Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/2003/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2003 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2007.
Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp, Giám đốc Sở Công nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘTRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 109 /2003/QĐ-BCN ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
1. Mục tiêu:
a) Góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong hành động của cán bộ, công chức và công nhân, viên chức trong ngành công nghiệp; nâng cao ý thức pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
b) Giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm vững pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; nắm được các thông tin về tình hình thực hiện pháp luật, nâng cao năng lực vận dụng, thi hành pháp luật. Giúp cho các doanh nghiệp nắm vững pháp luật, phát triển kinh doanh lành mạnh, góp phần vào việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Yêu cầu:
a) Tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đề cập trong nội dung hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 của Bộ Công nghiệp;
b) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ Bộ cho đến các Tổng công ty, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đi vào nền nếp.
c) Hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, doanh nghiệp và từng đối tượng để đạt hiệu quả cao.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Đối với cán bộ, công chức của ngành công nghiệp
a) Phổ biến, tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, quy chế dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp, những quy định của Chính phủ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, hội nhập kinh tế quốc tế (kể cả các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề AFTA, APEC, AICO, WTO), thực hiện điều ước quốc tế, pháp luật về kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp; tập trung vào những văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và ngành công nghiệp.
b) Phổ biến, tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về công nghiệp do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bộ Công nghiệp ban hành.
2. Đối với người quản lý, người lao động, cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp
a) Đối với người quản lý:
Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và quản lý doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, quyền và nghiã vụ của người sử dụng lao động; các quy định của pháp luật về thương mại, tài chính, ngân hàng, hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu, kết hợp phổ biến các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Đối với người lao động:
Phổ biến các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.
c) Đối với cán bộ công đoàn:
Phổ biến các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công đoàn, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, các quy định pháp luật về đình công.
III. HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật
a) Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức và các doanh nghiệp. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ban hành về ngành công nghiệp. Đặc biệt lưu ý phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về ngành công nghiệp.
b) Tổ chức tọa đàm, trao đổi về các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành của từng cơ quan, doanh nghiệp theo từng đối tượng cụ thể.
c) Đơn vị thực hiện:
- Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến cán bộ, công chức và các doanh nghiệp thuộc Bộ.
- Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp trong các ngành sản xuất công nghiệp.
- Các Tổng công ty, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến cán bộ, công nhân viên thuộc quyền quản lý của mình.
2. Củng cố đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Kiện toàn đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật từ cơ quan Bộ cho đến các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ. Bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ.
b) Củng cố và mở rộng lực lượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật gồm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, cán bộ tư vấn, trợ giúp pháp lý.
c) Đơn vị thực hiện:
Vụ Pháp chế phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ và các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện.
3. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật
a) Mở các lớp tập huấn về công tác pháp chế cho các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ.
b) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng làm công tác quản lý ở các Tổng công ty, các cơ quan, doanh nghiệp và đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy pháp luật ở các trường thuộc Bộ.
c) Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác giảng dạy pháp luật tại các trường thuộc Bộ; chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật phục vụ cho việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức; đưa nội dung pháp luật vào các kỳ thi tuyển công chức.
d) Đơn vị thực hiện:
- Vụ Pháp chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn công tác pháp chế cho những đối tượng làm công tác pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ.
- Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Tổ chức – Cán bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các cán bộ quản lý ở các cơ quan, doanh nghiệp và giáo viên giảng dạy pháp luật tại các trường thuộc Bộ; xây dựng kế hoạch giảng dạy pháp luật tại các trường thuộc Bộ và đưa nội dung pháp luật vào các kỳ thi tuyển công chức.
- Các Tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ tùy điều kiện của đơn vị tổ chức thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn của mình.
4. Đưa lên mạng tin học các văn bản quy phạm pháp luật
a) Thu thập và đưa lên mạng tin học của cơ quan các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước ngành công nghiệp;
b) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế phối hợp với Trung tâm tin học thực hiện.
5. Phổ biến pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng
a) Phổ biến, tuyên truyên pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí chuyên ngành) nhằm giới thiệu kịp thời các văn bản pháp luật, những vấn đề liên quan đến pháp luật và giải đáp pháp luật.
b) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế phối hợp với Báo Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp và các Tạp chí chuyên ngành tổ chức thực hiện.
6. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác
a) Tiếp tục xây dựng, duy trì bổ sung, phát triển và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật ở các Tổng công ty, cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ.
b) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp và học sinh các trường Cao đẳng, Trung học và đào tạo nghề thuộc Bộ.
1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
a) Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào nền nếp;
b) Phối hợp với Vụ Tài chính – Kế toán dự trù kinh phí hàng năm đã được duyệt từ ngân sách nhà nước cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm:
a) Trên cơ sở Kế hoạch này, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ triển khai xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm để triển khai ở đơn vị mình, bảo đảm kinh phí để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Phối hợp với Vụ Pháp chế để tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc đơn vị mình;
c) Định kỳ sơ kết sáu tháng và tổng kết năm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để báo cáo Bộ./.
- 1Thông tư 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ tài chính ban hành
- 2Quyết định 09/2004/QĐ-BCN Phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Báo Công nghiệp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 3Quyết định 03/1998/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 01/2003/TT-BTP hướng dẫn Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ Tư pháp ban hành
- 5Quyết định 5572/QĐ-BCT năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Quyết định 120/QĐ-BTC về Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ tài chính ban hành
- 2Quyết định 09/2004/QĐ-BCN Phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Báo Công nghiệp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 3Nghị định 74-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy bộ công nghiệp
- 4Quyết định 03/1998/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 01/2003/TT-BTP hướng dẫn Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ Tư pháp ban hành
- 7Quyết định 120/QĐ-BTC về Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 109/2003/QĐ-BCN ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 109/2003/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/06/2003
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/07/2003
- Ngày hết hiệu lực: 05/11/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra