Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2053/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập” (sau đây gọi tắt là Đề án) đến năm 2020 với những nội dung sau:

I. YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU

1. Yêu cầu

a) Bám sát nội dung các Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013;

b) Tuyên truyền cho các đối tượng phù hợp, đúng mục tiêu, nội dung yêu cầu, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, đề án khác có liên quan. Tận dụng các phương thức truyền thông hiện có, trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên các cấp, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào việc tổ chức tuyên truyền để bảo đảm sử dụng nguồn lực của nhà nước tiết kiệm, hiệu quả;

c) Bảo đảm kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước, bổ sung và đổi mới các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập.

2. Đối tượng, mục tiêu

Đến năm 2020, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa nội dung, thực trạng về xây dựng xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời đối với từng đối tượng để đạt được các mục tiêu như sau:

a) Đối với đối tượng thực hiện tuyên truyền:

- 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục tại các cơ quan báo chí;

- 95% cán bộ chuyên trách trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ chủ chốt của đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng;

- 100% cán bộ cấp xã, cán bộ chủ chốt của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục khác; cán bộ chủ chốt của thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao các cấp và các câu lạc bộ; cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp.

b) Đối với đối tượng thụ hưởng tuyên truyền:

- 100% học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục;

- 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

- 70% lao động nông thôn; lao động tự do.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Quan điểm, mục tiêu của việc xây dựng xã hội học tập và xóa mù chữ đến năm 2020;

2. Mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, mô hình của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

3. Tuyên truyền thông qua việc tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Xây dựng nội dung tuyên truyền

Biên tập, in ấn, đa dạng hóa, nội dung, hình thức tài liệu tuyên truyền phù hợp với các đối tượng.

2. Tuyên truyền qua các phương thức truyền thông

a) Tuyên truyền qua các cơ quan báo chí: Xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về xây dựng xã hội học tập trên các kênh chương trình quảng bá tại các đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và địa phương. Mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng xã hội học tập trên các báo, tạp chí in, báo điện tử;

b) Tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở: Bố trí thời lượng phù hợp để đưa nội dung tuyên truyền xây dựng xã hội học tập trên hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, các đài truyền thanh cấp xã. Triển khai phương thức tuyên truyền miệng, phát tài liệu, tờ gấp, tờ rơi thông qua việc sử dụng đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở;

c) Tuyên truyền qua mạng viễn thông và internet: Đưa các nội dung tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập với định dạng phù hợp, tương thích với các dịch vụ thư điện tử và nhắn tin trên mạng viễn thông, mạng xã hội, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử;

d) Tuyên truyền qua các phương thức khác: Đưa nội dung tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các hội nghị, hội thảo. Thông qua việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập, xét tặng đơn vị học tập xuất sắc cho các cơ quan tại các địa phương. Thông qua các mô hình, câu lạc bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương.

IV. KINH PHÍ TRIỂN KHAI

1. Kinh phí triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án được thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

2. Cơ chế tài chính:

a) Ngân sách trung ương bảo đảm đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của các Bộ, cơ quan Trung ương. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Bộ, cơ quan Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp để gửi Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương. Các cơ quan, ban, ngành ở địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Khuyến khích huy động các nguồn đóng góp, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trong xã hội để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, chỉ đạo các cơ quan báo chí ở trung ương, các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị có liên quan triển khai nội dung a, c thuộc nhiệm vụ 2 của Đề án.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ 1 và nội dung d thuộc nhiệm vụ 2 của Đề án đối với nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mình;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, nội dung triển khai xây dựng xã hội học tập để thực hiện các hoạt động tuyên truyền.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì tổ chức lồng ghép các nội dung truyền thông về xây dựng xã hội học tập trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ cho người lao động nông thôn, những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời”.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì tổ chức lồng ghép các nội dung truyền thông về xây dựng xã hội học tập trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao, câu lạc bộ”.

5. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách, đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nội dung a, b, d thuộc nhiệm vụ 2 của Đề án đối với các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện nội dung a thuộc nhiệm vụ 2 của Đề án đối với các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình.

8. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chủ trì tổ chức lồng ghép các nội dung truyền thông về xây dựng xã hội học tập trong quá trình xây dựng và triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

9. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp

a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Chủ trì, phối hợp, tổ chức lồng ghép các nội dung truyền thông về xây dựng xã hội học tập trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp (ưu tiên khu chế xuất, khu công nghiệp)”.

b) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Chủ trì, tổ chức phối hợp, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập cho các đoàn viên, thanh niên.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Chủ trì tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

d) Hội Khuyến học Việt Nam

- Chủ trì, phối hợp tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông về xây dựng xã hội học tập trong Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư”;

- Chủ trì tổ chức, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập thông qua hệ thống hội khuyến học các cấp.

đ) Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ truyền thông về xây dựng xã hội học tập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc và Giám đốc các cơ quan thông tấn, báo chí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2053/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2053/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/11/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 999 đến số 1000
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản