Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020, TẦM NHÌN NĂM 2025

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 18/TTr-SCT ngày 07 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 (kèm theo) với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

a) Phấn đấu đến 2020 mỗi xã có ít nhất 01 cửa hàng xăng dầu, bán kính phục vụ trung bình đạt từ 1,5-2km/cửa hàng xăng dầu, lượng xăng dầu bán ra bình quân mỗi cửa hàng đạt tối thiểu 4.000-5.000 lít/ngày.

b) Tốc độ phát triển sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt 11,5-12%/năm giai đoạn 2011-2015 và 13-13,5%/năm giai đoạn 2016-2020. Tốc độ phát triển cả thời kỳ 2011-2020 đạt 12,3%/năm.

c) Số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tăng 14-15% trong giai đoạn 2011-2015 so với số lượng cửa hàng hiện có năm 2010 và tăng 15-16% trong giai đoạn 2016-2020 so với năm 2015.

2. Định hướng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025:

a) Phát triển mạng lưới xăng dầu theo địa bàn: Trong thời kỳ quy hoạch, ngoài việc điều chỉnh số lượng cửa hàng phát triển mới cần phải chú trọng đến việc mở rộng quy mô và điều chỉnh vị trí của các cửa hàng cho phù hợp với quá trình phát triển nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và yêu cầu của nhà đầu tư.

b) Định hướng phát triển các chủ thể tham gia kinh doanh xăng dầu: Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật kể cả doanh nghiệp nước ngoài khi Nhà nước cho phép.

c) Định hướng phát triển các loại hình cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Phát triển cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo đúng quy chuẩn về quy mô diện tích cũng như kiến trúc xây dựng, trang thiết bị. Phát triển các loại hình cửa hàng đa dạng về phương thức phục vụ; đa dạng về mặt hàng kinh doanh, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2020, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải đạt tiêu chuẩn của từng loại cửa hàng theo quy định; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên các tuyến giao thông cần gắn với khu dân cư tập trung vừa phục vụ cho các phương tiện vận tải vừa phục vụ cho các nhu cầu dân sinh.

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu: Tạo lập mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên để chủ động điều chỉnh chính sách quản lý, bao gồm cả việc điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ thể kinh doanh và lợi ích kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

3. Nguyên tắc quy hoạch

a) Các cửa hàng phát triển mới phải đúng quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

b) Không bố trí cửa hàng xăng dầu ở những nơi đường cong, nơi giao nhau của đường giao thông, hành lang đường điện cao thế, đầu cầu, gần chợ, trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người, đường có độ dốc cao, địa hình nguy hiểm che khuất tầm nhìn, vi phạm đến an toàn giao thông.

c) Về thiết kế xây dựng và trang thiết bị theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530:2011; QCVN 07: 2010/BXD quy chuẩn quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ban hành theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Bộ Xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan đến xăng dầu.

d) Gắn quy hoạch các cửa hàng xăng dầu phục vụ các phương tiện đường thuỷ vào quy hoạch phát triển hệ thống bến thuỷ nội địa của ngành giao thông vận tải.

4. Định hướng phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn:.

a) Tiêu chí chọn địa điểm xây dựng cửa hàng:

- Địa điểm xây dựng: Không vi phạm vào các quy hoạch khác của Nhà nước. Không vi phạm hành lang an toàn đường giao thông theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Tuân thủ những quy định thuộc các văn bản sau: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530-2011 - Cửa hàng xăng dầu - Yêu cầu thiết kế; QCVN 07: 2010/BXD-Chương 6: Hệ thống các công trình cấp xăng dầu và khí đốt đô thị.

- Khoảng cách các cửa hàng xăng dầu:

* Đối với tuyến quốc lộ: Từng bước điều chỉnh khoảng cách các cửa hàng xăng dầu theo quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

* Đối với các tuyến đường khác:

+ Đối với tuyến đường không có dải phân cách, đường gom trên các tuyến quốc lộ: Khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu từ 02km trở lên.

+ Đối với tuyến đường có dải phân cách: Khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu cùng một phía tối thiểu 02km.

- Tại các đường nông thôn không phát triển cửa hàng xăng dầu mới ở những khóm, ấp đã có cửa hàng xăng dầu.

- Việc lựa chọn quy mô cửa hàng phụ thuộc vào địa điểm cụ thể: Trên trục đường quốc lộ, cửa ngõ vào thành phố, khu công nghiệp tập trung, bến xe, bãi đỗ xe lớn có thể bố trí cửa hàng loại 1, 2; tại các khu đô thị mới có thể bố trí cửa hàng loại 2, 3; trên tuyến đường tỉnh, huyện, các xã vùng nông thôn chỉ nên xây dựng cửa hàng loại 3.

b) Định hướng quy hoạch số lượng cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh:

Quy hoạch số lượng cửa hàng xăng dầu cần xây dựng căn cứ vào diện tích, dân số và dự báo nhu cầu để xác định số lượng cửa hàng cần có trên từng địa bàn xã, phường.

Quy hoạch mỗi xã phát triển tối thiểu 2-3 cửa hàng; mỗi cửa hàng phục vụ nhu cầu xăng dầu cho 4.000-5.000 người. Dự kiến số lượng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 455 cửa hàng, do đó quy hoạch phát triển thêm khoảng 109 cửa hàng so với năm 2010; trong đó giai đoạn 2011-2015 xây dựng mới: 47 cửa hàng (tăng 12,7%), giai đoạn 2016-2020 xây dựng mới: 62 cửa hàng (tăng 16,4%).

5. Các giải pháp chủ yếu:

a) Về vốn và đất đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu do các chủ đầu tư tự huy động và bố trí sử dụng. Đất để xây dựng cửa hàng trên từng địa bàn sẽ do chủ đầu tư tự chuyển nhượng. Trường hợp có đất công, Nhà nước sẽ cho thuê hoặc thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

b) Về bố trí địa điểm, diện tích, khoảng cách xây dựng mới cửa hàng: Căn cứ số lượng quy hoạch đã phân bổ, Sở Công Thương chấp thuận đề nghị của thương nhân xin đầu tư. Không mở cửa hàng mới trong cùng một khóm, ấp với cửa hàng xăng dầu hiện hữu.

Trong thời gian 06 tháng kể từ khi cho phép đầu tư, thương nhân phải xây dựng và sau 09 tháng phải đưa cửa hàng vào sử dụng; quá thời gian quy định trên Sở Công Thương sẽ huỷ bỏ địa điểm quy hoạch.

Cho phép chủ đầu tư được co, giãn số đo mặt tiền và chiều sâu tối đa ±10% với tổng diện tích đất ít nhất là 3.500m2 đối với cửa hàng loại 1; 2.400m2 đối với cửa hàng hàng loại 2 và 1.200m2 đối với cửa hàng loại 3.

c) Về nâng cấp, di dời các cửa hàng:

- Cửa hàng xăng dầu ở đô thị (các phường thuộc thành phố và thị trấn các huyện): Những cửa hàng có tổng diện tích đất dưới 300m2 (không đảm bảo tiêu chuẩn quy định) cho phép tồn tại đến 31 tháng 12 năm 2015 nhưng phải đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường; đồng thời phải tiến hành nâng cấp mở rộng diện tích cho đạt chuẩn.

Đối với cửa hàng có tổng diện tích đất từ 300m2 trở lên được tiếp tục kinh doanh. Các cửa hàng này phải xây dựng tường ngăn cháy có bậc chịu lửa theo quy định về phòng cháy chữa cháy và đảm bảo về môi trường.

- Cửa hàng xăng dầu ngoài đô thị (trên QL57, 60 và các tuyến đường khác): Các cửa hàng có tổng diện tích chiếm đất tối thiểu từ 300m2 đến dưới 1000m2 (không đảm bảo tiêu chuẩn quy định) được tiếp tục kinh doanh, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và môi trường. Đồng thời phải từng bước mở rộng mặt bằng kinh doanh để đạt chuẩn theo quy chuẩn 07: 2010/BXD. Thời hạn đạt chuẩn về diện tích kết thúc vào năm 2015.

Các cửa hàng thuộc diện di dời: Đến 31 tháng 3 năm 2013 các cơ sở này phải kết thúc việc di dời. Sở Công Thương sẽ thông báo và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ cửa hàng thực hiện việc di dời.

d) Về công nghệ, môi trường và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy:

- Về công nghệ: Các cửa hàng xăng dầu phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ đảm bảo an toàn, thuận tiện trong kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thiết bị phải đáp ứng yêu cầu kinh doanh, quản lý.

- Về môi trường: Nước thải nhiễm xăng dầu phải được xử lý đạt tiêu chuẩn: TCVN 5945-1995; khi nhập nhiên liệu, hơi xăng dầu được thoát ra theo hệ thống van thở cao từ 3,5-4m, đảm bảo an toàn trong quá trình giao nhận.

- Về an toàn phòng cháy chữa cháy: Tuân thủ theo quy định tại TCVN 4530: 2011; TCVN5684-1992; TCVN 2622-1995; có các biển báo về an toàn phòng cháy, chữa cháy như: Cấm lửa, cấm hút thuốc... phải đặt tại khu vực cửa hàng, bể chứa.

đ) Về cấp nước, điện và xây dựng:

- Về cấp nước: Các cửa hàng xăng dầu tại thành phố, thị trấn, khu công nghiệp... sử dụng hệ thống đường ống cấp nước chung dân cư; cửa hàng xăng dầu nằm xa khu dân cư và không có hệ thống cấp nước chung phải sử dụng nguồn nước từ các giếng nước ngầm; cửa hàng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cần có máy bơm hoặc tháp nước để cấp nước cho hệ thống chữa cháy.

- Về điện: Nguồn điện cung cấp cho các phụ tải của cửa hàng xăng dầu là lưới điện quốc gia; tất cả các cửa hàng đều phải có máy phát điện dự phòng.

- Về xây dựng:

+ Cửa hàng xăng dầu loại 1: Phải có đầy đủ các chức năng của một trạm dịch vụ xăng dầu tổng hợp: Khu vực nhà nghỉ, nhà ăn uống và bãi đỗ xe được bố trí liên hoàn với khu vực bán xăng dầu và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện tạo thành một tổ hợp các công trình dịch vụ thống nhất.

+ Cửa hàng xăng dầu loại 2: Chức năng của cửa hàng xăng dầu này là cung cấp các sản phẩm xăng dầu, hàng hoá nhu yếu phẩm và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

+ Cửa hàng xăng dầu loại 3: Chức năng của cửa hàng này là cung cấp các loại xăng, dầu và có thể kinh doanh chai khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG).

Điều 2. Các ngành, các địa phương phải căn cứ vào nội dung Quy hoạch này khi xây dựng phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong từng kỳ 5 năm và hàng năm nếu có liên quan đến phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu để đảm bảo tính thống nhất chung trong toàn tỉnh.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức quán triệt nội dung và triển khai, cụ thể hoá thực hiện Quy hoạch này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 107/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2025

  • Số hiệu: 107/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/01/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản