Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2142/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 04 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 112/TTr-SYT ngày 22 tháng 6 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020.
Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quyết định. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ đặc điểm tình hình, điều kiện tự nhiên phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện cụ thể trong công tác phát triển lĩnh vực y, dược học cổ truyền của địa phương, tỉnh Bạc Liêu xây dựng Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền đến năm 2020 với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Hiện đại hóa và phát triển y dược cổ truyền (YDCT) trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý YDCT từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về YDCT.
b) Củng cố và phát triển cơ sở khám, chữa bệnh
- Đến năm 2015: Xây dựng hoàn thành Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh và chính thức đưa vào hoạt động theo hướng Bệnh viện Đa khoa YDCT với đầy đủ trang thiết bị phục vụ; tiếp tục củng cố, duy trì, phát triển Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa huyện và tổ YDCT các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả.
- Đến năm 2020: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa huyện đều thành lập được Khoa Y học cổ truyền độc lập (hiện tại tất cả các Khoa Y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa đều còn hoạt động lồng ghép vào các khoa khác của bệnh viện); 100% phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ YDCT do thầy thuốc YDCT của phòng khám đa khoa và của trạm y tế phụ trách.
c) Chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng YDCT
- Đến năm 2015: Phấn đấu công tác khám, chữa bệnh bằng YDCT hàng năm/tổng số lượt khám, chữa bệnh chung tại các tuyến đạt tỷ lệ như sau:
Tuyến tỉnh đạt: 15% (Chỉ tiêu của BYT 15%);
Tuyến huyện đạt: 20% (Chỉ tiêu của BYT 20%);
Tuyến xã đạt: 30% (Chỉ tiêu của BYT 30%).
- Đến năm 2020: Phấn đấu công tác khám, chữa bệnh bằng YDCT hằng năm/tổng số lượt khám, chữa bệnh chung tại các tuyến đạt tỷ lệ như sau:
Tuyến tỉnh đạt: 20% (Chỉ tiêu của BYT 20%);
Tuyến huyện đạt: 25% (Chỉ tiêu của BYT 25%);
Tuyến xã đạt: 40% (Chỉ tiêu của BYT 40%).
d) Hiện đại hóa YDCT và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại
Đến năm 2015, Bệnh viện YDCT tỉnh được đầu tư các thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán, điều trị theo tiêu chuẩn bệnh viện hạng II.
đ) Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu có chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng YDCT.
e) Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực YDCT ở trình độ trung học vào năm 2015 và trình độ đại học vào năm 2020 ở các cơ sở khám, chữa bệnh bằng YDCT.
f) Đến năm 2020: Chuẩn hóa xong trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh trong việc bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý
Tiếp tục củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên viên phụ trách công tác YDCT của Sở Y tế đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về YDCT trên địa bàn tỉnh.
Tại các phòng y tế có cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về YHCT trên địa bàn; trung tâm y tế các huyện và thành phố Bạc Liêu có cán bộ phụ trách chỉ đạo công tác YHCT tại các trạm y tế xã.
2. Về phát triển hệ thống khám, chữa bệnh
- Xây dựng Bệnh viện YDCT tỉnh với quy mô 150 giường và đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện theo hướng Bệnh viện Đa khoa YDCT.
- Củng cố và phát triển khoa y học cổ truyền trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện; đến năm 2015, mỗi bệnh viện đa khoa huyện có tối thiểu 01 bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền và đến năm 2020 mỗi Bệnh viện Đa khoa huyện có tối thiểu 02 bác sỹ chuyên khoa YDCT.
- Củng cố tổ YDCT tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế, đảm bảo khám, chữa bệnh bằng phương pháp YDCT đạt chỉ tiêu đề ra.
- Xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở khám, chữa bệnh bằng YDCT ngoài công lập.
- Tăng cường, củng cố và phát triển cơ sở khám, chữa bệnh của các cấp hội đông y từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của pháp luật.
3. Phát triển nguồn nhân lực
a) Xây dựng Kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực YDCT phục vụ tại các tuyến và đảm bảo đủ nhân lực cho Bệnh viện YDCT tỉnh hoạt động vào năm 2015.
b) Đối tượng cần quan tâm tập trung đào tạo: Y sỹ, điều dưỡng, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, thạc sỹ, tiến sỹ… Chuyên ngành YDCT.
c) Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực YDCT:
- Tăng cường liên kết với các trường đại học y dược đào tạo bác sĩ YDCT đáp ứng đủ số lượng và chất lượng theo nhu cầu.
- Trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa YDCT đối với y sĩ YDCT, điều dưỡng YDCT đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y sỹ YDCT, điều dưỡng YDCT cho các đơn vị từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.
- Tăng cường công tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa YDCT về phục vụ tại các đơn vị.
- Áp dụng chính sách khuyến khích bác sỹ chuyên khoa YDCT về phục vụ tại tỉnh theo quy định chung.
- Dự kiến nhu cầu đào tạo thêm nguồn nhân lực YDCT cơ bản đảm bảo đủ phục vụ tại các tuyến trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 như sau:
+ Năm 2011 - 2015: - Bác sĩ YDCT: 32;
- Y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên: 80;
+ Năm 2016 - 2020: - Bác sĩ YDCT: 20.
4. Cơ chế, chính sách
- Xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo YDCT.
- Thực hiện tốt cơ chế phân cấp quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở YDCT.
- Có các chế độ khuyến khích thầy thuốc cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng YDCT có hiệu quả; nghiên cứu kế thừa, ứng dụng và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám, chữa bệnh.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa YDCT, thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực YDCT; mở rộng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở YDCT nhà nước với các cơ sở YDCT tư nhân.
- Tổ chức điều tra, nghiên cứu xây dựng bản đồ dược liệu của tỉnh.
5. Bảo đảm, nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu
- Phát triển nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập Trung tâm nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu tại tỉnh Bạc Liêu.
- Xây dựng và phát triển vườn cây thuốc nam tại Bệnh viện YDCT, Khoa Y học cổ truyền trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện, cơ sở đào tạo YDCT và các trạm y tế xã, phường, thị trấn… Đảm bảo một phần nguồn thuốc phục vụ tại cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện công tác phát triển y dược cổ truyền trên địa bàn toàn tỉnh, với thành phần gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, ngành y tế làm Phó Trưởng ban thường trực, thành viên là một số sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế được ban hành kèm theo.
2. Nhiệm vụ của các sở, ngành
a) Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ và các ngành có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Xúc tiến nhanh Dự án xây dựng Bệnh viện Chuyên khoa Y dược cổ truyền của tỉnh với quy mô 150 giường bệnh. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất mở rộng quy mô, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị của khoa y, dược cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa huyện;
- Xây dựng Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành YDCT của tỉnh;
- Triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa YDCT, giữ gìn, phát huy bản sắc mang tính đặc thù của nền YDCT Việt Nam;
- Tổ chức nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi việc nuôi trồng dược liệu và quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu cho tỉnh và xuất khẩu;
- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh bằng YDCT và sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, đào tạo cán bộ YDCT…
b) Đề nghị Hội Đông y tỉnh
- Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội các cấp, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về YDCT.
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn của các hội viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Nghiên cứu, đề xuất thành lập cơ sở khám, chữa bệnh của các cấp Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành có liên quan nghiên cứu khảo sát xây dựng bản đồ dược liệu của tỉnh.
c) Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế từng bước củng cố, tổ chức quản lý nhà nước về YDCT theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác YDCT từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ quản lý nhà nước về YDCT tại các huyện, thành phố.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Y tế liên kết với các trường đại học y dược, cao đẳng y tế, nhằm tăng cường công tác đào tạo điều dưỡng, y sĩ, bác sĩ,… Chuyên khoa YDCT.
đ) Trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo y sĩ, điều dưỡng chuyên khoa YDCT đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở; đồng thời, liên kết với các trường đại học y dược trong khu vực để đào tạo bác sĩ YDCT theo hình thức liên thông.
- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ YDCT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
e) Sở Tài chính
Có trách nhiệm bố trí ngân sách chi thường xuyên, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn chi đầu tư phát triển để thực hiện nhiệm vụ YDCT của Kế hoạch này theo điều kiện thực tế trong phạm vi khả năng cân đối ngân sách; kiểm tra chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành.
f) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho các dự án thực hiện Kế hoạch này.
g) Sở Xây dựng
Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan xúc tiến nhanh các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan đối với việc xây dựng Bệnh viện Chuyên khoa YDCT của tỉnh với quy mô từ 150 giường bệnh trở lên.
h) Sở Khoa học và Công nghệ
Có chính sách ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YDCT, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; hiện đại hóa YDCT trong khám, chữa bệnh.
i) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của YDCT.
j) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Y tế, Hội Đông y tỉnh dành quỹ đất tổ chức quy hoạch khu vực trồng dược liệu phù hợp; tham gia nghiên cứu xây dựng bản đồ dược liệu của tỉnh.
k) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội
Tích cực phối hợp cùng ngành y tế và các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia vào cuộc vận động xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như xã hội hóa phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020.
l) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Quan tâm, chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công tác YDCT trên địa bàn có hiệu quả; thực hiện cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực YDCT.
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Năm 2011
Ban hành và triển khai kế hoạch đến các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện.
Phê duyệt dự án xây dựng và dự án đầu tư trang thiết bị y tế đảm bảo cho Bệnh viện YDCT tỉnh hoạt động vào năm 2015.
Nâng cao năng lực đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao của Trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu.
2. Giai đoạn 2012 - 2015
Đạt mục tiêu cụ thể về tổ chức bộ máy quản lý YDCT; mạng lưới khám, chữa bệnh; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và tăng cường vai trò Hội Đông y theo các mục tiêu của kế hoạch.
3. Giai đoạn 2016 - 2020
Hoàn thành các mục tiêu còn lại của kế hoạch./.
- 1Quyết định 454/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- 2Quyết định 1326/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Quyết định 1339/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền giai đoạn 2011 - 2015 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 4Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về triển khai Quyết định 222/2003/QĐ-TTg phê duyệt chính sách quốc gia về phát triển Y học cổ truyền đến năm 2010 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 5Quyết định 469/QĐ-UBND năm 2006 về Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2010 của tỉnh Bình Định
- 6Kế hoạch 3368/KH-UBND năm 2015 về phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh Gia Lai đến năm 2020
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 3Quyết định 2166/QĐ-TTg năm 2010 ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 454/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- 5Quyết định 1326/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 6Quyết định 1339/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền giai đoạn 2011 - 2015 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 7Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về triển khai Quyết định 222/2003/QĐ-TTg phê duyệt chính sách quốc gia về phát triển Y học cổ truyền đến năm 2010 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 8Quyết định 469/QĐ-UBND năm 2006 về Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2010 của tỉnh Bình Định
- 9Kế hoạch 3368/KH-UBND năm 2015 về phát triển y, dược học cổ truyền tỉnh Gia Lai đến năm 2020
Quyết định 2142/QĐ-UBND năm 2011 về ban hành Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền đến năm 2020 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
- Số hiệu: 2142/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/08/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Lê Thị Ái Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/08/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra