Chương 3 Nghị định 95/2010/NĐ-CP quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam
Điều 11. Yêu cầu trong phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
Trong phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:
1. Chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc và tình huống phải phối hợp với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài.
2. Tổ chức thu nhận, xử lý thông tin báo nạn kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền.
3. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn trong nước với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài khi có tình huống.
4. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và an toàn của các hoạt động hàng hải, hàng không.
Điều 12. Phối hợp trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Trường hợp không có tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển
a) Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là đầu mối phối hợp trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thông báo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam và biện pháp, cách thức phối hợp với các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài khi hoạt động trên các vùng biển của Việt Nam;
b) Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo các nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam tại hiện trường và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Trường hợp có tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển
a) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam lập kế hoạch và xác định khu vực bay tìm kiếm, triển khai cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và thông báo kế hoạch cho Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia;
b) Chỉ huy tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo ngay kết quả bay quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam;
c) Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn trên biển có tàu bay tham gia do chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển đảm nhiệm;
d) Các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn phải phối hợp với Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam để thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng không và hàng hải.
Điều 13. Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên đất liền
1. Trường hợp không có tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn
a) Ban Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn hiện trường là đầu mối phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài, có trách nhiệm quy định các biện pháp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì trong việc sử dụng lực lượng, phương tiện địa phương tham gia phối hợp với các lực lượng phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn hiện trường;
c) Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo các nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường.
2. Trường hợp có tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn
a) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xác định khu vực bay tìm kiếm, chỉ đạo Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia lập kế hoạch bay tìm kiếm và phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để phối hợp với lực lượng bay tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trong hoạt động bay tìm kiếm, cứu nạn trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia thông báo kịp thời về tình hình địa hình, thời tiết, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động bay cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài biết để thực hiện bay tìm kiếm, cứu nạn;
c) Chỉ huy tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn do chỉ huy hiện trường thuộc Ban Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn hiện trường chỉ huy, thông qua cơ quan điều hành bay và kiểm soát không lưu thực hiện;
d) Chỉ huy tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo kịp thời kết quả bay quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Điều 14. Phối hợp trong quản lý, kiểm tra kiểm soát
1. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền thực hiện việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trong quá trình hoạt động tìm kiếm, cứu nạn theo giấy phép được cấp.
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền thực hiện việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài theo giấy phép được cấp.
3. Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, theo chức năng của Bộ, ngành mình.
Điều 15. Trách nhiệm phối hợp của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài
Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài khi hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam có trách nhiệm:
1. Chỉ định Chỉ huy trưởng tìm kiếm, cứu nạn của mình tại Việt Nam và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam để phối hợp quản lý và thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trong quá trình hoạt động cho đến khi kết thúc;
2. Chấp hành sự điều phối chung của Chỉ huy hiện trường Việt Nam, thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
3. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng Việt Nam; đồng thời có trách nhiệm thông tin báo cáo kịp thời theo nội dung, yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
4. Nguyên liệu, vật liệu và hàng hóa cứu trợ, cấp cứu khẩn cấp mang vào Việt Nam phải được kiểm tra, giám định; việc phân phát phải theo sự điều phối chung của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Nghị định 95/2010/NĐ-CP quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Áp dụng pháp luật
- Điều 4. Giải thích từ ngữ
- Điều 5. Trách nhiệm cơ quan chủ trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
- Điều 6. Nguyên tắc cấp phép
- Điều 7. Điều kiện cấp phép
- Điều 8. Trình tự yêu cầu hoặc chấp thuận lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào tham gia tìm kiếm cứu nạn
- Điều 9. Cơ quan cấp phép
- Điều 10. Phối hợp trong cấp phép
- Điều 11. Yêu cầu trong phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
- Điều 12. Phối hợp trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển
- Điều 13. Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên đất liền
- Điều 14. Phối hợp trong quản lý, kiểm tra kiểm soát
- Điều 15. Trách nhiệm phối hợp của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài
- Điều 16. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
- Điều 17. Bộ Quốc phòng
- Điều 18. Bộ Giao thông vận tải
- Điều 19. Bộ Ngoại giao
- Điều 20. Bộ Công an
- Điều 21. Bộ Tài chính
- Điều 22. Bộ Y tế
- Điều 23. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Điều 24. Các Bộ, ngành có liên quan
- Điều 25. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương