Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1567/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 22 tháng 8 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN KIẾN NGHỊ ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC: ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ, THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH BẠC LIÊU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tờ trình số 541/TTr-SGTVT ngày 09 tháng 8 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa 04 (bốn) thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đường bộ, Đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của tỉnh Bạc Liêu (kèm Phụ lục).

Điều 2. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Phương án kiến nghị đơn giản hóa TTHC đã được thông qua tại Quyết định này, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2019, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, báo cáo kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục KSTTHC-VPCP (để b/c);
- Bộ GTVT (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KSTTHC(MN).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Phương Nam

 

PHƯƠNG ÁN

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu)

1. Thủ tục: Cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (BGTVT-BLI-285580)

1.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Về thành phần hồ sơ:

Bỏ thành phần hồ sơ “01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng”.

Lý do: Vì trong Phụ lục IV, có yêu cầu nộp 02 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm, chụp trong thời gian không quá 06 tháng, 01 ảnh được dán vào Giấy chứng nhận, 01 ảnh dán vào hồ sơ lưu. Do đó trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp thêm 01 ảnh là dư thừa, không cần thiết.

b) Về mẫu đơn, tờ khai:

Bỏ nội dung gửi kèm:

- 01 bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;

- 01 bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Lý do: Trong thành hồ sơ đã có yêu cầu nộp “Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, không bắt buộc phải nộp bản sao có chứng thực, do đó, nội dung quy định trong mẫu đơn nêu trên có sự mâu thuẫn với quy định của thành phần hồ sơ.

c) Về yêu cầu điều kiện TTHC:

Sửa đổi nội dung “Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe” thành “Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và đạt trong kỳ sát hạch”.

Lý do: Để thủ tục đầy đủ và rõ ràng thông tin hơn, đồng thời, đây là yêu cầu, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, không thể dùng cụm từ “và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe” trong yêu cầu, điều kiện nêu trên.

1.2. Kiến nghị thực thi

- Bãi bỏ Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 65/2016/NĐ ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

- Sửa đổi Phụ lục IV, ban hành kèm theo Nghị định số 138/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

- Sửa đổi Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 138/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 62.799.660 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 58.876.290 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 3.923.370 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 6,25%.

2. Thủ tục: Cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (BGTVT-BLI-285752)

2.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Về thành phần hồ sơ:

Bỏ nội dung thành phần hồ sơ “01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng”.

Lý do: Vì trong Phụ lục IV, có yêu cầu nộp 02 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm, chụp trong thời gian không quá 06 tháng, 01 ảnh được dán vào Giấy chứng nhận, 01 ảnh dán vào hồ sơ lưu. Do đó trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp thêm 01 ảnh là dư thừa, không cần thiết.

b) Về mẫu đơn, tờ khai:

Bỏ nội dung gửi kèm:

- 01 bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;

- 01 bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Lý do: Vì trong Thủ tục cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đã có yêu cầu nộp và đã có trong hồ sơ lưu, do đó đối với thủ tục cấp lại không cần thiết phải yêu cầu nộp lại.

2.2. Kiến nghị thực thi

- Bãi bỏ Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 65/2016/NĐ ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

- Sửa đổi Phụ lục IV, ban hành kèm theo Nghị định số 138/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 11.954.200 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 9.143.800 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 2.810.400 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 23,51 %.

3. Thủ tục: Chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa (BGTVT-BLI-284991)

3.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Về thành phần hồ sơ:

Chỉnh sửa yêu cầu đối với hồ sơ “Bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến”.

Lý do: Nội dung yêu cầu của hồ sơ “Bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến” được quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa, cụ thể đối với trường hợp bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến phải thể hiện như sau: “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình với hệ tọa độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc gia” trong hồ sơ cho ý kiến dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, do Sở Giao thông vận tải không có phần mềm hỗ trợ kiểm tra, xử lý bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến gắn với mốc cao độ, tọa độ quốc gia nên người dân phải tốn chi phí để thuê đơn vị tư vấn đo vẽ. Mặt khác, khi nhận được văn bản xin lấy ý kiến của Sở Giao thông vận tải đối với bến thủy trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia theo quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; Chi Cục Đường thủy nội địa có thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp kiểm tra thực địa để xác định vị trí và ảnh hưởng của bến đối với luồng và phạm vi bảo vệ các công trình khác ở khu vực xây dựng bến. Do đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa, cụ thể đối với trường hợp bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến: “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình với hệ tọa độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc giaˮ thành “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình” trong hồ sơ cho ý kiến dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa để giảm bớt chi phí cho tổ chức, cá nhân khi tham gia thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa.

3.2. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi Khoản 2, Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa.

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 145.252.500 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 86.261.400 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 58.991.100 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 40,61 %.

4. Thủ tục: Cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (BGTVT-BLI- 284992)

4.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Về thành phần hồ sơ:

Chỉnh sửa yêu cầu đối với hồ sơ “Sơ đồ vùng nước trước bến và luồng vào bến (nếu có) do chủ bến lập”.

Lý do: Nội dung yêu cầu của hồ sơ “Sơ đồ vùng nước trước bến và luồng vào bến (nếu có) do chủ bến lập” được quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa, cụ thể đối với trường hợp bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến phải thể hiện như sau: “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình với hệ tọa độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc gia” trong hồ sơ cho ý kiến dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, do Sở Giao thông vận tải không có phần mềm hỗ trợ kiểm tra, xử lý Sơ đồ vùng nước trước bến và luồng vào bến gắn với mốc cao độ, tọa độ quốc gia nên người dân phải tốn chi phí để thuê đơn vị tư vấn đo vẽ. Mặt khác, khi nhận được văn bản xin lấy ý kiến của Sở Giao thông vận tải đối với bến thủy trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia theo quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; Chi Cục Đường thủy nội địa có thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp kiểm tra thực địa để xác định vị trí và ảnh hưởng của bến đối với luồng và phạm vi bảo vệ các công trình khác ở khu vực xây dựng bến. Do đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa, cụ thể đối với trường hợp bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến: “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình với hệ tọa độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc gia” thành “Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản vẽ tỷ lệ thể hiện vị trí công trình” trong hồ sơ cho ý kiến dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa để giảm bớt chi phí cho tổ chức, cá nhân khi tham gia thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

4.2. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi Khoản 2, Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa.

4.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 218.401.500 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 158.401.500 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 60.000.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 27,47 %./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1567/QĐ-UBND năm 2019 thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Đường bộ, Đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 1567/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/08/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Vương Phương Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản