Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 07 /2006/QĐ - BTP

   Hà Nội, ngày   01  tháng  8  năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ
Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05 tháng 05 năm 2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 928 QĐ/TC ngày 29 tháng 11 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Tiêu chuẩn nghiệp vụ Giám đốc Sở Tư pháp.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Chính phủ;
- HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ;
- Công báo;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;
- Lưu VT,  TCCB.

BỘ TRƯỞNG



 
Uông Chu Lưu

 

TIÊU CHUẨN

GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-BTP ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

1. Vị trí, chức trách

Giám đốc Sở Tư pháp là công chức đứng đầu Sở Tư pháp, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của Sở, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, lý lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, hoà giải ở cơ sở, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại và các công tác tư pháp khác (sau đây gọi là quản lý nhà nước về công tác tư pháp); thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về công tác tư pháp theo sự phân công, uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Nhiệm vụ

Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về công tác tư pháp từ Trung ương đến cơ sở.

Giám đốc Sở Tư pháp có các nhiệm vụ sau đây:

2.1. Tổ chức xây dựng, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

2.2. Tổ chức phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.3. Tổ chức xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về công tác tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách trong quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

2.4. Tổ chức thẩm định và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;

2.5. Tổ chức rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành;

2.6. Tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp;

2.7. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật;

2.8. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về một số nhiệm vụ quản lý tổ chức, cán bộ đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

2.9. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật;

2.10. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, hoà giải ở cơ sở, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật;  

2.11. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về công tác tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật, sự phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.12. Tham gia thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.13. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Tư pháp cấp huyện, tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật;

2.14. Phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp ở địa phương; tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt;

Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương;

2.15. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác tư pháp; tổ chức công tác tổng hợp, thông tin, thống kê, báo cáo, lưu trữ của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.16. Chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính và việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.17. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn chức danh đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện;

2.18. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện cơ chế, chính sách, chế độ tài chính, kế toán, quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

2.19. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật;

2.20. Phòng ngừa, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật;

2.21. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao.

3. Phẩm chất

3.1. Yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo; tận tuỵ phục vụ nhân dân;

3.2. Làm việc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao;

3.3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư;

3.4. Trung thực, thẳng thắn, không cơ hội, có tinh thần tự phê bình và phê bình;

3.5. Đoàn kết, dân chủ, chân tình với đồng nghiệp, đồng sự, gương mẫu về đạo đức, lối sống; gắn bó mật thiết với nhân dân, được tập thể cán bộ, công chức nơi công tác và nhân dân nơi cư trú tín nhiệm;

3.6. Có ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan;

3.7. Không tham nhũng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

4. Năng lực

4.1. Có khả năng nghiên cứu pháp luật, phân tích chính sách, tổ chức  soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thực tiễn, phân tích, dự báo, đề xuất các giải pháp cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

4.2. Có tư duy độc lập, sáng tạo; có năng lực tham mưu về pháp luật, chính sách và năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp;

4.3. Có bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; có khả năng quy tụ, đoàn kết, tập hợp cán bộ, công chức; có khả năng phổ biến, tuyên truyền, thuyết phục, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

4.4. Có khả năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Hiểu biết

5.1. Nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Ngành Tư pháp;

5.2. Nắm vững kiến thức pháp luật và nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

5.3. Am hiểu các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan, tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của địa phương, đất nước, khu vực và quốc tế.

6. Trình độ

6.1. Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên;                                                                                                                                                                                                                                                                                    

6.2. Tốt nghiệp đại học luật trở lên;

6.3. Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị;

6.4. Tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên;

6.5. Thành thạo một ngoại ngữ thông dụng từ trình độ C trở lên. Đối với tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích học và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác;

6.6. Sử dụng thành thạo máy tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác.

7. Các điều kiện khác

7.1. Có ít nhất 05 năm công tác trong Ngành Tư pháp, trong đó có 03 năm trở lên làm công tác quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

7.2. Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ;

7.3. Có đủ sức khoẻ để đảm đương công việc được giao./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2006/QĐ-BTP ban hành Tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 07/2006/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/08/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Uông Chu Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản