Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1748/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị Quyết số 26/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Chiến lược), với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
- Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển hợp tác xã và theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm;
- Sản xuất trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên.
- Phát triển các cây trồng lợi thế của vùng gắn với bảo tồn giống cây trồng đặc sản, bảo vệ di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm.
- Đảm bảo tưới chủ động trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
- Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%.
- Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD.
- Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Phấn đấu đến năm 2050 trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
III. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN
1. Định hướng chung
a) Phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Hướng sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đầu ra của tiểu ngành này thành đầu vào chất lượng của tiểu ngành khác nhằm khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế chất thải, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
b) Nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường. Bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển giống cây trồng bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, sản xuất cung ứng hạt giống cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.
c) Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh giống cây trồng, tiếp tục quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển các chương trình IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng; kiểm soát tổn thất sau thu hoạch do sinh vật hại kho gây nên; bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.
d) Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là đất, nước theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát mức độ suy thoái đất, duy trì bảo vệ độ phì đất, tối ưu hoá các mục đích sử dụng đất nông nghiệp; bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tạo nguồn, tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ nông nghiệp.
đ) Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực.
e) Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Phát triển và áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất nông sản cả về số lượng, chất lượng và gia tăng giá trị, nhất là công nghệ bảo quản lạnh.
g) Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt. Xây dựng và phát triển thương hiệu một số nông sản chủ lực có lợi thế và khác biệt. Đẩy mạnh mở cửa thị trường mới cho các sản phẩm nông sản chủ lực đồng thời tích cực đàm phán để các nước nhập khẩu dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật tạo thuận lợi phát triển thị trường nông sản của Việt Nam.
2. Định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực
a) Lúa gạo
Phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics. Giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3,0 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 85 - 90%, lúa sử dụng cho chế biến chiếm 10 - 15%.
Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung gieo trồng các giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường và áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm vật tư đầu vào; vùng chuyên sản xuất lúa hàng hóa, nâng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên trên 90%, tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch.
Tăng chế biến sâu, phát triển đa dạng các sản phẩm có giá trị cao từ lúa, gạo, như tinh bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, bánh cao cấp, mỹ phẩm, dược liệu...; tăng chế biến các phụ phẩm lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng từ lúa gạo.
b) Rau
Trên cơ sở phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu để tăng diện tích và đa dạng chủng loại, mùa vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng nhanh trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng các cụm liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ rau tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau lớn. Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất rau hướng vào nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
c) Ngô
Rà soát quỹ đất trồng ngô, thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô lấy hạt hiệu quả kém sang trồng cây khác; khuyến khích phát triển ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi và chế biến.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh như chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, chịu lạnh, hạn, úng,những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...); hoàn thiện, chuyển giao gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ; tăng cường cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất ngô, trước mắt ưu tiên khâu thu hoạch, tẽ hạt, sấy và bảo quản hạt ngô.
Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/Hợp tác xã sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/Hợp tác xã/cá nhân đầu tư hệ thống sấy, làm dịch vụ sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.
d) Sắn
Ổn định diện tích trồng sắn, tập trung thâm canh tăng năng suất, sản lượng để đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, chế biến tinh bột, chế biến thức ăn chăn nuôi và các nhu cầu khác.
Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến, tạo sự cân đối giữa sản xuất và chế biến; thúc đẩy đổi mới công nghệ chế biến, sản xuất theo hướng tuần hoàn; đa dạng các sản phẩm chế biến sâu từ bột sắn, các sản phẩm phục vụ công nghiệp, dược phẩm...
Tập trung nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là các loại bệnh mới như bệnh khảm lá sắn, bệnh chổi rồng; áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác bền vững: IPM, trồng xen canh, luân canh sắn với các cây họ đậu (lạc, đậu tương,..), tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, áp dụng TBKT, quy trình canh tác sắn bền vững trên đất dốc đặc biệt tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
đ) Cà phê
Chuyển đổi một phần diện tích cà phê kém hiệu quả, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo đến năm 2025 đạt 107 ngàn ha cà phê bằng giống mới năng suất, chất lượng cao; phát triển cà phê đặc sản đến năm 2030 diện tích 11.500 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, trồng xen, cây chắn gió, cây che phủ, tủ gốc và tạo cảnh quan cà phê; từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê chứng nhận. Thúc đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc.
Đầu tư, nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy đối với sơ chế cà phê bằng phương pháp khô. Tăng cường hợp tác công tư; khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê với quy mô vừa và áp dụng phương pháp chế biến ướt với cà phê chè, hoặc bán ướt đối với cà phê vối, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp nguyên liệu cho các quá trình chế biến tiếp theo.
Đẩy mạnh chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm cà phê, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của cà phê Việt Nam gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam.
e) Hồ tiêu
Tập trung quản lý quy mô phát triển hồ tiêu phù hợp nhu cầu thị trường. Giảm một phần diện tích không phù hợp trồng hồ tiêu, diện tích hồ tiêu già cỗi, bị bệnh hại nặng sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống hồ tiêu sạch bệnh có năng suất, chất lượng và chống chịu sâu bệnh hại, xây dựng cơ cấu giống phù hợp thị trường tiêu thụ cho từng vùng sinh thái. Ưu tiên giải pháp trồng xen nâng cao hiệu quả kinh tế.
Liên kết sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về thiết kế vườn trồng, sử dụng trụ sống, tưới nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại; sản xuất hồ tiêu có chứng nhận, hồ tiêu hữu cơ và xây dựng chỉ dẫn địa lý. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm hồ tiêu như tinh dầu hồ tiêu, tiêu đen, tiêu trắng chất lượng cao, tiêu nghiền bột, tiêu đỏ, tiêu xanh khô và tiêu muối phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất hồ tiêu.
g) Điều
Ổn định diện tích trồng điều, chú trọng trồng thay thế, ghép cải tạo và trồng mới cây điều bằng giống mới, năng suất, chất lượng cao. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh điều như đốn tỉa tạo tán, tưới nước tiết kiệm, xử lý ra hoa, khai thác đa giá trị trên vườn điều, trồng xen, nuôi xen; đưa năng suất bình quân 15-17 tạ/ha. Chuyển đổi diện tích điều có năng suất, hiệu quả kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Phát triển ngành điều bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng như nhân điều chế biến sâu; khai thác triệt để các sản phẩm ngoài hạt điều như kết hợp sản xuất dầu vỏ hạt điều, dịch ép từ quả điều chế biến cồn khô; ván ép từ gỗ điều và bã vỏ điều, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh điều.
h) Chè
Cơ cấu lại các vùng sản xuất chè an toàn theo hướng:
Vùng có độ cao dưới 500 m so với mực nước biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp.
Vùng có độ cao từ 500 m đến dưới 800 m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp.
Vùng có độ cao trên 800 m và một số vùng chè đặc sản như ở Thái Nguyên; chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái định hướng phát triển sản xuất chè xanh chất lượng cao, chè Olong...
Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh như tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa khâu đốn, hái chè, trồng cây che bóng; sản xuất chè có chứng nhận, chè hữu cơ. Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Đổi mới công nghệ thiết bị chế biến, đa dạng hoá sản phẩm, đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến để tăng cường quản lý chất lượng và nâng cao giá trị của sản xuất chè gắn với việc xây dựng thương hiệu chè Việt Nam.
i) Cao su
Khai thác lợi thế tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động của các tiểu vùng để phát triển cây cao su đạt hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi diện tích cao su có năng suất, hiệu quả kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Thâm canh tăng năng suất cao su lên 1,8-2 tấn mủ/ha.
Đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ cao su; tiếp tục đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cao su lến 1,2 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và 1,8 - 2,0 tỷ USD vào năm 2030.
Tổ chức sản xuất cao su theo mô hình đại điền, xây dựng cơ cấu giống cao su phù hợp từng vùng sinh thái, áp dụng kỹ thuật trồng xen, kỹ thuật canh tác, thu hoạch mủ cao su theo hướng giảm giá thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và cải thiện môi trường sinh thái.
k) Cây ăn quả
Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa,...
Đẩy mạnh rải vụ thu hoạch cây ăn quả gắn với liên kết vùng phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalG.A.P... được cấp mã số vùng trồng; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm.
Tăng cường chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của một số loại trái cây có lợi thế của Việt Nam gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Việt Nam với một số loại trái cây lợi thế.
l) Hoa, cây cảnh: Nước ta có lợi thế về nhiều loại hoa và cây cảnh quý, có giá trị kinh tế cao, đang được nhiều địa phương phát triển mạnh. Trong những năm tới tiếp tục mở rộng diện tích trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái, đặc biệt là truyền thống văn hóa, sản xuất hoa, cây cảnh của từng địa phương. Khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong công tác quản lý, sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
m) Cây dừa: Ổn định diện tích các vùng dừa hiện có, mở rộng diện tích trồng xen; tập trung các giải pháp cải thiện chất lượng vườn dừa, đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, sản xuất các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng phổ biến quy trình canh tác bền vững; rà soát các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi hình thành và phát triển các vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến; đa dạng các sản phẩm mới có giá trị cao từ cơm dừa, nước dừa, dầu dừa, mật hoa dừa, chỉ xơ dừa, than gáo dừa…; thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành dừa.
3. Định hướng phát triển trồng trọt các vùng sinh thái
a) Trung du miền núi phía Bắc: Tập trung phát triển cây trồng có lợi thế như cây ăn quả, chè, cà phê chè, lúa đặc sản, rau, hoa, ngô hạt và ngô sinh khối, sắn; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhất là đối với rau quả; phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp sản phẩm đặc sản gắn với du lịch; tăng cường liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng.
b) Đồng bằng sông Hồng: Phát triển theo hướng thâm canh, công nghệ cao, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phát triển rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả.
c) Bắc Trung bộ: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai; rà soát, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thị trường; hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả có múi, chè, lạc, mía.
d) Duyên Hải Nam Trung bộ: Phát triển các cây trồng chịu hạn có giá trị kinh tế cao như thanh long, nho, xoài, dừa, lạc, lúa, sắn, đậu đỗ, rau...; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai nhất là hạn, mặn; phát triển sản phẩm đặc sản có chỉ dẫn địa lý, kết hợp du lịch sinh thái.
đ) Tây Nguyên: Phát triển vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hoa và rau.
e) Đông Nam bộ: Phát triển mạnh cây công nghiệp có lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu, mía, sắn và cây ăn quả. Xây dựng các trung tâm logictics và chế biến nông sản phục vụ cho các tỉnh phía Nam.
g) Đồng bằng sông Cửu Long: Là vùng sản xuất lúa gạo, trái cây hàng hóa chất lượng cao, dừa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện logictics và nâng cao năng lực chế biến nông sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH
1. Truyền thông nâng cao nhận thức
- Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của trồng trọt với các giá trị kinh tế, môi trường và ổn định xã hội. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông để người dân, doanh nghiệp và các thành phần xã hội nhận thức về chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực Trồng trọt; tăng trưởng xanh; sản xuất tuần hoàn...
- Truyền thông phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội có liên quan.
2. Đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh
- Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.
- Hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt vai trò của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp đem lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Ưu tiên hình thành hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, nhất là ở các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
- Có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt chế biến sâu, chế biến phụ phẩm áp dụng công nghệ cao đối với các ngành hàng có lợi thế gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, hữu cơ và các chế phẩm sử dụng trong trồng trọt thân thiện với môi trường, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từng bước chủ động nguồn cung ứng vật tư nông nghiệp khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; khuyến khích người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Chú trọng phát triển các tổ hợp nông, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.
- Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ đa dạng khác nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt.
- Phát huy vai trò các hiệp hội ngành hàng trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.
3. Phát triển thị trường nông sản
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản hiện đại. Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối với từng loại nông sản để phổ biến thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, rào cản kỹ thuật, thuế quan... làm căn cứ cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạch định chính sách, định hướng phát triển.
- Tăng cường quản lý chất lượng từ khâu giống, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến đảm bảo sản phẩm trồng trọt đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế. Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản.
- Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, xuất khẩu; kết nối mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản; nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Phát triển thương mại điện tử.
- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến địa phương, doanh nghiệp, người dân về mã số vùng trồng, các quy định của các nước nhập khẩu nông sản lớn của ta như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU v.v... để tạo điều kiện thâm nhập các thị trường này.
- Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đem lại, tuyên truyền phổ biến để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
- Đổi mới các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo, diễn đàn; tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại của các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản ứng dụng công nghệ chế biến mới, nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới ở các nước.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
- Đẩy mạnh cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin nhanh giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
4. Khoa học công nghệ và khuyến nông
- Tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, khuyến khích đổi mới, sáng tạo để tạo ra các giá trị và sản phẩm mới.
- Tập trung xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực: Chọn tạo các giống lúa mới, giống cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa chủ lực có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, sử dụng tiết kiệm nước và phân bón; bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây trồng bản địa, đặc hữu, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý; nghiên cứu sản xuất các loại phân bón công nghệ cao, chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, KIT chẩn đoán bệnh, phát hiện dư lượng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật; nghiên cứu, đánh giá độ phì của đất canh tác và giải pháp quản lý, sử dụng, bổ sung dinh dưỡng, phục hồi đất, giảm phát thải khí nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.
- Tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số nông sản chủ lực.
- Thực hiện nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp; kết hợp nghiên cứu với đào tạo và khuyến nông, giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi nghiên cứu khép kín.
- Tập trung hoàn thiện và xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm; hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Quy hoạch và xây dựng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của các vùng sinh thái đặc biệt là các sản phẩm chủ lực.
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh trồng trọt (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường...). Phát triển quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy suất nguồn gốc sản phẩm. Kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia nông nghiệp, nông thôn phục vụ cho chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu về quản lý vùng trồng, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh.
- Xây dựng và quảng bá nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới: mô hình sản xuất áp dụng VietGAP, mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ; mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn; sản xuất kết hợp du lịch sinh thái... Tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô cho nhiều địa phương.
5. Đào tạo nguồn nhân lực
- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật các cấp, nhất là cấp cơ sở. Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật trồng trọt, quản lý sinh vật gây hại và an toàn thực phẩm cho nông dân thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.
- Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp kinh tế thị trường trên cơ sở khai thác các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề và doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hướng xã hội hóa.
- Chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy đang có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực như giống, canh tác, công nghệ chế biến sản phẩm trồng trọt,... tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ trẻ tham gia hợp tác nghiên cứu và hoạt động giảng dạy trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chế biến các sản phẩm cây trồng.
- Mở rộng các hình thức đào tạo đội ngũ kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật thực hành và đào tạo nghề cho người sản xuất trồng trọt.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nông nghiệp và hợp tác xã, trong đó đặc biệt là đội ngũ quản lý hợp tác xã, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp các hợp tác xã nhằm trang bị kiến thức đảm bảo hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
6. Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng
- Phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu gắn với xây dựng đồng ruộng; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và sử dụng nước hiệu quả; sử dụng nước linh hoạt; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi kết hợp với giao thông nội đồng; kết nối các vùng sản xuất tập trung với các tuyến giao thông thủy, bộ giữa các vùng đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản; phát triển liên kết hệ thống kho chứa, nhà máy chế biến nông sản, chợ đầu mối.
7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
- Kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật từ trung ương đến địa phương, đảm bảo nguyên tắc ở mỗi cấp chính quyền có tổ chức, con người theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật về trồng trọt, bảo vệ thực vật.
Tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế chính sách quản lý ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất.
- Xã hội hóa các dịch vụ công về trồng trọt, bảo vệ thực vật để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.
8. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế chính sách
Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách trồng trọt trên cơ sở Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013; đảm bảo hài hòa với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp như: chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính sách phát triển nguồn nhân lực thực hiện theo mục 10 khoản IV Điều 1 Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
9. Hợp tác quốc tế
Mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để tranh thủ thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành. Ưu tiên hợp tác một số nội dung sau: nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình và công nghệ sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, trao đổi thông tin và nguồn gen cây trồng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong trồng trọt; hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng; xây dựng và thừa nhận lẫn nhau về hệ thống chứng nhận chất lượng trong trồng trọt.
Tận dụng các FTAs thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực; đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.
Tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hài hòa hóa quy định trong nước và quốc tế.
10. Đánh giá, thanh tra, kiểm tra
Tổ chức kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược, các chương trình, đề án, dự án thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch hằng năm, 5 năm hoặc đột xuất. Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn.
Xây dựng, triển khai kế hoạch, kiểm tra ngành trồng trọt đảm bảo kip thời, chính xác phục vụ cho chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030.
3. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.
VI. DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN ƯU TIÊN
1. Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
2. Đề án Phát triển Cây ăn quả chủ lực đến năm 2030.
3. Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.
4. Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2030.
5. Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
6. Đề án Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
7. Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
8. Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định phê duyệt các đề án này bảo đảm theo đúng quy định.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển trồng trọt; xây dựng kế hoạch, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án; đề xuất, kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Chiến lược phù hợp điều kiện thực tiễn; kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện 5 năm và tổng kết Chiến lược báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
Chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí trong dự toán chi của các bộ, cơ quan trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Chiến lược.
3. Các bộ, ngành khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo xây dựng lồng ghép định hướng Chiến lược phát triển trồng trọt trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức thực hiện Chiến lược trồng trọt tại địa phương. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Tổ chức đánh giá thường xuyên việc thực hiện Chiến lược tại địa phương.
- Xây dựng các chương trình, dự án phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương và triển khai thực hiện. Triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.
5. Các hiệp hội, doanh nghiệp
Các hiệp hội, doanh nghiệp chủ động, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ tướng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT.THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 824/QĐ-BNN-TT năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Thông báo 204/TB-BNN-VP về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát triển khai kế hoạch phát triển trồng trọt năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 4413/QĐ-BNN-TT năm 2016 công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong lĩnh vực trồng trọt
- 1Luật đa dạng sinh học 2008
- 2Quyết định 824/QĐ-BNN-TT năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Thông báo 204/TB-BNN-VP về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát triển khai kế hoạch phát triển trồng trọt năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Luật đất đai 2013
- 5Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013
- 6Luật ngân sách nhà nước 2015
- 7Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 8Luật Trồng trọt 2018
- 9Luật Đầu tư công 2019
- 10Quyết định 4413/QĐ-BNN-TT năm 2016 công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong lĩnh vực trồng trọt
- 11Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 12Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 13Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 14Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- 15Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Nghị quyết 26/NQ-CP năm 2023 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 17Nghị quyết 90/NQ-CP năm 2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành
Quyết định 1748/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1748/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2023
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Lưu Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra