Hệ thống pháp luật

Chương 3 Pháp lệnh Thú y năm 2004

Chương 3:

KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT; KIỂM SOÁT GIẾT MỔ; KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y

Mục 1: KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Điều 23. Nguyên tắc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

1. Động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển với số lượng, khối lượng lớn ra khỏi huyện phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát.

2. Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản ban hành khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh phải được kiểm dịch theo quy định tại Điều 28Điều 29 của Pháp lệnh này.

Đối với động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, việc kiểm dịch được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu và theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này.

3. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản ban hành.

4. Đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật phải được kiểm tra, phát hiện nhanh, chính xác.

5. Động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước mà không xác định được chủ thì tuỳ theo tình trạng động vật, sản phẩm động vật mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thú y cho phép sử dụng hoặc tiêu hủy theo quy định.

Động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mà không xác định được chủ thì phải tiêu hủy.

Điều 24. Nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

1. Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch.

2. Tập trung động vật, sản phẩm động vật tại nơi quy định hoặc đưa động vật, sản phẩm động vật vào khu cách ly kiểm dịch; kiểm tra lâm sàng, chẩn đoán, xét nghiệm động vật, sản phẩm động vật để phát hiện đối tượng kiểm dịch.

3. Kết luận về kết quả kiểm dịch để cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận hoặc không chứng nhận kiểm dịch.

4. Yêu cầu chủ động vật, sản phẩm động vật xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này.

Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản có trách nhiệm:

a) Ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch;

b) Ban hành Danh mục cấm nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi;

c) Ban hành quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y quy định tại điểm e và điểm g khoản 2, điểm e và điểm g khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

d) Quy định biện pháp xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

đ) Quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch viên, mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

2. Các cơ quan Hải quan, Thương mại, Giao thông vận tải, Công an có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thú y thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong phạm vi địa phương.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch địa điểm xây dựng khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và chỉ đạo các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này trong việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y có trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ở các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, cửa khẩu biên giới, bưu điện theo quy định tại các điều 26, 27, 28 và 29 của Pháp lệnh này.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thú y có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quy định địa điểm và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh thú y trong thời gian tập trung động vật, sản phẩm động vật để tham gia hội chợ, triển lãm động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản chịu trách nhiệm kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc chứng nhận kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước.

7. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ngành có liên quan tại địa phương trong việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước.

8. Tổ chức, cá nhân khi lưu thông động vật, sản phẩm động vật phải chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; trả phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 26. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong nước

1. Chủ động vật, sản phẩm động vật trước khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải khai báo với cơ quan thú y có thẩm quyền.

Cơ quan thú y có trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; cho phép tiếp tục lưu thông động vật, sản phẩm động vật đang trên đường vận chuyển nếu có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ.

Trong trường hợp giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch thì cơ quan thú y xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Động vật, sản phẩm động vật có đủ điều kiện sau đây thì được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch:

a) Động vật đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại điểm e khoản 2, điểm e khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này, được lấy từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, đã được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc và còn miễn dịch;

b) Sản phẩm động vật được lấy từ động vật quy định tại điểm a khoản này và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được bao gói, bảo quản theo quy định của pháp luật;

c) Chất thải động vật được lấy từ động vật quy định tại điểm a khoản này và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này.

3. Dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, chứa đựng động vật, sản phẩm động vật, chất thải động vật phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển; phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật phải là phương tiện chuyên dùng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này và phải được niêm phong trước khi vận chuyển sản phẩm động vật đã được kiểm dịch.

4. Chủ động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng động vật, sản phẩm động vật thuộc diện kiểm tra vệ sinh thú y phải chịu trách nhiệm về hàng hoá, phương tiện vận chuyển, nội dung khai báo của mình; bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình tập trung, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 27. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu

1. Động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu phải được kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại nơi xuất phát theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ động vật, sản phẩm động vật.

2. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật có yêu cầu kiểm dịch phải khai báo trước với cơ quan kiểm dịch động vật có thẩm quyền. Căn cứ vào tính chất, số lượng, loại động vật, sản phẩm động vật, cơ quan kiểm dịch động vật thông báo cho chủ hàng hóa biết địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch.

3. Cơ quan kiểm dịch động vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi xuất phát đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

Trong trường hợp xác định động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo yêu cầu của nước nhập khẩu thì cơ quan kiểm dịch động vật yêu cầu chủ hàng hóa thực hiện biện pháp xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này.

Điều 28. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu

1. Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật phải khai báo trước với cơ quan kiểm dịch động vật có thẩm quyền của Việt Nam.

Căn cứ vào tính chất, số lượng, loại động vật, sản phẩm động vật, cơ quan kiểm dịch động vật thông báo cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật biết địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch và theo dõi cách ly kiểm dịch.

2. Việc kiểm dịch phải được tiến hành sau khi động vật, sản phẩm động vật được đưa đến địa điểm do cơ quan kiểm dịch động vật quy định. Thời gian kiểm dịch đối với sản phẩm động vật không quá 10 ngày.

3. Việc kiểm dịch đối với động vật nhập khẩu được quy định như sau:

a) Khi động vật đến cửa khẩu thì cơ quan kiểm dịch kiểm tra hồ sơ, tình trạng sức khỏe của động vật, nếu hồ sơ hợp lệ, động vật không có dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm thì xác nhận để chủ hàng hóa làm thủ tục hải quan và chuyển động vật đến khu cách ly kiểm dịch để theo dõi kiểm dịch, thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch tuỳ theo từng bệnh, từng loài động vật nhưng không quá 45 ngày; hướng dẫn chủ hàng hóa thực hiện các biện pháp vệ sinh cho người tiếp xúc với động vật, vệ sinh môi trường, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ bốc dỡ, phương tiện vận chuyển động vật, các khoang chứa động vật và các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y có liên quan;

b) Trong quá trình vận chuyển, bốc xếp, chăm sóc, theo dõi kiểm dịch động vật tại khu cách ly kiểm dịch, chủ hàng hóa hoặc người đại diện phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

4. Sản phẩm động vật, đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y quy định tại điểm e và điểm g khoản 2, điểm e và điểm g khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để tiến hành thủ tục hải quan; trường hợp phải chuyển đến địa điểm khác để kiểm dịch thì phải được cơ quan thú y cấp giấy di chuyển để tiến hành thủ tục hải quan.

5. Tổ chức, cá nhân mang động vật, sản phẩm động vật theo người vào Việt Nam phải khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu để kiểm dịch.

6. Động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y hoặc thuộc diện cấm nhập khẩu phải được xử lý như sau:

a) Trả động vật về nơi xuất xứ hoặc tiêu hủy tại địa điểm được cơ quan thú y chỉ định và giám sát việc tiêu hủy;

b) Trả sản phẩm động vật về nơi xuất xứ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật; sau khi xử lý, nếu đạt yêu cầu thì cho nhập khẩu.

Điều 29. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân có động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật có thẩm quyền của Việt Nam ít nhất là 7 ngày, trước khi hàng hóa đến cửa khẩu.

2. Cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu và kiểm tra vệ sinh thú y khi động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tới cửa khẩu biên giới; nếu đủ điều kiện thì cơ quan kiểm dịch động vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc chứng nhận kiểm dịch.

3. Cơ quan kiểm dịch động vật yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp xử lý sau đây đối với động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y hoặc thuộc diện cấm nhập khẩu:

a) Trả động vật, sản phẩm động vật về nơi xuất xứ;

b) Tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

4. Cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất hàng; chỉ mở công-ten-nơ, dấu niêm phong để kiểm tra vệ sinh thú y trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật đối với động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam bằng công-ten-nơ hoặc phương tiện có dấu niêm phong khác.

Điều 30. Kiểm dịch động vật tham gia hội chợ, triển lãm, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật; sản phẩm động vật tham gia hội chợ, triển lãm

1. Tổ chức, cá nhân có động vật thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch, khi tập trung để tham gia hội chợ, triển lãm, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật; sản phẩm động vật thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch khi đưa vào hội chợ, triển lãm phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý nhà nước về thú y tại địa phương xuất phát đối với động vật, sản phẩm động vật nội địa;

b) Có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của cơ quan kiểm dịch động vật đối với động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài;

c) Bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương trong thời gian động vật được tập trung để tham gia hội chợ, triển lãm, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm động vật được đưa vào hội chợ, triển lãm.

2. Sau thời gian tập trung, hội chợ, triển lãm, cơ quan quản lý nhà nước về thú y địa phương kiểm tra vệ sinh thú y cho toàn bộ động vật, sản phẩm động vật, hướng dẫn vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho động vật, sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y để sử dụng trong nước.

Trong trường hợp động vật được đưa vào tham gia hội chợ, triển lãm, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm động vật tham gia hội chợ, triển lãm có yêu cầu xuất ra khỏi Việt Nam, thì tổ chức, cá nhân có động vật, sản phẩm động vật phải làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Mục 2: KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT

Điều 31. Nguyên tắc kiểm soát giết mổ động vật

1. Động vật giết mổ phải được kiểm soát đúng quy trình, thủ tục tại cơ sở giết mổ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Pháp lệnh này.

2. Động vật giết mổ phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại điểm h khoản 2, điểm h khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Sản phẩm động vật trước khi đưa ra lưu thông phải được kiểm tra, xác định là đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và được đóng dấu hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y.

4. Chỉ những người có thẻ kiểm dịch viên động vật mới được làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật tại cơ sở giết mổ động vật.

Điều 32. Nội dung kiểm soát giết mổ động vật

1. Kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với động vật giết mổ theo quy định tại điểm h khoản 2, điểm h khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này.

2. Kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, sơ chế động vật quy định tại điểm i khoản 2, điểm i khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này.

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với người trực tiếp tham gia giết mổ động vật quy định tại khoản 3 Điều 33 của Pháp lệnh này.

4. Kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, bảo đảm động vật trước khi giết mổ không mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

5. Kiểm tra động vật trước, trong và sau khi giết mổ để phát hiện đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

6. Phát hiện và xử lý động vật mắc bệnh, chết; sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

7. Đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt hoặc dán tem vệ sinh thú y; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để lưu thông sản phẩm động vật.

Điều 33. Điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, sơ chế động vật

1. Địa điểm cơ sở giết mổ, sơ chế động vật phải theo quy hoạch của Uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, sơ chế động vật quy định tại điểm i khoản 2, điểm i khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này.

3. Người trực tiếp giết mổ động vật, sơ chế động vật phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, da liễu, có giấy khám sức khỏe định kỳ của cơ quan y tế tại địa phương.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giết mổ động vật

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản quy định trình tự, thủ tục kiểm soát giết mổ động vật, con dấu kiểm soát giết mổ, đánh dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, thẻ kiểm dịch viên động vật.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản có trách nhiệm kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, sơ chế động vật xuất khẩu.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch địa điểm cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ ở cấp huyện, cấp xã.

4. Cơ quan thú y địa phương có trách nhiệm kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và hướng dẫn xử lý chất thải động vật tại các cơ sở giết mổ, sơ chế động vật phục vụ cho tiêu dùng nội địa.

5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật, sản phẩm động vật phải thực hiện việc giết mổ động vật tại cơ sở giết mổ và trả phí, lệ phí kiểm soát giết mổ theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Mục 3: KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y

Điều 35. Nguyên tắc kiểm tra vệ sinh thú y

1. Việc kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, bảo quản, lưu thông, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tươi sống.

2. Việc kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định.

3. Việc kiểm tra vệ sinh thú y chỉ được thực hiện đối với các đối tượng có trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản ban hành.

4. Chỉ những người có thẻ kiểm dịch viên động vật mới được làm nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 36. Nội dung kiểm tra vệ sinh thú y

1. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tiêu chuẩn vệ sinh thú y quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i, k và l khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i, k và l khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh này đối với:

a) Cơ sở chăn nuôi, thu gom, kinh doanh động vật; cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống;

b) Trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển dùng trong chăn nuôi;

c) Thức ăn chăn nuôi, nước dùng cho động vật tại các cơ sở chăn nuôi tập trung; nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi;

d) Chất thải động vật, đối tượng khác thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y;

đ) Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;

e) Khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;

g) Cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản động vật, sản phẩm động vật;

h) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y.

2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phát hiện các đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.

3. Kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra vệ sinh thú y

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm ban hành:

a) Danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y;

b) Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

c) Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra vệ sinh thú y.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh thú y các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Pháp lệnh này đối với các cơ sở chăn nuôi do trung ương quản lý, các cơ sở giết mổ xuất khẩu theo phân cấp và xử lý vi phạm theo quy định của pháp lụât.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan có liên quan ở địa phương phối hợp thực hiện các quy định về kiểm tra vệ sinh thú y và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thú y ở địa phương có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh thú y đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Pháp lệnh này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật phải chấp hành các quy định về kiểm tra vệ sinh thú y; trả phí và lệ phí kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Pháp lệnh Thú y năm 2004

  • Số hiệu: 18/2004/PL-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 29/04/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH