Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1202/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH SÁN DÂY

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số bệnh ký sinh trùng được thành lập theo Quyết định số 5244/QĐ-BYT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây thay thế “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây” ban hành kèm theo Quyết định số 2161/QĐ-BYT ngày 25/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông/Bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện: Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Qui Nhơn, Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Tp Hồ Chí Minh; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT; KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

HƯỚNG DẪN

CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH SÁN DÂY
(Ban hành theo quyết định số: 1202/QĐ-BYT ngày 16 tháng 05 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh sán dây (taeniasis) là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng sán. Bệnh sán dây phân bố ở nhiều nước có Điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém thuộc khu vực Châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á... trong đó có Việt Nam.

1.1. Tác nhân

Bệnh sán dây là do các loài sán dây trưởng thành gồm sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), và sán dây Châu Á (Taenia asiatica) ký sinh trong ruột gây nên.

1.2. Nguồn bệnh

Trâu, bò, lợn mang ấu trùng sán dây.

1.3. Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Người ở tất cả các lứa tuổi và cả hai giới đều có khả năng mắc bệnh sán dây. Kháng thể đặc hiệu có thể xuất hiện 3-4 tuần sau khi nhiễm và tồn tại trong thời gian ngắn.

1.4. Chu kỳ

Hình 1. Chu kỳ phát triển của sán dây (nguồn CDC-USA, 2013).

1. Sán dây trưởng thành dạng lưỡng tính sống ký sinh trong ruột người. Đốt sán rụng tự bò ra hoặc theo phân ra ngoài môi trường bị phân hủy giải phóng trứng. Đây là giai đoạn chẩn đoán.

2. Trâu, bò, lợn ăn phải trứng và đốt sán dây phát tán trong môi trường hoặc ăn phân người có trứng sán dây.

3. Tráng vào dạ dày và ruột (của trâu, bò, lợn), nở ra ấu trùng; ấu trùng chui qua thành ống tiêu hóa vào máu và tới các cơ vân tạo kén ở đó.

4. Người ăn phải thịt lợn, trâu, bò có nang ấu trùng còn sống thì ấu trùng sán dây vào ruột nở ra con sán dây trưởng thành. Đây là giai đoạn nhiễm. Trường hợp người nuốt phải trứng sán dây lợn sẽ phát triển thành bệnh ấu trùng sán lợn.

5. Lúc mới nở sán dây chỉ có đầu và một đoạn cổ.

6. Sán lớn lên và phát triển bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ đốt cổ và sán dài dần ra, sống ở ruột non. Chiều dài của sán trưởng thành thường là 5m hoặc thấp hơn đối với T. saginata (tuy nhiên nó có thể lên đến 25m) và 2 đến 7m đối với T. solium.

2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh thường có triệu chứng không điển hình như:

- Đau bụng là triệu chứng thường gặp: Đau âm ỉ vùng quanh rốn.

- Buồn nôn, nôn khan.

- Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.

2.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm phân: Tìm trứng sán dây.

- Xét nghiệm bằng phương pháp soi tươi xác định đốt sán dây: Mẫu bệnh phẩm lấy trong phân hoặc ở hậu môn tự bò ra nghi ngờ đốt sán dây.

- Xét nghiệm máu:

Công thức máu, trong đó bạch cầu ái toan có thể tăng.

ELISA phát hiện kháng thể/ kháng nguyên sán dây.

Xét nghiệm sinh học phân tử xác định loài sán dây.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ

- Tiền sử: Bệnh nhân có tiền sử ăn thịt bò, thịt lợn chưa nấu chín.

- Lâm sàng: Có một trong các triệu chứng lâm sàng như trên.

3.2. Trường hợp bệnh xác định

Là trường hợp bệnh nghi ngờ kèm theo một trong các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm phân: Tìm thấy trứng sán dây hoặc;

- Xét nghiệm bằng phương pháp soi tươi xác định đốt sán dây: thấy đốt sán dây.

3.3. Chẩn đoán phân biệt

Rối loạn tiêu hoá do các nguyên nhân khác.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc Điều trị

Dùng thuốc đặc hiệu tiêu diệt hoặc làm tê liệt sán dây và điều trị triệu chứng kèm theo.

4.2. Điều trị đặc hiệu: Sử dụng các thuốc theo thứ tự ưu tiên sau

4.2.1. Praziquantel

- Liều dùng: Liều duy nhất 10-15 mg/kg, uống xa bữa ăn.

- Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, nhanh hết, và thường không phải can thiệp gì.

- Chống chỉ định:

Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.

Dị ứng với praziquantel.

- Chú ý khi uống thuốc

Phụ nữ đang cho con bú: Không cho con bú trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc.

Thận trọng với trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu, người rối loạn tiền đình...

Kiêng rượu, bia và các chất kích thích.

Nghỉ ngơi tại chỗ, không tự đi xe, đi xa, không lao động ít nhất 24 giờ.

4.2.2. Niclosamide

- Liều dùng: Liều duy nhất, sau khi ăn.

Trẻ em dưới 2 tuổi: 500 mg/liều.

Trẻ em từ 2-6 tuổi: 1000 mg/liều.

Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn: 2000 mg/liều.

- Sau 2 giờ uống thuốc trên, uống Magie sulphat 30mg/kg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).

- Tác dụng không mong muốn của thuốc:

Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng.

Hiếm gặp: Ban đỏ da, ngứa, ngoại ban.

- Chống chỉ định:

Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.

Dị ứng với niclosamide.

* Lưu ý:

Phụ nữ nuôi con nhỏ không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.

Thận trọng với phụ nữ thời kỳ mang thai

4.3. Điều trị triệu chứng

Tùy theo biểu hiện triệu chứng lâm sàng để chỉ định các thuốc điều trị phù hợp.

- Đau bụng: Chống co thắt cơ trơn

- Chống táo bón.

- Thuốc hỗ trợ: Men tiêu hóa, vitamin tổng hợp.

5. TIÊU CHUẨN KHỎI BỆNH

- Sau 1 tháng điều trị: Soi phân không còn trứng sán dây hoặc không còn thấy đốt ra ngoài theo phân hoặc tự bò ra theo đường hậu môn.

- Nếu sau 1 tháng xét nghiệm phân còn trứng hoặc còn đốt sán dây lặp lại điều trị lần 2 với liều như trên.

6. PHÒNG BỆNH

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán dây lợn để chủ động phòng chống bệnh.

- Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.

- Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường.

- Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh nhất là nhiễm sán dây lợn Taenia solium để đề phòng bị bệnh ấu trùng sán dây lợn theo cơ chế tự nhiễm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1202/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/05/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Trường Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản