Hệ thống pháp luật

Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Điều 2. Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội

1. Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

3. Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

4. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).

5. Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...).

6. Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).

7. Động vật lớp khác quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

8. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm c khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự.

9. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm e khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 05/2018/NQ-HĐTP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1049 đến số 1050
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra