Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/2008/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 30 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DẠY NGHỀ ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở NỘI TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 65/2006/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 12 tháng 7 năm 2006 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 331/TTr-LĐTBXH ngày 21 tháng 5 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2956/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt mức chi hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh dân tộc thiểu số học nghề ở nội trú tại Trường Dạy nghề tỉnh.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DẠY NGHỀ ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ NỘI TRÚ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 170/2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.

Học sinh tốt nghiệp các trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở dân tộc nội trú và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc văn hoá được cử tuyển học nghề nội trú, trong đó ưu tiên các đối tượng thuộc dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 2. Hình thức tổ chức dạy nghề.

Tổ chức dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú tại các cơ sở dạy nghề công lập trong tỉnh có đủ điều kiện dạy nghề, có chỗ ở nội trú cho học sinh. Chỉ áp dụng cho những học sinh học nghề có thời gian đào tạo từ 3 (ba) tháng trở lên.

Chương II

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỌC SINH HỌC NGHỀ VÀ CƠ SỞ DẠY NGHỀ

Điều 3. Đối với học sinh học nghề.

1. Được miễn học phí và các loại lệ phí, tuyển sinh.

2. Học sinh trong thời gian học nghề được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú hiện hành, cụ thể như sau:

a) Học bổng chính sách: mức 280.000đồng/người/tháng; tính theo số tháng học thực tế của người học nghề;

b) Thưởng một lần/năm theo kết quả học tập, nếu học tập và kết quả rèn luyện tốt, đạt kết quả phân loại từ khá trở lên (ở năm học trước đó) mức thưởng như sau:

- 120.000 đồng nếu đạt loại Khá.

- 180.000 đồng nếu đạt loại Giỏi.

- 240.000 đồng nếu đạt loại Xuất sắc;

c) Hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân: học sinh khi nhập trường nếu hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (có xác nhận của địa phương) được hỗ trợ bằng tiền để mua sắm một số đồ dùng cá nhân như: chăn bông cá nhân, màn cá nhân, chiếu cá nhân, nilon đi mưa và quần áo đồng phục.

Mức tối đa không quá 360.000 đồng/học sinh cho cả khoá học nghề có thời gian đào tạo từ 1 (một) năm trở lên.

Mức tối đa không quá 240.000 đồng/học sinh cho cả khoá học nghề có thời gian đào tạo từ 3 (ba) tháng đến dưới 1 (một) năm;

d) Hỗ trợ tiền xe mỗi năm 1 lần (cả lượt đi và về) để học sinh về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán hoặc dịp hè. Mức thanh toán theo giá cước vận chuyển bình quân của phương tiện công cộng thông thường tại thời điểm thanh toán;

e) Hằng năm được hỗ trợ tiền mua học phẩm dùng cho học tập. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/học sinh/năm học đối với trung cấp Nghề và mức 30.000 đồng/học sinh/năm học đối với sơ cấp Nghề;

g) Sách giáo khoa, tài liệu học tập: mỗi học sinh được mượn 1 bộ sách hoặc tài liệu học tập theo cấp học, nghề học;

h) Chi cho ngày lễ Tết Nguyên đán, Tết dân tộc: đối với học sinh ở lại tại trường không về nhà được hỗ trợ với mức 10.000 đồng/học sinh/lần ở lại.

Căn cứ vào nội dung, điều kiện cụ thể, Hiệu trưởng (Giám đốc) thực hiện hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với một số chính sách nêu trên.

3. Ngoài các chính sách hỗ trợ trên đây, người học nghề còn được hỗ trợ chi phí cho các hoạt động của trường như: hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, tuyển sinh và tốt nghiệp, chi tiền điện, nước phục vụ học tập, sinh hoạt, nhà ăn tập thể như quy định đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Nếu người học nghề được hưởng học bổng chính sách, nhưng đồng thời cũng là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, trợ cấp ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì chỉ được hưởng một chế độ có mức trợ cấp cao nhất.

4. Người học nghề thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 nêu trên không có điều kiện học nghề theo Quy định này thì được ưu tiên học nghề theo chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.

5. Đối tượng quy định tại Điều 1 nêu trên khi học ở mỗi cấp trình độ nghề thì chỉ được hưởng một lần các chính sách tại Điều 3 Quy định này.

Chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề nội trú được điều chỉnh tương ứng khi Nhà nước điều chỉnh chính sách học bổng và các chế độ ưu đãi khác cho học sinh trường phổ thông trung học dân tộc nội trú.

Điều 4. Đối với cơ sở dạy nghề.

Trường và các trung tâm dạy nghề có đủ điều kiện dạy nghề nội trú và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ dạy nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 1 thì được cấp kinh phí thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh học nghề và kinh phí dạy nghề, cụ thể:

- Kinh phí dạy nghề: theo định mức do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hằng năm;

- Được vận dụng các chính sách khác theo quy định hiện hành cho học sinh học nghề ở nội trú tại cơ sở dạy nghề;

- Cơ sở vật chất trang thiết bị đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

Điều 5. Chương trình dạy nghề.

1. Chương trình dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú có thời gian đào tạo từ 3 (ba) tháng trở lên, được xây dựng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Mỗi cơ sở dạy nghề tùy theo yêu cầu về lao động chuyên môn kỹ thuật xác định cụ thể các nhóm nghề cần đào tạo và tuyển người học nghề cho phù hợp.

3. Việc theo dõi quản lý quá trình dạy và học nghề, quản lý chất lượng đào tạo, kiểm tra và cấp bằng, chứng chỉ nghề được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Phương pháp tiến hành.

1. Dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú thuộc loại hình dạy nghề chính quy tập trung, người học nghề được ở nội trú tại các cơ sở dạy nghề của tỉnh trong suốt thời gian khoá học và được hưởng các chế độ theo Quy định này.

2. Tuyển sinh học nghề, nghề đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú được thực hiện theo chỉ tiêu hằng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, chỉ tiêu tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số nằm trong chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh hằng năm của các cơ sở dạy nghề.

3. Cơ sở được lựa chọn, giao nhiệm vụ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú là cơ sở dạy nghề công lập, có chỗ ở nội trú, bếp ăn tập thể và công trình phục vụ học tập, sinh hoạt trong quá trình dạy nghề; có trang thiết bị, chương trình đào tạo và đội ngũ giáo viên dạy nghề bảo đảm chất lượng.

Điều 7. Nguồn, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí.

- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với người học nghề quy định tại Điều 3 và cơ sở dạy nghề quy định tại Điều 4 do ngân sách tỉnh đảm nhận từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề được giao hằng năm và đóng góp của các tổ chức khác;

- Kinh phí thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú được quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của sở, ban, ngành.

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Xây dựng kế hoạch tuyển mới dạy nghề học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú hằng năm;

b) Giao nhiệm vụ cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú;

c) Tổ chức xét tuyển dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo đúng quy định;

d) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra quá trình đào tạo nghề bảo đảm quy định hiện hành;

e) Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề và việc vận dụng các chế độ chính sách liên quan khác đối với người học nghề, cơ sở dạy nghề; bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế từng nghề, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương;

b) Bảo đảm cấp phát kinh phí theo dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện;

c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra giám sát, quản lý quá trình tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú tại các cơ sở dạy nghề theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

3. Các cơ sở dạy nghề:

a) Tổ chức thực hiện dạy nghề cho các đối tượng phải đúng theo Quy định này;

b) Thành lập hội đồng xét tuyển dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú;

c) Lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú; đồng thời quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được giao theo chế độ quy định;

d) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lý cấp trên theo chức năng quy định.

Điều 9. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan căn cứ nhiệm vụ quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thi hành Quy định này.

Trong quá trình thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời phản ảnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 170/2008/QĐ-UBND quy định thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 170/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/06/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản