Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 77/2023/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Chương III

MÃ SỐ TÂN TRANG

Điều 6. Mã số tân trang

1. Mã số tân trang là mã định danh do Bộ Công Thương cấp cho doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức.

2. Mã số tân trang được cấp cho doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu chứng minh được năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Nghị định này.

3. Mã số tân trang có thời hạn hiệu lực tối đa là 5 năm kể từ ngày cấp.

Điều 7. Hồ sơ cấp Mã số tân trang

1. Doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu (sau đây gọi là doanh nghiệp đề nghị) gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang qua đường bưu điện (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) tới Bộ Công Thương.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Mã số tân trang theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản chính).

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đề nghị hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương (01 bản sao kèm 01 bản dịch tiếng Việt nếu ngôn ngữ sử dụng tại bản sao không phải là tiếng Việt, cả 2 bản được xác thực bởi doanh nghiệp đề nghị).

c) Tài liệu thuyết minh năng lực tân trang, được lập cho từng mã hàng hóa tân trang đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam (01 bản chính bằng tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được ký bởi người ký Đơn đề nghị cấp Mã số tân trang).

d) Tài liệu thuyết minh việc hàng hóa tân trang đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo Hiệp định CPTPP, được lập cho từng mã hàng hóa tân trang đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam (01 bản chính bằng tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được ký bởi người ký Đơn đề nghị cấp Mã số tân trang).

đ) Bản cam kết dành chế độ bảo hành, bảo dưỡng cho hàng hóa tân trang tương tự như chế độ bảo hành, bảo dưỡng dành cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, được lập cho từng mã hàng hóa tân trang đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam (01 bản chính bằng tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được ký bởi người ký Đơn đề nghị cấp Mã số tân trang).

e) Văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép hàng hóa tân trang được sử dụng nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu hoặc được sử dụng cho hàng hóa mà mình sở hữu nhãn hiệu trong trường hợp hàng hóa tân trang là chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế (01 bản chính bằng tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được ký bởi đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu).

Điều 8. Yêu cầu đối với tài liệu thuyết minh năng lực tân trang

Tài liệu thuyết minh năng lực tân trang tối thiểu cần:

1. Thuyết minh rõ ràng và đầy đủ về công nghệ, phương pháp, máy móc, thiết bị, chi tiết, linh kiện, phụ tùng sử dụng trong quy trình tân trang đến mức căn cứ vào thuyết minh này, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể hiểu và đánh giá được kết quả của quá trình tân trang.

2. Thuyết minh rõ ràng và đầy đủ về quy trình kiểm tra chất lượng để chứng minh rằng hàng hóa tân trang đã được kiểm tra, thử nghiệm một cách khách quan, trung thực và kỹ càng để đạt được thông số kỹ thuật và chất lượng tương đương với thông số kỹ thuật và chất lượng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng. Các chứng chỉ chất lượng kèm theo, nếu có, phải được dịch sang tiếng Việt nếu sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được xác thực bởi doanh nghiệp đề nghị.

3. Thuyết minh rõ ràng và đầy đủ về các lý do giúp doanh nghiệp đề nghị tin rằng hàng hóa tân trang có được thời hạn sử dụng tương tự như thời hạn sử dụng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng và thực hiện được toàn bộ các chức năng như chức năng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, với chất lượng, hiệu quả thực hiện không thay đổi hoặc tương đương.

4. Thể hiện những lưu ý đặc biệt đối với việc vận chuyển, bốc xếp, lưu kho, sử dụng và tiêu hủy hàng hóa tân trang nếu những lưu ý này đã được áp dụng cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.

5. Kèm theo hình ảnh màu của hàng hóa tân trang.

Điều 9. Yêu cầu đối với tài liệu thuyết minh việc hàng hóa tân trang đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo Hiệp định CPTPP

Tài liệu thuyết minh việc hàng hóa tân trang đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo Hiệp định CPTPP tối thiểu cần:

1. Trình bày được quy tắc xuất xứ mà Hiệp định CPTPP áp dụng cho loại hàng hóa tân trang đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam.

2. Trình bày được các lý do giúp doanh nghiệp đề nghị tin rằng hàng hóa tân trang đáp ứng được quy tắc xuất xứ nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Yêu cầu đối với Bản cam kết dành chế độ bảo hành, bảo dưỡng cho hàng hóa tân trang

Bản cam kết dành chế độ bảo hành, bảo dưỡng cho hàng hóa tân trang tối thiểu cần:

1. Cam kết một cách rõ ràng, đầy đủ về việc dành cho hàng hóa tân trang chế độ bảo hành, bảo dưỡng tương tự như chế độ bảo hành, bảo dưỡng dành cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.

2. Kèm theo các tài liệu có liên quan để chứng minh cam kết nêu tại khoản 1 Điều này như danh sách các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hàng hóa tân trang tại Việt Nam kèm theo văn bản chấp thuận nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng hàng hóa tân trang của từng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng (nếu đang áp dụng cho chính hàng hóa đó khi chưa sử dụng); giấy bảo hành, thẻ bảo hành của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng. Tài liệu chứng minh phải được dịch sang tiếng Việt nếu sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được xác thực bởi doanh nghiệp đề nghị.

Điều 11. Yêu cầu đối với văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép hàng hóa tân trang được sử dụng nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu hoặc được sử dụng cho hàng hóa mà mình sở hữu nhãn hiệu

Văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu nêu tại Điều này tối thiểu cần:

1. Chứng minh được quyền sở hữu nhãn hiệu. Tài liệu chứng minh phải được dịch sang tiếng Việt nếu sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được xác thực bởi đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu.

2. Thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ và không thể nhầm lẫn về việc chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý cho hàng hóa tân trang trong Đơn đề nghị cấp mã số tân trang và doanh nghiệp đề nghị được phép sử dụng nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu, hoặc hàng hóa tân trang được phép sử dụng như là chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế cho hàng hóa mà mình sở hữu nhãn hiệu nếu hàng hóa tân trang là chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế.

Điều 12. Quy trình cấp Mã số tân trang

1. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) cho doanh nghiệp đề nghị để bổ sung, hoàn thiện.

2. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị đăng ký danh mục hàng hóa tân trang chỉ thuộc Phụ lục IV Nghị định này, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ và cấp Mã số tân trang cho doanh nghiệp đề nghị. Trường hợp từ chối cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị đăng ký danh mục hàng hóa tân trang thuộc Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục V Nghị định này, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương gửi hồ sơ tới bộ quản lý chuyên ngành để xin ý kiến thẩm định.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến thẩm định của Bộ Công Thương, bộ quản lý chuyên ngành thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc đồng ý hay không đồng ý cấp Mã số tân trang. Trường hợp không đồng ý cấp Mã số tân trang, bộ quản lý chuyên ngành nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương cấp Mã số tân trang hoặc có văn bản từ chối cấp Mã số, nêu rõ lý do.

4. Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý chuyên ngành yêu cầu doanh nghiệp đề nghị bổ sung thông tin thì khoảng thời gian kể từ khi gửi yêu cầu bổ sung thông tin cho tới khi nhận được thông tin bổ sung hợp lệ không tính vào thời hạn thẩm định hồ sơ.

Điều 13. Kiểm tra thực tế cơ sở tân trang

1. Bộ Công Thương và bộ quản lý chuyên ngành có quyền yêu cầu kiểm tra thực tế cơ sở tân trang trước khi cấp Mã số tân trang trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của hồ sơ cấp Mã số tân trang hoặc sau khi cấp Mã số tân trang trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro hoặc phát hiện doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

2. Yêu cầu kiểm tra thực tế cơ sở tân trang được Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) cho doanh nghiệp đề nghị cấp Mã số tân trang hoặc cho doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang trong trường hợp kiểm tra thực tế cơ sở tân trang sau khi cấp Mã số tân trang.

3. Bộ yêu cầu kiểm tra thực tế cơ sở tân trang là bộ chủ trì kiểm tra.

4. Bộ chủ trì kiểm tra và doanh nghiệp đề nghị cấp Mã số tân trang hoặc doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang thống nhất thời gian bắt đầu kiểm tra.

5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, bộ chủ trì kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra tới doanh nghiệp đề nghị cấp Mã số tân trang hoặc doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang bằng văn bản (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng). Thông báo này được sao gửi Bộ Công Thương trong trường hợp bộ chủ trì kiểm tra là bộ quản lý chuyên ngành.

6. Trường hợp việc kiểm tra thực tế diễn ra trước khi cấp Mã số tân trang hoặc trước khi chấp thuận đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang hoặc trước khi chấp thuận đề nghị gia hạn có sửa đổi, bổ sung thông tin của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang thì khoảng thời gian kể từ khi thông báo yêu cầu kiểm tra cho tới khi thông báo kết quả kiểm tra không tính vào thời hạn thẩm định hồ sơ.

Điều 14. Gia hạn hiệu lực Mã số tân trang

1. Doanh nghiệp có nhu cầu gia hạn hiệu lực Mã số tân trang gửi Đơn đề nghị gia hạn Mã số tân trang theo mẫu tại Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII Nghị định này tới Bộ Công Thương ít nhất 90 ngày trước ngày Mã số tân trang hết hiệu lực.

2. Thời hạn xử lý Đơn đề nghị gia hạn Mã số tân trang là không quá 07 ngày làm việc trong trường hợp không sửa đổi, bổ sung thông tin so với Mã số tân trang đã được cấp.

3. Trường hợp có sửa đổi, bổ sung thông tin so với Mã số tân trang đã được cấp, doanh nghiệp có nhu cầu gia hạn Mã số tân trang gửi bổ sung các tài liệu quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Quy trình xử lý Đơn đề nghị gia hạn Mã số tân trang trong trường hợp này thực hiện như đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung thông tin của doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 15 Nghị định này.

4. Mã số tân trang có thời hạn hiệu lực tối đa là 5 năm kể từ ngày Bộ Công Thương chấp thuận đề nghị gia hạn hiệu lực của Mã số tân trang.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung thông tin của doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang

1. Trường hợp đã được cấp Mã số tân trang nhưng có sự thay đổi thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang, doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin qua đường bưu điện (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) tới Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản chính).

b) Tài liệu thuyết minh đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin (01 bản chính bằng tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được ký bởi đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp).

c) Bản sao các tài liệu hỗ trợ cho tài liệu thuyết minh, nếu có (mỗi tài liệu 01 bản sao kèm theo bản dịch tiếng Việt, cả 2 bản được xác thực bởi đại diện có tham quyền của doanh nghiệp).

2. Trường hợp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin chỉ liên quan tới Phụ lục IV Nghị định này, việc sửa đổi, bổ sung thông tin không gây ảnh hưởng tới năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, Bộ Công Thương ra thông báo bằng văn bản chấp thuận đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin.

3. Trường hợp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin có liên quan tới Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục V Nghị định này, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, Bộ Công Thương gửi hồ sơ để lấy ý kiến bộ quản lý chuyên ngành.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Bộ Công Thương, bộ quản lý chuyên ngành có văn bản trả lời Bộ Công Thương. Nếu bộ quản lý chuyên ngành kết luận việc sửa đổi, bổ sung thông tin không gây ảnh hưởng tới năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương ra thông báo bằng văn bản chấp thuận đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin.

4. Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý chuyên ngành nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung thông tin có khả năng gây ảnh hưởng tới năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định hoặc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) cho doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang về việc thẩm định lại năng lực.

5. Việc thẩm định lại năng lực của doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang được thực hiện theo quy trình thẩm định như khi cấp Mã số tân trang.

6. Trong quá trình thẩm định lại năng lực của doanh nghiệp đã được cấp Mã số tân trang, Bộ Công Thương có quyền đình chỉ tạm thời hiệu lực của Mã số tân trang theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định này.

Điều 16. Đình chỉ, thu hồi Mã số tân trang

1. Bộ Công Thương thu hồi Mã số tân trang trong những trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Mã số tân trang cung cấp thông tin không đúng trong hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình thẩm định và cấp Mã số tân trang.

b) Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định trong vòng 30 ngày kể từ ngày Mã số tân trang bị đình chỉ hiệu lực theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

c) Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang không duy trì được năng lực tân trang, chế độ bảo hành hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu như đã trình bày tại hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang.

d) Hàng hóa tân trang do doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống các quy định nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

đ) Doanh nghiệp đề nghị cấp Mã số tân trang hoặc doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang không hợp tác trong quá trình kiểm tra thực tế cơ sở tân trang hoặc thẩm định lại năng lực của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang.

e) Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng từ chối việc bảo hành, bảo dưỡng hàng hóa tân trang.

g) Theo đề nghị của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang.

h) Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương.

2. Trường hợp doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang bị thu hồi Mã số tân trang theo quy định tại điểm a, b, d, đ, h khoản 1 Điều này, Bộ Công Thương không xem xét cấp lại Mã số tân trang cho doanh nghiệp đó.

3. Bộ Công Thương xem xét đình chỉ tạm thời hiệu lực của Mã số tân trang trong những trường hợp sau:

a) Để phòng ngừa rủi ro không thể khắc phục có thể phát sinh trong quá trình thẩm định lại năng lực của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang hoặc trong quá trình kiểm tra thực tế cơ sở tân trang sau khi đã cấp Mã số tân trang.

b) Hàng hóa tân trang vi phạm lần đầu các quy định nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

c) Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định.

4. Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang hết hiệu lực khi Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi.

5. Trường hợp hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận tải trước ngày Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quy định tại điểm b, c, đ, g khoản 1 và khoản 3 Điều 16 Nghị định này:

a) Thương nhân nhập khẩu gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp giấy phép quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này xem xét, quyết định việc nhập khẩu lô hàng, nêu rõ: lý do xin nhập khẩu hàng hóa khi Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi (gửi kèm các chứng từ chứng minh hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận tải trước ngày Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi; giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang đã được cấp trước đó cho lô hàng).

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của thương nhân nhập khẩu, cơ quan cấp giấy phép xem xét trả lời thương nhân bằng văn bản. Trường hợp không cho phép nhập khẩu, cơ quan cấp giấy phép có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

6. Bộ Công Thương thực hiện thông báo cho cơ quan cấp phép và cơ quan hải quan ngay khi có quyết định cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi Mã số tân trang để đảm bảo công tác quản lý liên quan.

7. Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kịp thời đến Bộ Công Thương về trường hợp phát sinh các hành vi vi phạm quy định về điều kiện đối với hàng hóa tân trang nhập khẩu để phối hợp xử lý, xem xét đình chỉ, thu hồi Mã số tân trang.

Nghị định 77/2023/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

  • Số hiệu: 77/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH