Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1031/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-BNN-QLCL ngày 02/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT về việc ban hành Kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 45/TTr-SNN&PTNT ngày 17/3/2016 về việc ban hành Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương, Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NN. (A76)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Thực hiện Quyết định số 629/QĐ-BNN-QLCL ngày 02/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT về việc ban hành Kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Căn cứ vào tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.

- Ngăn chặn hiệu quả việc lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón hữu cơ, phân bón khác, chất xử lý cải tạo môi trường, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục, kém chất lượng, không an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ thịt gia súc gia cầm và giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật có hại.

- Nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

- Chỉ số cần đạt đến cuối năm 2016:

- 100% cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh được thống kê, cập nhật để đưa vào quản lý, trong đó:

+ Cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của cấp tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra đúng định kỳ đạt 100%.

+ Cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra đúng định kỳ tăng trên 90% so với năm 2015.

- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng ít nhất 02 lần so với năm 2015.

- Tỷ lệ mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trong các sản phẩm rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm giảm 10% so với năm 2015.

- Xây dựng và hoàn thiện 04 chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn có xác nhận, gồm các sản phẩm: Lương thực; rau quả; thịt; thủy sản.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Công tác lãnh đạo chỉ đạo

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; xác định rõ vai trò chủ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, chỉ đạo, phối hợp và thực hiện các đề án, dự án thuộc lĩnh vực của ngành Nông nghiệp.

- Triển khai kịp thời đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Đề án Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quy định quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra; công khai xếp loại và các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sử dụng VTNN trên địa bàn tỉnh khi được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.

2. Thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn

Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ Quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tuyên truyền về tác hại đối với sức khoẻ người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế đối với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm, chất bảo quản không có trong danh mục hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh. Tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản biết về các mức xử phạt hành chính hoặc có thể truy tố trách nhiệm hình sự đối với các hành vi, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

- Công khai kết quả phân loại A, B, C các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh, thông tin về các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, về địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và xác nhận an toàn.

- Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm; về hiện trạng an toàn thực phẩm đối với từng loại thực phẩm nông lâm thủy sản và hướng dẫn, khuyến nghị cách ứng xử phù hợp cho người tiêu dùng.

- Hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GMP, HACCP) đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; tuân thủ 4 đúng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

3. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm

- Tổ chức lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành Y tế, Công thương, Công an tỉnh phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; tái kiểm tra 100% cơ sở loại C và xử lý dứt điểm cơ sở tái kiểm tra vẫn loại C theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT. Tổ chức hướng dẫn cho cấp huyện, xã thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT.

- Tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (tập trung vào các đối tượng thức ăn chăn nuôi, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác) thực phẩm nông, lâm, thủy sản (tập trung là các trang trại chăn nuôi lợn, gà, nuôi trồng thủy sản; cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Hỗ trợ kết nối sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn

- Cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác (VietGAP, GMP, HACCP...); thông tin về các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn để thiết lập liên kết với các cơ sở kinh doanh phân phối sản phẩm.

- Phối hợp Sở Công thương tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn.

- Tiếp tục xây dựng và mở rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn gắn với giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn tại nơi bày bán.

5. Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để triển khai nhiệm vụ.

- Tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV và Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT và ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát kiểm tra chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Đầu tư, bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát; đối với cấp tỉnh ưu tiên đầu tư cho Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản, cấp huyện ưu tiên trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.

III. NGUỒN KINH PHÍ

1. Ngân sách nhà nước cho quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm.

2. Ngân sách nhà nước thông qua các đề tài, dự án đầu tư.

3. Kinh phí hỗ trợ của các dự án, tổ chức Quốc tế.

4. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các cơ quan

a) Sở Nông nghiệp và PTNT

- Phân công đơn vị trực thuộc chủ trì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

- Giao đơn vị theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh kết quả thực hiện trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch hành động Năm cao điểm VSATTP tại địa phương và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

- Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở NN&PTNT), trong đó nêu rõ kết quả triển khai, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

c) Các sở ngành liên quan

Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, xã thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý.

d) Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa

- Tăng số lượng, thời lượng phát sóng giới thiệu về các mô hình tốt, các tổ chức cá nhân điển hình tiên tiến về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Phối hợp, tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế đối với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh.

- Tuyên truyền, phổ biến về các mức xử phạt hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các hành vi, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm được phát hiện về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo đề nghị của cơ quan chức năng.

- Công khai kết quả phân loại A, B, C các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh, thông tin về các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, về địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và xác nhận an toàn theo đề nghị của các cơ quan quản lý.

đ) Hội Nông dân Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các hội viên tích cực tham gia các hoạt động đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng các phong trào thi đua, hưởng ứng và tham gia xây dựng các mô hình điểm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Giám sát, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng, không đảm bảo ATTP để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Sơ kết và tổng kết

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức sơ kết và tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch hành động; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động, Thủ trưởng các cơ quan chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 1031/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản