Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1047/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 29 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2016

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 419/SNN & PTNT ngày 29/4/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các địa phương thực hiện Đề án.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Đề án tới các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Xuyên

 

ĐỀ ÁN

SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1047/QĐ-UBND Ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG 2015

1. Kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2015

1.1. Kết quả sản xuất lúa Mùa 2015: Vụ Mùa năm 2015, toàn tỉnh gieo cấy 80.907ha (giảm 374ha so với vụ Mùa 2014), diện tích gieo thẳng 22.384ha tăng 35,91% so với vụ Mùa năm 2014, diện tích lúa cấy bằng máy đạt 610ha, tăng 410ha so với vụ Mùa 2014, lúa tái sinh 923ha tăng 423ha so với vụ Mùa 2014. Cơ cấu: Giống lúa năng suất đạt 75% gồm các giống BC15, Q5, TBR-1, TBR225; giống lúa chất lượng cao 25%, gồm các giống nếp, Bắc thơm 7, DT68, T10, lúa Nhật... trong đó diện tích lúa Nhật khoảng 1.200ha. Năng suất lúa toàn tỉnh đạt 60,38tạ/ha tăng 0,78 tạ/ha so với vụ Mùa 2014; sản lượng đạt 488.498 tấn. Toàn tỉnh có 131 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất với diện tích khoảng 730ha tại 57 xã; diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác khoảng 200ha.

1.2. Kết quả sản xuất cây màu vụ Hè - Hè Thu: Diện tích gieo trồng cây màu Hè và Hè thu đạt 16.539ha, tăng 1.004ha so với năm 2014, sản lượng đạt 269.013 tấn, giá trị ước đạt 1.017,69 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2014. Riêng cây màu Hè 9.410ha, trong đó màu Hè trên đất chuyên trồng lúa khoảng 2.000ha, cây trồng chủ yếu vụ Hè có giá trị là dưa các loại và ngô thực phẩm, xuất hiện một số địa phương đã có vùng sản xuất tập trung quy mô trên 10ha

1.3. Kết quả sản xuất cây màu vụ Đông: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2015 đạt 36.291,8ha tăng 1.216ha so với năm 2014, năng suất của hầu hết các cây trồng đều tương đương và thấp hơn so với vụ Đông năm 2014, nhưng giá bán cao hơn; cây ngô thực phẩm, dưa, bí, khoai tây và một số loại rau đậu chất lượng cao có xu hướng phát triển trong năm 2015. Giá trị sản xuất vụ Đông năm 2015 theo giá cố định đạt 2.391,796 tỷ đồng, theo giá thực tế đạt 2.665,025 tỷ đồng.

2. Thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2015

2.1. Thuận lợi:

- Chính Phủ có chính sách hỗ trợ giống cây trồng khắc phục hậu quả thiên tai giúp nông dân khôi phục sản xuất kịp thời (25 tấn hạt giống rau và 50 tấn hạt giống ngô).

- Chủ trương, biện pháp, kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2015 được Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai sớm, các giải pháp thực hiện cụ thể và đồng bộ; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện được ban hành sớm, phù hợp đã thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chặt chẽ và chủ động từ tỉnh xuống cơ sở; cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ tất cả các khâu nên công tác làm đất, thời vụ gieo cấy, thu hoạch ở các địa phương nhanh, gọn; công tác thủy lợi điều hành theo hệ thống, nước được điều tiết hợp lý và có sự thống nhất ngay từ đầu vụ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại ngập úng, nắng hạn trên lúa và cây màu.

- Các cấp, các ngành, các đoàn thể đã thống nhất cao và phối, kết hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tuyên truyền sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật được tuyên truyền, áp dụng trong suốt quá trình sản xuất; công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất được thực hiện linh động và kịp thời, phù hợp với diễn biến thực tế; công tác bảo vệ thực vật được quan tâm và dự báo chính xác, kịp thời các đối tượng sinh vật hại; nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, kế hoạch phòng trừ sâu bệnh trên lúa và cây màu.

- Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và làm thường xuyên hơn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành. Giá phân bón giảm mạnh, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng cơ bản đảm bảo quy định, không có hàng giả và hạn chế tối đa hàng kém chất lượng.

2.2. Khó khăn, tồn tại của vụ Mùa, vụ Đông năm 2015:

- Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ ngày 28/6 đến ngày 4/7/2015 đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của mạ mùa và lúa gieo thẳng, một bộ phận diện tích lúa gieo thẳng bị chết phải gieo cấy lại; mưa lớn trái vụ gây ngập úng kèm nhiệt độ giảm sâu đột ngột đã làm cho 1.580ha cây vụ Đông không được thu hoạch.

- Công tác vệ sinh đồng ruộng chưa tốt ở một số vùng để lúa tái sinh, đất chuyển đổi mục đích dẫn đến tình trạng sâu đục thân lúa 2 chấm gia tăng mật độ và gây hại làm tăng chi phí sản xuất. Việc thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa triệt để, dẫn đến làm giảm năng suất lúa ở một số hộ nông dân.

- Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô còn hạn chế, chưa phát triển được thành những vùng chuyên canh lớn theo định hướng thị trường; dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển; công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp của chính quyền cấp xã còn yếu và chưa được quan tâm.

- Chất lượng sản phẩm trồng trọt chưa đồng đều, tỷ lệ rau và lúa áp dụng thực hành sản xuất tốt trong trồng trọt còn thấp, tình trạng lạm dụng hóa học trong canh tác còn phổ biến.

II. CHỦ TRƯƠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2016

1. Những thuận lợi, khó khăn đối với sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2016

1.1. Thuận lợi:

- Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với định hướng và mục tiêu để sản xuất phát triển bền vững và có hiệu quả.

- Có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp thường xuyên của các ngành, các địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

- Đề án thực hiện cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả, đáp ứng được vấn đề về nhân công lao động và tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật canh tác và giống cây trồng tiên tiến được áp dụng đã đem lại hiệu quả cho nông dân.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước hoàn thiện; chính sách miễn giảm thủy lợi phí và sự phân cấp quản lý sông ngòi, kênh mương đã gắn quyền lợi và trách nhiệm của các công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy nông với các địa phương, gắn trách nhiệm của các Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp (HTXDVNN) với việc điều tiết nước cục bộ ở các địa phương đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

- Việc tổng kết, đánh giá, thăm quan học tập các mô hình tích tụ ruộng đất trong và ngoài tỉnh là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo.

- Giá vật tư nông nghiệp đặc biệt là phân bón giảm và tiếp tục có xu hướng giảm, giá lúa gạo tăng là động lực để nông dân tích cực sản xuất; nhu cầu về sản phẩm an toàn, hữu cơ đang được xã hội quan tâm tạo cơ hội cho sản phẩm lợi thế của Thái Bình có cơ hội phát triển.

1.2. Khó khăn:

- Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan trái quy luật sẽ là thách thức lớn đối với sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016. Nguy cơ diện tích cây màu vụ Đông sẽ giảm, do khó khăn bất lợi từ sản xuất vụ Đông năm 2015.

- Thu hoạch lúa vụ Xuân 2016 sẽ tập trung ở tuần 2, tuần 3 tháng 6 nên áp lực cho sản xuất cây màu Hè trên đất 2 lúa và công tác làm đất gieo cấy lúa Mùa là rất khó khăn; sâu bệnh sẽ là thách thức lớn đối với sản xuất vụ Mùa do gieo mạ trong khi đang thu hoạch lúa Xuân; bộ giống lúa chất lượng cao phần lớn mẫn cảm với rầy và bệnh bạc lá.

- Chuột hại sẽ là một trong những vấn đề khó khăn nhất của sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016 vì việc đánh bắt thủ công ít được quan tâm; một số vật tư nông nghiệp nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng hiệu quả và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và mức độ sâu, bệnh gây hại ở Thái Bình mà một bộ phận nông dân vẫn sử dụng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất.

- Hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông ở một số vùng chưa đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu đối với cây trồng vụ Đông.

- Thị trường và thông tin thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, áp dụng sản xuất an toàn còn yếu và thiếu.

2. Chủ trương sản xuất vụ Mùa và vụ Đông năm 2016

2.1. Chủ trương:

- Công tác thu hoạch lúa Xuân cần được thực hiện nhanh, gọn với quan điểm “xanh nhà, hơn già đồng”, giữ lấm mặt ruộng trong khi thu hoạch; sử dụng các phương tiện máy móc cho thu hoạch, làm đất với tinh thần chủ động bảo đảm việc thu hoạch lúa Xuân và gieo cấy lúa Mùa trong khung thời vụ an toàn.

- Gieo và cấy hết diện tích đất lúa, áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến SRI trên toàn bộ diện tích lúa với quan điểm tưới nước tiết kiệm, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, giảm giống, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; bố trí cơ cấu giống hợp lý, cân đối và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương; hạn chế việc gieo cấy giống lúa nhiễm bệnh bạc lá ở vụ Mùa; hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; bố trí khoảng 20.000ha lúa Mùa sớm được gieo cấy trước ngày 5/7/2016 để có quỹ đất trong cây màu vụ Đông ưa ấm; kết thúc gieo cấy lúa Mùa trước ngày 25/7/2016.

- Phát triển và mở rộng diện tích cây màu Hè trên đất 2 lúa bằng kỹ thuật trồng bầu đối với nhóm cây dưa; cây màu Hè Thu bằng cách trồng xen canh, gối vụ với các nhóm rau màu như: dưa, bí các loại, ngô, đậu đỗ, rau chịu nhiệt.

- Duy trì và mở rộng diện tích cây vụ Đông theo hướng sản xuất an toàn lấy chất lượng làm hàng đầu; chú trọng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương, tập trung vào các cây trồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp và các sản phẩm có thị trường ổn định, có thời gian bảo quản sau thu hoạch dài, khuyến cáo nông dân tận dụng các thời vụ sớm, hoặc muộn để trồng nhóm rau thập tự để có thị trường tiêu thụ và giá trị sản phẩm cao.

2.2. Mục tiêu:

2.2.1. Lúa Mùa năm 2016: Diện tích: 80.000ha; năng suất: 61 tạ/ha trở lên; sản lượng: 488.000 tấn trở lên.

2.2.2. Vụ Hè, Hè - Thu: Phấn đấu đạt 16.500ha trở lên, trong đó: cây màu Hè 9.000ha trở lên, cây màu Hè - Thu: 7.500 - 8.000ha.

2.2.3. Cây vụ Đông năm 2016: Phấn đấu đạt 35.000ha trở lên, trong đó:

Đậu tương:

2.000 - 2.500 ha

Ớt:

1.500 - 1.800ha

Ngô:

7.000 - 7.500ha

Bí các loại:

4.000 - 4.500ha

Khoai tây:

3.500 - 4.000ha

Dưa các loại:

1.300 - 1.500ha

Khoai lang:

2.500 - 3.000 ha

Rau các loại:

12.000 - 12.500ha

3. Các giải pháp sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016

3.1. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo:

- Chủ động và có kế hoạch ứng phó với các tình huống bất lợi trong sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu vụ; tăng cường lực lượng cán bộ xuống cơ sở, phát hiện sớm nhất các vấn đề bất cập, khó khăn trong sản xuất để xử lý kịp thời; tăng cường giải pháp tuyên truyền và chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo thích ứng được với mọi dạng hình thời tiết và diễn biến thực tế trong quá trình tổ chức sản xuất.

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo sản xuất; tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng... đến người dân một cách nhanh và hiệu quả nhất.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, lấy công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất làm trọng tâm, phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin các cơ sản sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, nhập lậu, kiên quyết xử lý các tổ chức, đơn vị, cá nhân bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, tuyên truyền quảng cáo sai quy định.

3.2. Các giải pháp kỹ thuật:

3.2.1. Lúa mùa:

- Trà lúa:

+ Mùa sớm: Khoảng 20.000ha, lúa trỗ tập trung vào tuần 01 tháng 9; khuyến cáo nông dân sử dụng các giống ngắn ngày như: N97, RVT, Thiên ưu 8, TBR1...

+ Mùa trung: Khoảng 60.000ha, lúa trỗ tập trung vào tuần 02 tháng 9; khuyến cáo nông dân gieo cấy các giống có năng suất cao, giống chất lượng như: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225, các giống lúa Nhật Bản, Nam Dương 99, N.ưu 69...

- Cơ cấu giống lúa:

+ Nhóm lúa thuần chất lượng cao (25 - 35%) gồm các giống: lúa Nhật Bản, RVT, N97... (một số nơi gieo cấy thử giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bệnh bạc lá, giống DT68 phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và có hợp đồng bảo lãnh năng suất của đơn vị cung ứng giống cho nông dân), các giống lúa Bắc thơm số 7, T10 chỉ sản xuất ở vùng có trình độ thâm canh cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra.

+ Nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh (65 - 75%) gồm các giống: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225... và một số giống lúa lai kháng bạc lá, như: Nam Dương 99, N.ưu 69 ...

- Thời vụ:

Trà lúa mùa sớm:

+ Gieo mạ nền: Gieo mạ từ ngày 15 - 20/6/2016, tuổi mạ khi cấy từ 7 -10 ngày.

+ Mạ dược: Gieo thưa, từ ngày 5 -15/6/2016, cấy khi mạ được 15-18 ngày tuổi.

Trà lúa mùa trung:

+ Gieo mạ nền cứng xung quanh ngày 05/7/2016, tuổi mạ khi cấy 7-10 ngày.

+ Mạ dược: Gieo thưa từ ngày 20 - 25/6/2016, cấy khi mạ 15 -18 ngày tuổi.

+ Giống BC15 gieo đầu lịch.

Lúa gieo thẳng: Thời vụ: Gieo từ 20 - 25/6/2016 đối với trà sớm, gieo từ ngày 01 - 05/7/2016 đối với trà trung.

Những vấn đề cơ bản về kỹ thuật:

- Khuyến khích áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy; áp dụng tiến bộ canh tác cải tiến SRI để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Chỉ khuyến cáo nông dân gieo thẳng, sạ hàng ở những vùng được quy hoạch, chủ động được tưới tiêu và nông dân có kinh nghiệm sản xuất.

- Chỉ sản xuất lúa tái sinh ở các vùng có nhu cầu trồng cây màu vụ Đông trong tháng 9, được quy hoạch, nông dân có kinh nghiệm sản xuất và chủ động quản lý được sâu bệnh; sau thu hoạch lúa tái sinh cần vệ sinh đồng ruộng không để nguồn sâu bệnh di chuyển sang lúa cấy.

- Chủ động phòng chống úng, nóng và hạn kịp thời, gieo tăng 5 - 10% mạ ở trà cuối và chuẩn bị thóc giống, rau màu ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận gây chết mạ, chết lúa.

- Không cấy giống BC15, TBR225 trên chân đất trũng hẩu và các vùng đất chua, mặn; lúa lai cấy trên chân đất trũng, hẩu, tầng canh tác dày ở vùng nội đồng và vùng ven biển.

Phân bón: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, tận dụng và phát huy nguồn phân bón từ rơm, rạ; với điều kiện thổ nhưỡng và áp lực sâu bệnh vụ Mùa 2016 khuyến cáo nông dân nên sử dụng các loại phân bón tổng hợp NPK của các đơn vị, như: Việt Nhật, Lâm Thao, Phú Mỹ...; bón cân đối, lót sâu, thúc sớm; không bón đạm đơn; bón bổ sung 3 - 4 kg kali cho các giống lúa BC15, lúa lai, lúa chất lượng và 2 - 3 kg kali cho các giống lúa khác vào giai đoạn lúa đứng cái; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, đặc biệt trên những chân đất xấu, nghèo mùn, chua mặn, thành phần cơ giới nhẹ.

Công tác Bảo vệ thực vật: Hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, lấy quan điểm phòng là chính và vận dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cây trồng, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; hướng dẫn nông dân sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng đảm bảo có hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khuyến cáo các địa phương xây dựng tổ đội tự quản trong công tác diệt chuột với phương châm “Tăng cường đánh bắt bằng phương pháp thủ công, kết hợp với các loại thuốc hóa học, sinh học có hiệu quả cao” để bảo vệ sản xuất.

Công tác thủy nông: Giữ nước nông mặt ruộng tránh mất lấm trong khi thu hoạch lúa Xuân; tiêu chủ động giai đoạn cấy; tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng, tưới đủ theo nhu cầu nước các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Chủ động tưới tiêu, không để úng, hạn xảy ra, làm tốt việc khơi thông dòng chảy, thực hiện sớm và đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch làm thủy lợi mặt ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa, tạo điều kiện cho gieo trồng cây vụ Đông. Điều hành nước linh hoạt, đảm bảo vừa giữ được ải, vừa đủ nước cho gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông.

3.2.2. Sản xuất màu vụ Hè, Hè Thu: Lựa chọn cây trồng phù hợp, bố trí công thức luân canh, trồng xen hợp lý như: xen ngô với cây họ đậu, gối vụ với màu hè. Chú trọng nhóm dưa, bí và nhóm rau chịu nhiệt như su hào, cà chua, đậu ăn quả các loại...

3.2.3. Sản xuất vụ Đông:

a. Đối với nhóm cây ưa ấm:

- Cây ngô:

+ Gieo hạt 15 - 25/9, đặt bầu trước ngày 10/10. Đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính, thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến 15/10 để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ gieo trồng.

+ Áp dụng các biện pháp kỹ thuật: làm bầu ngô, làm đất tối thiểu, tăng mật độ ngô: 6-7 vạn cây/ha đối với đất màu, 5,7-6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối,...

+ Giống ngô: Sử dụng giống ngô lai F1 năng suất cao, mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô nếp lai mới, ngô đường năng suất cao, chất lượng tốt.

- Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt: cần áp dụng kỹ thuật làm bầu (nhóm dưa, bí), ươm cây con (ớt...) và chăm sóc cây con tốt. Đối với bầu bí, dưa chuột có thể áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rạch lúa đặt bầu trước khi thu hoạch lúa để tranh thủ thời vụ.

b. Đối với nhóm cây ưa lạnh:

- Khoai tây:

+ Thời vụ: Tập trung từ ngày 25/10 - 10/11, tốt nhất đầu tháng 11.

+ Giống khoai tây: Sử dụng các giống Solara, Atlantic, Diamant, Sinora, Marabel... có xác nhận phẩm cấp theo quy định của Nhà nước. Các địa phương rà soát yêu cầu lượng khoai tây giống cho sản xuất, cân đối và chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng khoai tây giống có uy tín để có đủ giống tốt cho sản xuất.

- Rau, đậu: Để đạt được mục tiêu sản xuất rau đậu theo kế hoạch cần tập trung vào các giải pháp sau:

+ Tận dụng tốt điều kiện đất đai, nhân lực, thời vụ, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, chủ động trồng rải vụ, tăng diện tích rau sớm và rau muộn, giảm diện tích rau đại trà.

+ Quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định theo quy trình sản xuất rau an toàn, thúc đẩy tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu rau Thái Bình để tăng hiệu quả kinh tế.

+ Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau công nghệ cao trong nhà màn; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, lạc...

c. Đối với sản xuất nấm: Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, diện tích lán trại sẵn có và nguồn nhân lực dư thừa trong nông thôn để phát triển và sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân.

3.3. Cơ chế, chính sách phát triển vụ Mùa, cây vụ Đông năm 2016:

3.3.1. Thực hiện tốt các chính sách đã han hành:

- Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ máy cấy, thiết bị kho lạnh bảo quản theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 24/9/2014.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 15/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Hè năm 2016.

- Tiếp tục hỗ trợ sản xuất vụ Đông, với điều kiện diện tích cây vụ Đông năm 2016 các huyện, thành phố thấp nhất phải bằng diện tích cây màu vụ Đông năm 2015.

3.3.2. Bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp vụ Mùa, vụ Đông năm 2016:

- Hỗ trợ thuốc hóa học diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016.

- Hỗ trợ các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm ngắn ngày hiệu quả cao.

- Hỗ trợ kinh phí cho các vùng sản xuất cây trồng an toàn, có hợp đồng tiêu thụ.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, các địa phương căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của mình có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích hộ nông dân phát triển sản xuất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của tỉnh xây dựng Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của huyện, thành phố; triển khai Đề án sản xuất đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các HTXDVNN; phân công các phòng, ban, đoàn thể chính trị - xã hội xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện; tổ chức duyệt kế hoạch sản xuất của các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền chủ trương, biện pháp phát triển sản xuất vụ Mùa, vụ Đông đến toàn thể nông dân thuộc phạm vi huyện, thành phố với mục tiêu năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp phát lịch thời vụ của huyện, thành phố cho các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo quyết liệt các khâu thu hoạch lúa Xuân, giữ nước, làm đất và gieo cấy đảm bảo kết thúc gieo cấy lúa Mùa trước ngày 25/7/2016; chú trọng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở địa phương, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp ký cam kết không kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu; công tác thủy lợi nội đồng được quan tâm thường xuyên, liên tục trong năm, nhất là việc khơi thông dòng chảy trong mùa mưa, bão.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả sản xuất của các địa phương, tham mưu và đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện Đề án một cách kịp thời; chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016.

- Tăng cường lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh, huyện, thành phố đã đề ra trong Đề án đảm bảo có hiệu quả về năng suất nhưng phải coi trọng chất lượng các sản phẩm.

- Tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức và cá nhân sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với các quy định của Nhà nước.

- Phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng cụ thể cơ chế, chính sách về đối tượng, định mức, phương thức, điều kiện áp dụng cho từng nội dung để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

3. Các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016.

- Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các đơn vị, đại lý cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác; kiên quyết xử lý những cửa hàng, đại lý vi phạm quy định.

4. Các đoàn thể chính trị, xã hội và cơ quan truyền thông đại chúng:

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hộ nông dân hiểu và nắm vững chủ trương sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của tỉnh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2016.

- Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung và tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến chủ trương sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2016; truyền tải những kiến thức kỹ thuật nông nghiệp; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị làm tốt, phê phán những nơi làm chưa tốt./.