Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2008/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 27 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN THI ĐUA KHEN THƯỞNG CHO PHONG TRÀO GIAO THÔNG NÔNG THÔN VÀ CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Xét Tờ trình số 219/T.Tr-GTVT.GTNT ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy định tiêu chuẩn thi đua khen thưởng cho phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tỉnh Bình Dương”.

Điều 2. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến các tiêu chuẩn thi đua, hình thức khen thưởng phong trào làm đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị để các cơ sở, nhân dân biết thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Giao thông – Vận tải, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng đơn vị có liên quan trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 216/1999/QĐ-UB ngày 10/12/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN THI ĐUA KHEN THƯỞNG CHO PHONG TRÀO GIAO THÔNG NÔNG THÔN VÀ CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 27/3/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Điều 1. Mục đích thi đua khen thưởng phong trào làm đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị:

- Động viên các địa phương, các tập thể và cá nhân hăng hái thi đua trong phong trào làm đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị.

- Thông qua thi đua khen thưởng để đẩy mạnh phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị ngày càng sâu rộng, huy động sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị, làm cho mạng lưới giao thông nông thôn nói riêng và giao thông nói chung ngày càng mở rộng và tốt hơn, các đô thị ngày càng sạch đẹp, văn minh hơn với ý thức tự giác và tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngày càng cao hơn.

Điều 2. Đối tượng được khen thưởng bao gồm:

- Đối với các địa phương: các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có nhiều thành tích theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Quy định này.

- Đối với tập thể, cá nhân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, xã hội có nhiều đóng góp cho phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị được bình chọn, đề xuất từ địa phương.

Điều 3. Tiêu chuẩn thi đua:

1. Đối với xã, phường, thị trấn:

Ban Chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị huyện, thị xã tổ chức bình chọn trên cơ sở xếp hạng 1, 2, 3… với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

- Tổng số tuyến đường, tổng chiều dài các tuyến giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị được làm mới trong năm (bao gồm cả cống, mương dọc, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng trên tuyến - nếu có).

- Tổng số tuyến đường, tổng chiều dài các tuyến giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị được nâng cấp sửa chữa trong năm (bao gồm cả cống, mương dọc, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, … trên tuyến - nếu có).

- Tổng số công trình cầu giao thông nông thôn được nâng cấp hoặc xây dựng mới trong năm.

- Tổng số công trình cầu giao thông nông thôn được duy tu, sửa chữa trong năm.

- Các công trình giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị khác: tổng số công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp một hạng mục công trình (độc lập với công trình đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng trong năm).

- Tổng kinh phí huy động từ nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, …(có đầy đủ cơ sở dữ liệu chứng minh tính xác thực). Tỷ lệ phần trăm kinh phí huy động được trong năm trên tổng kinh phí đầu tư các công trình giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị trong năm.

- Tổng số công trình có đầy đủ hồ sơ thiết kế (được cơ quan thẩm quyền duyệt và quyết toán theo đúng quy định hiện hành). Tỷ lệ phần trăm số công trình có đầy đủ hồ sơ trên tổng số công trình giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị thực hiện trong năm.

2. Đối với các huyện, thị xã:

Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra và đề xuất, ngoài các tiêu chuẩn đã nêu tại khoản 1, Điều 3 Quy định này, phải xét thêm các tiêu chuẩn sau:

- Tổng số công trình thực hiện trong năm, tổng số công trình thực hiện bình quân trên một đơn vị xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã.

- Tỷ lệ phần trăm kết quả thực hiện thực tế của cả năm so với kế hoạch đề ra đầu năm:

+ Tổng vốn đầu tư.

+ Tổng số công trình giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị.

+ Tổng chiều dài đường giao thông được mở mới (không tính nâng cấp mở rộng).

- Mức huy động của nhân dân đóng góp (bằng tiền) cho phong trào có tính hệ số:

+ Thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An: hệ số 1,0 (riêng đối với các xã được công nhận là xã nghèo thì hệ số là 1,5).

+ Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Phú Giáo: hệ số 2 (riêng đối với các thị trấn thì hệ số là 1,5).

- Thời gian báo cáo kết quả thực hiện phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị cho Ban Chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tỉnh (do Sở Giao thông Vận tải làm thường trực) cho đến ngày 30 tháng 01 của năm sau.

Điều 4. Hình thức và mức khen thưởng:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và thưởng cho các huyện, thị xã có thành tích xuất sắc bằng hình thức phân bổ vốn để đầu tư xây dựng một công trình cụ thể (theo thứ hạng: nhất, nhì, ba). Huyện, thị xã được khen thưởng tự chọn công trình để tỉnh bố trí vốn để đầu tư xây dựng với mức thưởng như sau:

- Hạng nhất: 300.000.000 đồng.

- Hạng nhì: 200.000.000 đồng.

- Hạng ba: 100.000.000 đồng.

Đối với huyện, thị xã có thành tích xuất sắc nhất được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và thưởng cho 3 xã, phường, thị trấn bằng một công trình cụ thể (theo thứ hạng: nhất, nhì, ba) với mức thưởng như sau:

- Hạng nhất: 150.000.000 đồng.

- Hạng nhì: 100.000.000 đồng.

- Hạng ba: 70.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu huyện, thị xã có nguồn vốn thì có thể mở rộng diện và mức khen thưởng cho các địa phương, nhưng phải được thống nhất trong tập thể Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và phải có chủ trương chấp thuận của cấp uỷ.

3. Đối với tập thể, cá nhân có thành tích sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tặng giấy khen với mức thưởng tiền theo quy định hiện hành. Ngoài ra, đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị thì Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể xem xét khen thưởng bổ sung bằng hiện vật.

4. Đối với các huyện, thị xã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong năm hoặc được xếp hạng nhất 3 năm liên tục, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khen thưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.

Điều 5. Kinh phí khen thưởng:

Kinh phí khen thưởng các địa phương (huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn), các tập thể, cá nhân được lấy từ ngân sách địa phương (hay cấp ra quyết định phê duyệt).

Điều 6. Xét duyệt khen thưởng:

- Cơ sở để xét duyệt khen thưởng là trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện phong trào làm giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị của huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trong năm được đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định tại điều 3 Quy định này và qua kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tỉnh, xác nhận đúng như báo cáo của các địa phương.

- Đối với tập thể, cá nhân việc xét khen thưởng bằng cách bình chọn từ cơ sở (xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã).

1. Cấp tỉnh:

- Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tỉnh (gồm Trưởng, Phó ban chỉ đạo, đại diện Sở Nội vụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã) xét duyệt bình chọn các huyện, thị xã đạt thành tích xuất sắc và các tập thể, cá nhân, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, hoặc Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng các huyện, thị xã đạt thành tích được quy định tại khoản 4, Điều 4 Quy định này.

- Ban Chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị tỉnh kiểm tra kết quả thực hiện phong trào ở các địa phương nhằm đánh giá đúng, động viên, khuyến khích phong trào.

2. Cấp huyện, thị:

Ban Thi đua khen thưởng phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị huyện, thị xã (thành phần tương tự như ở cấp tỉnh) xét duyệt, bình chọn 3 xã, phường, thị trấn đạt thành tích xuất sắc và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã khen thưởng. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các xã, phường, thị trấn, tập thể, cá nhân có thành tích xuất.

Điều 7. Việc xét khen thưởng được tiến hành mỗi năm một lần vào cuối năm qua bình chọn từ cơ sở đến huyện, thị xã.

Các sở, ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các đoàn thể - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến các tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị đến cơ sở và toàn dân biết nhằm động viên khuyến khích mọi thành phần tham gia phong trào thi đua trong làm đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2008/QĐ-UBND quy định tiêu chuẩn thi đua khen thưởng cho phong trào giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 12/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thị Kim Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản