Điều 5 Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015, việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm được thực hiện như sau:
1. Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại hồ sơ để Điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy thuộc trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì Tòa án áp dụng Điểm b Khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) ra quyết định trả hồ sơ để Điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát.
2. Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên tòa áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Điểm c Khoản 2 Điều 176, Điều 180 và Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 277, Điều 282 và Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) ra quyết định đình chỉ vụ án.
3. Trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên tòa sơ thẩm) áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Khoản 2 Điều 107 và Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157 và Điều 282 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) ra quyết định đình chỉ vụ án.
4. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Khoản 2 Điều 107 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157 và Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) quyết định huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
5. Trường hợp đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và vụ án đang trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Khoản 2 Điều 107 và Điều 286 hoặc Khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157 và Điều 392 hoặc Khoản 3 Điều 402 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) quyết định huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
6. Việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 là đình chỉ về trách nhiệm hình sự. Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc trong bản án lý do của việc đình chỉ là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được đình chỉ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tòa án phải chuyển quyết định hoặc bản án kèm theo hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Việc xét xử về các tội phạm khác đối với người được đình chỉ, các bị cáo khác trong vụ án (nếu có) được giải quyết theo thủ tục chung.
Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 01/2016/NQ-HĐTP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 30/06/2016
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Hòa Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/08/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
- Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các Điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
- Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
- Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
- Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
- Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
- Điều 7. Hiệu lực thi hành
- Điều 8. Tổ chức thực hiện