Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh công lập

Chương 4.

QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 18. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là số tiền phải trả cho mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện theo lộ trình sau:

1. Năm 2013: Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp sau đây:

a) Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định);

b) Tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ;

c) Duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ;

d) Chi phí chi trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

2. Giai đoạn 2014 - 2017: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí sau đây:

a) Các khoản chi phí quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Chi phí về tiền lương:

- Năm 2014 - 2015: Chỉ tính 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

- Năm 2016 - 2017: Được tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại;

c) Chi phí nhân công thuê ngoài (nếu có). Chi phí đặc thù tối đa không quá 50% chi phí tiền lương của dịch vụ để chi trả thù lao nhằm khuyến khích, thu hút các chuyên gia, thầy thuốc giỏi làm việc tại đơn vị;

d) Khấu hao tài sản cố định là máy móc thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước; chi phí chi trả lãi tiền vay theo các hợp đồng vay vốn, huy động vốn để đầu tư, mua sắm trang thiết bị để thực hiện dịch vụ (nếu có): Được tính và phân bổ vào chi phí của các dịch vụ sử dụng nguồn vốn này;

đ) Chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.

3. Giai đoạn từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, gồm:

a) Các chi phí trực tiếp:

- Chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định);

- Chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường;

- Tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ; chi phí thuê nhân công thuê ngoài; chi phí đặc thù tối đa không quá 50% chi phí tiền lương của dịch vụ;

- Chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định, mua sắm thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ kỹ thuật;

- Khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước; chi phí chi trả lãi tiền vay theo các hợp đồng vay vốn, huy động vốn để đầu tư, mua sắm trang thiết bị để thực hiện dịch vụ (nếu có): Được tính và phân bổ vào chi phí của các dịch vụ sử dụng nguồn vốn này.

b) Chi phí gián tiếp:

- Chi phí của bộ phận gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện;

- Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học để ứng dụng các kỹ thuật mới.

4. Chi phí về tiền lương được tính theo nguyên tắc sau: Đối với những dịch vụ có đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được tính theo đơn giá tiền lương đã được phê duyệt. Đối với những dịch vụ chưa được quy định đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ thì chi phí về tiền lương được tính trên cơ sở hao phí lao động và mức tiền lương bình quân để thực hiện dịch vụ.

5. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2, cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập được tính đầy đủ các yếu tố chi phí quy định tại Khoản 3 Điều này và có tích lũy để đầu tư phát triển. Mức tích lũy tối đa không quá 10% chi phí của dịch vụ và được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Điều 19. Thẩm quyền quy định và quyết định giá dịch vụ y tế

1. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính theo từng dịch vụ, kỹ thuật y tế hoặc tính theo trường hợp bệnh.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong trường hợp thanh toán theo dịch vụ; khung giá của từng loại bệnh, nhóm bệnh trong trường hợp thanh toán theo trường hợp bệnh, gồm:

a) Khung giá tính theo lộ trình quy định tại Điều 18 Nghị định này;

b) Khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí và có tích lũy quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định này.

3. Đối với giá các dịch vụ y tế do Nhà nước giao hoặc đặt hàng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem xét điều chỉnh trong trường hợp:

a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

b) Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương;

c) Khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.

5. Thẩm quyền quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thực hiện theo các quy định hiện hành.

6. Mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này và tình hình thực tế để quyết định cho phù hợp.

Điều 20. Quy định về đối tượng và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh

1. Tất cả cá nhân, tổ chức (kể cả người nước ngoài đang công tác, lao động, học tập, du lịch, quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam) khi sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đều phải thanh toán chi phí theo mức giá dịch vụ và số lượng dịch vụ đã sử dụng, trong đó:

a) Người có thẻ Bảo hiểm Y tế: Được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về Bảo hiểm Y tế. Phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mức thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Người không có thẻ Bảo hiểm Y tế: Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Người nước ngoài là công dân của nước có ký kết Điều ước quốc tế về khám, chữa bệnh với Việt Nam thì chi phí khám, chữa bệnh; sẽ được áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Các đối tượng sau được Nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập:

a) Người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 66 của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

b) Người bị bệnh phong và người bị một số bệnh theo Quyết định của cấp có thẩm quyền;

c) Người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn theo quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khi điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Trung ương quản lý; của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do địa phương quản lý.

3. Phương thức thanh toán:

a) Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên giá của từng dịch vụ, kỹ thuật y tế được quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế người bệnh đã sử dụng;

b) Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo mức chi phí bình quân cho từng loại bệnh hay nhóm bệnh cụ thể đã được chẩn đoán.

Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thanh toán theo trường hợp bệnh. Bộ Y tế xây dựng lộ trình để đến năm 2020 phần lớn các loại bệnh hoặc nhóm bệnh được thanh toán theo phương thức này.

Điều 21. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

1. Khoản thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành theo quy định của Nghị định này được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng và không phản ánh vào ngân sách nhà nước.

2. Các đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi và quản lý chi tiêu, quyết toán khoản thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành; được phép mở tài khoản chuyên thu dịch vụ y tế tại ngân hàng thương mại để nhờ ngân hàng thu hộ nhưng định kỳ 5 ngày làm việc phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở kho bạc để theo dõi, quản lý chi tiêu và quyết toán.

3. Đối với khoản thu từ hoạt động dịch vụ, của các cơ sở hạch toán độc lập quy định tại Điều 6 của Nghị định này: Đơn vị được phép mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để theo dõi và quản lý nhưng khi sử dụng phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.

4. Các đơn vị phải sử dụng hóa đơn, biên lai theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh công lập

  • Số hiệu: 85/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 641 đến số 642
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH