn chưa cao. Một số công chức, viên chức thanh niên chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đối với công việc, thiếu lý tưởng, tâm huyết, ít quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quốc tế và định hướng, chiến lược phát triển của Bộ, Ngành.
Ngày 25 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức thanh niên Bộ Tư pháp vững mạnh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu Chiến lược phát triển của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020.
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thanh niên các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự phát triển toàn diện, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và Chiến lược phát triển của ngành Tư pháp; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo, trách nhiệm, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao của Bộ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể
- Bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ công chức, viên chức thanh niên các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự giàu lòng yêu nước, có lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống, tinh thần tự tôn dân tộc; tinh thần trách nhiệm với xã hội; ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ lẽ phải và công lý.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kiến thức hội nhập quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn đối với đội ngũ công chức, viên chức thanh niên Bộ Tư pháp phù hợp với định hướng phát triển của Ngành Tư pháp trong thời gian tới.
- Trọng dụng công chức, viên chức thanh niên có tài năng; từng bước hình thành đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi. Xây dựng môi trường làm việc công bằng, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích công chức, viên chức thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề, tự trọng nghề nghiệp; tinh thần gắn bó và cống hiến của công chức, viên chức thanh niên vì sự nghiệp Tư pháp.
- Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công chức, viên chức thanh niên, giúp đội ngũ công chức này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Bộ, Ngành Tư pháp.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về thanh niên và công tác thanh niên. Đưa nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên đi vào chiều sâu, có hiệu quả và ý nghĩa thiết thực phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành trong thời gian tới.
Giai đoạn 2012-2015:
Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác thanh niên. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chính sách về phát triển thanh niên của Chính phủ và của Bộ Tư pháp. Bố trí các nguồn lực cần thiết, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh niên. Triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về thanh niên đi vào ổn định, nề nếp và đúng quy định pháp luật.
Giai đoạn 2016-2020:
Tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao các chỉ tiêu phát triển thanh niên. Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra giai đoạn 2012-2015, tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, đưa công tác thanh niên đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển thanh niên của Bộ đã đề ra.
3. Một số chỉ tiêu
3.1. Nhóm chỉ tiêu về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên:
- Tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với công chức, viên chức thanh niên theo sự phân công của Chính phủ.
- Hướng dẫn Sở Tư pháp các địa phương phối hợp với Sở Nội vụ và các tổ chức liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên tại các địa phương.
- Chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự triển khai Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 trong toàn ngành Thi hành án dân sự, thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình công tác của Ngành.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong các hoạt động của thanh niên.
- Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020.
- Xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm tra thực hiện Chương trình phát triển thanh niên; Các quy định về thu thập số liệu, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tư pháp.
3.2. Nhóm chỉ tiêu về nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với thanh niên và công tác thanh niên; Từng bước kiện toàn tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh niên:
- Hàng năm, 100% công chức, viên chức thanh niên của Bộ Tư pháp được phổ biến, quán triệt đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên.
- Hàng năm, 80% công chức, viên chức giúp thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ theo dõi công tác thanh niên ở các đơn vị thuộc Bộ được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về thanh niên.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh niên của Bộ Tư pháp, đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên của Bộ Tư pháp.
- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
3.3. Nhóm chỉ tiêu về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thanh niên:
- Hàng năm, có 80-85% công chức, viên chức thanh niên được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu vị trí việc làm đảm nhận.
- Trong công tác quy hoạch cán bộ chuyên môn, bảo đảm mỗi lĩnh vực công tác trọng yếu của Bộ có ít nhất 01-02 công chức, viên chức thanh niên có năng lực được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để phát triển thành các chuyên gia của Bộ sau này.
- Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, có ít nhất 30-35% công chức, viên chức thanh niên tại các đơn vị được xem xét, đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ.
Phấn đấu 80-85% công chức, viên chức thanh niên trong quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ của chức danh được quy hoạch.
- Hàng năm, có 20-25% công chức, viên chức thanh niên trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý được luân chuyển, biệt phái, cử đi thực tập để rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, khả năng bao quát công việc và kinh nghiệm thực tiễn.
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, thủ trưởng các đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về thanh niên và công tác phát triển thanh niên.
a) Tổ chức Hội nghị của Bộ quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luật Thanh niên năm 2005, Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 đến các cấp lãnh đạo để nâng cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ, thống nhất các văn bản nói trên.
b) Tổ chức quán triệt các nội dung nêu trên tới toàn thể các công chức, viên chức của Bộ để nâng cao nhận thức về công tác thanh niên, vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về thanh niên.
2. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống của Ngành, lý tưởng, đạo đức và lối sống, pháp luật cho công chức, viên chức thanh niên của Bộ.
a) Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đảm bảo có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cho công chức, viên chức thanh niên. Giáo dục truyền thống cách mạng của Ngành, tạo niềm tin, sự tâm huyết và khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, cống hiến của công chức, viên chức thanh niên đối với Bộ, Ngành.
b) Tổ chức các buổi nói chuyện để nâng cao hiểu biết, nhận thức của công chức, viên chức thanh niên về tình hình đất nước, thế giới và những vấn đề mà các thế lực thù địch đang lợi dụng thanh niên để chống phá đất nước.
c) Khuyến khích các đơn vị báo chí, xuất bản của Bộ Tư pháp xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam và Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp.
3. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác thanh niên.
a) Tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với công chức, viên chức thanh niên theo sự phân công của Chính phủ.
b) Hướng dẫn Sở Tư pháp các địa phương phối hợp với Sở Nội vụ và các tổ chức liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên tại các địa phương.
c) Chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự triển khai Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 trong toàn ngành Thi hành án dân sự, thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên trong Chương trình Phát triển thanh niên của ngành Thi hành án dân sự.
d) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong các hoạt động của thanh niên.
đ) Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên để phát huy vai trò và sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp trong các hoạt động của Bộ.
e) Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020.
g) Xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm tra thực hiện Chương trình phát triển thanh niên; Các quy định về thu thập số liệu, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tư pháp.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức thanh niên của Bộ.
a) Chú trọng đưa công chức, viên chức thanh niên, có trình độ, năng lực vào Quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ của các đơn vị, bảo đảm sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ; ưu tiên bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo đối với những cán bộ, công chức, viên chức thanh niên thể hiện được sự phấn đấu, nỗ lực trong công việc, trong học tập và tu dưỡng bản thân.
b) Xây dựng và phát triển quy hoạch chuyên môn đối đội ngũ công chức, viên chức thanh niên, phấn đấu mỗi lĩnh vực công tác trọng yếu của Bộ có ít nhất 01-02 công chức, viên chức thanh niên có năng lực được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để phát triển thành các chuyên gia của Bộ sau này.
c) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch luân chuyển, biệt phái, thực tập đối với công chức, viên chức thanh niên của Bộ, đặc biệt là đối với các cơ quan thi hành án dân sự để tạo cơ hội cho thanh niên rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn và khả năng bao quát công việc, từ đó bố trí, sắp xếp vào các vị trí công tác theo quy hoạch.
d) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động, biệt phái công chức, viên chức thanh niên có năng lực, trình độ tham gia vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược hoặc đột xuất của Bộ Tư pháp.
đ) Khẩn trương xây dựng hệ thống vị trí việc làm, thực hiện phân công, bố trí công chức, viên chức thanh niên phù hợp với ngành nghề, chuyên ngành đào tạo, phù hợp với sở trường, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh để phát huy tiềm năng của thanh niên và động viên, khuyến khích công chức, viên chức thanh niên yên tâm công tác, gắn bó với Bộ; tạo môi trường làm việc công bằng, dân chủ, khoa học, khuyến khích thanh niên phấn đấu, phát triển và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
e) Nghiên cứu, thực hiện thí điểm thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan để lựa chọn người có đức, tài.
g) Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho công chức, viên chức thanh niên của Bộ.
h) Tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án Đổi mới cơ chế tuyển chọn, thu hút và đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ của Bộ Tư pháp đến năm 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 115/QĐ-BCS ngày 28/12/2011 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp).
i) Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật trẻ của đất nước:
- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo luật của Trường Đại học Luật Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mạng lưới các Trường trung cấp luật thuộc Bộ Tư pháp góp phần nâng cao dân trí pháp luật theo yêu cầu của xã hội.
5. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ và công chức, viên chức thanh niên; Tạo điều kiện để công chức, viên chức thanh niên tham gia các hoạt động xã hội.
a) Định kỳ vào Tháng Thanh niên hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gặp gỡ, đối thoại với công chức, viên chức thanh niên của Bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công chức, viên chức thanh niên.
b) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện để các tổ chức của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp động viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống và làm việc; tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội.
6. Kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên tại Bộ Tư pháp.
a) Giao Vụ Tổ chức cán bộ nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên của Bộ Tư pháp.
b) Bố trí 01-02 biên chế công chức chuyên trách tại Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với công chức, viên chức thanh niên thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị.
d) Tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp kiện toàn các tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ Đoàn, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Đoàn.
7. Đảm bảo kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của được xác định tại Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp.
Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị đảm bảo kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai thành công các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp.
8. Đổi mới công tác đánh giá công chức, viên chức; Lồng ghép chỉ tiêu về phát triển thanh niên vào tiêu chí đánh giá kết quả công tác của các đơn vị.
a) Tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng theo hướng thực chất, tôn vinh và động viên kịp thời đối với người có thành tích xuất sắc trong công tác; tổ chức các phong trào thi đua trong đội ngũ công chức, viên chức thanh niên để khuyến khích, cổ vũ công chức, viên chức thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, yêu ngành, yêu nghề, xung kích, sáng tạo, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành.
b) Xây dựng, bổ sung kết quả thực hiện Chương trình phát triển thanh niên vào tiêu chí đánh giá thi đua - khen thưởng của các đơn vị thuộc Bộ.
9. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, định kỳ sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên tại các đơn vị thuộc Bộ.
a) Bổ sung nội dung báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác thanh niên vào báo cáo công tác 6 tháng và hàng năm của các đơn vị.
b) Định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện công tác thanh niên ở các đơn vị.
c) Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công chức, viên chức thanh niên và công tác thanh niên.
10. Triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao tại Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam.
a) Tích cực, chủ động chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách cho thanh niên theo sự phân công của Chính phủ.
b) Triển khai hiệu quả Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các khu công nghiệp và tư vấn pháp luật cho thanh niên nông thôn, miền núi, thanh niên dân tộc thiểu số và Đề án Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội và đất nước theo Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
1. Vụ Tổ chức cán bộ:
- Là đơn vị đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên; Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp sau khi được phê duyệt.
- Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo Bộ trưởng tình hình, kết quả thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp.
- Kiến nghị với Bộ trưởng việc phê bình, kiểm điểm, kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về công tác thanh niên. Kiến nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Chương trình Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp.
2. Các đơn vị thuộc Bộ:
- Quán triệt nội dung chính sách, pháp luật về thanh niên, công tác thanh niên và Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp đến đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị.
- Tổ chức triển khai Chương trình Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp tại đơn vị theo nhiệm vụ được phân công tại Chương trình.
- Bố trí công chức kiêm nhiệm làm đầu mối tham mưu, giúp Thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện công tác thanh niên trong đơn vị.
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động và công tác thanh niên của đơn vị.
3. Đảng uỷ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp:
Đề nghị Đảng uỷ Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, đảm bảo triển khai một cách có hiệu quả Chương trình Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tư pháp.
4. Tổng cục Thi hành án dân sự:
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2020 trong ngành Thi hành án dân sự theo quy định.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Thanh niên 2005
- 2Nghị định 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 3Quyết định 2474/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 177/QĐ-UBDT năm 2013 về Chương trình phát triển thanh niên Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2013 - 2020
- 5Công văn 6849/VPCP-V.III năm 2013 chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên và kiến nghị của Bộ Nội vụ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 2442/QĐ-BTP năm 2012 về Chương trình Phát triển thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2020
- Số hiệu: 2442/QĐ-BTP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/08/2012
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Hà Hùng Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/08/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực