Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1294/QĐ-KTNN | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2016 |
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 28 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 70/QĐ-KTNN ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước và Quyết định số 1000/QĐ-KTNN ngày 05 tháng 6 năm 2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 70/QĐ-KTNN ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
VỀ BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, TỪ CHỨC VÀ MIỄN NHIỆM CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1294/QĐ-KTNN ngày 25/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về nguyên tắc, thời hạn, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự và thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm đối với công chức, viên chức (sau đây gọi chung là công chức) lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Nguyên tắc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo
1. Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi tắt là Ban Cán sự đảng) và Tổng Kiểm toán nhà nước thống nhất lãnh đạo công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo theo quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng.
2. Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu đơn vị; công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm phải đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
3. Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo phải tuân thủ đúng thẩm quyền và quy trình quy định.
4. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
5. Người quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quyết định phải chịu trách nhiệm về quyết định hoặc đề nghị của mình đối với công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo.
Điều 3. Quy định về tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm
1. Hội nghị chỉ được tiến hành khi có tối thiểu 2/3 công chức thuộc thành phần tham gia dự họp có mặt. Công chức thuộc thành phần tham gia dự họp vắng mặt thì không được phép uỷ quyền cho người khác dự họp thay, trừ trường hợp cấp trưởng các tổ chức đoàn thể vắng mặt thì uỷ quyền cho 01 cấp phó tham dự và cấp trưởng chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nội dung đã uỷ quyền.
2. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì các hội nghị của đơn vị, trường hợp đơn vị chưa có thủ trưởng đơn vị, thì cấp phó được giao quyền hoặc giao phụ trách chủ trì tổ chức hội nghị (trừ các trường hợp thực hiện quy trình đối với thủ trưởng đơn vị thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với lãnh đạo và cấp ủy đơn vị chủ trì hội nghị).
Trước khi vào hội nghị, chủ trì hội nghị chỉ định một trong số các thành viên tham gia dự họp làm thư ký của Hội nghị.
3. Nội dung, kết quả hội nghị phải được lập thành biên bản.
Điều 4. Quy định về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm
1. Trường hợp một người tham gia nhiều vị trí thuộc thành phần tham gia dự họp thì khi bỏ phiếu tín nhiệm chỉ bỏ 01 (một) phiếu.
2. Khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo hình thức bỏ phiếu kín, phải thành lập Tổ Kiểm phiếu. Tổ Kiểm phiếu do người chủ trì đề xuất và phải được hội nghị thông qua (theo hình thức biểu quyết).
3. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được lập thành biên bản và được công bố công khai tại hội nghị.
4. Trường hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với nhân sự đạt tỷ lệ phiếu trên 50% trong tổng số thành viên tham gia dự họp ghi phiếu đồng ý thì tiến hành các trình tự, thủ tục tiếp theo của quy trình. Nếu đạt tỷ lệ phiếu từ 50% trở xuống, thì thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét, quyết định.
Điều 5. Đánh giá công chức trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
1. Nội dung đánh giá
a) Đánh giá năng lực thông qua mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: Thể hiện ở khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả công việc theo từng vị trí; tinh thần trách nhiệm trong công tác.
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:
- Nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của đơn vị.
- Việc giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.
- Tinh thần học tập, nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần tự phê bình và phê bình.
- Đoàn kết, quan hệ trong công tác; khả năng điều hành quản lý, tập hợp và quy tụ quần chúng.
c) Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo.
d) Chiều hướng và triển vọng phát triển.
2. Quy trình đánh giá
a) Việc đánh giá công chức trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được thực hiện đồng thời với việc triển khai quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo quy định tại Mục 1, 2, 3 Chương II và Chương III Quy định này.
b) Ngoài việc đánh giá trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, việc đánh giá đối với công chức lãnh đạo định kỳ hàng năm được thực hiện theo quy định hiện hành.
1. Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán nhà nước là 05 năm, tính từ ngày quyết định có hiệu lực. Nếu thời hạn giữ một chức vụ cụ thể chưa đủ 05 năm mà công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ mới, thì thời hạn giữ chức vụ mới được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ mới.
2. Thời gian công chức giữ chức vụ lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách hoặc giao quyền của một vị trí chức vụ thì không tính vào thời hạn bổ nhiệm.
3. Những công chức được bổ nhiệm, trước đây trong quyết định bổ nhiệm chưa quy định thời hạn bổ nhiệm, thì thời hạn bổ nhiệm được tính từ ngày quyết định đó có hiệu lực.
1. Đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tiêu chuẩn của từng chức danh bổ nhiệm.
- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
- Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm
- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Các tiêu chuẩn có quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.
2. Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản theo quy định.
3. Tuổi bổ nhiệm:
a) Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp đặc biệt, tập thể Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước bàn, thống nhất và Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
b) Trường hợp công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng do nhu cầu công tác được giao giữ chức vụ mới tương đương thì không tính tuổi bổ nhiệm lần đầu như quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này.
c) Trường hợp công chức đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng sau một thời gian công tác nếu được xem xét để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý thì điều kiện về tuổi bổ nhiệm thực hiện như bổ nhiệm lần đầu.
4. Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
5. Công chức được giới thiệu để xem xét bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý phải có trong quy hoạch chức danh bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt, do nhu cầu công tác cán bộ, công chức không thuộc diện quy hoạch nhưng có trình độ, năng lực chuyên môn; kinh nghiệm thực tiễn; phẩm chất đạo đức tốt; được tín nhiệm cao trong đơn vị và sức khoẻ đảm bảo, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
6. Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, khi xem xét, lựa chọn giới thiệu nhân sự, ưu tiên xem xét bổ nhiệm đối với công chức có nhiều thành tích đóng góp đối với ngành và đơn vị.
7. Không xem xét bổ nhiệm công chức vào chức vụ lãnh đạo, quản lý các trường hợp sau:
a) Đang trong thời hạn thi hành kỷ luật đảng hoặc chính quyền từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
b) Đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Mục 1. ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM PHÓ TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 8. Trình tự, thủ tục đề nghị bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Trình tự, thủ tục đề nghị bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện theo các quy chế, quy định về quản lý cán bộ, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Mục 2. BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP VỤ
1. Tập thể lãnh đạo đơn vị chủ trì họp thống nhất xin chủ trương gửi Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, sau khi có chủ trương đồng ý của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ, đơn vị thực hiện các bước sau:
1.1. Bước 1: Đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm
a) Căn cứ nhu cầu bổ sung công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ; thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ của đơn vị bằng hình thức bỏ phiếu kín và có thể giới thiệu dưới dạng mở (01 vị trí giới thiệu từ 01 đến 03 người). Thành phần: Tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị.
Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu nhân sự tại hội nghị, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ trình gồm:
- Tờ trình xin phê duyệt chủ trương và danh sách nhân sự giới thiệu bổ nhiệm;
- Lý lịch trích ngang của công chức được giới thiệu bổ nhiệm;
- Biên bản giới thiệu nhân sự bổ nhiệm; biên bản họp lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất thông qua danh sách giới thiệu nhân sự bổ nhiệm.
Trường hợp đơn vị chưa có thủ trưởng đơn vị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thực hiện đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm.
b) Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng phê duyệt chủ trương và nhân sự cụ thể để triển khai thực hiện. Căn cứ thông báo phê duyệt của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với thủ trưởng đơn vị để triển khai thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm.
1.2. Bước 2: Tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị lấy phiếu tín nhiệm.
a) Đối với trường hợp bổ nhiệm là Vụ trưởng và tương đương, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chủ trì hội nghị. Đối với trường hợp bổ nhiệm là Phó Vụ trưởng và tương đương, thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị và mời đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ tham dự. Thành phần gồm: Toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị (trừ người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
b) Nội dung hội nghị:
- Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ thông báo ý kiến của Ban Cán sự đảng về chủ trương và nhân sự giới thiệu bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ của đơn vị.
- Thủ trưởng đơn vị tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.
- Công chức và người lao động thuộc đơn vị tham gia ý kiến đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.
- Công chức được giới thiệu bổ nhiệm trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và giải thích những ý kiến tham gia tại hội nghị (nếu có).
- Thủ trưởng đơn vị xem xét, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có).
- Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm bằng phiếu kín (phiếu do Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị); tổng hợp và lập biên bản kiểm phiếu.
1.3. Bước 3: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với trường hợp bổ nhiệm là Vụ trưởng và tương đương, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chủ trì hội nghị. Đối với trường hợp bổ nhiệm là Phó Vụ trưởng và tương đương, thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị và đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ tham dự. Thành phần gồm: lãnh đạo đơn vị, cấp uỷ đơn vị, lãnh đạo cấp phòng, trưởng các đoàn thể thuộc đơn vị.
Nội dung hội nghị:
- Thông báo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị đối với công chức được giới thiệu bổ nhiệm.
- Cán bộ chủ chốt thuộc đơn vị tham gia ý kiến đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.
- Công chức được giới thiệu bổ nhiệm trình bày bổ sung ý kiến và giải thích những ý kiến tham gia tại hội nghị (nếu có).
- Thủ trưởng đơn vị xem xét, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có).
- Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm bằng phiếu kín (phiếu do Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị), tổng hợp và lập biên bản kiểm phiếu.
Các trường hợp có tỷ lệ phiếu giới thiệu trên 50% trong tổng số thành viên tham gia dự họp ghi phiếu đồng ý thì thủ trưởng đơn vị cử công chức làm việc với cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú của công chức được giới thiệu bổ nhiệm để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản đối với bản thân và gia đình công chức; đề nghị cấp uỷ đơn vị nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm bằng văn bản gửi thủ trưởng đơn vị; hướng dẫn công chức thực hiện việc kê khai tài sản (theo mẫu).
1.4. Bước 4: Thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm ở cấp lãnh đạo đơn vị
Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức họp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị để thông báo kết quả lấy phiếu tín nhiệm; ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ đơn vị; ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức. Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy thống nhất thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm, lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:
- Tờ trình đề nghị;
- Trích ngang lý lịch nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức;
- Bản kê khai tài sản;
- Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú;
- Nhận xét, đánh giá của cấp ủy đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Biên bản họp lấy phiếu tín nhiệm; Biên bản kiểm phiếu; Biên bản họp thống nhất thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm ở cấp đơn vị.
2. Lấy ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước
Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.
Riêng đối với chức danh Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Quyết định bổ nhiệm
Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình bổ nhiệm để báo cáo Ban Cán sự đảng. Khi có văn bản đồng ý của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
1. Bước 1: Đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự điều động và bổ nhiệm
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch công chức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ của các đơn vị trực thuộc (dự kiến phân công nhiệm vụ và phương án nhân sự) trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng phê duyệt để triển khai thực hiện.
2. Bước 2: Căn cứ phê duyệt của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành các thủ tục:
a) Làm việc với thủ trưởng đơn vị nơi công chức đang công tác và nơi dự kiến điều động đến để thông báo chủ trương của Ban Cán sự đảng về nhu cầu, nhân sự điều động và bổ nhiệm; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị nơi đang công tác đối với công chức được giới thiệu điều động và bổ nhiệm; trao đổi với công chức được giới thiệu điều động và bổ nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
b) Hướng dẫn công chức thực hiện kê khai tài sản; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ cơ sở nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức.
3. Bước 3: Lấy ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước
Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đối với nhân sự được giới thiệu điều động và bổ nhiệm.
Riêng đối với chức danh Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Bước 4: Quyết định điều động và bổ nhiệm
a) Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình điều động và bổ nhiệm để báo cáo Ban Cán sự đảng. Khi có văn bản đồng ý của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
b) Đối với việc điều động công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ và bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương thì không thực hiện các trình tự, thủ tục quy định tại điểm b Khoản 2, Khoản 3, điểm a Khoản 4 Điều này (trường hợp bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán thì vẫn thực hiện thủ tục lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Trên cơ sở kết quả thực hiện các trình tự, thủ tục quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định điều động công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
1. Bước 1: Đề xuất chủ trương, nhân sự tiếp nhận và bổ nhiệm
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và nhu cầu, năng lực của người xin chuyển công tác về Kiểm toán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất chủ trương, nhân sự dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng phê duyệt để triển khai thực hiện.
2. Bước 2: Căn cứ phê duyệt của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành các thủ tục:
a) Trao đổi ý kiến với cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị nơi dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ để thông báo chủ trương của Ban Cán sự đảng về nhân sự dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm.
b) Làm việc với cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu tiếp nhận và bổ nhiệm; xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cấp ủy đơn vị và thủ trưởng đơn vị nơi công chức đang công tác.
c) Trao đổi với cán bộ, công chức được giới thiệu về yêu cầu, nhiệm vụ công tác và các thông tin có liên quan; hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ, kê khai tài sản và lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú với bản thân và gia đình cán bộ, công chức.
d) Đối với chức danh Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
đ) Tổng hợp kết quả làm việc, kết quả xác minh lý lịch và các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cán bộ, công chức báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
3. Bước 3: Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm
a) Các trường hợp thực hiện hoàn thành thủ tục, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình tiếp nhận và bổ nhiệm để báo cáo Ban Cán sự đảng. Khi có văn bản đồng ý của Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Tổng Kiểm toán nhà nước văn bản đồng ý tiếp nhận gửi cơ quan có thẩm quyền đang quản lý cán bộ, công chức.
b) Sau khi có văn bản của cơ quan đang quản lý cán bộ, công chức đồng ý cho điều chuyển công tác, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
Mục 3. BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP PHÒNG
1. Bước 1: Đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm
a) Căn cứ nhu cầu bổ sung công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng; thủ trưởng đơn vị chủ trì họp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị đề xuất chủ trương và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng của đơn vị bằng hình thức bỏ phiếu kín và có thể giới thiệu dưới dạng mở (01 vị trí giới thiệu từ 01 đến 03 người).
Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu nhân sự tại hội nghị, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất về chủ trương và danh sách nhân sự giới thiệu bổ nhiệm, lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ trình gồm:
- Tờ trình xin phê duyệt chủ trương và danh sách nhân sự giới thiệu bổ nhiệm;
- Lý lịch trích ngang của công chức được giới thiệu bổ nhiệm;
- Biên bản giới thiệu nhân sự bổ nhiệm; biên bản họp lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất thông qua danh sách giới thiệu nhân sự bổ nhiệm.
b) Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt chủ trương và nhân sự bổ nhiệm trên cơ sở số lượng, cơ cấu bộ máy toàn ngành đã được phê duyệt. Trường hợp đề án xây dựng bộ máy, biên chế được duyệt chưa quy định cụ thể thì Ban Cán sự đảng phê duyệt số lượng, cơ cấu từng phòng trước khi bổ nhiệm.
Căn cứ thông báo phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với thủ trưởng đơn vị để triển khai thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm.
2. Bước 2: Tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng lấy phiếu tín nhiệm.
a) Lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng, mời đại diện Vụ Tổ chức cán bộ tham dự. Thành phần gồm: Đại diện Lãnh đạo đơn vị; toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng công chức công tác (trừ người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
b) Nội dung hội nghị: Thực hiện như quy định tại điểm b, khoản 1.2, Điều 9 của Quy định này.
3. Bước 3: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị lấy phiếu tín nhiệm. Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị và đại diện Vụ Tổ chức cán bộ tham dự. Thành phần và nội dung hội nghị: thực hiện như quy định tại khoản 1.3 Điều 9 của Quy định này.
4. Bước 4: Thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm ở cấp lãnh đạo đơn vị:
Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức họp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị để thông báo kết quả lấy phiếu tín nhiệm; ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ đơn vị; ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức. Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy thống nhất thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm, lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:
- Tờ trình đề nghị bổ nhiệm;
- Trích ngang lý lịch nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức;
- Bản kê khai tài sản;
- Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú;
- Nhận xét, đánh giá của cấp ủy đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
- Biên bản họp lấy phiếu tín nhiệm; Biên bản kiểm phiếu; Biên bản họp thống nhất thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm ở cấp đơn vị.
5. Bước 5: Quyết định bổ nhiệm
Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện quy trình để Tổng Kiểm toán nhà nước ký quyết định bổ nhiệm.
Riêng đối với chức danh Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi ký quyết định bổ nhiệm.
1. Bước 1: Đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự điều động và bổ nhiệm
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch công chức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng của các đơn vị trực thuộc (dự kiến phân công nhiệm vụ và phương án nhân sự) trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt chủ trương điều động và bổ nhiệm trên cơ sở số lượng, cơ cấu bộ máy toàn ngành đã được phê duyệt. Trường hợp đề án xây dựng bộ máy, biên chế được duyệt chưa quy định cụ thể thì Ban Cán sự đảng phê duyệt số lượng, cơ cấu từng phòng trước khi bổ nhiệm.
2. Bước 2: Căn cứ phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành các thủ tục:
a) Làm việc với thủ trưởng đơn vị nơi công chức đang công tác và nơi dự kiến điều động đến để thông báo ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước về nhu cầu, nhân sự điều động và bổ nhiệm; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị nơi đang công tác đối với công chức được giới thiệu điều động và bổ nhiệm; trao đổi với công chức được giới thiệu điều động và bổ nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ.
b) Hướng dẫn công chức thực hiện lập hồ sơ, kê khai tài sản; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ cơ sở nơi cư trú (nếu là đảng viên) hoặc của chính quyền địa phương nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức.
3. Bước 3: Quyết định điều động và bổ nhiệm
a) Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
b) Đối với việc điều động công chức lãnh đạo cấp phòng và bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương thì không thực hiện các trình tự, thủ tục quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này. Trên cơ sở kết quả thực hiện các trình tự, thủ tục quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
c) Riêng đối với chức danh Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi ký quyết định bổ nhiệm.
1. Bước 1: Đề xuất chủ trương, nhân sự tiếp nhận và bổ nhiệm
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và nhu cầu, năng lực của người xin chuyển công tác về Kiểm toán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất chủ trương, nhân sự dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt chủ trương nhân sự tiếp nhận và bổ nhiệm trên cơ sở số lượng, cơ cấu bộ máy toàn ngành đã được phê duyệt. Trường hợp đề án xây dựng bộ máy, biên chế được duyệt chưa quy định cụ thể thì Ban Cán sự đảng phê duyệt số lượng, cơ cấu từng phòng trước khi bổ nhiệm.
2. Bước 2: Căn cứ phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành các thủ tục:
a) Trao đổi ý kiến với cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị nơi dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng để thông báo chủ trương của Tổng Kiểm toán nhà nước về nhân sự dự kiến tiếp nhận và bổ nhiệm.
b) Làm việc với cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu tiếp nhận và bổ nhiệm; xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cấp ủy đơn vị (nếu là đảng viên) và thủ trưởng đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác.
c) Trao đổi với cán bộ, công chức được giới thiệu về yêu cầu nhiệm vụ công tác và các thông tin có liên quan; hướng dẫn thực hiện kê khai tài sản và lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ cơ sở nơi cư trú (nếu là đảng viên) hoặc của chính quyền địa phương nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức.
d) Tổng hợp kết quả làm việc, kết quả xác minh lý lịch và các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cán bộ, công chức báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.
3. Bước 3: Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm
a) Căn cứ ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thừa lệnh Tổng Kiểm toán nhà nước ký văn bản đồng ý tiếp nhận gửi cơ quan có thẩm quyền đang quản lý cán bộ, công chức.
b) Sau khi có văn bản của cơ quan đang quản lý cán bộ, công chức đồng ý cho điều chuyển công tác, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
Riêng đối với chức danh Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lấy ý kiến hiệp y về nhân sự bổ nhiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi ký quyết định bổ nhiệm.
Điều 15. Nguyên tắc bổ nhiệm lại
1. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm đều phải tiến hành xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
2. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn từ đủ 02 (hai) năm đến dưới 05 (năm) năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 (hai) năm công tác, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng được yêu cầu công việc thì Tổng Kiểm toán nhà nước:
- Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định đối với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định đối với lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng;
3. Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại. Quyết định bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc Quyết định về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
4. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại thì Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc thủ trưởng đơn vị trực thuộc bố trí, phân công công tác khác phù hợp với năng lực, sở trường theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức.
Điều 16. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại
1. Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
2. Đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại, đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới.
3. Cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
4. Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
5. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
6. Công chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt trên 50% số người tham dự hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đồng ý.
Điều 17. Trình tự, thủ tục đề nghị bổ nhiệm lại Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Trình tự, thủ tục đề nghị bổ nhiệm lại Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện theo các quy chế, quy định về quản lý cán bộ, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
1. Phê duyệt chủ trương bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng
a) Quý III hàng năm, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc lập danh sách công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng của đơn vị đến thời hạn bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ trong năm kế tiếp báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Trường hợp các đơn vị trực thuộc làm chậm thì Vụ Tổ chức cán bộ phải đôn đốc.
b) Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, tham mưu:
- Trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng phê duyệt chủ trương bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ;
- Trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt chủ trương bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
c) Căn cứ phê duyệt của Ban Cán sự đảng về chủ trương bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ; phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước về chủ trương bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, thủ trưởng đơn vị phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ theo quy định.
Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải hoàn thành bản tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong thời gian giữ chức vụ gửi thủ trưởng đơn vị để thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ.
2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ
a) Bước 1: Tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị lấy phiếu tín nhiệm
Đối với trường hợp bổ nhiệm lại là Vụ trưởng và tương đương, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chủ trì hội nghị. Đối với trường hợp bổ nhiệm lại là Phó vụ trưởng và tương đương, thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị và mời đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ tham dự. Thành phần gồm: toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị (trừ người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
Nội dung hội nghị:
- Thông báo chủ trương về việc bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ;
- Công chức được đề nghị bổ nhiệm lại tự nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, những ưu, khuyết điểm và tồn tại, hạn chế trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Đại diện lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Công chức và người lao động thuộc đơn vị nhận xét, tham gia ý kiến đối với công chức được đề nghị bổ nhiệm lại;
- Công chức đề nghị bổ nhiệm lại trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm lại và giải thích những ý kiến tham gia tại hội nghị (nếu có);
- Thủ trưởng đơn vị xem xét, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có);
- Lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín (phiếu do Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị); tổng hợp kết quả và lập biên bản kiểm phiếu.
b) Bước 2: Thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại ở cấp đơn vị
Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức họp tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy đơn vị để thông báo kết quả lấy phiếu tín nhiệm; ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ đơn vị đối với công chức đề nghị bổ nhiệm lại; ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú đối với bản thân và gia đình công chức. Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy thống nhất đề nghị bổ nhiệm lại. Thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại gồm:
- Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại;
- Trích ngang lý lịch nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức;
- Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú;
- Nhận xét, đánh giá của cấp ủy đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo đơn vị đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại;
- Biên bản họp lấy phiếu tín nhiệm; Biên bản kiểm phiếu; Biên bản họp thống nhất thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại ở cấp đơn vị.
c) Bước 3: Lấy ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước
Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm lại.
d) Bước 4: Quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại
Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình bổ nhiệm lại. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
Đối với các trường hợp đơn vị đề nghị không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ; trường hợp thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đạt tỷ lệ phiếu 50% trở xuống hoặc có vấn đề mới phát sinh, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp trình Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
3. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng
a) Bước 1: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị và toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng lấy phiếu tín nhiệm.
- Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Thành phần gồm: cán bộ chủ chốt của đơn vị và toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng (trừ người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
- Nội dung hội nghị: thực hiện như quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này.
b) Bước 2: Thông qua nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại ở cấp đơn vị: thực hiện như quy định tại điểm b, khoản 2 của Điều này.
c) Bước 3: Quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại
Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả để Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
4. Trình tự, thủ tục kéo dài thời gian giữ chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng
a) Bước 1: Lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ đơn vị nhận xét, đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và các vấn đề có liên quan (nếu có) đối với công chức. Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy thống nhất thông qua đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, lập hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ trình gồm:
- Tờ trình về việc đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ;
- Bản tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ;
- Nhận xét, đánh giá của cấp ủy đơn vị đối với nhân sự đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo đơn vị đối với nhân sự đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ;
- Biên bản họp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ.
b) Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ được giới thiệu kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo.
c) Bước 3: Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ hoặc không kéo dài thời gian giữ chức vụ
Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả để Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ hoặc không kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng.
5. Đối với công chức đang học tập tại nước ngoài đến thời hạn bổ nhiệm lại
Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp ủy thống nhất thông qua đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm công chức kết thúc thời gian học tập. Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ hoặc không kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.
Điều 19. Đề nghị từ chức, miễn nhiệm đối với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Trình tự, thủ tục đề nghị từ chức, miễn nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện theo các quy chế, quy định về quản lý cán bộ, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Điều 20. Từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng
1. Việc từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý;
b) Công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao;
c) Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình;
d) Công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
2. Trình tự, thủ tục cho từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý
a) Bước 1: Công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng có nguyện vọng xin từ chức làm đơn gửi thủ trưởng đơn vị và Tổng Kiểm toán nhà nước.
b) Bước 2:
- Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ: Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ, tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng xem xét, phê duyệt chủ trương chấp nhận từ chức hoặc không chấp nhận từ chức.
- Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng: Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt chấp nhận từ chức hoặc không chấp nhận từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
c) Bước 3: Quyết định cho từ chức lãnh đạo, quản lý:
Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định cho từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp Phòng.
3. Trong thời gian đơn xin từ chức chưa được chấp thuận, công chức lãnh đạo, quản lý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
4. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do từ chức được thủ trưởng đơn vị bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và trình độ, năng lực của công chức hoặc giải quyết tùy từng trường hợp cụ thể.
5. Công chức không được từ chức trong các trường hợp đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điều 21. Miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng
1. Việc miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Được Tổng Kiểm toán nhà nước điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
b) Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
c) Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
d) Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
2. Trường hợp công chức được Tổng Kiểm toán nhà nước điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì đương nhiên miễn nhiệm chức vụ cũ mà không phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý đang công tác tại đơn vị
a) Bước 1: Căn cứ các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều này, tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất đề xuất việc miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng thuộc đơn vị. Thủ trưởng đơn vị báo cáo bằng văn bản trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
Trường hợp đề xuất miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo cấp Vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thực hiện trình Tổng Kiểm toán nhà nước.
b) Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ:
- Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ: Tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng xem xét, phê duyệt miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
- Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng: Trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
c) Bước 3: Căn cứ phê duyệt của Ban Cán sự đảng về chủ trương miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước về chủ trương miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, thủ trưởng đơn vị tổ chức họp tập thể lãnh đạo và cấp uỷ đơn vị thống nhất thông qua miễn nhiệm chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý theo hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp xem xét miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì họp với tập thể lãnh đạo và cấp uỷ đơn vị.
Thủ trưởng đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ xem xét miễn nhiệm báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) gồm:
- Tờ trình về việc miễn nhiệm công chức (nêu rõ lý do miễn nhiệm);
- Hồ sơ liên quan đến miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý;
- Bản tóm tắt lý lịch của công chức;
- Bản tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ của công chức;
- Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị;
- Biên bản họp tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị; biên bản lấy phiếu đề nghị miễn nhiệm công chức.
d) Lấy ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đối với nhân sự miễn nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ.
đ) Bước 4: Quyết định miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý
Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện quy trình miễn nhiệm. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp Phòng.
Riêng đối với miễn nhiệm chức danh Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định miễn nhiệm và gửi văn bản thông báo về việc miễn nhiệm tới Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm đối với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước theo quy định của Đảng và Nhà nước.
2. Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước công bố quyết định bổ nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ. Thành phần tham gia, gồm: toàn thể công chức và người lao động của đơn vị hoặc công chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt của đơn vị.
3. Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với thủ trưởng đơn vị công bố quyết định bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý là Vụ trưởng và tương đương; quyết định miễn nhiệm, từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ. Thành phần tham gia, gồm: toàn thể công chức và người lao động của đơn vị hoặc công chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt của đơn vị.
4. Thủ trưởng đơn vị công bố quyết định bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, là Phó Vụ trưởng và tương đương; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và từ chức công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Thành phần tham gia, gồm: lãnh đạo đơn vị, đại diện cấp uỷ, công đoàn, đoàn thanh niên của đơn vị và toàn thể công chức và người lao động của phòng có công chức bổ nhiệm.
5. Thủ trưởng đơn vị có công chức lãnh đạo, quản lý nhận quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và từ chức chủ trì tổ chức công bố quyết định (chuẩn bị cơ sở vật chất; mời đại biểu dự; mời đại biểu cấp trên trực tiếp công bố quyết định…).
1. Tờ trình đề nghị (Mẫu 1)
2. Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức được giới thiệu bổ nhiệm (Mẫu 2)
3. Bản kê khai tài sản tính đến thời điểm bổ nhiệm (Mẫu 3)
4. Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ đảng nơi cư trú (Mẫu 4)
5. Phiếu tín nhiệm (Mẫu 5)
6. Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm (Mẫu 6)
7. Biên bản Hội nghị (Mẫu 7)
8. Bản lý lịch trích ngang công chức đề nghị bổ nhiệm (Mẫu 8)
Điều 24. Lưu trữ hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm
1. Hồ sơ, tài liệu liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm phải lưu trữ thành bộ hồ sơ do cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức cùng cấp lưu trữ, quản lý.
a) Hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ do Vụ Tổ chức cán bộ lưu trữ, quản lý.
b) Hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng do đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước lưu trữ, quản lý.
2. Hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được lưu trữ cùng hồ sơ của công chức theo phân cấp quản lý hồ sơ cán bộ, công chức.
Phiếu tín nhiệm bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với công chức được lưu trữ trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày có quyết định.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh chưa được quy định hoặc khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và định kỳ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước./.
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TTr- | ................, ngày ....... tháng ...... năm ....... |
Kính gửi: Tổng Kiểm toán Nhà nước
(qua Vụ Tổ chức cán bộ)
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
Nơi nhận: | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ(Ký tên, đóng dấu - nếu có) |
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
(của công chức, viên chức được giới thiệu bổ nhiệm)
Họ và tên: .......................................................................................................................
Chức vụ: ..........................................................................................................................
Đơn vị công tác: ...............................................................................................................
Ngạch công chức: ..............................................; bậc lương: .........................................
I. PHẦN NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc:
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
3. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
4. Tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
5. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ:
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
6. Thái độ phục vụ nhân dân
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
II. PHẦN TỰ NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
(Dành riêng cho công chức, viên chức lãnh đạo)
1. Kết quả hoạt động của tổ chức, đơn vị, bộ phận được giao lãnh đạo, quản lý
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
2. Năng lực lãnh đạo, quản lý
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
3. Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
III. KẾT QUẢ TỰ ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
- Tự nhận xét ưu, nhược điểm:…………………………………………………..
………………………………………………...................………………………………………
………………………………………………...................………………………………………
- Mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ:.............................................……
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
- Đánh giá chiều hướng và khả năng phát triển: ……………………………
………………………………………………...................………………………………………
………………………………………………...................………………………………………
| ..............., ngày tháng năm............ Người tự nhận xét |
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Người kê khai tài sản, thu nhập
- Họ và tên:…………………………………….Năm sinh:…………..…..
- Chức vụ/chức danh công tác:………………….........................………………………...
- Cơ quan/đơn vị công tác:…………………….........................………………………......
- Hộ khẩu thường trú:…………………………..........................…………………………..
- Chỗ ở hiện tại:………………………………..........................…………………………...
2. Vợ hoặc chồng của người kê khai tài sản, thu nhập
- Họ và tên:……………………………………….Năm sinh:…….……...
- Chức vụ/chức danh công tác:………………........................…………………………...
- Cơ quan/đơn vị công tác:…………………..........................……………………………
- Hộ khẩu thường trú:………………………...........................……………………………
- Chỗ ở hiện tại:………………………….............................………………………………
3. Con chưa thành niên (con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật)
a) Con thứ nhất:
- Họ và tên:…………………………………….............................…………………………
- Ngày, tháng, năm sinh:………………………………...……………………………
- Hộ khẩu thường trú:…………………............................…………………………………
- Chỗ ở hiện tại:………………………………………..……………………………………
b) Con thứ hai (trở lên): Kê khai như con thứ nhất.
II. THÔNG TIN MÔ TẢ VỀ TÀI SẢN
1. Nhà ở, công trình xây dựng:
a) Nhà ở:
- Nhà thứ nhất: ...............……………………………………..……………….…………….
+ Loại nhà:……………………………Cấp công trình…………………….…...…………
+ Diện tích xây dựng: ………………………….…………………….…………...…….....
+ Giá trị: …………………………………………………………………….………………
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu: …………………………….…………….……………
+ Thông tin khác (nếu có): ………………………………….……………………….……
- Nhà thứ hai (trở lên): Kê khai tương tự như nhà thứ nhất.
b) Công trình xây dựng khác:
- Công trình thứ nhất: ............................................................................................…..
+ Loại công trình …………….……Cấp công trình …………………………………..…
+ Diện tích: …………………………………………………………...……….……………
+ Giá trị: ………………………………………………………………………….…………
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu: …………………………………………….…………
+ Thông tin khác (nếu có): ……………………………….………………………………
- Công trình thứ hai (Trở lên): Kê khai tương tự như công trình thứ nhất.
2. Quyền sử dụng đất:
a) Đất ở:
- Mảnh thứ nhất: .........................................................................................................
+ Địa chỉ: ……………...……………………….……………………………………………
+ Diện tích: …………………...……………………………………….………………....…
+ Giá trị: ……………………………...………………………………………..………....…
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng: …………………..…………………………..………
+ Thông tin khác (nếu có): ………………………………...........................………..……
- Mảnh thứ 2: (Mô tả như mảnh thứ nhất).
b) Các loại đất khác:
- Mảnh thứ nhất: .........................................................................................................
+ Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………
+ Diện tích: ………………….…………………………………..………………….………
+ Giá trị: ……………………………...……………………………..…………….….…..…
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng: ………………………………..……………..………
+ Thông tin khác (nếu có): ……………………………………………...……….……..…
- Mảnh thứ hai: (Mô tả như mảnh thứ nhất).
3. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
4. Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tầu thủy, tầu bay, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
- Ô tô
- Mô tô
- Xe gắn máy
- Xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác)
- Tầu thủy
- Tầu bay
- Thuyền
- Những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký)
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
5. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
- Kim loại quý
- Đá quý
- Cổ phiếu
- Vốn góp vào các cơ sở kinh doanh
- Các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
6. Các loại tài sản khác mà giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên (như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ và các loại tài sản khác).
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
7. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài gồm tất cả tài sản quy định từ Khoản 1 đến Khoản 6 nói trên nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
8. Các khoản nợ gồm: các khoản phải trả, giá trị các tài sản quản lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
9. Tổng thu nhập trong năm quy đổi thành tiền Việt Nam gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác.
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
| ………… ngày……tháng……năm…… Người kê khai tài sản (Ký, ghi rõ họ tên) |
ĐẢNG BỘ:…………………… | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
……., ngày…… tháng…… năm 2013 |
Họ và tên đảng viên:.................................................Sinh hoạt tại đảng bộ (cơ sở)….......
...………………………………………..…..thuộc đảng bộ….......................................…......
Địa chỉ cơ quan: ……………………………………………………………..……..……. ......
Cư trú tại:………………………………………………………………..………………….......
Chi ủy chi bộ:……………………………………………..có nhận xét như sau:
1. Bản thân gia đình có tham gia sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân hay không?
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
2. Quan hệ của bản thân và gia đình đối với nhân dân nơi cư trú
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
Về đạo đức, lối sống thể hiện nơi cư trú
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
4. Bản thân và gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương :
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
5. Những vấn đề cần lưu ý (nếu có) :
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
Xác nhận của Đảng ủy phường (xã, thị trấn) | T/M BAN CHI ỦY (ký, ghi rõ họ tên) |
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| …………., ngày …… tháng …… năm …….. |
Đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm
(Tại hội nghị .........................)
Căn cứ nhu cầu công tác, phẩm chất đạo đức và năng lực công chức. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dự kiến bổ nhiệm ông (bà) có tên sau đây, giữ chức vụ ............................... thuộc Kiểm toán Nhà nước ...............................
Đề nghị đồng chí cho biết ý kiến của mình:
Nhân sự đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ:…………………………
TT | Họ và tên | Năm sinh | Chức vụ hiện tại | Đồng ý giới thiệu | Không đồng ý giới thiệu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(Đồng chí đồng ý hoặc không đồng ý thì đánh dấu X vào ô tương ứng)
Đề xuất giới thiệu nhân sự khác hoặc có ý kiến khác (nếu có):
(Không phải ký tên)
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| …………., ngày …… tháng …… năm …….. |
Kiểm phiếu lấy ý kiến đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm
(Tại hội nghị (2) .......................)
Hôm nay, vào hồi ………, ngày … tháng … năm …… tại trụ sở ............................................................... (địa chỉ: .........................), thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Kiểm Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, (1)………… phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức Hội nghị (2) ……….…….. để lấy ý kiến đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ (3) …………, như sau:
I. Thành phần tham dự Hội nghị (2) ……….
1. Tổng số công chức: ........... người, có mặt: ......... người; vắng có lý do .......... người; vắng không lý do: ........... người.
2. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ:
2.1. ............................................................................
2.2. ............................................................................
II. Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm
1. Danh sách nhân sự đưa ra lấy ý kiến giới thiệu, gồm:
TT | Họ và tên | Chức vụ hiện tại | Đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ |
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Thành phần Tổ kiểm phiếu, gồm:
2.1. ..............................................................., Vụ Tổ chức cán bộ - Tổ trưởng;
2.2. ............................................................................ – Tổ viên kiêm thư ký;
2.3. ........................................................................... – Tổ viên;
3. Kết quả lấy phiếu giới thiệu bổ nhiệm:
+ Số phiếu phát ra: ………. | Số phiếu thu về: …………… |
+ Số phiếu hợp lệ: ………… | Số phiếu không hợp lệ: ……….. |
3.1 Ông (bà): …………………………….
Trong đó:
+ Đồng ý giới thiệu: …………
+ Không đồng ý giới thiệu: …………..
Ông (bà) ……………………………………………: …./……. phiếu đồng ý giới thiệu, đạt tỷ lệ: ……… % (trên tổng số công chức, viên chức có mặt tham dự hội nghị), đạt tỷ lệ: ……… % (trên tổng số công chức, viên chức của đơn vị hoặc bộ phận).
3.2 Ông (bà): …………………………….
Trong đó:
+ Đồng ý giới thiệu: …………
+ Không đồng ý giới thiệu: …………..
Ông (bà)……………………………………………: …./……. phiếu đồng ý giới thiệu, đạt tỷ lệ: ……… % (trên tổng số công chức, viên chức có mặt tham dự hội nghị), đạt tỷ lệ: ……… % (trên tổng số công chức, viên chức của đơn vị hoặc bộ phận).
Biên bản được lập thành 02 bản: 01 bản lưu tại đơn vị, 01 bản lưu hồ sơ bổ nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ. Cuộc họp kết thúc vào hồi ……….. cùng ngày./.
TỔ KIỂM PHIẾU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
|
|
Ghi chú:
(1): Tên đơn vị thực hiện quy trình bổ nhiệm.
(2): Hội nghị toàn thể công chức, viên chức thuộc Phòng; Hội nghị toàn thể công chức, viên chức thuộc đơn vị; Hội nghị cán bộ chủ chốt.
(3): Ghi chức vụ dự kiến bổ nhiệm theo thông báo của Lãnh đạo KTNN, nếu nhiều chức vụ thì ghi “lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng”.
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| …………., ngày …… tháng …… năm …….. |
Hôm nay, vào hồi ………, ngày …… tháng … năm ……… tại trụ sở ............................................................... (địa chỉ: .........................), thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Kiểm Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, (1)………… phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức hội nghị ………………….. . Diễn biến hội nghị như sau:
I. Thành phần hội nghị
1. Thành phần tham gia dự họp theo quy định:
- Tổng số: ......... người.
- Số có mặt: ......... người, đạt tỷ lệ .........%.
- Số vắng mặt: ......... người, trong đó:
+ Có lý do: …… người
+ Không có lý do: ...... người
2. Chủ trì hội nghị: ….......................…….......................……………………………....
3. Thư ký hội nghị: ….......................…….......................……………………………...
4. Thành phần mời họp (nếu có):
II. Nội dung hội nghị
…………………………….......................…….......................……………………………
…………………………….......................…….......................……………………………
Ý kiến của các thành viên dự hội nghị (ghi tóm tắt từng ý kiến phát biểu):
…………………………….......................…….......................……………………………
…………………………….......................…….......................……………………………
…………………………….......................…….......................……………………………
Người chủ trì kết luận Hội nghị:
…………………………….......................…….......................……………………………
…………………………….......................…….......................……………………………
…………………………….......................…….......................……………………………
Biên bản được lập thành 02 bản: 01 bản lưu tại đơn vị, 01 bản gửi lưu hồ sơ của Vụ Tổ chức cán bộ. Cuộc họp kết thúc vào hồi ……….. cùng ngày./.
THƯ KÝ (Ký, ghi rõ họ tên) | CHỦ TRÌ (Ký tên, đóng dấu - nếu có) |
- 1Quyết định 70/QĐ-KTNN năm 2014 về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước
- 2Quyết định 1000/QĐ-KTNN năm 2014 sửa đổi Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước kèm theo Quyết định 70/QĐ-KTNN
- 3Thông tư 106/2015/TT-BQP về hướng dẫn thực hiện Nghị định 26/2015/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng
- 4Thông tư liên tịch 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
- 5Quyết định 2219/QĐ-TCT năm 2015 Quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Đội trưởng, Phó Đội trưởng ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 6Chỉ thị 412/CT-KTNN năm 2018 về tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Kiểm toán Nhà nước
- 1Quyết định 70/QĐ-KTNN năm 2014 về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước
- 2Quyết định 1000/QĐ-KTNN năm 2014 sửa đổi Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước kèm theo Quyết định 70/QĐ-KTNN
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 3Nghị định 93/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 4Luật viên chức 2010
- 5Luật Kiểm toán nhà nước 2015
- 6Thông tư 106/2015/TT-BQP về hướng dẫn thực hiện Nghị định 26/2015/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng
- 7Thông tư liên tịch 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
- 8Quyết định 2219/QĐ-TCT năm 2015 Quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Đội trưởng, Phó Đội trưởng ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 9Chỉ thị 412/CT-KTNN năm 2018 về tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Kiểm toán Nhà nước
Quyết định 1294/QĐ-KTNN năm 2016 Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước
- Số hiệu: 1294/QĐ-KTNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/07/2016
- Nơi ban hành: Kiểm toán Nhà nước
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/07/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra