Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240 /QĐ-QLCL

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHÒNG QUẢN LÝ KIỂM NGHIỆM VÀ NGUY CƠ AN TOÀN THỰC PHẨM

CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN

Căn cứ Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Cục và Trưởng phòng Quản lý kiểm nghiệm và Nguy cơ an toàn thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Phòng Quản lý kiểm nghiệm và Nguy cơ an toàn thực phẩm là tổ chức thuộc Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là công tác kiểm nghiệm) và đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Đề xuất, xây dựng hoặc tham gia xây dựng: các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy định kỹ thuật thuộc lĩnh vực do Phòng phụ trách theo sự phân công của Cục trưởng.

2. Đề xuất, tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật, các chương trình dự án, đề án, chiến lược quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến công tác kiểm nghiệm và đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm.

3. Về quản lý hoạt động kiểm nghiệm, kiểm nghiệm kiểm chứng:

a) Tham gia xây dựng quy hoạch mạng lưới phòng kiểm nghiệm, phòng kiểm nghiệm kiểm chứng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công của Bộ;

b) Đề xuất, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư thiết bị kiểm nghiệm và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kiểm nghiệm; tham gia thẩm định, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp phòng kiểm nghiệm trong phạm vi quản lý của Cục;

c) Đề xuất, xây dựng kế hoạch và thẩm định các qui trình phân tích chuẩn áp

dụng trong toàn hệ thống nhằm đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, khu vực và các thị trường nhập khẩu;

d) Tổ chức đánh giá và thẩm định trình Cục trưởng chỉ định hoặc thu hồi quyết định chỉ định các phòng kiểm nghiệm; kiểm tra, giám sát các phòng kiểm nghiệm thuộc phạm vi quản lý của Cục;

đ) Hướng dẫn các Cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá định kỳ, đánh giá đột xuất phòng kiểm nghiệm theo phân cấp của Cục;

e) Đề xuất xây dựng phòng kiểm nghiệm kiểm chứng về chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực quản lý của Cục; triển khai kiểm tra, đánh giá trình Cục trưởng báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ định các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng theo phân cấp của Bộ;

g) Thẩm định các phương pháp kiểm tra nhanh tại hiện trường phục vụ công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản. Thẩm định các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm về kiểm nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản thực phẩm và phi thực phẩm;

h) Hướng dẫn các phòng kiểm nghiệm tuân thủ công tác quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm; đề xuất kế hoạch, điều phối tham gia các chương trình kiểm nghiệm, xét nghiệm liên phòng trong nước, quốc tế;

i) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định và quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm, quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Về quản lý hoạt động đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.

a) Tham mưu xây dựng mạng lưới về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, nhóm công tác về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm;

b) Xây dựng kế hoạch, chương trình đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm; phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin phục vụ truyền thông về nguy cơ an toàn thực phẩm;

c) Tổ chức thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm theo phân công của Cục trưởng.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác:

a) Đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch trình Cục trưởng về việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm nghiệm của các đơn vị trực thuộc và các cán bộ thực hiện công tác đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm;

b) Tổ chức thực hiện công tác điều tra, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu, thông tin khoa học công nghệ trong hoạt động kiểm nghiệm, kiểm nghiệm kiểm chứng theo quy định;

c) Thực hiện công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm;

d) Đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức ứng dụng các tiến bộ công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm nghiệm kiểm chứng; tổ chức thẩm định đề cương, đề tài nghiên cứu kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm nghiệm;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực kiểm nghiệm;

e) Tham mưu quản lý nhà nước dịch vụ công trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

6. Quản lý cán bộ, công chức, hồ sơ, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Cục trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Phòng

Lãnh đạo Phòng có Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.

Trưởng phòng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Phòng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Phòng.

Phó Trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng theo dõi, chỉ đạo một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công.

2. Các tổ chuyên môn

a) Tổ quản lý kiểm nghiệm;

b) Tổ đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm.

Theo nhu cầu thực tế, Trưởng phòng đề xuất giao nhiệm vụ Tổ trưởng; quy định cụ thể nhiệm vụ của Tổ chuyên môn; bố trí cán bộ phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, bản mô tả vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định 146/QĐ-QLCL ngày 28/6/2012 của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản.

Chánh Văn phòng Cục, Trưởng phòng Quản lý kiểm nghiệm và Nguy cơ an toàn thực phẩm, Trưởng các phòng thuộc Cục, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Vụ TCCB (để b/c);
- Website của Cục;
- Lưu: VT, VP.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Như Tiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 240/QĐ-QLCL năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý kiểm nghiệm và Nguy cơ an toàn thực phẩm do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 240/QĐ-QLCL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/06/2014
  • Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
  • Người ký: Nguyễn Như Tiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản