Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2005/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM SOÁT, BẮT GIỮ, XỬ LÝ VỤ VIỆC MUA BÁN, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CÁC CHẤT MA TÚY CỦA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/06/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/06/2005;

Căn cứ Luật Phòng chống ma túy ngày 9/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy ngày 3/6/2008;

Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg ngày 19/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng Hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ Tài chính (để b/c);
- LĐTC (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, ĐTCBL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

QUY TRÌNH

KIỂM SOÁT, BẮT GIỮ, XỬ LÝ VỤ VIỆC MUA BÁN, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CÁC CHẤT MA TÚY CỦA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN
(Ban hành theo Quyết định 2005/QĐ-TCHQ ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Phần 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Quy trình này hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra (hoặc khám xét) người, hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải để phát hiện thu giữ ma túy, bắt, giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tại địa bàn hoạt động hải quan do Cơ quan Hải quan chủ trì tổ chức hoặc phối hợp thực hiện.

2. Đối với các vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy do Cơ quan Hải quan phối hợp với các Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển bắt giữ ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì thực hiện theo Quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa các lực lượng Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển tại Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Những vụ việc có liên quan đến mua bán, vận chuyển ma túy mà đối tượng là người có thân phận ngoại giao hoặc được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ thì đơn vị phát hiện phải báo cáo ngay Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố để báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định biện pháp xử lý.

4. Khi áp dụng Quy trình này phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan và các văn bản về phân công nhiệm vụ, quyền hạn của công chức hải quan, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp hải quan cũng như các đon vị trực thuộc.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Cục Điều tra chống buôn lậu chịu trách nhiệm chỉ đạo về nghiệp vụ, điều động lực lượng, phương tiện của Cục và của các đơn vị trong toàn Ngành phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc về ma túy cho các đơn vị hải quan trong toàn quốc.

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phát hiện, bắt, giữ, xử lý vụ việc có liên quan đến ma túy xảy ra trong địa bàn quản lý và do các đơn vị dưới quyền thực hiện. Phối hợp, hỗ trợ lực lượng với Cục Điều tra chống buôn lậu khi có yêu cầu. Đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có dấu hiệu phạm tội có tổ chức, phức tạp và nghiêm trọng thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo lập chuyên án và tổ chức điều tra, bắt giữ hoặc đề nghị Cục Điều tra chống buôn lậu hỗ trợ phương tiện, lực lượng để bắt giữ trước khi đề nghị phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển (trừ trường hợp khẩn cấp).

3. Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc có liên quan đến ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan do Chi cục quản lý.

4. Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn nghiệp vụ cho các Chi cục Hải quan trong việc phát hiện, bắt, giữ, xử lý vụ việc có liên quan đến ma túy xảy ra tại địa bàn hoạt động hải quan do Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý.

5. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Đội trưởng, Trưởng các đơn vị nghiệp vụ Cục Điều tra chống buôn lậu (gọi chung là thủ trưởng các đơn vị Hải quan) phải lựa chọn công chức có phẩm chất tốt, có năng lực điều tra, nắm vững pháp luật và có sức khỏe để giao nhiệm vụ kiểm soát, bắt giữ các vụ việc về ma túy.

III. CHẾ ĐỘ HỒ SƠ VÀ THÔNG TIN BÁO CÁO

1. Về hình thức hồ sơ:

- Thủ trưởng các đơn vị Hải quan phải ban hành và thực hiện các quyết định đúng thẩm quyền.

- Sử dụng thống nhất mẫu ấn chỉ do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ban hành trong toàn bộ quá trình kiểm tra, khám xét, lấy lời khai, tạm giữ, lấy mẫu, giám định, bàn giao và báo cáo vụ việc.

- Phải ghi đầy đủ các tiêu chí thông tin trong ấn chỉ. Chữ viết phải rõ ràng, ký nhận đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ về pháp luật và nghiệp vụ làm cơ sở cho công tác điều tra, xử lý tiếp theo.

2. Về nội dung hồ sơ:

- Các biên bản chứng nhận, khám xét, ghi lời khai phải xác định rõ căn cước, lai lịch của đối tượng; số lượng, chủng loại tang vật nghi là ma túy, hành vi mua bán, thủ đoạn cất giấu, vận chuyển.

- Biên bản tạm giữ, niêm phong tang vật, mẫu vật gửi giám định phải ghi cụ thể số lượng, trọng lượng, chủng loại và tình trạng của tang vật, mẫu vật.

3. Chế độ thông tin, báo cáo:

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi xảy ra vụ việc, Thủ trưởng đơn vị thực hiện kiểm tra, khám xét thống nhất báo cáo lên Cục Hải quan tỉnh, thành phố, báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Điều tra chống buôn lậu) theo biểu mẫu và trong thời gian đã quy định. Trường hợp khẩn cấp có thể báo cáo bằng fax trước, gửi văn bản sau.

- Nội dung báo cáo phải nêu rõ việc tiếp nhận thông tin, những công việc đã thực hiện, kết quả kiểm tra, bắt giữ, những ưu điểm, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ việc.

- Bí mật mọi thông tin liên quan đến vụ việc, danh tính cá nhân công chức tham gia bắt giữ và gia đình họ, người cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành. Chỉ cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan khác những nội dung đã được phê duyệt của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu.

4. Hồ sơ vụ việc được quản lý theo chế độ “MẬT”.

Phần 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN

1. Tuân thủ quy định về phân công, phân cấp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị kiểm soát Hải quan tại Quyết định số 1843/QĐ-TCHQ ngày 22/9/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Mọi thông tin liên quan đến tội phạm ma túy công chức tiếp nhận phải ghi nhận cụ thể nguồn thông tin, thời gian tiếp nhận, phương thức tiếp nhận, nội dung thông tin và báo cáo ngay Thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị phải kiểm tra, đánh giá thông tin, báo cáo lên Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo xử lý thông tin và báo cáo lên Tổng cục (qua Cục Điều tra chống buôn lậu). Nghiêm cấm việc găm giữ, chậm trễ trong thu thập và xử lý thông tin.

3. Một số hướng dẫn cụ thể:

- Thông tin phát hiện quả tang các chất nghi là ma túy trong quá trình tuần tra kiểm soát, kiểm tra hải quan tại địa bàn hoạt động của Chi cục Hải quan phải báo cáo ngay cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan để chủ trì giải quyết.

- Thông tin từ các Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chuyển giao, Thủ trưởng đơn vị phải xử lý và báo cáo lên Cơ quan Hải quan cấp trên trực tiếp để có ý kiến chỉ đạo.

- Thông tin từ các tổ chức Hải quan quốc tế, khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, thông tin từ các tổ chức cá nhân nước ngoài cung cấp phải báo cáo ngay về Tổng cục để chỉ đạo giải quyết.

- Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận, phân tích, xử lý thông tin, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục chủ trương và kế hoạch điều tra bắt, giữ và thực hiện theo phê duyệt:

+ Đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có dấu hiệu phạm tội có tổ chức, phức tạp và nghiêm trọng thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị lập chuyên án trực tiếp đấu tranh hoặc chuyển giao thông tin, phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển để tổ chức điều tra bắt, giữ.

+ Trưởng Ban chuyên án đấu tranh chống tội phạm ma túy do lực lượng hải quan xác lập chịu trách nhiệm lập phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện điều tra, xác minh và trực tiếp chỉ đạo việc bắt, giữ.

+ Trường hợp yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức bắt, giữ thì lãnh đạo Cục chỉ đạo lập phương án (chuyên án nếu cần thiết), tổ chức Lực lượng, phương tiện của Đội Kiểm soát, Chi cục Hải quan quản lý địa bàn trực tiếp chỉ đạo việc bắt, giữ.

+ Trường hợp chuyển giao thông tin cho Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Đội Kiểm soát hải quan hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn tổ chức kiểm tra, bắt giữ thì lãnh đạo Cục phải chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện.

II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Sau khi tiếp nhận và đánh giá thông tin là xác thực, Thủ trưởng đơn vị Hải quan chủ trì thực hiện kiểm tra, bắt giữ triển khai thực hiện những việc sau:

1. Triệu tập công chức, giao nhiệm vụ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hải quan với đối tượng được thông báo có nghi vấn cất giấu ma túy.

2. Phân công cụ thể công chức thực hiện những công việc sau:

- Bí mật rà soát, xác định đối tượng (người, hàng hóa, phương tiện) theo thông tin tình báo và thực hiện công tác giám sát, cảnh giới, bảo vệ.

- Trực tiếp làm thủ tục kiểm tra hải quan với đối tượng.

- Thực hiện các biện pháp kiểm soát: khám xét và lập biên bản khám xét; tạm giữ và khai thác xét hỏi đối tượng; tạm giữ, lấy mẫu giám định và niêm phong tang vật nếu phát hiện ra tang vật nghi là ma túy.

- Quản lý, bảo vệ hồ sơ, tang vật và canh gác đối tượng bị tạm giữ; bàn giao vụ việc cho Cơ quan Công an.

3. Chuẩn bị và kiểm tra số lượng vũ khí, phương tiện cơ động, thông tin và các trang bị nghiệp vụ cần thiết để thực hiện công việc.

4. Yêu cầu các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng, An ninh Hàng không... phối hợp, bảo vệ trong quá trình kiểm tra, khám xét và bắt, giữ đối tượng.

II. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

- Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện những công việc sau:

1. Phát hiện, giám sát và cách ly đối tượng.

- Rà soát, xác định đúng đối tượng (người, hàng hóa, phương tiện) theo thông tin phát hiện, cảnh báo.

- Kiểm kê, xác định đầy đủ, chính xác số lượng hàng hóa, hành lý, phương tiện thuộc về đối tượng không để sót, lọt.

- Nếu phát hiện đối tượng đi từ hai người trở lên thì phải giám sát và kiểm tra tất cả những đối tượng đi cùng, cách ly ngay các đối tượng với nhau và với những người không có liên quan.

- Đưa đối tượng về địa điểm kiểm tra hải quan tại cửa khẩu. Trường hợp không thể đưa hàng hóa, phương tiện về địa điểm kiểm tra phải bố trí bảo vệ an toàn, nguyên trạng đối tượng bị kiểm tra, khám xét.

2. Tổ chức cảnh giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công chức thực thi nhiệm vụ.

- Suốt quá trình kiểm tra, kiểm soát phải bố trí đủ số lượng công chức có trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ giám sát, không để đối tượng chống cự, chạy trốn, thông cung, tự sát hoặc đánh tháo, tẩu tán ma túy, tiền bạc, phương tiện dùng để cất giấu, vận chuyển ma túy.

- Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo Pháp lệnh Sử dụng, quản lý vũ khí và công cụ hỗ trợ, Quy chế ban hành tại Quyết định số 230/QĐ-TCHQ ngày 12/7/2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

3. Thực hiện kiểm tra phát hiện ma túy.

- Thực hiện kiểm tra người trước, kiểm tra hành lý mang theo sau. Trước hết kiểm tra phát hiện thu giữ vũ khí, hung khí, phương tiện liên lạc không để đối tượng sử dụng để chống cự, đối phó. Sau đó kiểm tra chi tiết để phát hiện ma túy.

- Kiểm tra chi tiết 100% hàng hóa và phương tiện vận tải. Kiểm tra toàn diện trước sau đó xác định những vị trí trọng điểm để kiểm tra kỹ lưỡng.

- Sử dụng phương tiện chuyên dụng (nếu có) như máy soi Container, máy soi hành lý, máy soi phát hiện ma túy trên cơ thể người, dụng cụ tháo lắp, chó nghiệp vụ và kiểm tra thủ công kỹ lưỡng để phát hiện ma túy, vũ khí, tiền bạc... được đối tượng cất giấu.

- Phát hiện và lấy mẫu vật nghi là ma túy, tiến hành thử nhanh (ít nhất 02 lần) mẫu vật với các loại thuốc thử phát hiện ma túy, ghi chép cụ thể kết quả phản ứng khi thực hiện các phép thử.

- Lập biên bản chứng nhận quá trình kiểm tra phát hiện (hay không phát hiện) đồ vật nghi là ma túy; lấy mẫu thử phát hiện ma túy (nếu có) và kết quả các phép thử (theo mẫu BB-HC 13).

4. Trường hợp có thông tin chính xác, khẩn cấp thủ trưởng đơn vị chủ trì quyết định khám xét ngay, bỏ qua bước làm thủ tục kiểm tra hải quan.

Phần 3.

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

Trường hợp 1: Không phát hiện đồ vật nghi là ma túy, hoặc các phép thử nhanh cho kết quả âm tính với các loại ma túy, chủ hàng không có các vi phạm khác làm thủ tục cho đối tượng thông quan theo quy định.

Trường hợp 2: Phát hiện được đồ vật nghi là ma túy, các phép thử nhanh cho kết quả dương tính với một hay nhiều loại ma túy cụ thể nhưng không xác định hoặc giữ được người sở hữu, vận chuyển. Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện những việc sau:

1. Lập biên bản tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm (theo mẫu BB-HC 5).

2. Trưng cầu giám định để khẳng định có phải là ma túy hay không.

3. Nếu kết luận giám định là ma túy thì bàn giao vụ việc cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy điều tra tiếp.

4. Nếu kết luận giám định không phải là ma túy xử lý như hàng vô chủ.

Trường hợp 3: Phát hiện đồ vật nghi là ma túy và xác định được người sở hữu, vận chuyển. Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện những việc theo trình tự sau:

Bước 1: Ban hành và thực hiện quyết định khám người theo thủ tục hành chính với đối tượng sở hữu hoặc vận chuyển (theo mẫu QĐ 28).

1. Cán bộ khám, nhân chứng (nếu có) phải cùng giới với đối tượng bị khám.

2. Khám xét kỹ toàn bộ hành lý, quần áo đang mặc và khám phát hiện ma túy được quấn, bó trên người hoặc nhét vào chỗ kín.

3. Nếu có nghi ngờ đối tượng nuốt, giấu ma túy tại những bộ phận kín trong cơ thể thì phải kiểm tra bằng máy X - quang (nếu có), hoặc đưa tới cơ sở y tế để hỗ trợ kiểm tra.

4. Chụp ảnh, ghi hình mô tả việc khám xét. Các bản ảnh phải thể hiện rõ mặt và toàn thân đối tượng, thủ đoạn cất giấu và đặt thước đo đặc tả tang vật.

5. Kết thúc việc khám người, lập biên bản khám người (theo mẫu BB-HC 3), thống kê tang vật đầy đủ giao cho một cán bộ bảo quản.

Bước 2: Tạm dừng làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh với đối tượng.

1. Ban hành Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính (theo mẫu QĐ 29) đối với đối tượng sở hữu, vận chuyển khi phát hiện tang vật được: nhét vào chỗ kín, quấn, bó trên người; giấu trong vật dụng có nhiều lớp vỏ, vách, đáy giả; nhồi nhét vào trong ruột của hàng hóa ngụy trang khác, hoặc đối tượng thừa nhận đã vận chuyển ma túy.

- Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính thì ban hành Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ (theo mẫu QĐ 30).

- Thông báo người bị tạm giữ cho gia đình, cơ quan hoặc chính quyền địa phương biết theo mẫu TB-54 (trừ trường hợp thông báo ảnh hưởng đến quá trình điều tra mở rộng).

2. Việc tạm giữ được thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan.

- Khi tạm giữ phải bố trí ít nhất hai cán bộ liên tục canh gác đối tượng.

- Phòng tạm giữ đảm bảo cách ly đối tượng, không để những đồ vật đối tượng có thể sử dụng để chống cự, tự sát, chạy trốn.

- Tuyệt đối không để đối tượng ăn, uống, hút những đồ vật mang theo.

- Chỉ những cán bộ được thủ trưởng đơn vị tham gia bắt giữ phân công mới được tiếp xúc, làm việc với đối tượng. Nghiêm cấm những cán bộ hải quan không liên quan tiếp xúc với đối tượng.

- Nếu đối tượng chống cự thì sử dụng công cụ hỗ trợ để khống chế.

3. Nếu không phát hiện những căn cứ như ở điểm 1 bước này thì:

- Thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh Việt Nam tại cửa khẩu, An ninh Hàng không, hãng vận chuyển... để thống nhất biện pháp giải quyết.

- Khẩn trương lấy mẫu vật nghi vấn, phối hợp với cơ quan Công an giám định mẫu vật để có căn cứ xử lý.

- Giải thích lý do tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh cho đối tượng. Bố trí giám sát, chặt chẽ không để đối tượng bỏ trốn, truyền thông tin ra bên ngoài.

Bước 3: Lập biên bản ghi lời khai đối tượng vi phạm (theo mẫu BB-HC 12).

1. Khẩn trương truy hỏi làm rõ số lượng, chủng loại ma túy, thủ đoạn và các vị trí cất giấu để thu giữ hết tang vật.

2. Động viên đối tượng khai báo về đồng bọn, chỗ cất giấu và giao nộp ma túy để hưởng khoan hồng.

3. Khai thác phương thức giao nhận, vận chuyển và các đối tượng cùng tham gia để truy bắt đối tượng đồng phạm.

4. Trong quá trình lấy lời khai, nếu phát hiện có thông tin phục vụ truy bắt thêm đối tượng, thu giữ ma túy thì phải tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan Công an, Quân đội để tiến hành xác minh, truy bắt ngay.

Bước 4: Ban hành và thực hiện Quyết định khám đồ vật, phương tiện theo thủ tục hành chính (theo mẫu QĐ 26).

1. Lục soát toàn bộ hàng hóa, phương tiện, tháo dỡ những chỗ nghi vấn để phát hiện và thu giữ hết tang vật được cất giấu.

2. Sử dụng chó nghiệp vụ, phương tiện chuyên dụng (nếu có) để khám xét: Huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ theo quy trình ban hành tại Quyết định số 730/2009/QĐ-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Cán bộ sử dụng phương tiện kỹ thuật chuyên dụng (máy X - quang soi hành lý, máy dò phát hiện ma túy, dụng cụ tháo lắp...) theo tính năng, tác dụng của phương tiện.

3. Chụp ảnh, ghi hình mô tả việc khám xét, tang vật và nơi tìm thấy tang vật để phục vụ công tác điều tra và làm tư liệu nghiệp vụ.

4. Thống kê cân, đong, đo, đếm chính xác tang vật thu được và giao đích danh cho cán bộ quản lý, bảo vệ.

5. Kết thúc khám phương tiện vận tải, đồ vật phải lập biên bản khám xét theo thủ tục hành chính (theo mẫu BB-HC 2).

Bước 5: Ban hành và thực hiện Quyết định tạm giữ tang vật và phương tiện cất giấu, vận chuyển tang vật theo thủ tục hành chính (theo mẫu QĐ 31).

1. Lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện đã phát hiện và thống kê trong quá trình khám người, đồ vật và phương tiện (theo mẫu BB-HC 5).

2. Niêm phong và bảo quản chặt chẽ tang vật, phương tiện bị tạm giữ (theo mẫu BB-HC 9).

3. Giao đích danh cán bộ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

4. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm giữ thì ban hành Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ (theo mẫu QĐ 32).

Bước 6: Trưng cầu giám định

Mọi đồ vật nghi là ma túy đều phải lấy mẫu, trưng cầu giám định để khẳng định có phải là ma túy hay không.

1. Số lượng lấy mẫu

- Mẫu ở dạng viên nén: Lấy khoảng 10% tổng trọng lượng thu giữ.

- Mẫu ở dạng bánh (Heroin): Lấy khoảng 5% trọng lượng thu giữ.

- Các loại khác như sợi, cành, lá, nhựa đặc... đóng thành kiện/bánh: Lấy từ 50 - 100 gram cho mỗi kiện/bánh.

- Mẫu thể lỏng ở dạng hộp, lọ, vỉ...: Lấy cả hộp, lọ, vỉ... gửi giám định.

- Mẫu ở dạng dung dịch, nhựa dẻo có thể tích lớn: Lấy từ 200 - 500 ml.

- Mẫu ở dạng đơn vị chia liều như các dược phẩm bị lạm dụng (Morphin, Diazepam, Dolagan chứa trong ống, viên nén, viên nhộng...): Lấy khoảng 10% tổng trọng lượng thu giữ.

2. Cách thức lấy mẫu

- Khi lấy mẫu giám định phải đảm bảo tính chất đại diện cho từng đơn vị đóng gói lẻ, phải lấy mẫu riêng từng bao, gói, can, thùng. Lấy mẫu tại 3 - 5 điểm ở các vị trí bên trên, ở giữa, dưới đáy và trộn đều với nhau. Nếu mẫu không đồng nhất thì điểm thu có thể tăng lên.

- Đối với các vụ có số lượng tang vật nhỏ hơn số lượng lấy mẫu theo quy định trên thì niêm phong toàn bộ, rồi chuyển giao cho cơ quan giám định.

- Khi lấy mẫu phải sử dụng dụng cụ trong va ly thử nhanh phát hiện ma túy, bảo hộ an toàn, không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với mẫu vật.

3. Niêm phong và bảo quản (theo mẫu BB-HC 9)

- Dụng cụ dùng bao gói đựng mẫu phải sạch, không lẫn tạp chất khác.

- Niêm phong mẫu gửi giám định đúng quy định.

- Quá trình bảo quản, vận chuyển đảm bảo mẫu gửi giám định còn nguyên niêm phong và hiện trạng.

4. Trưng cầu giám định

Ban hành Quyết định trưng cầu giám định. Khẩn trương chuyển trực tiếp yêu cầu giám định và mẫu vật đến: Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố hoặc các cơ sở của Viện Khoa học - Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Bước 7: Kết thúc vụ việc

1. Nếu kết quả giám định kết luận mẫu vật không chứa chất ma túy và đối tượng không có vi phạm khác thì làm thủ tục thông quan cho hàng hóa, hành lý phương tiện. Trường hợp đối tượng khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại, cán bộ công chức làm đúng quy trình được miễn trách, cơ quan Hải quan chấp hành phán quyết có hiệu lực của tòa án.

2. Bàn giao vụ, việc cho cơ quan điều tra theo thẩm quyền.

- Trong vòng 24 giờ (trường hợp đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa trong vòng 48 giờ), kể từ khi phát hiện vụ việc thuộc các Trường hợp 2, 3, 4 nêu trên Cơ quan Hải quan chủ trì phát hiện bắt giữ phải hoàn tất các công việc theo quy trình này; quyết định bàn giao hồ sơ gốc, tang vật và đối tượng cho Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng tại địa phương nơi xảy ra vụ việc hoặc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an.

- Sau khi bàn giao vụ việc thực hiện phối hợp điều tra với cơ quan nhận bàn giao nếu có yêu cầu.

- Việc bàn giao hồ sơ và tang vật sử dụng theo mẫu BB-HC 10. Việc bàn giao người bị tạm giữ sử dụng theo mẫu BB-HC 6, trong biên bản ghi rõ tình trạng sức khoẻ của người bị tạm giữ. Trước khi bàn giao đơn vị chủ trì phát hiện xử lý sao lưu toàn bộ hồ sơ vụ việc; đơn vị phối hợp sao lưu những tài liệu về phần việc đơn vị tham gia.

Trường hợp 4: Phát hiện đồ vật nghi là ma túy giấu trong hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khi làm thủ tục hải quan và xác định được người khai hải quan hoặc người được chủ hàng, chủ phương tiện vận tải ủy quyền (sau đây gọi tắt là đương sự). Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo xử lý như sau:

1. Lập biên bản lấy lời khai đương sự về chủ hàng hoặc người ủy quyền và những nội dung về trách nhiệm làm thủ tục hải quan, giao nhận, vận chuyển hàng hóa.

2. Thực hiện các bước: khám xét hàng hóa, phương tiện vận tải, lấy mẫu, giám định tang vật.

3. Giám sát chặt chẽ, không được để đương sự bỏ đi hoặc dùng các phương tiện để thông tin liên lạc với bên ngoài.

4. Bàn giao vụ việc cho Cơ quan Công an điều tra tiếp. Phối hợp với Cơ quan Công an triển khai thực hiện “giao hàng có kiểm soát” nếu được yêu cầu (đặc biệt chú ý các trường hợp sử dụng dịch vụ khai thuê và chuyển phát qua đường bưu điện).

Yêu cầu: Đảm bảo bí mật, không được để lọt thông tin làm ảnh hưởng đến công tác điều tra làm rõ.

Phần 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy trình.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo về Tổng cục (qua Cục Điều tra chống buôn lậu) để hướng dẫn giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2005/QĐ-TCHQ năm 2011 về Quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 2005/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản