Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị quyết 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc do Quốc hội ban hành

Chương II

LỰC LƯỢNG VIỆT NAM THAM GIA HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

1. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc;

b) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền của Việt Nam về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác có liên quan;

c) Bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tôn trọng pháp luật, chính quyền, người dân và văn hóa, phong tục tập quán ở quốc gia, khu vực nơi lực lượng Việt Nam tham gia;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền của Việt Nam giao.

2. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có quyền hạn sau đây:

a) Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện của Việt Nam và Liên hợp quốc được giao theo quy định để thực hiện nhiệm vụ;

b) Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc và thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Điều 8. Xây dựng lực lượng

1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định biên chế, tổ chức đơn vị và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính.

Điều 9. Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ

1. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại mỗi phái bộ có Chỉ huy trưởng.

2. Trường hợp phái bộ chỉ có lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia, người chỉ huy cao nhất của lực lượng đó là Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam.

3. Trường hợp phái bộ có lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia, người chỉ huy cao nhất của lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng là Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam.

4. Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ.

Điều 10. Trang phục, trang bị của lực lượng Việt Nam

1. Trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lực lượng Việt Nam sử dụng trang phục theo quy định của Liên hợp quốc.

2. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được giao quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện và vật chất cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ.

3. Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Chính phủ quy định màu sắc, dấu hiệu nhận biết riêng đối với trang bị, phương tiện được sử dụng huấn luyện và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nghị quyết 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 130/2020/QH14
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1169 đến số 1170
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH