Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2165/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 20 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 phê duyệt đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 169/TTr-BDT ngày 29 tháng 4 năm 2014 (Sau khi đã thống nhất với các Sở, ngành, đơn vị liên quan),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Đại

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo QĐ số 2165/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

Xây dựng các chính sách, đề án, dự án cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu và tổ chức thực hiện nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

II. CÁC NHIỆM VỤ

1. Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số:

a) Rà soát, bổ sung, điều chỉnh mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung ưu tiên đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số; Củng cố, mở rộng quy mô hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú.

b) Thực hiện tốt việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số; Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; Nâng cao chất lượng các trường dạy nghề vùng dân tộc thiểu số.

c) Đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật vùng dân tộc thiểu số.

d) Khuyến khích, vận động và tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

a) Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đến từng thôn bản, đặc biệt là vùng biên giới; tăng cường cán bộ các Sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang xuống cơ sở trọng điểm về an ninh, quốc phòng, khu vực biên giới.

b) Thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dân tộc miền núi, giảm nghèo.

c) Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, phân luồng, hướng nghiệp học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cấp học để tạo nguồn cán bộ của địa phương.

Thực hiện tốt chính sách cử tuyển và bố trí việc làm sau đào tạo để tạo nguồn cán bộ và phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Xây dựng và thực hiện tốt đề án phát triển đội ngũ cán bộ Dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Thực hiện công tác luân chuyển, chính sách khuyến khích, thu hút các cán bộ giỏi cho công tác dân tộc.

Tạo điều kiện để phát triển đội ngũ doanh nhân là người dân tộc thiểu số.

3. Phát triển sản xuất, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo đối với đồng bào vùng dân tộc miền núi:

a) Quy hoạch hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện từng địa phương.

b) Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

c) Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.

d) Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình xuất khẩu lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số:

a) Đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các xã, thôn, bản; các tuyến đường giao thông đi được quanh năm đến trung tâm các xã; đảm bảo các hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên.

b) Tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đa mục tiêu phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, cấp nước sinh hoạt, khai thác thủy điện.

c) Thực hiện các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.

d) Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, chính sách chuyển đổi ngành, nghề, giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt.

đ) Xây dựng chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân cư trú ở địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng biên giới để đồng bào yên tâm bảo vệ an ninh biên giới, giữ rừng, bảo vệ tài nguyên.

e) Thu hút đầu tư cho vùng dân tộc miền núi từ nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ hợp pháp khác trong và ngoài nước.

g) Phát triển chợ đầu mối, mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh; chú trọng nâng cấp, cải tạo, quy hoạch hợp lý các chợ biên giới, chợ trong vùng kinh tế cửa khẩu.

h) Quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

i) Phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, đảm bảo chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số.

k) Đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao tại các xã, cụm xã.

5. Phát triển toàn diện các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe:

a) Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm y tế xã.

b) Xây dựng chính sách, biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

c) Đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản đạt chuẩn, phát triển mạnh y tế dự phòng.

6. Bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số:

a) Phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số; chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; bài trừ mê tín, dị đoan, tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu.

b) Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ trẻ em nghèo vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

c) Đảm bảo nước sinh hoạt, môi trường sống vùng dân tộc thiểu số.

d) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới;

III. CÁC ĐỀ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu nêu trên và các nhiệm vụ liên quan được giao tại các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình hành động có liên quan của Chính phủ, các Sở, ngành chủ trì xây dựng và thực hiện các đề án, nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh:

a) Là cơ quan thường trực Chương trình và thực hiện các chính sách, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể được phân công.

b) Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược theo chức năng, thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương.

c) Đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để bổ sung các nhiệm vụ mới, đặc biệt là các nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; Tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan thẩm định các dự án; bố trí vốn, hướng dẫn cơ chế tài chính, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ.

3. Các Sở, ngành, địa phương liên quan:

a) Chủ trì, phối hợp xây dựng các đề án, chính sách được giao; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện gửi Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

b) Thực hiện lồng ghép các dự án phát triển của ngành, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với các nhiệm vụ, đề án thuộc Kế hoạch này để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch ngành, chương trình, chính sách, đề án, nhiệm vụ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2165/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020

  • Số hiệu: 2165/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Xuân Đại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản