Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2008/NQ-HĐND7

Thủ Dầu Một, ngày 22 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

DỰ TOÁN ĐIỀU CHỈNH NGÂN SÁCH VÀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN ĐIỀU CHỈNH NGÂN SÁCH TỈNH NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VII – KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1653/TTr-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về dự toán điều chỉnh ngân sách và phân bổ dự toán điều chỉnh ngân sách tỉnh năm 2008; Báo cáo thẩm tra số 26/BC-HĐND-KTNS ngày 02 tháng 7 năm 2008 của Ban Kinh tế – Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn dự toán điều chỉnh ngân sách và phân bổ dự toán điều chỉnh ngân sách tỉnh năm 2008 như sau:

- Tổng thu từ kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2008 điều chỉnh là 10.563 tỷ 130 triệu đồng, tăng 18% so với dự toán đầu năm 2008.

- Tổng chi ngân sách địa phương năm 2008 điều chỉnh là 3.743 tỷ 402 triệu đồng, tăng 10% so với dự toán đầu năm 2008, trong đó chi đầu tư – xây dựng cơ bản là 1.542 tỷ 465 triệu đồng (không bao gồm 32 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ).

- Phân bổ dự toán ngân sách tỉnh khối hành chính sự nghiệp năm 2008 điều chỉnh (kèm phụ lục I); phân bổ dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2008 điều chỉnh khối huyện, thị xã (kèm phụ lục II); phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2008 điều chỉnh khối huyện, thị xã (kèm phụ lục III).

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ thu – chi ngân sách điều chỉnh năm 2008 theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt các biện pháp để điều hành thu – chi ngân sách 6 tháng cuối năm và dự toán điều chỉnh năm 2008 như đã nêu trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thu với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý thuế, tạo nguồn để chi một số nhiệm vụ cấp bách, giảm áp lực tăng lạm phát.

- Thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về đình hoãn khởi công, giãn tiến độ thi công các dự án chưa thực sự cấp bách; chấp hành đúng chỉ tiêu cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên, tạm ngưng việc sửa chữa lớn, duy tu trụ sở, mua sắm ô tô, phương tiện và tài sản có giá trị lớn; thực hiện tiết kiệm tối đa chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, các đoàn công tác (trong và ngoài nước) sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

- Đối với số tăng thu ngân sách so với dự toán được giao đầu năm, số dự phòng ngân sách, nhất là dự phòng thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát (581 tỷ 719 triệu đồng), đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có phương án sử dụng hiệu quả, kịp thời tránh kết dư ngân sách cuối năm cao; đồng thời có sự thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi thực hiện.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VII, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Vũ Minh Sang

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN