Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/NQ-HĐND

Đồng Xoài, ngày 06 tháng 8 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP BAN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ CỦA TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 118/ TTr-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2012; Báo cáo thẩm tra số 32/BC-HĐND-PC ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã của tỉnh.

(Có Đề án cụ thể kèm theo)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa VIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26 tháng 7 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

ĐỀ ÁN

THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP BAN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ CỦA TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 06/8/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP BAN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ:

1. Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005 đã cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, không phân biệt cụ thể cho từng cấp chính quyền địa phương. Như vậy, được hiểu là hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân xã cũng thực hiện như Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện.

2. Từ kết quả khảo sát tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân xã của tỉnh nhiệm kỳ trước và từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhận thấy hoạt động của Hội đồng nhân dân xã còn nhiều hạn chế, điển hình là:

- Hoạt động giám sát: nhiều xã còn lẫn lộn giữa chức năng giám sát mang tính quyền lực nhà nước của Hội đồng nhân dân với chức năng giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước;

- Việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết do Ủy ban nhân dân xã trình kỳ họp Hội đồng nhân dân: theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Khoản 2, Điều 16 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005, việc thẩm tra thuộc thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân xã, nhưng rất ít xã thực hiện được do Thường trực Hội đồng nhân dân xã chỉ có 2 người, trong đó hầu hết Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm.

Tình trạng trên có thể sẽ khắc phục về cơ bản nếu Hội đồng nhân dân xã có các Ban của Hội đồng nhân dân.

3. Tại Hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trong tỉnh năm 2009, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có mời Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai trao đổi về kết quả thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Đồng Nai (Theo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, mặc dù pháp luật không quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã nhưng trong thực tiễn hoạt động, tỉnh Đồng Nai đã thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã từ nhiệm kỳ 2004 - 2011, lúc đầu thí điểm thành lập ở 03 huyện, thị xã (mỗi huyện, thị xã chọn Hội đồng nhân dân 02 xã, phường, thị trấn), hiện nay đã triển khai ở 100% Hội đồng nhân dân cấp xã của 03 huyện, thị nói trên. Cuối nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành tổng kết, cho thấy chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã sau khi tổ chức thành lập Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã nâng lên rõ rệt và được Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao, đồng thời khuyến khích tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khác nếu có điều kiện thì tiếp tục tổ chức thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã). Hiện nay, đã có nhiều tỉnh thực hiện thí điểm Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, như: Bến Tre, Đồng Tháp, Lào cai, Bắc Ninh,….

Tất cả Thường trực Hội đồng nhân dân xã của tỉnh Bình Phước đều cho rằng muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân xã thì Hội đồng nhân dân xã phải có các Ban của Hội đồng nhân dân như ở tỉnh và huyện; và kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nên cho thí điểm thành lập Ban như ở Đồng Nai và một số tỉnh.

4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã tổ chức đoàn và giới thiệu cho một số xã của tỉnh đi khảo sát kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai; đồng thời cũng dự Hội nghị tổng kết do Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức. Kết quả nhận thấy, ở địa phương nào Hội đồng nhân dân xã thành lập Ban của Hội đồng nhân dân thì kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được nâng lên rõ rệt, như: sự điều hành của Ủy ban nhân dân có hiệu quả hơn, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được nâng cao và bộ mặt nông thôn được khởi sắc hơn.

5. Thực tế ở tỉnh ta, đã có Hội đồng nhân dân xã Thống Nhất của huyện Bù Đăng, từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hội đồng nhân dân xã đã ra Nghị quyết về thành lập Tổ giám sát của Hội đồng nhân dân để giúp Thường trực Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát, thẩm tra và hoạt động khá hiệu quả. Tuy chưa có đánh giá cụ thể, nhưng theo nhận định sơ bộ của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện và ý kiến trao đổi của Thường trực Hội đồng nhân dân xã thì hoạt động của Hội đồng nhân dân xã từ đầu nhiệm kỳ đến nay được nâng lên.

6. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy và Ban Công tác đại biểu - Ủy ban thường vụ Quốc hội cho chủ trương thí điểm thành lập Ban của HĐND xã tại 5 huyện, thị xã; mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã. Theo đó, Ban Công tác đại biểu, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất với chủ trương và giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng “Đề án thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã” báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã và được đánh giá cao (Đề án được xây dựng căn cứ theo các quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004; Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005 và từ tình hình thực tiễn).

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

1. Phạm vi thí điểm:

- Tiến hành thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã tại 5 huyện, thị xã (gồm các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài), mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã (cụ thể do Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, thị xã chọn và đề xuất);

- Thời gian tổ chức thí điểm: Trong 2 năm, kể từ khi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu lực thi hành. Sau 1 năm sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá, nếu thấy chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các xã thí điểm vượt trội, thì báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh cho phổ biến, nhân rộng.

2. Dự kiến cơ cấu, tổ chức Ban của Hội đồng nhân dân xã:

- Mỗi Hội đồng nhân dân xã thành lập 2 Ban, gồm: Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế;

- Mỗi Ban có 5 hoặc 7 thành viên, là đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và không thể đồng thời là thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp;

- Cơ cấu, tổ chức Ban của Hội đồng nhân dân xã gồm: Trưởng Ban, 1 Phó Trưởng Ban và các thành viên của Ban.

3. Trình tự, thủ tục thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã:

Tương tự như trình tự, thủ tục thành lập Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và huyện, gồm:

- Thường trực Hội đồng nhân dân xã lập Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân xã về việc thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã;

- Hội đồng nhân dân xã tiến hành bầu cử Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên khác của Ban và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử;

- Thường trực Hội đồng nhân dân xã trình Hội đồng nhân dân ban hành quy định tạm thời về hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân xã.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Hội đồng nhân dân xã:

- Tham gia chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Hội đồng nhân dân xã;

- Thẩm tra các báo cáo, đề án do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân xã phân công;

- Giúp Hội đồng nhân dân xã giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp;

- Giúp Hội đồng nhân dân xã giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân trên địa bàn trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

Trong khi thi hành nhiệm vụ, các Ban của Hội đồng nhân dân xã có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, các đoàn thể ở địa phương cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động giám sát. Các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã và các đoàn thể có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của các Ban Hội đồng nhân dân xã;

- Tham gia các cuộc giám sát, khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức khi có yêu cầu phối hợp;

- Báo cáo kết quả hoạt động giám sát với Hội đồng nhân dân xã và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

5. Kinh phí hoạt động và chế độ phụ cấp cho thành viên Ban của Hội đồng nhân dân xã:

- Kinh phí hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân xã nằm trong kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, chi cho hoạt động đặc thù của các Ban Hội đồng nhân dân theo quy định tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ chi đặc thù cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh;

- Chế độ phụ cấp cho Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Hội đồng nhân dân xã thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ chi đặc thù cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh.

6. Kinh phí thực hiện Đề án:

- Kinh phí thực hiện Đề án, bao gồm: kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo, của Tổ giúp việc; tổ chức hướng dẫn, tập huấn, giám sát, khảo sát hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân xã; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết,… do ngân sách tỉnh đảm bảo, được cân đối vào kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện theo chế độ hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh:

- Thành lập các Tổ tham mưu xây dựng nội dung và giám sát việc thực hiện Đề án;

- Xây dựng Kế hoạch và văn bản hướng dẫn các xã thí điểm triển khai thực hiện;

- Chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị tấp huấn kỹ năng hoạt động cho các thành viên Ban của Hội đồng nhân dân xã.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài:

- Chọn và đăng ký danh sách Hội đồng nhân dân các xã của địa phương mình tổ chức thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã, gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Phân công trong Thường trực Hội đồng nhân dân và thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các xã của địa phương triển khai việc thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã;

- Theo dõi hướng dẫn Hội đồng nhân dân các xã tổ chức kỳ họp để bầu Ban của Hội đồng nhân dân xã và thông báo về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để phối hợp hướng dẫn đảm bảo các Ban của Hội đồng nhân dân xã hoạt động đạt kết quả cao.

3. Hội đồng nhân dân các xã thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã:

Tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân để thông qua:

- Nghị quyết về việc thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã;

- Nghị quyết xác nhận kết quả bầu Trưởng Ban, Phó Trưởng ban và thành viên của Ban;

- Nghị quyết ban hành tạm thời về hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân xã;

- Xây dựng Tờ trình về chương trình hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân xã.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐND thông qua đề án thí điểm thành lập Ban của Hội đồng nhân dân xã tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 03/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/08/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản