Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/1999/QĐ.UBT

Cần thơ, ngày 02 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

"V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Biên bản số 08/BB.UBT, ngày 22/01/1999 của UBND tỉnh Cần Thơ về cuộc họp Hội đồng nghiệm thu quy hoạch ngành Nông nghiệp tỉnh Cần Thơ đến năm 2010;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 164/1999/CV.KHĐT, ngày 23/02/1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay phê duyệt quy hoạch ngành Nông nghiệp tỉnh Cần Thơ đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

1- Mục tiêu phát triển ngành:

Xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện phát triển bền vững theo cơ chế thị trường, gắn phát triển nông nghiệp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng cùng cả nước trong việc đảm bảo an toàn lương thực quốc gia.

2- Những định hướng và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển nông nghiệp:

a- Những định hướng phát triển:

- Phát triển nông nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, gắn với thị trường ĐBSCL, thị trường Đông Nam bộ, thị trường cả nước, đồng thời mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài có hiệu quả. Phát triển nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể tỉnh, quy hạoch tổng thể ĐBSCL và bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội cả nước, giữa phát triển nông nghiệp và cải thiện môi trường sinh thái.

- Phát triển nông nghiệp trên cơ sở khai thác, sử dụng đầy đủ hợp lý hơn các nguồn tài nguyên nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, mặt nước, tăng năng suất và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Xây dựng các vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn quả, rau màu, cây công nghiệp và vật nuôi chất lượng cao nhằm tăng nhanh tỷ trọng của các ngành này trong giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo thêm ngành nghề, việc làm ở nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển cân đối trong nội bộ ngành nông nghiệp.

- Hoạt động của nông nghiệp gắn với bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa sản phẩm tinh chế, tăng giá trị nông sản, thúc đẩy ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển.

- Gắn phát triển nông nghiệp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phục vụ cho phát triển công nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà ở, nước sạch... Phát triển nông nghiệp kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thiên nhiên, giảm áp lực gia tăng dân số, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục, y tế, văn hóa và các vấn đề xã hội khác, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập lũ lụt.

- Phát triển rộng rãi các hình thức hợp tác thích hợp với điều kiện của từng địa bàn, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nông dân nhằm thực hiện hai chức năng: tăng thu nhập của người nông dân và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh.

- Phát huy vai trò trung tâm kinh tế, trung tâm KHKT, trung tâm văn hóa... của Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ, Lâm trường Phương Ninh, Lâm trường Mùa Xuân để dẫn dắt liên kết với các HTX và kinh tế hộ gia đình.

b- Những lĩnh vực phát triển nông nghiệp chủ yếu:

- Trồng trọt:

+ Ưu tiên trồng cây ăn quả có giá trị, tiến hành đa dạng hóa theo kiểu vườn sinh thái.

+ Bố trí cơ cấu mùa vụ gieo trồng lúa để tránh lũ tháng 8 hàng năm, lợi dụng tối đa thời gian canh tác an toàn cho vụ lúa đông xuân. Trồng các giống lúa cao sản ngắn ngày có chất lượng cao, phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu, thâm canh tăng vụ.

+ Coi trọng luân canh lúa với các cây màu ở vụ xuân hè trên chân đất phù sa có tưới (3 vụ/năm).

+ Khoanh vùng mía nguyên liệu rải vụ bảo đảm cho hai nhà máy đường hoạt động từ 6 tháng trở lên.

+ Hình thành vành đai xanh thực phẩm quanh thành phố Cần Thơ và các trung tâm huyện, chú trọng phát triển vườn, cây cảnh, hoa kiểng phục vụ cho khách tham quan du lịch.

- Chăn nuôi:

+ Kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để tạo ra các mô hình chăn nuôi đa dạng, đối tượng chính là heo, gia cầm và bò sữa để cung cấp nguyên liệu cho Xí nghiệp chế biến sữa...

+ Chăn nuôi gia đình là mô hình chăn nuôi chính nhưng phải giảm hình thức nuôi thả lan, khuyến khích thành lập các trại chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp.

+ Hình thành các công ty chăn nuôi quốc doanh hoặc liên doanh dưới hình thức sản xuất liên hoàn và khép kín, tập trung vào sản xuất con giống, thức ăn gia súc, thuốc thú ý có chất lượng cao để cung cấp cho các trại và hộ chăn nuôi gia đình

+ Nhanh chóng lai tạo, cải tiến chất lượng con giống, xây dựng các khu an toàn dịch bệnh, kiểm dịch động vật, xây dựng các lò giết mổ tập trung.

+ Tích cực tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho chăn nuôi.

- Thủy sản:

+ Khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản tạo nguồn nguyên liệu dồi dào gắn với đầu tư hiện đại cơ sở chế biến để nhanh chóng phát triển diện tích nuôi thủy sản tương xứng với tiềm năng.

+ Xây dựng và phát triển các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế, có giá trị xuất khẩu cao, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, tiến tới khoanh nuôi thủy sản chuyên canh có năng suất cao. Chú ý các mô hình nuôi ghép thủy sản với trồng lúa, mương vườn cây ăn quả, rừng tràm và khoanh nuôi các loài thủy đặc sản ở các vùng bảo tồn sinh thái.

+ Quan tâm giải quyết giống, thức ăn, vốn, tổ chức khuyến ngư tương ứng với nhịp độ phát triển thủy sản.

+ Cần sớm có định hướng và giải quyết đúng đắn nhằm khôi phục và từng bước hiện đại hóa đoàn tàu đánh bắt hải sản xa bờ đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến.

+ Giáo dục ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm dần và tiến tới loại bỏ các hình thức làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

- Lâm nghiệp:

+ ổn định diện tích rừng tràm hiện có ở hai lâm trường, có kế hoạch hợp lý giữa khai thác và trồng mới, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và sinh thái tự nhiên.

+ Phát triển mạnh phong trào trồng cây phân tán trên đất giao thông nông thôn, bờ bao thủy lợi, thổ cư, cảnh quan đô thị vừa đáp ứng cho nhu cầu xây dựng, vừa tăng tỷ lệ che phủ đất...

3- Những giải pháp chủ yếu:

Để thực hiện tốt quy hoạch phải có hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn nội lực từ bên trong cá nhân lực, tiền vốn, trí tuệ, những tiến bộ KHKT và hết sức tranh thủ các nguồn từ bên ngoài cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, phải thể hiện phương hướng và nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của quy hoạch trong các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, các chương trình phát triển và dự án đầu tư.

Nghiên cứu khả thi và đề xuất với UBND tỉnh (những vấn đề vượt thẩm quyền) để ban hành các chính sách có hiệu quả về huy động vốn, nhất là nguồn huy động từ nội lực, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ...

Điều 2: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cần Thơ là cơ quan chủ quản của quy hoạch, phải có kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chặt chẽ nhằm hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng và phát triển nông nghiệp nông thôn mà bản quy hoạch đã đề ra.

Các Sở, ngành, UBND các huyện, TP.Cần Thơ và các xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện và giúp đỡ Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình thực hiện quy hoạch nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cần Thơ đến năm 2010 với các quy hoạch ngành, các lĩnh vực của địa phương và quy hoạch tổng thể ĐBSCL, chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của cả nước.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND TP.Cần thơ và các huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều III
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh
- TT.UBND tỉnh
- Lưu VP
QĐ8

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




võ hoàng xinh