Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bên viện trợ là Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức được Chính phủ nước ngoài ủy quyền, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác cung cấp trực tiếp viện trợ khẩn cấp không hoàn lại nhằm cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Bên tiếp nhận viện trợ là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam; có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ gồm:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội;

c) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

3. Đối tượng thụ hưởng viện trợ.

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ” là các khoản viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của Bên viện trợ để thực hiện các hoạt động cứu trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Phòng chống thiên tai, được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.

2. “Viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai” là các khoản viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của Bên viện trợ để thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Phòng chống thiên tai, được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 09 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.

3. “Cơ quan chủ quản” là các cơ quan nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

4. “Chủ khoản viện trợ” là các tổ chức được cơ quan chủ quản giao tiếp nhận, quản lý khoản viện trợ.

5. “Đơn vị sử dụng viện trợ” là các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao sử dụng các khoản viện trợ.

6. “Quyết định tiếp nhận viện trợ khẩn cấp để cứu trợ” là văn bản quyết định của cơ quan có thẩm quyền về tiếp nhận các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ, bao gồm những nội dung chính: Tên khoản viện trợ; bên viện trợ; cơ quan chủ quản; chủ khoản viện trợ; mục tiêu của khoản viện trợ; tổng giá trị viện trợ; phương án phân bổ; trách nhiệm thực hiện.

7. “Quyết định chủ trương tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai” là văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tiếp nhận các khoản viện trợ quốc tế để khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm những nội dung chính: Tên khoản viện trợ; bên viện trợ; bên tiếp nhận viện trợ; mục tiêu của khoản viện trợ; tổng giá trị viện trợ; phương án phân bổ viện trợ.

8. “Văn kiện viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai” là tài liệu trình bày: bối cảnh; sự cần thiết; mục tiêu; nội dung chủ yếu của khoản viện trợ; kết quả, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; tổng vốn viện trợ, cơ cấu vốn; phương thức viện trợ; điều kiện của bên viện trợ (nếu có); hình thức tổ chức quản lý thực hiện khoản viện trợ.

9. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước là các khoản viện trợ bằng hàng, bằng tiền do phía Việt Nam quản lý và chi tiêu theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan.

Điều 4. Nguyên tắc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ

1. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân.

3. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với Bên viện trợ.

Điều 5. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ

1. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thuê kho, bến bãi tiếp nhận và các chi phí liên quan khác theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, phù hợp với phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí và trách nhiệm bố trí kinh phí phải được thể hiện trong quyết định tiếp nhận viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do các đơn vị tiếp nhận viện trợ tự thu xếp.

Nghị định 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai

  • Số hiệu: 50/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 571 đến số 572
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH