Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

Chương V

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG TIỀN GIẢ VÀ BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM

Điều 20. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.

2. Yêu cầu cơ quan chức năng giám định tiền giả, tiền nghi giả theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

3. Kịp thời thông báo cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan nơi gần nhất về các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

4. Tuân thủ các quy định về quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam.

Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm tiền giả.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam theo phạm vi, thẩm quyền quản lý; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan trong việc xử lý các trường hợp tiền giả, tiền nghi giả, tiền nghi bị hủy hoại và phối hợp trong công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ tiền Việt Nam.

Điều 23. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

1. Bảo đảm đồng tiền trong lưu thông bền, đẹp, có khả năng chống giả cao, thuận tiện trong quản lý, sử dụng và hướng dẫn các biện pháp bảo quản phù hợp với chất liệu đồng tiền nhằm làm tăng thời gian sử dụng đồng tiền trong lưu thông.

2. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam.

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam đúng pháp luật; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ tiền Việt Nam.

Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc tổ chức thực hiện Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả, tiền nghi bị hủy hoại theo phạm vi thẩm quyền quản lý.

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Quản lý nội dung thông tin báo chí, quản lý nội dung phát thanh, truyền hình, quản lý xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành), quản lý thông tin điện tử đảm bảo đúng quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

2. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các đơn vị chức năng thuộc lĩnh vực quản lý thông tin, tuyên truyền các quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

  • Số hiệu: 87/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1303 đến số 1304
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH