Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2018/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 29 tháng 10 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN SẮP XẾP, SÁP NHẬP, CHIA TÁCH CÁC THÔN, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư; Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012;

Xét Tờ trình số 79/TTr-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh với các nội dung chính cụ thể như sau:

1. Điều kiện sáp nhập, chia tách để thành lập các thôn, khu dân cư mới

Các thôn, khu dân cư mới được thành lập sau khi sáp nhập, chia tách phải đảm bảo về quy mô hộ gia đình theo quy định hiện hành.

2. Nguyên tắc

2.1. Nguyên tắc chung

- Việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp; đảm bảo công khai, dân chủ, thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Việc sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư, việc lựa chọn tên thôn, khu dân cư mới sau sáp nhập, chia tách phải đảm bảo phù hợp các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; được đa số nhân dân đồng tình và ổn định tình hình ở cơ sở.

- Việc sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư phải tiến hành đồng bộ, thống nhất với việc kiện toàn tổ chức Đảng, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, khu dân cư.

2.2. Về sáp nhập thôn, khu dân cư

- Sáp nhập các thôn, khu dân cư chưa đủ tiêu chí vào thôn, khu dân cư chưa đủ hoặc đã đủ tiêu chí quy định về quy mô hộ gia đình hợp lý để phù hợp với điều kiện địa lý và tình hình thực tế ở địa phương. Chỉ sáp nhập các thôn, khu dân cư thuộc cùng một đơn vị hành chính cấp xã. Chỉ sáp nhập tối đa không quá 03 đơn vị.

- Các thôn được sáp nhập phải có vị trí liền kề nhau trong một đơn vị hành chính cấp xã, có địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận lợi trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Trong trường hợp đặc biệt, có thể điều chỉnh, chia tách một phần thôn, khu dân cư để sáp nhập vào các thôn, khu dân cư khác nhằm đảm bảo đạt tiêu chí, quy mô hợp lý theo quy định.

- Có thể xem xét, chưa thực hiện sáp nhập các thôn, khu dân cư không đủ tiêu chí (50% quy mô hộ gia đình) nếu có một trong những các yếu tố đặc thù sau:

+ Có vị trí địa lý tự nhiên biệt lập hoặc bị chia cắt bởi địa hình phức tạp.

+ Có sự khác biệt về phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo.

2.3. Về chia tách thôn, khu dân cư

- Các thôn, khu dân cư được thành lập mới sau chia tách phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện, quy mô của thôn, khu dân cư theo quy định hiện hành.

- Các thôn, khu dân cư sau khi chia tách phải có các thiết chế văn hóa riêng, có đường phân chia ranh giới rõ ràng, tôn trọng cơ sở tôn giáo tín ngưỡng hiện có chung hoặc riêng biệt.

3. Quy trình thực hiện

Trình tự triển khai các bước thực hiện việc sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Lộ trình thực hiện

- Năm 2018: Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua; hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Năm 2019: Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về sáp nhập các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phấn đấu hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2019.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) thông qua ngày 29 tháng 10 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 11 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (để báo cáo)
- Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Nội vụ; (để báo cáo)
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản); (để báo cáo)
- Ban Công tác đại biểu; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TT HĐND; UBND; UBMTTQ tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Lãnh đạo và CV Văn phòng HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TP, TX;
- Báo Hải Dương; Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 11/2018/NQ-HĐND về Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 11/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản