Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

Chương 3.

NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 12. Hoạt động của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

b) Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm;

c) Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay;

d) Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ;

đ) Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay;

e) Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản;

g) Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần;

h) Tổ chức bán đấu giá tài sản;

i) Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng;

k) Hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

2. Công ty Quản lý tài sản được ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện các hoạt động được quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của Công ty Quản lý tài sản

1. Quyền của Công ty Quản lý tài sản

a) Yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ, khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ bên bảo đảm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu về tổ chức và hoạt động của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm; thông tin, tài liệu về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản;

b) Đề nghị tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản;

c) Tham gia quá trình cơ cấu lại khách hàng vay sau khi góp vốn, mua cổ phần tại khách hàng vay;

d) Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm theo quy định của pháp luật; thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ;

đ) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý về tài sản bảo đảm và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm và thu hồi, xử lý nợ, tài sản bảo đảm;

e) Đề nghị các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản mua chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm;

g) Công ty Quản lý tài sản trở thành bên nhận bảo đảm và được thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên hợp đồng mua bán nợ xấu mà không phải ký lại hợp đồng bảo đảm với bên bảo đảm;

h) Giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các hoạt động được Công ty Quản lý tài sản ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định này;

i) Được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sau khi thống nhất với Bộ Tài chính;

k) Các quyền khác của chủ nợ, bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của Công ty Quản lý tài sản

a) Bảo toàn và phát triển vốn được Nhà nước giao;

b) Thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm;

c) Thực hiện việc đăng ký hợp đồng mua bán quyền đòi nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

d) Chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, công chúng về tình hình hoạt động;

đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ và quy định của pháp luật.

Điều 14. Mua nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó.

2. Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.

3. Tổ chức tín dụng bán nợ phải cung cấp cho Công ty Quản lý tài sản các thông tin, tài liệu về số dư nợ gốc và toàn bộ số lãi phải trả khách hàng vay chưa thanh toán.

4. Trường hợp mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; khi cần thiết, Công ty Quản lý tài sản thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.

5. Tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do Ngân hàng Nhà nước quy định không bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản được Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dựng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; chi phí kiểm toán, định giá do tổ chức tín dụng thanh toán;

b) Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

6. Việc mua bán nợ xấu được lập thành hợp đồng và tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.

Điều 15. Nguồn vốn của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản có các nguồn vốn sau đây:

a) Vốn điều lệ;

b) Trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản phát hành để mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng;

c) Các quỹ được trích lập theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty Quản lý tài sản không phải thực hiện quy định về tỷ lệ huy động vốn trên vốn điều lệ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Điều 16. Các biện pháp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản

1. Thực hiện các quyền của chủ nợ, bên nhận bảo đảm đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm nhằm thu hồi nợ, tài sản bảo đảm.

2. Tổ chức đôn đốc, yêu cầu trả nợ, thu nợ từ khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm.

3. Thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

4. Thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay.

5. Thu nợ bằng nhận chính tài sản bảo đảm của khoản nợ; thu hồi, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

6. Bán nợ cho các tổ chức, cá nhân.

7. Khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm ra Tòa án.

8. Nộp đơn yêu cầu Tòa án tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ và đối với bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Điều 17. Biện pháp cơ cấu lại nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay của Công ty Quản lý tài sản

1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng vay sau đây:

a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay;

b) Áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay và điều kiện thị trường;

c) Giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.

2. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc cơ cấu lại nợ của Công ty Quản lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp đánh giá khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt, Công ty Quản lý tài sản xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.

4. Công ty Quản lý tài sản thực hiện bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng trong trường hợp đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi tốt hoặc có dự án mới có hiệu quả đảm bảo trả được nợ vay.

Điều 18. Xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua

1. Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá.

2. Trường hợp không có thỏa thuận của các bên về xử lý tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện thông qua các phương thức bán đấu giá sau đây:

a) Bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp;

b) Công ty quản lý tài sản bán đấu giá.

Công ty Quản lý tài sản lựa chọn, quyết định phương thức bán tài sản bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

3. Sau khi thu giữ, tiếp nhận tài sản bảo đảm từ bên giữ tài sản bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản có quyền bán đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm. Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm cho bên sở hữu tài sản bảo đảm không muộn hơn 10 ngày làm việc trước ngày tổ chức bán đấu giá.

4. Kết quả đấu giá, hợp đồng bán tài sản của Công ty Quản lý tài sản cho bên mua tài sản là căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính, công chứng, chứng thực, làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm và chấm dứt quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của bên bảo đảm hoặc bên sở hữu tài sản.

5. Trong trường hợp Công ty Quản lý tài sản bán đấu giá tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp được dùng thay thế cho các loại giấy tờ này.

6. Trình tự, thủ tục tự tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Quản lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Điều 19. Xử lý tiền thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt

1. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, số tiền thu hồi nợ thông qua việc bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khách hàng vay trả nợ, bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.

2. Sau khi trừ đi số tiền phải trả cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 13 Nghị định này, tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng số tiền thu hồi nợ từ các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản do khách hàng vay trả nợ; bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm thanh toán; bán nợ; bán và xử lý tài sản bảo đảm.

3. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

  • Số hiệu: 53/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/05/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 291 đến số 292
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH